Home » » Những câu chuyện buồn

Những câu chuyện buồn

VRNs (22.02.2011) – Ephata, 447 – Những ngày trước Tết Nguyên Đán, mấy anh em tôi lại có dịp thăm viếng một nghĩa trang trên xứ lạnh cao nguyên. Người ta gọi nơi đây là nghĩa trang thành phố, nhưng đối với những cư dân đồng bằng như chúng tôi, tìm được đường đến nghĩa trang này quả cũng không đơn giản, may nhờ có “danh tiếng” của bé Trung Thu, một thai nhi đã bị loại bỏ khỏi xã hội con người vào ngày 28.9.2004 và những bác xe ôm nhiệt tình nên chúng tôi cũng đến được với nghĩa trang này. Đó là nghĩa trang thành phố Pleiku.


Câu chuyện của bé Trung Thu, tấm hình nổi tiếng của bé như cố níu lại sự sống hay tiếng kêu oan của bé với cha Nguyễn Vân Đông, những ngôi mộ đồng nhi trong nghĩa trang này đã cũng có nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo mạng, blog, hay cả báo lề phải nữa, nay tôi viết tiếp về điều ấy có lẽ cũng chỉ là một điều nhỏ nhoi trong vô vàn cảm xúc của khách viếng thăm đối với nghĩa trang này.

Chẳng biết tại sao ? Đã bao lần tôi thăm viếng những nghĩa trang bình thường trên quê hương đất Việt, có cả những nghĩa trang chỉ cheo leo trên dải Trường Sơn hay có những nghĩa trang thật hoành tráng sang trọng như những khu biệt thự cao cấp, nhưng cảm xúc trong tôi có lẽ chỉ là những lối kiến trúc, cảnh quan hay đôi chút tìm về giá trị lịch sử. Nhưng đã hai lần, tôi viếng Nghĩa Trang Đồng Nhi, cùng ở cao nguyên nhưng cách nhau chừng 200km, một ở Giáo Xứ Thánh Tâm thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, và một là nghĩa trang thành phố Pleiku này. Cái đọng lại trong tôi không còn là những lối kiến trúc, không còn là cảnh quan mà là những nỗi buồn, uất ức, lo lắng, ghê sợ, chua xót, tất cả cứ đan xem trộn lẫn và ám ảnh mãi trong tâm hồn. Những câu hỏi bật lên khô khốc đến lạnh lùng: CON NGƯỜI ƠI, CHÚNG TA CÓ CÒN LÀ CON NGƯỜI NỮA KHÔNG ?

Đài tưởng niệm bé Trung Thu nghi ngút khói nhang và được dọn dẹp sạch sẽ bởi bàn tay của một cụ bà đã ngoài thất thập cổ lai hy, bà cụ cho biết chỉ có ngày mùng một Tết là bà ở nhà để con cháu đến chúc Tết viếng thăm, còn tất cả những ngày khác, bà tình nguyện ra nghĩa trang này để dọn dẹp mộ phần cho những thai nhi vô tội đáng thương, cái góc nhỏ của bà cụ chỉ là một cái võng và vài dụng cụ nhà bếp thô sơ.

Hướng dẫn viếng thăm cho chúng tôi là một người trung niên tên Phụng ( Ảnh bên trái ). Anh cũng là người chuyên thu gom các thai nhi đưa về đây để lo hậu sự mỗi ngày. Những câu chuyện kể của anh, của bà cụ cho chúng tôi nghe về những ngôi mộ lạnh lẽo đơn côi là những câu chuyện buồn thảm đến thê lương của biết bao thân phận nghiệt ngã thương tâm.

Anh Phụng dẫn chúng tôi ra thăm mộ bé Trung Thu. Mộ bé đang được tu sửa lại cho đẹp hơn, mộ bé nằm lọt thỏm trong hàng ngàn những ngôi mộ hài nhi khác mang chung một cái tên VÔ DANH. Nguyễn Vô Danh, Đoàn Hữu Vô Danh v.v… Họa hoằn lắm bạn mới bắt gặp một ngôi mộ có tên có tuổi, Tôi thắc mắc có một ngôi mộ mang tên Võ Minh Giáng Sinh có hình ảnh nằm cạnh một ngôi mộ khác mang tên Nay Noel lại không có hình ảnh, anh Phụng cho chúng tôi biết, khi gia đình bé Giáng Sinh mang bé đến chôn cất thì đúng lúc anh mang một thai nhi bị phá về lo hậu sự, gia đình bé Giáng Sinh nhận luôn xác thai nhi ấy và đặt tên là Nay Noel và xây cùng phần mộ cho chúng có bạn có bè.

Tôi bất giác rùng mình khi đọc trên một tấm bia cầu xin lòng xót thương của các thai nhi đặt trước mặt tiền nghĩa trang mang hàng chữ. “Xin đừng vất bỏ vùi lấp chúng con – Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ – Xin đặt chúng con nơi đây để cô chú biết giúp đỡ chúng con”. Còn có lời cầu xin nào bi thương đến thế của người con nói với cha mẹ mình.

Thế nhưng, hàng chữ lớn nhất trong nghĩa trang này lại bao la như tình cảm của các thai nhi dành cho những người đáng lẽ phải là bậc sinh thành ra các bé: “CHÚNG CON THA THỨ CHO CHA MẸ”. Thật là… không thể diễn tả hết bằng lời !

Hàng ngàn ngôi mộ chen chúc nhau chắc chắn là có hàng ngàn câu chuyện buồn đến thê thảm, vì thân phận đáng thương của các em là hậu quả của hàng ngàn kiểu ngụy biện cho việc nạo phá thai, vì hậu quả của nhiều bậc cha mẹ đã không còn cảm xúc yêu thương, vì những chương trình ủng hộ khuyến khích cho tội ác phá thai hoành hành và vì xã hội hôm nay không còn công nhận tình thương và sự tồn tại của Thượng Đế.

Ai có thể đếm hết những câu chuyện buồn nơi đây, ai có thể kể hết những câu chuyện bi thương tại nơi này. Những ngôi mộ, những nghĩa trang đồng nhi hiện nay không chỉ có ở Pleiku, ở thành phố Buôn Ma Thuột mà ở khắp nơi, khắp các tỉnh thành đều đã không còn đủ đất để chôn. Điều ấy cho thấy, tội ác nạo phá thai đã lan tràn phát triển nhanh chóng đến chừng nào.

Mấy anh em chúng tôi đứng lặng trên đồi mộ lộng gió, khí trời se buốt ngả chiều. Ai nấy trong lòng thấy thấm thía, thương thay cho những mảnh vụn của cuộc sống bị cướp đi khi chưa kịp chào đời.

Chúng tôi đã rời nghĩa trang với tâm hồn nặng trĩu những câu hỏi: Ai ? Ai là người phải chịu trách nhiệm trước tội ác tầy trời như thế này ? Ai sẽ là người phải trả lời trước vong linh của các em ? Ai sẽ là người phải lên tiếng để tội ác phải bị trừng trị.

Và đâu đó có tiếng trả lời trong tôi cho lời chất vấn lương tri ấy, rằng bất cứ ai thấy thảm cảnh này mà không lên tiếng, không cảnh báo, không la to lên rằng NẠO PHÁ THAI LÀ MỘT TỘI ÁC TÀY TRỜI, người đó sẽ là người phải chịu trách trách nhiệm với các em.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 15.2.2011

(Trích Ephata, 447)


Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét