Home » » Phá thai và gia đình Việt Nam (p2)

Phá thai và gia đình Việt Nam (p2)

PHÁ THAI VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM

PHẦN 2 – HÀN GẮN VẾT THƯƠNG LÒNG DO PHÁ THAI ĐỂ LẠI


Như phần 01 đã trình bày về những giá trị của gia đình bị tội ác phá thai huỷ hoại như thế nào, tất nhiên, chúng ta không thể nào ngồi nhìn cho gia đình chúng ta và xã hội mà chúng ta sống, tương lai mà con em chúng ta sẽ sống bị tội ác phá thai huỷ diệt. Nhưng làm điều đó như thế nào ? Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một quan điểm khác nhau, mỗi người có lý lẽ khác nhau. Ở đây, tôi xin được phép chỉ trình bày trong suy nghĩ hạn chế của mình trên quan điểm chung cho các gia đình Việt nam chứ không riêng gì Công Giáo hay lương giáo, Chúng ta phải làm thế nào để có thể cứu vãn hạnh phúc gia đình khi đã liên quan cách này hay cách khác về phá thai.



A. TẠI SAO CẦN PHẢI BẢO VỆ SỰ SỐNG ?


Để có thể hàn gắn vết thương lòng do phá thai để lại những hậu qua kinh hoàng trong cá nhân và gia đình. Trước hết mời bạn hãy xác định lại một số quan điểm sau đây để chúng ta minh định được mục đích mà chúng ta cần phải làm để cứu gia đình thoát khỏi sự đổ vỡ.

1. Xác định quan điểm về Sự Sống:


Một số quan điểm về Sự Sống mà chúng ta cần biết.

- Công Giáo với qian điểm, niềm tin “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo. dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… xương cốt con, Ngài đâu lạ lẫm gì. Khi con được hình thành trong nơi bí ẩn” (Tv 139, 13 – 15) hay “Trước khi cho người được hình thành trong dạ mẹ, ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân” (Gr 1, 5): và “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp. Nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (GI 3, 28)…

- Theo Phật Giáo, cụm từ “đầu thai” để bắt đầu một con người được sinh theo kiếp luân hồi, ai có một tiền kiếp tốt đẹp sẽ được đầu thai làm người cũng khẳng định rất rõ về tính Người ngau khi bắt đầu quá trình đầu thai.

- Trong tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền nêu rõ ngay điều 01: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi. có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”.

- Trong quan điểm y học đã chứng minh. “Con người được hình thành ngay từ thời khắc đầu tiên khi tế bào trứng được thụ tinh”.

Tất cả các quan điểm nêu trên khẳng định với chúng ta rằng. Sự Sống bắt nguồn từ Thượng Đế, thai nhi dù bất cứ giai đoạn nào cũng là một con người và có quyền bình đẳng, quyền được sinh ra, quyền sống, quyền được phát triển như bất cứ một con người nào khác đã được sinh ra. Và các quyền đó phải được bảo vệ, bất khả xâm phạm.

2. Xác định quan điểm về hành vi ngụy biện:

Thông qua quan điểm của Sự Sống, chúng ta mới thấy rõ, bất cứ hành vi, bất cứ hình thức nào ngăn chặn, ủng hộ hay cắt đứt một Sự Sống, cho dù Sự Sống ấy ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của thai nhi cũng là một hình thức giết người. Không một hoàn cảnh nào hay điều kiện nào cho dù có ngặt nghèo đến thế nào đi nữa cũng không thể dùng nguỵ biện cho hành vi giết người này. Không ai có quyền nhân danh Sự Sống của mình để tiêu diệt một Sự Sống khác và càng không ai có quyền chỉ vì lợi ích của mình mà từ chối Sự Sống do chính bản thân mình tạo ra trong tự nhiên. Vì vậy, không thể nhân danh một thứ luật nào đó để phá thai, không được ủng hộ, lôi kéo hay lừa phỉnh dưới các chiêu bài kinh tế hay chọn lọc nòi giống để phá thai… Tất cả các hành vi đó chỉ là nguỵ biện không hơn không kém. Nói một cách khác, tất cả các lý do để phá thai chỉ là nguỵ biện.

3. Xác định quan điểm về lương tâm:

Thông qua các lý do để phá thai chỉ là nguỵ biện, Chúng ta có thể xét đến quan điểm về lương tâm. Lương tâm, nơi chứa đựng những suy nghĩ về những hành động đã làm. Lương tâm cũng là một vị quan toà riêng của mỗi người để tự phán xét chính bản thân mình. Lương tâm cũng là một cán cân minh định ranh giới giữa CON và NGƯỜI của chúng ta. Lương tâm là người bảo vệ chúng ta khỏi những hành vi xâm phạm vào các luật lệ, niềm tin, kiến thức, công lý, công bằng v.v... với mục đích giúp cho chính bản thân ta tránh khỏi những điều xấu xa, tránh được các hậu quả đáng tiếc mà đặc biệt là với những hậu quả không thể cứu vãn như phá thai, giết người.

Một lương tâm trong sáng là một điển hình cho một con người có nhân bản, có đạo đức với tính NGƯỜI thống trị và ngược lại. Vì lương tâm là nơi phản ảnh trung thực nhất những hành vi chúng ta hành động nên ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần của con người quả là không nhỏ.

Chúng ta từng biết rất nhiều người có thể qua mặt mọi người trong một thời gian rất dài, rất nhiều tội phạm già dặn từng trải v.v... nhưng cuối cùng không thể qua mặt được lương tâm nên đã phải đầu thú hoặc nhiều người còn bị dày vò đến mức phải tự huỷ bỏ cá cuộc sống của mình. Qua các cuộc khảo sát cho thấy gần như 100% các người đã từng liên quan đến phá thai đều phải chịu đựng những ám ảnh dằn vặt trong lương tâm cho đến cuối đời.

4. Xác định quan điểm về tình liên đới:

Ở đây, chúng ta chỉ xác định tình liên đới của Sự Sống với gia đình và xã hội. Trong gia đình, trong xã hội nhất thiết phải có tình liên đới giữa các con người để duy trì các trật tự, phẩm chất, truyền sinh nòi giống và duy trì Sự Sống một cách cân bằng theo các quy luật tự nhiên. Thế hệ lớp trước, thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai không thể phủ định lẫn nhau mà luôn bổ sung cho nhau trong quá trình Sự Sống của con người.

Quy luật cân bằng của tự nhiên phải có mạnh, có yếu, có sinh, có tử, có hoàn thiện, có khuyếm khuyết v.v... được gắn kết chặt chẽ vào nhau. Không thể có một xã hội Sự Sống chỉ toàn những người khoẻ, hay toàn những người thông minh nhu nhau v.v... cũng không thể tồn tại một xã hội con người chỉ toàn những ngườiíôm yếu, tàn tật… do đó, trong tự nhiên đã phân chia cho mỗi người có những vai trò của mình, chẳng ai giống ai, nhưng lại gắn bó mật thiết bằng tình liên đới với nhau.

Trong một gia đình cũng vậy. Có thế hệ trước mới có thế hệ hiện tại, có thế hệ hiện tại thì phải có thế hệ tương lai. mỗi thế hệ được xác định bởi con người. Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Phá thai là hành vi phủ nhận tình liên đới giữa các thế hệ, con người với nhau. Trái với quy luật và gây đổ vỡ gia đình.

5. Xác định giá trị tương lai:

Trong hôn nhân giữa người nam và người nữ một trong những yếu tố chính yếu mang giá trị tương lai, Đó là truyền sinh, bảo tồn nòi giống. Nếu con người sinh ra để rồi chết, nếu chết để rồi chấm hết thì điều đó còn có ý nghĩa gì. Xen giữa quá trình sinh lão, bệnh, tử phải là sinh. Và tiếp tục lặp lại quá trình sinh, lão, bệnh, tử ấy thì căn tính vốn có của con người mới được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các giá trị lưu truyền ấy kể cả con người chính là giá trị tương lai.

Chúng ta nên nhớ rằng, trong mỗi bào thai, đều có các yếu tố di truyền của Cha và mẹ, không những vậy còn có cả các yếu tố di truyền từ các thế hệ ông, bà, cụ, kỵ có khi cả mấy đời, Ngoài ra, còn có cả các yếu tố di truyền mới được kết lập… Kết hợp thành một thực thể sống tinh vi, và để cho thực thể sống ấy hoàn thiện phải trải qua nhiều tác động biến đổi từ gia đình, xã hội, giáo dục, văn hoá v.v...

Tự nhiên, Gia đình và xã hội mới tạo ra được một giá trị tương lai sinh động như vậy. nói rộng hơn. Sự Sống tồn tại buộc phải có sự đa dạng của giá trị tương lai. Vậy mà ngày nay, các giá trị tương lai ấy đang bị huỷ bỏ không thương tiếc, không phẩm giá, không suy nghĩ bằng các biện pháp phá thai.


B. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI BẢO VỆ SỰ SỐNG:

Chúng ta đã xác định 5 yếu tố mang tính hệ thống quan điểm về Sự Sống, Vậy khi hàn gắn vết thương lòng, chúng ta cần phải có sự nỗ lực và hy sinh rất lớn, do đó, các trở lực sau đây sẽ là những trở lực mà chúng ta sẽ phải vượt qua.

1. Trở lực về cái tôi tâm lý:

Đây có lẽ là trở lực lớn nhất, khó vượt qua nhất của chúng ta. Một người đã từng phá thai hay đang lâm vào hoàn cảnh phải nghĩ đến biện pháp phá thai rất khó vượt qua những cái tôi bao la đa dạng này: Cái tôi danh dự, cái tôi sợ nghèo, cái tôi tự ti, cái tôi kiêu ngạo, cái tôi hận thù, cái tôi sợ hãi, cái tôi buông thả, cái tôi vất vả… và hàng trăm ngàn cái tôi như vậy. Có lúc, cái tôi như to lớn nặng nề, có lúc, cái tôi lại nhỏ bé nhói đau, có lúc, cái tôi như gánh nặng sơn khê mà có lúc cái tôi lại nhẹ nhàng như lông...

Thế đấy, nhưng vượt qua cái tôi tâm lý chẳng dễ gì. Cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh. Nạn nhân của phá thai mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai ngoài một điểm chung là đã đánh mất chính mình trong tay tội ác. Làm sao tìm lại cái tôi đã mất, vượt qua cái tôi để đừng phá thai, để hàn gắn vết thương lòng.

2. Trở lực kinh tế, cuộc sống:

Kinh tế là một trong những dạng trở lực mà người ta thương mang ra để nguỵ biện nhiều nhất và có vẻ như hợp tình hợp lý nhất, các nhà lãnh đạo ủng hộ phá thai cũng thường mang yếu tố này để lập ra những luật lệ, chương trình này chương trình khác nhằm phá thai để làm giảm mức sinh, đặc biệt, yếu tố này cũng thường tấn công vào đa số dân nghèo thất học và ít hiểu biết.

Nạn nhân của các thời đại, của các chủ nghĩa. Cuộc sống luôn có những khó khăn của nó và cũng không ai không có những khó khăn của mình. Nay lại thêm con, thêm người, thêm trách nhiệm, thêm vất vả, thêm lo lắng… có lẽ chịu không nổi, thôi thì… và cứ như vậy, cuối con đường dẫn đến sẽ là phá thai.

3. Trở lực cộng đồng:

Với quốc gia còn nặng về tư tưởng gia phong lễ nghĩa. vấn đề danh dự trước cộng đồng là một trở lựa rất lớn và khó vượt qua, một khi ai đó mắc vào chuyện có thai ngoài hôn nhân. Danh dự gia đình, cá nhân bị xúc phạm, Những lời đàm tiếu của cộng đồng, Có nhiều nơi còn tậy chay, xua đuổi hay phạt vạ dưới nhiều hình thức vô tình đè nặng lên nạn nhân, và để che dấu họ chỉ còn con đường duy nhất là phá thai. Vấn đề ở đây là phải có sự thông cảm và tha thứ của cộng đồng. Đó sẽ là một khuyến khích lớn lao cho những con người lầm lỡ có thể quay về với yêu thương đích thực.


C. QUYẾT TÂM BẢO VỆ SỰ SỐNG:

Minh định quan điểm và vượt qua các trở lực không phải chỉ một sớm một chiều mà là hành động trong suốt quá trình còn lại của Sự Sống, Cũng không phải dễ dàng đạt được các kết quả như mong ước, Do vậy, xin mạn phép trình bày một chìa khóa, dưới khía cạnh Đức Tin của Công Giáo nhằm giúp nâng cao đời sống sám hối để chúng ta đủ sức kiên trì hàn gắn lại vết thương nhức nhối khổ đau do phá thai để lại và là lời kết bài trong một tình yêu của Đức Kitô.

“Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng thí mạng sống mình vì người mình yêu”.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa 10.2008


Theo báo EPHATANĂM THỨ CHÍN. SỐ 390. CHÚA NHẬT 26.10.2008
TTMV DCCT

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét