Home » » "Lò sát sinh" di động lan tràn nơi gia đình, xã hội - Do đâu? Vì đâu?

"Lò sát sinh" di động lan tràn nơi gia đình, xã hội - Do đâu? Vì đâu?

TTCG - Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, cầm trên tay tờ tạp chí, tờ báo, hoặc trên mạng Internet, ta thấy đăng tải biết bao vụ thanh toán, giết người đẫm máu, từ tuổi vị thành niên cho tới cao niên; nạn bạo hành học đường, trẻ em; bạo hành trong gia đình… Nhất là các trung tâm nạo phá thai, chính quy có, lén lút có. Nói hơi quá, nhưng rồi thấy cũng một phần nào đúng khi ta nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay nhan nhản những “lò sát sinh di động”, đan xen nơi nhịp sống xã hội, mái ấm gia đình, trường học, ngoài đường phố…



Làm sao ta có thể trở thành ánh sao
nếu ta không đến với Đấng là Ánh Sáng và đã tác dựng nên ánh sao!

Thảm trạng đó Do đâu? Vì đâu? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra, nhất là những vị cao niên, thường bàn luận, tranh cãi sôi nổi nơi các quán café “cóc”, hoặc lúc trà dư, tửu hậu. Trở thành mối bận tâm cho Giáo Hội và những bậc lãnh đạo Giáo Hội.

Quả thật! Trước đây, khi đời sống con người, xã hội sống trong thời kỳ “ăn bữa nay, lo bữa mai”, nhu cầu sinh hoạt, giải trí, học tập còn đơn sơ…; đời sống tâm linh được chú trọng, ngay nơi mái ấm gia đình, cho tới ngoài xã hội; đạo lý tôn sư trọng đạo được coi trọng, nghĩa mẹ, tình cha luôn là trách nhiệm và bổn phận của những người con; huynh đệ tương thân, tình nghĩa vợ chồng như những vần thơ, dòng nhạc tha thiết như đi vào lòng người; mạng sống và nhân phẩm con người được tôn trọng, nâng niu; đời sống con người trong mối tương quan đúng với tục ngữ ca dao “bán bà con xa mua láng giềng gần” hay “hàng xóm láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau…”, hoặc những câu răn đời “chữ Tâm, bằng ba chữ Tài…”.

Có phải chăng, tất cả những nét đẹp, những chú trọng đời sống tâm linh, những đạo đức, nhân bản của con người, giờ chỉ là những ký ức, lui vào lịch sử? Để từ đó, nhường chỗ cho những tiện nghi, những hưởng thụ của con người, qua sự cạnh tranh, giành giật, tàn ác, giả dối, thiếu chung thuỷ, thiếu đạo đức, nhân bản, cao ngạo, ích kỷ, vô tâm, vô cảm… khi đời sống con người ngày càng nâng cao, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại. Từ đó, đưa đến những tệ nạn, những hệ quả khôn lường… đem đến cho gia đình, xã hội, Giáo Hội những bất an và gánh nặng.
Nhìn vào cục diện xã hội thời nay, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đau đớn kêu lên: “Thời đại của nền văn minh sự chết”. Đúng vậy! Không chết sao được khi những hiện tượng chân lý, luân lý, nhân bản bị coi thường, hay nói đúng hơn những chân lý, luân lý, nhân bản trở thành rào cản cho những tham vọng của con người. Từ đó đưa đến sự huỷ diệt nhân cách, sự sống của con người một cách êm ái, nhẹ nhàng, nhưng rất hiệu quả như:

1. Nạn đồng tính và hôn nhân đồng tính, ngày càng lan rộng một cách báo động. Điều này đi ngược lại chương trình sáng tạo, bảo tồn nòi giống mà Thượng Đế đã an bài.
2. Nạn ly hôn ngày càng tăng cao, đưa đến không ít trẻ em mồ côi, bơ vơ, một số rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, dẫn đến ngổ ngáo và bất trị.

3. Nạn “yêu cuồng sống vội” của tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh đưa đến sự bạo hành học đường, đôi khi gây ra án mạng vì tranh dành bạn tình; đưa đến những trường hợp làm cha, làm mẹ bất đắc dĩ, hoặc trực tiếp hay gián tiếp phạm vào tội sát nhân, qua hình thức chối bỏ giọt máu mình cưu mang.
4. Nạn phá thai gián tiếp, trực tiếp lan tràn vì sai lầm trong yêu đương, vì danh, tiền, quyền và lợi, điều này chống lại quyền tối thượng của Thượng Đế trong chương trình sáng tạo và trao ban sự sống của Ngài.

5. Những tụ điểm Games Online, Vũ Trường, Bar, Café “đèn mờ, trá hình” mọc lên như nấm, có những tụ điểm toạ lạc gần nhà thờ, trường học…

6. Một số tầng lớp trẻ, như những con thiêu thân lao vào những đam mê, ăn chơi vô độ, tự huỷ diệt tương lai, sức khoẻ, nhân cách bằng ma tuý, rượu chè, cờ bạc, games online, chat… Một môi trường dễ gây ra tội ác để thoả mãn.

7. Thực hiện công việc và nhiệm vụ vì lương tuần, lương tháng chứ không vì lương tâm, đưa đến ngành giáo thì mua bán tri thức; không còn là trách nhiệm chuyển giao tri thức cho tầng lớp kế thừa tri; câu tâm niệm của ngành y “lương y như tử mẫu”, hình như đã ẩn mình vào tự điển, dẫn đến việc xem con bệnh như la một mối lợi; tìm mọi cách bóc lột, hành hạ, ngược đãi người làm công thuộc mọi lứa tuổi; đang tâm hành hạ, ngược đãi trẻ em một cách không thương tiếc, sử dụng trẻ em trong việc mưu lợi cá nhân và tập thể…

8. Cướp của, giết người, thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen, ngày càng táo tợn, tinh vi, xảy ra tràn lan hằng ngày, từ thôn quê cho tới thành thị.

9. “Tấc đất, tấc vàng” đưa đến việc dùng quyền, áp đảo, chiếm đoạt, gây nên cảnh gia đình ly tán, tình nghĩa cha, mẹ và con cái, anh em bất hoà chia rẽ có khi đưa đến án mạng, nghĩa đệ huynh không còn, tình làng nghĩa xóm bị cắt đứt, dẫn đến sự thù hằn, chém giết lẫn nhau…

10. Nạn bằng cấp giả, hàng giả, hàng nhái, hàng có chứa độc tố, từ lương thực, thực phẩm cho đến những đồ dùng gia dụng, đồ chơi trẻ em, bất chấp sự nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Chung quy chỉ vì lợi nhuận cho tập thể, cá nhân.

11. Nạn khủng bố bằng vũ khí, bằng kinh tế, bằng ngôn ngữ, đưa đến những cái chết thảm thương cho người vô tội, gây thương tật, thương tổn tâm hồn và thể xác cho nhiều người, nhiều lứa tuổi.

Tất cả những hệ quả đó DO ĐÂU? VÌ ĐÂU? Xin thưa! Người ta đưa ra nhiều lý do đại loại như: Ảnh hưởng văn hoá và lối sống Tây phương, do phim ảnh, môi trường sống… Nhưng có những lý do mà hình như ít người quan tâm như:

1. Con người ngày nay quá cao ngạo, không tin có Thiên Chúa, khước từ và bổ báng Thiên Chúa, thậm chí muốn đuổi Thiên Chúa ra khỏi trái đất này, để tự tôn phong mình là Chúa. Một khi con người không tin, khước từ và xa rời Thiên Chúa, sống cao ngạo, con người dễ ngã quỵ và rơi vào cạm bẫy của quyền lực sự dữ, của ma quỷ.

Ma quỷ là ai? Theo Tin Mừng trình thuật, vào một lần, khi những người Do Thái không tin và không chấp nhận những lời sự thật của Đức Kitô, Ngài đã nói với họ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối. Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật, nên các ông không tin tôi” (Ga 8,44-45)


2. Không coi trọng, đón nhận tôn giáo và những giá trị do tôn giáo đem lại một cách thực sự.

3. Thiếu sự chú trọng giáo dục luân lý, nhân bản, kỹ năng sống, ngay nơi môi trường gia đình, trên bình diện xã hội, coi trọng việc trau dồi tri thức hơn giá trị đạo đức. Đối với những gia đình Công giáo, quá chú trọng việc trau dồi tri thức, đời sống tiện nghi vật chất cho lớp trẻ hơn việc học hỏi giáo lý, nâng cao đời sống đạo đức, đào sâu đời sống đức tin.

4. Trào lưu chạy theo chạy theo lối sống hưởng thụ, cách nhìn và đánh giá con người qua tài sản, tri thức, chức, quyền…

5. Đối với người Kitô hữu, sự thờ ơ trong đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện, đào sâu Lời Chúa trong Tin Mừng, chưa dám mạnh dạn lên tiếng cảnh báo, ngăn chặn; đôi khi thoả hiệp với thế gian, qua nhiều hình thức khác nhau…

Là người Kitô hữu, trước những thực trạng của xã hội ngày nay, khi tội ác ngày càng lan tràn; kẻ cô thân, cô thế, nghèo hèn bị áp bức; công lý, sự thật, luân lý và nhân bản bị đè bẹp do quyền lực sự dữ; quyền sống và được sống của con người bị đe doạ và tước đoạt ngay từ trong trứng nước. Ta có cho đó là một trách nhiệm trước Thiên Chúa và trước nhau không? Nếu đã là trách nhiệm thì ta phải làm sao, và làm thế nào, để một phần nào làm cho xã hội này được trả lại nét đẹp, sự bình yên mà Thiên Chúa đã yêu thương tác dựng và ban tặng?

Khi tác dựng nên trời đất và muôn loài trong đó có con người Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển,chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,26-28).

Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 4,8), là “Chân, Thiện, Mỹ”. Ngài đã tác dựng nên ta theo hình ảnh của Ngài. Vì thế, ta phải có trách nhiệm và bổn phận làm cho hình ảnh của Ngài ngày càng rõ nét hơn nơi trần gian và xã hội bằng suy nghĩ, lời nói và hành động. Ta phải có trách nhiệm làm cho trái đất này ngày một xanh tươi, đẹp hơn, trở thành cầu nối với nhau trong tình bác ái và yêu thương. Đây chính là trách nhiệm và bổn phận rất lớn của người Kitô hữu trước Chúa và trước nhau, không chỉ hiện tại mà còn cho những thế hệ tương lai.

Trên đường sứ vụ giao giảng chân lý Nước Trời, Đức Kitô vẫn luôn nhắc nhở các Thánh Tông đồ: “Chính anh em là muối… là ánh sáng cho đời” (Mt 5 13-14), lời nhắc nhở của Đức Kitô năm xưa và Lời Chúa qua thư của Thánh Phaolô, cũng nhắc nhở ta giữa xã hội hôm nay: “Giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ; giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl 2,15-16).

Nhưng, làm sao ta có thể trở thành ánh sao nếu ta không đến với Đấng là Ánh Sáng và đã tác dựng nên ánh sao. Chỉ từ nơi Thiên Chúa và trong Thiên Chúa ta mới có thể được bảo vệ, được kín múc nguồn sáng nơi Ngài, như lời Đức Kitô đã phán: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Nếu ta sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô, điều tất nhiên ánh sáng của Ngài sẽ hoà quyện vào ta, qua ta sẽ lan toả ra chung quanh. Nhất là toả lan ra cho một xã hội luôn bao trùm bóng tối của đố kỵ, bất hoà, chia rẽ, bóng tối của nền “Văn Minh Sự Chết”.

Năm Thánh 2010 dần trôi qua, sự kiện trọng đại nơi Giáo hội Việt Nam qua những ngày “Đại hội Dân Chúa” đã kết thúc. Giờ là lúc ta có trách nhiệm ra đi và hành động bằng đời sống cầu nguyện, bằng lời nói, việc làm. Ước chi những hy sinh, cố gắng, nhiệt tâm và nhiệt huyết, kết hợp với ơn Chúa giúp, ánh sáng của “Văn Hoá Tình Thương, Văn Hoá Sự Sống” sẽ phủ dần vào “Nền Văn Minh Sự Chết”. Trả lại cho trái đất, xã hội, con người nét đẹp vẻ huy hoàng mà Thiên Chúa đã yêu thương tác dựng thuở ban đầu.

Lạy Chúa! Tạ ơn Chúa đã yêu thương và tác dựng nên con theo hình ảnh Chúa, xin giúp con trong cuộc sống luôn ý thức điều đó, xin cho con trong từng ngày sống luôn tìm và hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Nhờ đó, con mới có khả năng giới thiệu Chúa cho anh em. Xin giúp con và nhờ ơn Chúa giúp con cùng với những người anh em cố gắng vun đắp cho trái đất và xã hội này ngày càng tươi đẹp như lòng Chúa ước mong. Amen.

Antôn Lương Văn Liêm



Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét