Home » » Những điều xót xa

Những điều xót xa

Mở trang giadinh.net thấy bài viết “Vui buồn quanh nghĩa trang độc nhất vô nhị Việt Nam”. Tôi nhầm tưởng rằng bài viết về đề tài nghĩa trang đồng nhi của các thai nhi bị phá. Nhưng khi đọc mới vỡ lẽ ra đó là một bài viết về một nghĩa trang hoành tráng đắt đỏ dành cho chó và những con vật cưng, gọi là tề đồng vật ngã, nghĩa trang do một người Việt yêu súc vật có tên là Bảo Sinh tự bỏ tiền tỷ của mình để xây dựng trong một khuôn viên 700m² (Có nhiều báo khác đăng tới 3.000m2), tọa lạc giữa lòng thủ đô, nơi mà giá đất đắt đỏ có hạng trên thế giới.

Những ngôi mộ đồ sộ, những bài vị trang nghiêm, những bát nhang nghi ngút khói, bia chí có hình có tên, cho thấy một nghĩa trang được xây dựng công phu tốn kém, có đài lễ hẳn hoi và cảnh trí được sắp xếp bố cục chuẩn mực. Hằng ngày, các chú chó đã chết được cúng vái hương khói thành kính. Có lễ cầu siêu, có cao tăng tụng niệm. Những ai muốn vật cưng của mình sau khi lìa đời có một nơi an táng như thế phải bỏ ra tiền triệu trong khu nghĩa trang này. Nghĩa trang được xây dựng mà không nghe nói đến những ngăn trở cấm đoán, cũng không ai nghe nói đến người chủ của nó có bị sách nhiễu hay không, chỉ có một số những lời đàm tiếu vỉa hè về cách làm hơi ngông của ông chủ.

Đọc mới biết rằng người Việt Nam bây giờ cũng có tấm lòng bao la với thú vật, khác hẳn với những gì thường thấy quanh phố cầy 7 món, khác hẳn với cảnh một chú chó lạc đường phải chạy trối chết trước một đám thanh niên hét hò gậy gộc cố đập cho nó chết để chiều đến có cái mà lai rai chút đỉnh, khác với những giống loài trong sổ đỏ vẫn phải đồng hành với thân phận chú cầy trên những bàn nhậu vương giả, khác với số phận của những con bò tót, tê giác hiếm hoi mà vẫn là mục tiêu cho các cuộc vui săn bắn của một số quan chức dạo nọ.

Tình thương dành cho thú vật cũng là một điểm thật đánh quý, đó cũng là biểu hiện cho lòng nhân ái của con người. Giữa cái thời đại hiếm hoi, người với người còn chẳng thương nhau, ngay đến tình ruột thịt cũng xem là vướng bận thì tình thương với một con chó, một con mèo có xá gì đâu. Chó chết mà đem chôn chứ không làm mồi nhậu hay mang bán cũng có khi bị coi là dở hơi lắm rồi chứ nói gì đến chuyện lập mộ bia rồi thắp nhang cúng vái.

Đọc bài viết trên, tôi không có ý kiến gì về những chuyện cầu siêu hay cúng vái của ông chủ nghĩa trang, bởi đó cũng là một phần niềm tin của Phật Tử trong Giáo Lý nhà Phật mà tôi không rành lắm, nhưng trong tôi chỉ thầm ước ao, một điều ước xót xa, một điều ước có nhiều nghịch lý trong cuộc sống đời thường. người ta thường ước những điều tốt đẹp, ước được hạnh phúc và giầu sang, và mong muốn những điều ước trở thành hiện thực. Nhưng điều ước của tôi muốn được nhưng lại không muốn được, mà có được vẫn thấy nó ray rứt, vẫn thấy đắng cay thế nào ấy.

Tôi cũng xin được giấu mãi điều ước ấy cho riêng mình, chẳng dám nói ra. Thế nhưng, ai muốn biết thì xin đọc các bài viết trên báo Ephata, trên các trang web Bảo Vệ Sự Sống của DCCT v.v... về các Nghĩa Trang Đồng Nhi khắp nơi trên quê hương Việt Nam hiện tại, đọc về những nơi chôn cất các Thiên Thần nhỏ bé bị sát hại dã man, ở nơi mà nước mắt muốn rơi mà không rơi được, nơi một phần mộ 20 phân vuông mà phải đến cả chục em chen chúc, nơi đa số cha mẹ các em cũng không biết rằng con mình đang nằm đó, không thân nhân thăm viếng, không hoa, không nhang khói, không tên, không hình ảnh. Lâu lâu mới có một Thánh Lễ trong im lặng thẳm sâu tâm hồn những con người thiện nguyện.

Những Nghĩa Trang Đồng Nhi này ở những nơi hoang vắng chứ làm gì được tọa lạc giữa lòng thành phố. Đã thế, có mấy Nghĩa Trang Đồng Nhi như thế mọc lên mà không bị phiền hà sách nhiễu, thậm chí có cái phải bốc lên bốc xuống chạy quanh, đã mấy Nghĩa Trang Đồng Nhi được công khai hóa, được công nhận trong các quy hoạch của Nhà Nước.

Nói dại mồm chứ nhỡ nằm vào khu quy hoạch của mấy ông quyền tước nào đó thì xác thân các em lại bị tàn phá một lần nữa chứ đâu có được nằm yên, còn những người chủ của những Nghĩa Trang Đồng Nhi này làm gì có tiền, họ chỉ có một tấm lòng bao la vô bờ vô bến đối với các thai nhi xấu số, không những họ bị nhiều lời đàm tiếu chung quanh mà có người còn phải bị bắt đem đi xét nghiệm tâm thần, xem có bị gì không, hay còn bị xem là một Mafia buôn bán trẻ em hay còn tệ hơn nữa là bị nghi ngờ là mang xác các thai nhi này về làm cái gì đó ghê gớm lắm.

Phải trải qua biết bao nhiêu khó nhọc gian truân những con người đáng quý này mới có thể vượt qua số phận, vượt qua bao khó khăn với những hoàn cảnh éo le trắc trở để xây dựng một nơi tạm gọi là an nghỉ cho những linh hồn bé nhỏ đáng thương.

Những Nghĩa Trang Đồng Nhi là như thế, chỉ một số nhỏ những em nào may mắn thì còn được có một nơi gởi gắm xác thân mình những nơi như vậy, còn đại đa số các em khác thì làm gì có được cái may mắn như vậy, các em bị xem là rác rưởi, bị xem là thức ăn gia súc, bị xem là món ăn tẩm bổ. Cay đắng là thế, nhưng mấy ai giữa xã hội tiền của bon chen này bỏ chút thời gian ngẫm nghĩ cho những số phận bi thương. Họ vẫn mải miết với toan tính của mình rồi quẳng hết nghiệt ngã cho các thai nhi, để chiều chiều ôm con cún cưng dạo phố khoe mẽ với thiên hạ rằng ta đây trưởng giả.

Bạn hãy xem đi và bạn sẽ ước ao những gì, còn tôi xin mượn và sắp xếp tạm lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để buồn nỗi buồn man mác cho những linh hồn bé nhỏ mà tôi thương mến.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
[…]
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
[…]
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
(Một cõi đi về)

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa 3.2009
Ephata Việt Nam, năm thứ chín. số 413. Chúa Nhật 29.03.2009

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét