Chương IV
CHÍNH LÀ CHO TA MÀ CÁC CON LÀM ĐIỀU ĐÓ
TIẾN TỚI NỀN VĂN HOÁ MỚI CỦA SỰ SỐNG CON NGƯỜI
“Anh em là dân tộc thuộc về Thiên Chúa, có nhiệm vụ loan báo những kỳ công của Ngài” (x. 1Pr 2,9)
Dân tộc của sự sống và vì sự sống
78. Giáo Hội đã đón nhận Tin Mừng như một loan báo và như một nguồn vui và nguồn cứu độ. Giáo Hội đón nhận Tin Mừng như hồng ân của Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha sai xuống “đề mang Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Giáo Hội đón nhận Tin Mừng qua các Tông đồ được Chúa sai khắp thế gian (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20). Được sinh ra từ hành động loan báo Tin Mừng này, Giáo Hội cảm thấy vang lên trong lời mình lời cảnh cáo hằng ngày của Thánh Tông Đồ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Như Đức Phaolô VI đã viết, phúc âm hoá quả thực là hồng ân và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng (101).
Phúc âm hoá là hành động bao quát và năng động, đưa Giáo Hội tới chỗ tham gia sứ mệnh ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Giêsu. Vì thế, việc ấy bao gồm một cách không thể tách rời các chiều kích của việc loan báo, cử hành và việc phục vụ của đức ái. Đó là hành vi mang tính Giáo Hội sâu xa liên quan tới mọi người thợ làm việc cho Tin Mừng, mỗi người theo ơn đoàn sủng và thừa tác vụ của mình.
Cũng như thế đối với việc loan báo Tin Mừng về sự sống, thành phần của Tin Mừng, là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta là những người phục vụ Tin Mừng này, được nâng đỡ bởi ý thức rằng mình đã đón nhận Tin Mừng ấy như một hồng ân và được sai đi để loan báo Tin Mừng ấy cho cả nhân loại “tới mãi tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chính vì thế chúng ta khiêm tốn và tri ân duy trì tâm tư mình là dân của sự sống và vì sự sống: trước mặt mọi người chúng ta thật sự là như vậy đó.
79. Chúng ta là dân của sự sống và vì sự sống bởi lẽ, trong tình yêu nhưng không của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho ta Tin mừng về sự sống và bởi lẽ Tin Mừng này đã biến đổi và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta được “Đấng ban sự sống” chinh phục lại (Cv 3,15) với giá bửu huyết của Ngài (x. 1Cr 6,20; 7,23; 1Pr 1,19), nhờ được dìm trong giếng Thanh Tẩy, ta được tháp nhập vào Ngài (x. Rm 6,4-5); Cl 2,12) như những cành cây hút từ cùng một thân cây nhựa sống và sinh hoa kết trái (x. Ga 15,5). Được canh tân trong nội tâm bởi ơn Chúa Thánh Thần, “Ngài là Chúa và là Đấng ban sự sống”, chúng ta đã trở nên dân tộc vì sự sống và chúng ta được gọi để cư xử trong tư cách ấy.
Chúng ta được sai đi: đối với chúng ta, phục vụ sự sống, không phải là lý do cho ta kiêu ngạo, mà là bổn phận phát sinh từ ý thức rằng mình là: “dân tộc Chúa đã chiếm hữu, để tuyên xưng lời ca tụng Ngài” (x. 1Pr 2,9). Luật của tình yêu hướng dẫn ta và nâng đỡ ta trên đường đi, tình yêu mà Con Thiên Chúa làm người là nguồn mạch phát sinh và mẫu gương, Ngài “đã ban sự sống cho thế gian nhờ cái chết của mình” (102).
Chúng ta được sai đi như một dân tộc.Việc dấn thân phục vụ sự sống liên hết tới từng người. Đó là một trách nhiệm mang tính “Giáo Hội”, nó đòi một hành động nhịp nhàng và quảng đại của mọi thành viên và mọi cơ cấu trong Cộng đoàn Kitô giáo. Tuy nhiên, bổn phận chung không loại bỏ và không giảm bớt trách nhiệm cá nhân, bởi vì lệnh truyền của Chúa nói với từng con người là phải làm cho mọi người thành người lân cận của mình: “Anh hãy đi, và chính anh hãy làm như thế” (Lc 10,37).
Tất cả chúng ta cùng cảm thấy bổn phận loan báo Tin Mừng về sự sống, tôn dương Tin Mừng này trong phụng vụ và trong cả cuộc sống, phục vụ Tin Mừng này bằng nhiều sáng kiến và nhiều tổ chức có mục đích yểm trợ và cổ võ Tin Mừng ấy !
Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em” (1Ga 1,3)
Loan báo Tin Mừng về sự sống
80. Điều ngay từ đầu đã có, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã tận tay sờ tới về Lời Sự Sống… chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em cùng hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,1-3). Chúa Giêsu là Tin Mừng duy nhất: không có tin mừng nào khác mà chúng ta tuyên xưng và làm chứng.
Loan báo Chúa Giêsu, đúng là loan báo sự sống. Vì Ngài là “Lời Sự Sống” (1Ga 1,1). Nơi Ngài “sự sống đã được tỏ hiện” (1Ga 1,2), hoặc đúng hơn chính Ngài là “sự sống đời đời ấy, vẫn hướng về Chúa Cha và đã hiện cho chúng ta thấy” (1Ga 1,2).
Chính là sự sống ấy, nhờ ơn Chúa Thánh thần, đã được thông ban cho con người. Được hướng về sự sống sung mãn, về sự sống vĩnh hằng, nên sự sống trần gian của mỗi người đã có được tất cả ý nghĩa của mình.
Được soi sáng bởi Tin Mừng về sự sống chúng ta cảm thấy nhu cầu cần phải công bố và làm chứng tá trong một sự mới lạ làm nổi bật Tin Mừng này: bởi vì Tin Mừng này đồng nhất với chính Chúa Giêsu là Đấng đem đến mọi điều mới lạ (103) và là Đấng chiến thắng mọi “già cỗi” xuất phát từ tội lỗi và đưa tới sự chết (104), Tin Mừng vượt quá lòng mong chờ của con người, và mặc khải những độ cao tuyệt vời mà nhờ ân sủng, phẩm giá con người đã được nâng lên. Đó là điều mà Thánh Grêgoriô Nyssênô đã chiêm ngắm: “Trong các hữu thể, thì con người chẳng đáng kể là gì, con người là cát bụi, rơm rác, phù vân, thế mà một khi trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Chủ Tể càn khôn, lại được thân mật với Đấng mà không ai có thể thấy, hoặc nghe, hoặc hiểu được sự tuyệt đối thiện hảo và vĩ đại của Ngài. Ta dùng lời nói, tư tưởng nào, tầm vương cao nào của tâm trí để có thể tung hô sự sung mãn của ơn này? Con người siêu việt hơn bản tính mình: từ chỗ chết vươn tới bất tử, từ chỗ hư nát vươn tới bất khả hư nát, từ phù vân qua vĩnh cửu, tóm lại, từ thân phận là người được trở nên Thiên Chúa” (105).
Niềm tri ân và hân hoan vì phẩm giá khôn lường của con người thúc đẩy ta phải làm cho cả thế giới được hưởng sứ điệp này: “Điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3). Cần thiết phải làm cho Tin Mừng về sự sống đến được với mọi người, nam cũng như nữ, đưa Tin Mừng ấy vào trong những ngõ ngách sâu kín nhất của toàn xã hội.
81. Đây là vấn đề, trước hết, phải công bố tâm điểm của Tin Mừng này. Đó là việc loan báo về Đấng Thiên Chúa hằng sống và gần gũi, Ngài gọi tới hiệp thông sâu xa với Ngài, và mở cho ta niềm hy vọng vững chắc được sống đời đời; đó là sự khẳng định về mối dây không thể tách lìa giữa ngôi vị, sự sống và tính xác thể của con người; đó là việc trình bày sự sống con người như là sự sống liên đới, là hồng ân Thiên Chúa, là kết quả và dấu chỉ của tình yêu Ngài; đó là việc công bố mối tương quan khác thường giữa Chúa Giê su với từng người, cho phép ta nhìn trên gương mặt con người chính dung mạo Chúa Kitô; đó là việc “bày tỏ sự hiến dâng trọn bản thân” như một bổn phận và như nơi thể hiện đầy đủ sự tự do.
Đồng thời, cũng trình bày mọi hậu quả của chính Tin Mừng này mà ta có thể tóm lược như sau: là hồng ân quý báu Chúa ban, sự sống con người thì thánh thiêng và bất khả xâm phạm, và vì thế, đặc biệt việc có ý phá thai là làm chết êm dịu đều tuyệt đối không thể chấp nhận được, không những không được huỷ diệt sự sống con người mà còn phải bảo vệ nó trong mối quan tâm đầy tình thương; sự sống tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu được tiếp nhận và được trao ban: chính ở tầm mức này mà giới tính và việc truyền sinh của con người đạt tới chân tính của chúng; trong tình yêu này, đau khổ và sự chết cũng có một ý nghĩa và, mặc dầu còn mãi mầu nhiệm bao quanh chúng, đau khổ và sự chết có thể trở nên những biến cố cứu độ, lòng tôn trọng sự sống đòi hỏi khoa học và kỹ thuật phải được hiến về con người và sự phát triển toàn diện con người; toàn xã hội tôn trọng, bênh vực và thăng tiến phẩm giá của mọi con người, vào mọi thời điểm và mọi tình trạng của cuộc sống họ.
82. Để được thực sự là một dân tộc biết phục vụ sự sống chúng ta phải kiên trì và can đảm đề nghị sứ điệp này, ngay từ lời đầu tiên loan báo Tin Mừng, và tiếp sau là trong giáo lý và những hình thức giảng thuyết khác nhau, trong đối thoại cá nhân cũng như trong mọi công trình giáo dục. Các nhà giáo dục, giáo viên, các người giảng dạy giáo lý và thần học gia, đều có bổn phận làm nổi bật lên những lý do nhân loại học xây dựng và nâng đỡ lòng tôn trọng mọi sự sống con người. Bằng cách này, khi làm sáng ngời tính mới lạ độc đáo của Tin Mừng về sự sống, chúng ta có thể giúp mọi người cũng khám phá ra, nhờ ánh sáng của lý trí và của kinh nghiệm, bằng cách này mà sứ điệp Kitô giáo soi sáng đầy đủ con người, cũng như ý nghĩa hữu thể và hiện hữu của con người, chúng ta cũng sẽ tìm được nhiều điểm gặp gỡ và đối thoại quý báu với những người không tín ngưỡng, trong khi cùng nhau dấn thân làm phát triển nền văn hoá của sự sống mới.
Bị tấn công bởi những ý kiến đối nghịch nhất, khi mà có nhiều người chối bỏ giáo lý chân chính về sự sống con người, chúng ta cảm thấy lời căn dặn của Thánh Phao lô gửi cho Tim ô thê cũng như đang được nói với mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy ứng phó lúc thuận lúc nghịch, hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn, với tất cả lòng kiên nhẫn và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Lời khuyên này phải được vang dội thật mạnh trong trái tim của mọi người, trong Giáo Hội, đang tham gia trực tiếp hơn, dưới nhiều tước vị, vào sứ mệnh của Giáo Hội là “thầy” dạy chân lý. Lời khuyên này phải liên quan đến chúng ta trước hết,. chúng ta, các Giám mục: chúng ta là những người đầu tiên được kêu gọi làm sứ giả không mỏi mệt rao giảng Tin Mừng về sự sống, chúng tta cũng có bổn phận canh giữ sự truyền thông trọn vẹn và trung thành giáo huấn được nhắc lại trong Thông điệp này và đưa ra những biện pháp thích hợp nhất để các tín hữu được bảo vệ khỏi mọi lý thuyết trái nghịch giáo huấn này. Chúng ta phải đặc biệt chú ý tới điều này là trong các phân khoa thần học, các chủng viện và các trường Công giáo khác nhau, sự hiểu biết giáo lý lành mạnh này phải được truyền bá, giải thích và đào sâu (106). Lời khuyên của Thánh Phaolô cũng phải được nghe biết bởi tất cả các nhà thần học, các mục tử và bởi tất cả mọi người có sứ mệnh giáo huấn, dạy giáo lý và đào tạo các lương tâm: thấu suốt vai trò mình phải chu toàn, họ sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm nặng nề vì đã phản bội chân lý và sứ mệnh riêng của mình bằng cách trình bày những ý tưởng cá nhân nghịch với tin Mừng về sự sống mà quyền giáo huấn đã nhắc lại và giải thích cách trung thành.
Trong việc loan báo Tin Mừng này, chúng ta không được sợ bị thù oán hay sợ thất nhân tâm, nhưng phải từ chối mọi sự đồng loã hay mọi sự hàm hồ làm cho chúng ta phù hợp với não trạng thế gian (x. Rm 12,2). Chúng ta phải ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 15,19; 17,16), nhờ sức mạnh đến ta từ Chúa Kitô, Đấng chiến thắng thế gian bằng sự chết và cuộc chinh phục của Ngài (x. Ga 16,38).
“Con tạ ơn Chúa vì bao nhiêu kỳ công” (Tv 139/138,14)
Tôn dương Tin mừng về sự sống
83. Được sai đi khắp thế gian như “dân tộc vì sự sống”, việc loan báo của ta cũng phải trở nên việc tôn dương Tin mừng về sự sống. Hơn nữa, việc tôn dương này, với sức mạnh gợi ý của các cử chỉ, các biểu tương và các nghi thức, được mời gọi trở thành nơi chốn riêng biệt và rất ý nghĩa cho việc truyền đạt vẻ đẹp và sự cao cả của Tin Mừng ấy.
Với mục đích này, trước hết cần kiếp phải duy trì nơi ta và nơi người khác một cái nhìn chiêm niệm (107). Cái nhìn này phát sinh từ lòng tin kính Thiên Chúa của sự sống. Đấng đã tạo dựng mọi con người, bằng cách làm cho họ nên như một kỳ công (x. Tv 139/138,14). Đó là cái nhìn của ai trông thấy sự sống tận chiều sâu của nó bằng cách thấu hiểu những chiều kích của sự nhưng không, của vẻ đẹp, của tiếng kêu mời đến với tự do và trách nhiệm. Đó là cái nhìn của ai không kỳ vọng làm chủ thực tại, nhưng đón nhận thực tại như một hồng ân, khám phá trong mọi sự ánh phản chiếu của Đấng Tạo Hoá và trong mọi người hình ảnh sống động của Ngài (x. St 1,27; Tv 8,6). Cái nhìn này không để mất lòng tin cậy trước kẻ bệnh tật, đau khổ, bị gạt ra bên lề, hay đang đứng bên ngưỡng cửa của sự chết, nhưng cái nhìn này lắng nghe lời chất vấn của tất cả tình cảnh đó, để đi tìm ra một ý nghĩa, và trong những dịp ấy, cái nhìn này sẵn sàng nhận ra trên khuôn mặt mọi người một lời mời gọi gặp gỡ, đối thoại và liên đới.
Linh hồn cảm kích vì nỗi sửng sốt mang tính tôn giáo, đã đến giờ tất cả chúng ta cần có cái nhìn ấy để lại có khả năng tôn quý và trọng vọng mọi người, như Đức Phaolô VI đã mời gọi ta thực hiện, trong một sứ điệp Giáng Sinh (108). Được thúc đẩy bởi cái nhìn chiêm niệm ấy, dân tộc mới của những người cứu chuộc không thể không vang lên những khúc ca hân hoan, khen ngợi và tri ân đối với hồng ân vô giá là sự sống, đối với mầu nhiệm của lời kêu gọi tất cả mọi người tham dự, trong Chúa Kitô, vào đời sống ân sủng và vào cuộc sinh tồn hiệp thông vô tận với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là Cha.
84. Tôn dương Tin mừng về sự sống có nghĩa là tôn dương Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống: “Chúng ta phải tôn dương sự sống đời đời, từ đó phát nguyên mọi hình thức sự sống. Chính từ sự sống đời đời mà mọi hữu thể, tuỳ khả năng của mình, đã nhận được sự sống, tức là mọi hữu thể tham dự vào sự sống cách này hay cách khác. Sự Sống thần linh, vượt trên mọi hình thức sự sống, đang tác sinh và bảo tồn sự sống. Mọi hình thức sự sống và mọi vận động có sinh khí đều phát xuất từ sự sống siêu việt trên mọi sự sống và mọi nguyên lý sống khác. Các linh hồn phải nhờ Sự sống ấy mà mọi động vật và thảo mộc - nhận từ đó tia sống nhỏ bé nhất - mới được sống động. Còn đối với con người, là những hữu thể được làm nên bằng tinh thần và vật chất thì Sự Sống ban cho họ sức sống. Và nếu ta phải bỏ sự sống này, thì lúc ấy Sự Sống cải hoá chúng ta và gọi ta đến với Sự Sống nhờ tình yêu sung mãn của sự sống đối với con người. Hơn thế nữa, Sự Sống còn hứa dẫn đưa ta cả hồn và xác đến sự sống hoàn hảo, đến sự bất tử, thật quá ít khi nói rằng Sự Sống ấy hằng sống mà phải nói: Sự Sống ấy là Nguyên Lý sự sống, là Nguyên nhân và Nguồn mạch duy nhất phát sinh Sự Sống. Mọi sinh vật phải chiêm ngắm và ngợi khen Sự Sống ấy: vì đó là Sự Sống ban cho ta được sống dồi dào. (109)
Cùng với tác giả Thánh Vịnh, trong kinh nguyện hằng ngày, cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã dệt nên chúng ta trong lòng mẹ, Đấng đã thấy và yêu thương chúng ta khi chúng ta chưa được hoàn chỉnh hình hài (x. Tv 139/138,13.15.16), và reo lên với niềm vui tràn đầy: “Con cảm tạ Chúa vì biết bao kỳ công: lạ lùng thay thân con, lạ lùng thay những công trình của Chúa” (Tv 139/138,14). Phải “sự sống hay chết này, mặt dầu những dằn vặt, những mầu nhiệm tăm tối, những đau đớn và nỗi mỏng dòn không thể tránh được, lại là một thực tại lạ lùng, một kỳ diệu luôn mới và gây cảm động, một biến cố đáng được ca ngợi và tôn vinh trong niềm hân hoan” (110). Vả lại, con người và sự sống con người không chỉ xuất hiện như một trong những điều kỳ diệu lớn nhất trong công trình sáng tạo, nhưng Thiên Chúa còn ban cho con người một phẩm giá gần như là thần thiêng (x. Tv 8,6-7). Trong từng em bé sinh ra hay trong từng con người đang sống hay đang chết, chúng ta đều nhận ra hình ảnh của vinh quang Thiên Chúa: Ta tôn dương vinh quang ấy nơi mọi người là dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta được mời gọi bày tỏ nỗi ngạc nhiên thán phục và biết ơn vì sự sống ta nhận được như một hồng ân, và đón tiếp, trân trọng, thông báo Tin mừng về sự sống, không những trong lời kinh riêng tư và cộng đoàn, mà nhất là trong những việc cử hành Năm Phụng vụ. Ở đây phải nhắc riêng đến các bí tích là dấu chỉ linh nghiệm về sự hiện diện và hành động cứu độ của Chúa Giêsu trong cuộc sống Kitô hữu: những bí tích ấy làm cho con người được tham dự đời sống Thiên Chúa, trong khi bảo đảm cho họ một nghị lực thiêng liêng, cần thiết để thấu hiểu, trong tất cả sự thật, ý nghĩa của sự sống, của sự đau khổ, và của sự chết. Nhờ sự tái khám phá đích thực ý nghĩa các nghi thức, và nhờ việc đặt đúng giá trị của các nghi thức ấy, các cử hành phụng vụ, nhất là cử hành bí tích, sẽ luôn luôn có thể diễn tả tất cả sự thật về việc sinh ra đời, và sự sống, về sự đau khổ và sự chết, trong khi giúp ta sống những điều ấy, như một sự tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đã chết và phục sinh.
85. Trong việc cử hành Tin mừng về sự sống, cần phải biết thẩm định và làm nổi bật giá trị những nghĩa cử và những biểu hiện rất phong phú trong các truyền thống khác nhau và trong các tập quán văn hoá bình dân. Đó là những cơ hội và những hình thức giao lưu, qua đó được biểu lộ trong nhiều quốc gia và nhiều nền văn hoá khác nhau niềm vui của sự sống đang bắt đầu, sự tôn trọng và sự bảo vệ toàn vẹn sự sống con người, sự quan tâm đến người đau khổ hoặc đến những kẻ đang gặp khó khăn, sự gần gũi đối với người già yếu hay kẻ đang hấp hối, sự chia sẻ nỗi đau của người gặp tang chế, niềm hy vọng và khát khao cõi vĩnh hằng.
Trong viễn tưởng ấy, tôi cũng đã đón nhận sự gợi ý của các vị Hồng y nhân Hội nghị năm 1991 và tôi đề nghị chớ gì hằng năm trong nhiều quốc gia khác nhau được cử hành một Ngày vì sự sống như đã được thực hiện theo sáng kiến của một số Hội đồng Giám Mục. Chớ gì ngày này nên được chuẩn bị và cử hành với sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong giáo hội địa phương. Mục đích căn bản của ngày này là để khơi dậy trong mọi lương tâm, trong mọi gia đình, trong Giáo Hội và trong xã hội loài người sự nhận biết ý nghĩa và giá trị của sự sống con người ở mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh, bằng cách gây sự chú ý đặc biệt đến tính chất nghiêm trọng của việc phá thai và làm chết êm dịu, nhưng không vì đó mà coi thường những thời kỳ và những khía cạnh khác của sự sống, cũng đáng được quan tâm trong từng trường hợp, tuỳ vào sự biến chuyển của hoàn cảnh.
86. Trong tin thần thờ phượng thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), việc tôn dương Tin Mừng về sự sống nên được thực hiện cốt yếu là trong cuộc sống hằng ngày, được sống trong tình yêu tha nhân và trong sự trao hiến bản thân. Chính cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sự tiếp nhận chân thực và đầy trách nhiệm trước ân ban sự sống, đồng thời cũng trở nên bài ca chân thành biết ơn Thiên Chúa, Đấng trao ban cho chúng ta quà tặng này. Đó chính là điều đang xảy ra trong biết bao hành vi phước thiện, thường thường khiêm tốn và ẩn kín, được nhiều người nam người nữ, trẻ em, người lớn, người trẻ người già, đau ốm hay mạnh khoẻ thực hiện.
Chính trong bối cảnh chan chứa tình người và tình yêu như thế, mà phát sinh nhiều nghĩa cử anh hùng. Những nghĩa cử này là việc tôn dương Tin Mừng về sự sống cách trọng đại nhất, bởi vì chúng công bố Tin Mừng bằng chính việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình, chúng là sự biểu hiện rực rỡ của mức độ cao nhất của tình yêu: trao hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13); chúng là sự hiệp thông vào mầu nhiệm thập giá, trên cây thập giá Chúa Giêsu mặc khải cho ta thấy tất cả giá trị mà sự sống của mọi người có được đối với Ngài và sự sống này được thực hiện cách tràn đầy trong việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình như thế nào. Ngoài những công việc hiển hách, còn có sự anh hùng thường ngày, hình thành từ những hành vi chia sẻ nhỏ nhặt hay to tát đang làm phong phú nền văn hoá đích thực của sự sống. Giữa những nghĩa cử này, đặc biệt nên đánh giá cao việc hiến tặng các bộ phận thân thể, thực hiện dưới một hình thức luân lý có thể chấp nhận được; việc tự hiến tặng này cho phép nhiều bệnh nhân đôi khi tuyệt vọng, có được viễn tượng mới mẻ về sức khoẻ và ngay cả sự sống.
Thuộc về sự anh hùng thường ngày là việc làm chứng thầm lặng, nhưng phong phú và hùng hồn biết bao, của “tất cả những bà mẹ dũng cảm tự hiến trọn vẹn cho gia đình, chấp nhận đau khổ khi sinh con, và sau đó sẵn sàng chịu đựng mọi mệt nhọc, đương đầu với mọi hy sinh để truyền đạt cho con cái điều tốt đẹp nhất mà các bà có được” (111). Trong khi hoàn thành sứ mệnh của mình, “không phải lúc nào các bà mẹ anh hùng này cũng được người thân cận nâng đỡ. Trái lại, nhiều mô hình văn minh, thường được các phương tiện truyền thông xã hội cổ xuý và phổ biến, không mấy ưu đãi tình mẫu tử. Nhân danh sự tiến bộ và tính hiện đại, từ nay người ta coi như lỗi thời các giá trị của sự thuỷ chung, đức khiết tịnh và sự hy sinh đã và vẫn còn làm rạng rỡ vo số những người vợ, người mẹ công giáo… Chúng tôi cám ơn các bà vì sự hy hiến mạng sống của các bà… Trong huyền nhiệm phục sinh, Chúa Ki tô hoàn lại cho các bà quà tặng mà các bà đã làm. Quả vậy, Ngài có quyền ban trả cho các bà sự sống mà các bà đã mang làm của lễ dâng lên Ngài” (112).
“Ích gì, hỡi anh em, khi ai nói “tôi có đức tin” mà việc làm không có?” (Gc 2,14)
Phục vụ Tin Mừng về sự sống
87. Bằng việc tham dự vào sứ mệnh vương giả của Chúa Kitô, sự nâng đỡ và thăng tiến sự sống con người cần được thi hành bằng việc phụ vụ của đức ái, thể hiện qua chứng từ cá nhân, qua nhiều hình thức thiện nguyện, vận động xã hội và dấn thân làm chính trị. Đó là một đòi buộc đặc biệt cấp bách trong thời điểm hiện tại, lúc mà “nền văn hoá sự chết” đang kịch liệt chống đối và thường thường xem ra lấn lướt “nền văn hoá sự sống”. Nhưng trước đó phải nói đến một đòi buộc phát sinh từ “đức tin thể hiện ra bằng đức ái” (Ga 5,6), như thánh Giacôbê khuyến dụ chúng ta: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào ích gì?” Gc 2,14-17).
Trong công việc phục vụ của đức ái, có một trạng thái tinh thần cần động viên và nâng phẩm giá chúng ta: chúng ta phải chăm sóc người khác như một nhân vị được Thiên Chúa giao phó cho trách nhiệm của chúng ta. Như những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên người thân cận của mọi người (x. Lc 10,29-37), với sự ưu tiên cho kẻ bất hạnh nhất, cô đơn nhất và ngặt nghèo nhất. Chính trong lúc trợ giúp kẻ đói khát, người xa lạ, kẻ mình trần thân trụi, bệnh tật hay tù đày, cũng như trợ giúp em bé sắp sinh, người già nua đau ốm hay gần kề cửa tử thần, mà chúng ta được gọi để phụng sự Chúa Giêsu, như chính Ngài đã nói: “Những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Bởi vậy cho nên chúng ta không thể không cảm thấy bị chất vấn và kết án bởi những lời lẽ luôn luôn hiện thực của Thánh Gioan Kim Khẩu: “Bạn muốn tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô ư? Bạn đừng khinh dể Người khi Người trần trụi – đừng tôn kính Người nơi đây, trong nhà thờ, sau lớp vải lụa, trong lúc mà bạn để Người ở ngoài kia khổ sở vì rét, vì không đủ áo che thân” (113).
Công việc phục vụ của Đức ái đối với sự sống cần phải thống nhất sâu sát: không được khoan nhượng với điều gì phiến diện hoặc có thể gây phân biệt, bởi vì sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh; sự sống ấy là một tài sản không thể chia tách được. Vậy cần phải “chăm sóc” mọi sự sống và sự sống của mọi người. Hoặc hơn nữa, cần phải đi đến tận chính gốc rễ của sự sống và của tình yêu.
Chính từ tình yêu sâu xa dành cho mọi người nam và mọi người nữ mà phát triển qua nhiều thế kỷ lịch sử phi thường của đức ái, đã đưa vào đời sống Giáo Hội và dân sự rất nhiều tổ chức nhằm phục vụ sự sống, gây kinh ngạc cho mọi quan sát viên không được loan báo trước. Đó là lịch sử mà mọi cộng đoàn Công giáo phải tiếp tục viết bằng hoạt động mục vụ và xã hội đa dạng, cùng với ý thức mới mẻ về thách nhiệm. Để đạt được mục tiêu trên, nên vận dụng những hình thức hợp lý và hữu hiệu hỗ trợ sự sống mới sinh ra, bằng cách đặc biệt gần gũi các bà mẹ, dù không có người cha nâng đỡ, vẫn không sợ sinh đẻ để giáo dục con cái. Người ta cũng chăm sóc như thế đối với sự sống bên lề xã hội hoặc đang đau khổ, đặc biệt trong giai đoạn sau cùng.
88. Tất cả điều đó cho phép một hoạt động có tính giáo dục đầy nhẫn nại và dũng cảm động viên mỗi người vác gánh nặng của tha nhân (x. Gl 6,2); điều đó đòi hỏi một sự cổ vũ nâng đỡ các ơn gọi phục vụ, đặc biệt nơi giới trẻ; điều đó bao hàm việc thực hiện những sáng kiến và những kế hoạch cụ thể, lâu dài được Tin Mừng soi dẫn.
Có nhiều cách thức đề làm nổi bật một cách có thẩm quyền và nghiêm túc giá trị trong sự dấn thân. Đối với thời kỳ bắt đầu sự sống, cần huy động những trung tâm điều hoà sinh sản bằng phương pháp tự nhiên như chỗ dựa vững chắc cho kẻ làm cha mẹ có trách nhiệm, nhờ đó tất cả mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Được công nhận và tôn trọng vì chính mình, và nhờ đó mọi sự lựa chọn đều khơi động và hướng dẫn từ thước đo của sự trao hiến trọn vẹn bản thân mình. Chính bởi tác động đặc trưng của lời khuyên và dự kiến, được bày tỏ dưới ánh sáng nhân chủng học, phù hợp với quan niệm công giáo về con người, về đôi lứa và về tính dục, mà các nhà cố vấn hôn nhân nhân và gia đình trở thành những trợ tá quý báu để tái khám phá ý nghĩa của tình yêu và sự sống, và để nâng đỡ, hỗ trợ mỗi gia đình trong sứ mệnh là “cung thánh của sự sống”. Còn những trung tâm tương trợ sự sống và những nhà hoặc trung tâm tiếp nhận sự sống cũng sẵn sàng phục vụ sự sống mới sinh ra. Nhờ hoạt động của những cơ sở đó, rất nhiều bà mẹ độc thân và rất nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn tìm lại được lẽ sống và niềm tin khi có được sự trợ giúp và nâng đỡ để vượt qua khó khăn và sợ hãi trước việc đón nhận một sự sống sắp sinh ra hoặc vừa mới chào đời.
Đứng trước tình cảnh túng quẫn, bệnh tật hoặc lạc lõng bên lề xã hội, còn có những tổ chức khác như các cộng đồng phục hồi người nghiện ngập, cộng đồng tiếp nhận vị thành niên hay bệnh nhân tâm thần, trung tâm chăm sóc và tiếp nhận bệnh nhân AIDS, nhất là hiệp hội tương trợ người tàn tật, tất cả đều là tiếng nói hùng hồn của đức ái, biết tìm ra phương cách tạo ra cho mỗi người vì nhiều lý do mới mẻ để mà hy vọng và nhiều khả năng cụ thể để sinh sống.
Cuối cùng, khi cuộc sống trần gian đến thời kết thúc cũng chính đức ái tìm ra những dạng thức thích hợp nhất hầu cho những người có tuổi, đặc biệt những người không thể sinh sống một mình, và những bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối cùng có thể hưởng một sự trợ giúp hết sức nhân đạo và nhận được những đáp ứng phù hợp với các nhu cầu của họ, nhất là với những gì liên quan đến nỗi lo âu và sự cô đơn của họ. Trong những trường hợp này không có gì có thể thay thế được vai trò của gia đình, nhưng các gia đình có thể tìm gặp được một chỗ nương tựa đáng kể trong những tổ chức cứu tế xã hội, và khi cần thiết, cậy nhờ đến việc điều trị tạm thời bằng cách kêu gọi đến dịch vụ y tế và xã hội chuyên biệt đang hoạt động trong các trung tâm điều dưỡng hoặc trong các trung tâm săn sóc cộng đồng hay tư gia.
Cách riêng, chúng ta phải kể đến vai trò của các bệnh viện, dưỡng đường và các nhà hưu dưỡng: căn tính địch thực của chúng không những chỉ là căn tính của những cơ sở săn sóc bệnh nhân hay người hấp hối, mà trước hết là căn tính của những nơi mà nỗi đau khổ, sự đau đớn và sự chết được nhận rõ và hiểu biết theo một ý nghĩa hoàn toàn nhân bản và đặc trưng Kitô giáo. Cách đặc biệt căn tính này còn phải biểu lộ một cách rõ ràng và hữu hiệu trong các cơ sở thuộc quyền của các tu sĩ hoặc trong các tổ chức có liên hệ cách này hay cách khác với Giáo Hội.
89. Các cơ cấu và các địa điểm phục vụ sự sống này, cũng như tất cả các sáng kiến hỗ trợ và liên đới khác mà nhiều hoàn cảnh có thể gợi lên trong từng trường hợp, cần được nhiều người khuyến khích, những người vốn dĩ sẵn lòng quảng đại và ý thức sâu xa tầm quan trọng của Tin Mừng về sự sống đối với lợi ích cá nhân và xã hội.
Một trách nhiệm đặc biệt được giao phó cho nhân viên y tế, dược sĩ, y tá, tuyên uý, tu sĩ nam nữ, những người điều hành và những người thiện nguyện. Chức nghiệp của quý vị là trở nên người bảo vệ và phục vụ sự sống nhân loại. Trong bối cảnh văn hoá xã hội hiện tại khi mà khoa học và y thuật liều lĩnh bỏ qua chiều kích luân lý tự nhiên của chính mình, đôi khi quý vị có thể bị cưỡng bức lối cuốn trở nên những tác nhân xử lý trên sự sống hoặc ngay cả trở nên những kẻ tạo ra sự chết. Trước sự lôi cuốn này, trách nhiệm của quý vị ngày nay tăng thêm đáng kể; trách nhiệm này kín múc nguồn cảm hứng sâu sắc nhất và tìm gặp được sự nâng đỡ mãnh liệt nhất trong chiều kích luân lý của nghề y tế, chiều kích thuộc về bản chất nghề nghiệp của quý vị, mà không ai có thể xao nhãng, như lời thề Hippocrate cổ xưa, nhưng luôn luôn hiện thực, lời thề đòi buộc tất cả mọi bác sĩ tuyên hứa tuyệt đối tôn trọng sự sống con người và đặc tính thánh thiêng của sự sống đó.
Sự tuyệt đối tôn trọng mọi sự sống vô tội của con người cũng đòi buộc thi hành sự phản bác của lương tâm trước việc cố ý phá thai và làm chết êm dịu. “Làm cho chết” không bao giờ được coi như một săn sóc y học, cho dù ý hướng chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, trái lại đồng tình là chối bỏ nghề y tế, một nghề tự xác định như lời “tán thành” mãnh liệt và kiên trì đối với sự sống. Chính việc nghiên cứu y học, một lĩnh vực đầy quyến rũ và tuyên báo nhiều lợi ích mới mẻ vĩ đại cho nhân loại phải luôn luôn từ chối những thí nghiệm, những nghiên cứu hoặc những ứng dụng, trong khi chối bỏ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, những việc này không còn phục vụ con người nữa và kỳ thực, tự biến mình thành những thực thể áp chế con người trong khi lại có vẻ giúp đỡ con người.
90. Những ai dấn thân trong các trại từ thiện được mời gọi giữ một vai trò đặc biệt: họ góp phần quý báu để phục vụ sự sống trong khi họ kết hợp khả năng chuyên môn nghề nghiệp với tình yêu quảng đại vô vị lợi. Tin Mừng về sự sống thúc giục họ nâng cao những tâm tình của lòng nhân ái đơn thuần lên tới mức độ của đức ái Chúa Kitô; Tin Mừng về sự sống khuyến khích họ hằng ngày khôi phục lại trong lao lực và mệt nhọc, ý thức về phẩm giá của tất cả mọi con người; Tin Mừng về sự sống động viên họ khám phá mọi nhu cầu của con người, bằng cách mở thêm, nếu cần thiết, nhiều lối thoát ở những nơi có nhu cầu cấp bách nhất và ở những nơi mà sự quan tâm giúp đỡ khiếm khuyết nhất.
Thực tại kiên định của đức ái đòi buộc Tin Mừng về sự sống cũng được loan báo qua các hình thức vận động xã hội và dấn thân làm chính trị, nơi mà người ta bênh vực và đề cao giá trị của sự sống trong xã hội của chúng ta, một xã hội ngày càng mang dấu phức tạp và đa nguyên. Cá nhân, gia đình, đoàn nhóm, thực thể hiệp hội, tuỳ theo tôn chỉ và phương cách khác nhau, đều có trách nhiệm trong cuộc vận động xã hội và trong việc khai triển các dự án văn hoá, kinh tế, chính trị và luật pháp, nhằm góp phần, trong sự tôn trọng mọi người và theo sự hợp lý của sinh hoạt xã hội dân chủ, xây dựng một xã hội ở đó phẩm giá của mỗi người đều được công nhận và được bảo toàn, và ở đó sự sống của mọi người đều được che chở và thăng tiến.
Nhiệm vụ đặc biệt này thuộc về những người có trách nhiệm lo cho đời sống công cộng. Được mời gọi phục vụ con người và lợi ích cộng đồng, họ có bổn phận thực hiện những sự lựa chọn can đảm vì lợi ích của sự sống, nhất là trong lĩnh vực thuộc quyết định lập pháp. Trong chế độ dân chủ, luật pháp và các quyết định đều được định đoạt trên cơ sở một sự nhất trí cao, nên ý nghĩ trách nhiệm cá nhân có thể bị giảm bớt trong lương tâm các nhà cầm quyền. Nhưng người ta không bao giờ có thể bỏ qua trách nhiệm này, nhất là khi người ta lãnh nhận quyền đại diện lập pháp này có liên can đến các quyết định, quyền mà người ta càng phải trả lời trước Thiên Chúa, trước lương tâm và trước toàn thể xã hội về những quyết định có thể trái nghịch với lợi ích thiết thực của cộng đồng. Nếu như luật pháp không phải là những phương cách duy nhất để bảo vệ sự sống con người, thì luật pháp cũng giữ một vai trò rất quan trọng và đôi khi quyết định trong việc hình thành các tâm thức và các thói quen. Tôi lập lại một lần nữa rằng thật là phi lý quy định nào xâm phạm quyền lợi tự nhiên của một con người vô tội đang sống, và như vậy, quy định đó không thể có hiệu lực pháp lý. Cũng vậy, tôi khẩn thiết lập lại lời kêu gọi của tôi với các nhà chính trị, mong quý vị đừng phổ biến những luật lệ nào, mà trong khi phủ nhận phẩm giá của con người, luật đó phá hại tận gốc rễ chính sự sống của xã hội dân sự.
Giáo hội biết rằng, trong bối cảnh chế độ dân chủ đa nguyên, do sự hiện diện của nhiều luồng văn hoá có khuynh hướng khác biệt, thật khó mà thực hiện một cách hữu hiệu việc bảo vệ sự sống cách hợp pháp. Thế nhưng, được khởi động bởi niềm xác tín rằng, sự thật luân lý không thể không gây ảnh hưởng trong cõi sâu thẳm của lương tâm, Giáo Hội khuyến khích các nhà chính trị, bắt đầu từ những ai là Kitô hữu, không nhượng bộ và, sau khi lưu ý những khả năng cụ thể, nên thực hiện những chọn lựa nào có thể đưa tới việc tái lập một trật tự công bằng trong sự xác nhận và cổ vũ giá trị của sự sống. Trong chiều hướng này, nên ghi nhận rằng loại bỏ những nỗ lực bất công thì chưa đủ. Phải chiến đấu với những nguyên nhân tạo điều kiện cho những mưu toan làm hại sự sống, nhất là bảo đảm cho gia đình và tình mẫu tử sự nâng đỡ cần thiết: chính sách gia đình phải là nền móng và động cơ tất cả mọi chính sách xã hội. bởi vậy, phải đưa ra những sáng kiến xã hội và lập pháp để có thể bảo đảm những điều kiện tự do chân thật trong việc chọn lựa liên hệ đến tình phụ tử và tình mẫu tử; hơn nữa cần xét xem lại quan điểm về các loại chính sách lao động, đời sống đo thị, nhà cửa và các dịch vụ, để người ta có thể điều hoà thời gian đi làm và thời gian dành cho gia đình, và để người ta có thể thực sự chăm sóc con cái và những người lớn tuổi.
91. Ngày nay, những vấn đề nhân khẩu tạo thành một phương diện quan trọng của chính sách vì sự sống. Chắc chắn công quyền có trách nhiệm đề ra những sáng kiến “nhằm định hướng khoa nhân khẩu học quần chúng” (114), nhưng những sáng kiến này luôn luôn phải biết đến và tôn trọng trách nhiệm đầu tiên và không thể khoan nhượng của đôi vợ chồng và của gia đình; những sáng kiến kiểu này không được bao hàm việc sử dụng những phương pháp không tôn trọng con người và những quyền căn bản của con người, bắt đầu từ quyền được sống của mọi người vô tội. Như vậy, về phương diện luân lý không thể chấp nhận được rằng, đề điều hoà sinh sản, người ta khuyến khích hoặc đi đến việc áp đặt việc sử dụng những phương pháp ngừa thai, triệt sản và phá thai.
Rõ ràng còn có nhiều cách khác để giải quyết vấn đề nhân khẩu: các chính phủ và các tổ chức quốc tế trước hết phải hướng tới việc tạo nên những điều kiện kinh tế, xã hội, y tế, vệ sinh và văn hoá cho phép các đôi vợ chồng hoàn toàn tự do và đầy đủ trách nhiệm thực hiện việc chọn lựa trong lãnh vực truyền sinh; sau nữa, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng nên cố gắng “tăng cường các biện pháp và phân phối của cải một cách công bằng hơn để mọi người có thể dự phần cách đồng đều vào của cải trên thế giới. Phải tìm ra những giải pháp ở tầm mức quốc tế bằng cách thiết lập một nền kinh tế đích thực của hiệp thông và chia sẻ mọi công ích, trên bình diện quốc tế cũng như trên bình diện quốc gia” (115). Đó chính là con đường duy nhất tôn trọng phảm giá của con người và của gia đình, cũng như tôn trọng gia sản đích thực của mọi dân tộc.
Như vậy việc phục vụ Tin Mừng về sự sống là rộng lớn và phức tạp. Càng ngày chúng ta càng thấy việc phục vụ Tin Mừng về sự sống như là một lĩnh vực quý giá và thuận lợi cho việc hợp tác cụ thể với các anh em của những Giáo Hội và những Cộng đoàn Giáo Hội khác, trong đường hướng những việc làm đại kết mà Công đồng Vatican II đã dùng uy quyền của mình khuyến khích (116). Hơn nữa việc phục vụ Tin Mừng về sự sống còn như một khung cảnh quan phòng cho sự đối thoại và cộng tác với các tín hữu của những tôn giáo khác và với tất cả mọi người thiện tâm: bênh vực và thăng tiến sự sống không là độc quyền của riêng ai nhưng đúng là bổn phận và trách nhiệm của mọi người. Thách đố mà chúng ta phải đương đầu trước thềm đệ tam thiên niên kỷ thật là khó khăn: chỉ có sự hiệp lực nhịp nhàng của tất cả những ai tin vào giá trị của sự sống mới có thể tránh được một thất bại của nền văn minh, với những hậu quả không thể lường trước được.
---------------
101 Tông huấn Evangelii Nuntiandi-Loan báo Tin Mừng (8.12.1975), số 14.
102 x. Sách Lễ Rôma, lời kinh của chủ tế trước khi chịu lễ.
103 x. Thánh Irênê: "Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens, qui fuerat annuntiatus", Adversus Haereses-Chống lạc giáo: IV, 34, 1.
104 x. Thánh Tôma Aquinô, "Peccator inveterascit, recedens a novitate Christi", In Psalmos Davidis Lectura: 6,5.
105 De Beatitudinibus-Bài giảng về các mối phúc, VII.
106 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 116.
107 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 37.
108 x. Sứ điệp Giáng Sinh 1967: AAS 60 (1968), 40.
109 Pseudo- Dionysius the Areopagite, On the Divine Names-Về các tên thần linh, 6, 1-3.
110 Đức Phaolô VI, Pensiero alla Morte-Tư tưởng về sự chết, Istituto Paolo VI, Brescia 1988, 24.
111 Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng lễ phong Chân phước Isidore Bakanja, Elisabetta Canori Mora và Gianna Beretta Molla (24.4.1994): L'Osservatore Romano, 25-26 April 1994, 5.
112 Như trên.
113 In Matthaeum, Hom. (Bài giảng về Tin Mừng Matthêu) I, 3
114 Sách GLHTCG, số 2372.
115 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội Giám mục Mỹ Latinh ở San Domingo (12.10.1992), số 15.
116 x. Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, số 12; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 90.
Theo gpnt.net
0 bình luận:
Đăng nhận xét