Quý độc giả Ephata thân mến,
Hơn một lần chúng tôi đã có tâm sự về một nỗi buồn của những người Bảo Vệ Sự Sống, đặc biệt là phía những anh em Linh Mục chúng tôi. Đó là chuyện ngang qua hàng ngàn trường hợp tư vấn Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi rút ra được một kết luận bàng hoàng: thuyết phục một người Công Giáo bỏ ý định phá thai khó hơn gấp nhiều lần so với một người không phải Công Giáo!
Mới đây, khi mấy anh em chúng tôi có việc phải đi giảng Đại Phúc xa, Mục Vụ BVSS ở Sàigòn chúng tôi phải cậy nhờ đến các cha khác trong cộng đoàn, trong đó có cha An Phong Phạm Gia Thụy. Cha An Phong là Bề Trên Tập Viện của chúng tôi gần hai mươi năm về trước, sau đó ngài còn là cha giáo môn Luân Lý Khai Khoa và Chuyên Biệt cho chúng tôi khi ở Học Viện DCCT.
Đi xa về, chúng tôi đến chào ngài ngay để cám ơn, ngài vui lắm, bảo là ở Sàigòn trong một thời gian ngắn, ngài đã cứu được mấy ca suýt phá thai. Vừa vui một chút, mặt ngài buồn hẳn đi, chau mày bảo: “Trời ơi, tôi phải mất cả giờ đồng hồ với một ca Công Giáo, trong khi những người không phải là Công Giáo, tôi chỉ nói thoáng qua một chút là họ hiểu ngay rằng không được phép làm như thế ! Đấy là chuyện lạ, đáng phải suy nghĩ, lương tâm của không ít người Công Giáo mình bị lệch lạc dị dạng thế nào đấy...”
Chúng tôi chưa thể làm được một thống kê chi tiết và sâu sát về vấn đề này, nhưng rõ ràng người Công Giáo, đặc biệt là ở những vùng toàn tòng Công Giáo. Nhiều, nhiều lắm những trường hợp thuộc các vùng có truyền thống Công Giáo lâu đời của miền Bắc, miền Trung hay vùng của người di cư 54 vào miền Nam. Nếu có xảy ra với trường hợp gia đình có một bên là Đạo theo, thì ý muốn phá thai lại thường đến từ phía người Đạo gốc!
Rõ ràng khi đối diện với vấn nạn có thai ngoài ý muốn, người ta đã phản ứng ngược với Tin Mừng, chọn lấy quyết định không có một chút gì là Tin Mừng. Họ bám chặt vào những lý luận biện hộ về quy chế xã hội (Tôi là công nhân viên Nhà Nước, bà xã đẻ đứa thứ ba thì coi như tôi bị rắc rối to!), về kinh tế sự nghiệp (Tôi đang làm ăn thua lỗ, lấy gì cho vợ mang bầu, sanh con, rồi còn nuôi ăn học?), về danh dự sĩ diện (Tôi ở trong Hội Đồng Giáo Xứ, mặt mũi nào tôi nhìn cha xứ với lại đọc Sách Thánh khi con tôi chửa hoang?), cả về giáo dục đạo đức nữa chứ! (Tôi là mẹ chúng nó, lộ chuyện này ra, làm sao mà tôi còn giáo dục được mấy đứa con gái kia?). Còn đối với bản thân người phụ nữ có ý muốn phá thai, đó là vấn đề trách nhiệm liên đới chằng chịt với người thân (Bố mẹ con ở quê có thể phải bị quỳ lạy giữa Nhà Thờ xin lỗi cha xứ và cộng đoàn, thôi thà con chịu tội phá thai còn hơn...).
Có khá nhiều trường hợp bản thân cha mẹ người phá thai hoặc chính người phá thai lại là người trong các đoàn thể như Giáo Lý Viên, huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio, họ có cách lý luận thản nhiên đến rùng mình: “Phá rồi đi xưng tội, mới chỉ là một giọt máu ấy mà!”
Vấn đề đặt ra là toàn bộ cơ chế của Đạo mà Hội Thánh đã gầy dựng tại Việt Nam hàng mấy trăm năm, lại thêm nếp sống Đạo trong Giáo Xứ từ bao đời với một hệ thống Giáo Lý kín mít từ bé đến lớn, với các ban ngành đoàn thể hàng dọc hàng ngang chằng chịt và chặt chẽ, vậy mà tất cả dường như lại không đương cự nổi với cơn lũ quét của cuộc đời tục hóa. Phải nói là gần như không có tôn giáo nào trên thế giới lại có được cái khung giữ Đạo và sống Đạo hoàn chỉnh như Công Giáo chúng ta. Thế nhưng đến khi giáp mặt với thế gian, chúng ta thấy lộ ra hàng loạt những lỗ hổng, bất cập, suy thoái về Tín Lý và Luân Lý, về lương tri và phán đoán ngay từ trong gia đình ra đến Giáo Xứ, từ cá nhân cho đến tập thể.
Chúng ta không phủ nhận lúa tốt của Tin Mừng vẫn đang lớn mạnh, hứa hẹn những vụ mùa bội thu cho Hội Thánh. Nhưng cạnh đó, chúng ta cũng cần khiêm tốn để tự nhận ra cỏ lùng cũng đang âm thầm đua theo, tăng trưởng dữ dội và bắt đầu hoành hành phá hoại ghê gớm.
Hình như Hội Thánh chúng ta đã làm được nhiều việc lắm, nhưng mạnh về chiều rộng và chiều cao mà chưa thật sự đạt được nhiều về chiều sâu và chiều xa. Người lớn thì kinh hạt lễ lạc quá tốt, giới trẻ thì sinh hoạt các mặt phong trào khá nhộn nhịp rôm rả, nhưng việc huấn luyện lương tâm thì không có hoặc có mà không đủ liều lượng và nồng độ, không cập nhật kịp những phán đoán và nhận định trước sức phát triển quá nhanh của thời đại. Cái nôi yêu thương của gia đình lại ngày càng lỏng lẻo nhợt nhạt, không còn là chỗ dựa nâng đỡ mà ngược lại, lắm khi gia đình còn áp đặt thêm sức ép của vị kỷ hẹp hòi, sĩ diện hão, danh dự bề ngoài. Và hậu quả là con người lấy mình làm trung tâm, Thiên Chúa bị từ khước, Sự Sống bị tổn thương.
Hướng về Đại Hội Dân Chúa sẽ được mở ra liên tiếp trong những năm đặc biệt này của Hội Thánh Việt Nam, bên cạnh việc nhìn lại quá khứ để vui mừng tạ ơn Thiên Chúa, ắt là chúng ta cần phải dừng lại trong hiện tại để nhận diện những trách nhiệm của chúng ta, Giáo Sĩ cũng như Giáo Dân, Giáo Xứ và gia đình, trong lãnh vực giáo dục Đức Tin, giáo dục lương tâm Kitô Giáo. Rồi chúng ta còn phải định hướng được cho tương lai mình sao cho không lạc bước khỏi con đường mang tên Giêsu.
Riêng trong Mục Vụ Bảo Vệ Sự Sống, đây là thời điểm chưa đến nỗi quá muộn để ngỏ lời kêu gọi toàn Dân Chúa hãy đón nhận và sống theo tinh thần của Evangelium Vitae, một văn kiện có thể xem như là di huấn thiêng liêng về Sự Sống của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị. Không làm được điều này, lại không chịu làm ngay, chúng ta mắc một món nợ khổng lồ và kinh khủng với các thai nhi trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.
Không ít đâu, cả mấy triệu em bé bị giết đi hàng năm tại Việt Nam! Mà nhiều năm như thế rồi!
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 5.7.2009
Báo Ephata
năm thứ 9, số 436, Chúa Nhật 5.7.2009
TTMV DCCT
năm thứ 9, số 436, Chúa Nhật 5.7.2009
TTMV DCCT
0 bình luận:
Đăng nhận xét