Home » » Kỳ 3: tương lai thiếu hụt lao động

Kỳ 3: tương lai thiếu hụt lao động

SGTT.VN - Uỷ ban Dân số Trung Quốc cho rằng, chính sách một con đã giúp ngăn chặn được 400 triệu ca sinh nở, giúp nước này giữ được mức dân số 1,3 tỉ như hiện nay, thay vì 1,7 tỉ. Nhưng sau năm 2025, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc mỗi năm sẽ giảm mất 10 triệu người, và số người trong độ tuổi 20 – 24 trong vòng một thập niên tới sẽ sụt giảm đi một phần tư.

Kỳ 1: 30 năm chính sách một con của Trung Quốc
Kỳ 2: Những đứa trẻ không khai sinh



Ông Ji Baocheng, người đứng đầu đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nói: “Người trong nhóm tuổi này là những người năng động nhất, có năng suất nhất và chịu học hỏi nhất”. Ông cũng đã gửi đến những nhà lập pháp cấp cao nhất của chính phủ kiến nghị xem xét lại chính sách này.

Trung Quốc thực tế đang gặp tình trạng thiếu hụt người lao động có kỹ năng, đặc biệt là khu vực đã công nghiệp hoá cao ở châu thổ sông Châu Giang ở phía nam. Bóng ma của một dân số già cỗi đang ám ảnh Thượng Hải, nơi tỷ lệ người lao động so với người về hưu rất thấp. Vấn đề bây giờ không phải là đẻ nhiều mà là đẻ quá ít. Số gia đình có thể hưởng được những linh động trong chính sách một con thì nhiều nhưng số gia đình tận dụng các điều kiện ấy để có thêm con lại không đủ, nhất là ở Thượng Hải, khiến chính quyền ở đây phải lo ngại. Người trên 60 tuổi đã chiếm 21,6% dân số Thượng Hải và dự báo sẽ tăng đến 34% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ sinh sản lại thấp hơn cả tỷ lệ một cặp vợ chồng/một đứa con.

Từ năm 2009, Thượng Hải thay đổi chính sách để khích lệ. Những cặp vợ chồng mới cưới được khuyến khích có hai con. Những cặp vợ chồng đã có một con được phép có con thứ hai nếu cả hai đều có học vị cao, hoặc phù hợp với nhiều điều kiện nới lỏng khác. Những tranh cổ động chính sách một con bị xé bỏ và thay bằng các thông tin về những quy định mới và cách nộp đơn xin… đẻ thêm. Bà XieLinli, giám đốc ban Dân số Thượng Hải, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các cặp vợ chồng đủ điều kiện nên có hai con để giảm bớt tỷ lệ người già và sự thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai”.

Tuy nhiên, kết quả hưởng ứng chính sách mới lại đáng thất vọng. Ít người đăng ký chương trình khuyến khích sinh sản này và ít trẻ thứ hai được sinh thêm. Theo tờ Washington Post, các quan chức Thượng Hải cho biết những cân nhắc về tài chính có lẽ là nguyên do chính yếu khiến các cặp vợ chồng không muốn có thêm con.


Kết cục “phân cách dân số”


nhiều quan chức vẫn tin rằng chính sách này đã đóng vai trò quan trọng trong phép mầu kinh tế của Trung Quốc. Theo họ, khi chỉ phải chăm lo cho một đứa con, các cha mẹ có điều kiện gửi tiết kiệm nhiều tiền hơn, giúp các ngân hàng cung cấp những khoản vay hỗ trợ cho những dự án đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng của nước này. Giáo sư Liang Zhongtang, 62 tuổi, một cựu chuyên gia của uỷ ban Dân số và kế hoạch hoá gia đình Trung Quốc lại nói: “Mọi người mù quáng chấp nhận rằng việc kiểm soát dân số đã hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, nhưng điều đó chưa bao giờ được chứng minh”.

Theo ông, đến năm 2030 bất kể áp dụng chính sách nào thì mức tăng dân số Trung Quốc cũng bắt đầu giảm sút. “Các nước phương Tây có thể có mức tăng dân số sụt giảm nhưng lại có số di dân nhập cư bù vào lực lượng lao động. Trung Quốc không có lượng nhập cư lớn cho nên nhắm tới một tỷ lệ sinh sản bằng zero hay số âm là rất nguy hiểm”. Giáo sư Liang cho rằng sự tăng trưởng dân số chỉ là lý do bung xung bào chữa cho tình trạng thất nghiệp và nạn thiếu hụt lương thực ở Trung Quốc 30 năm trước khi Đảng Cộng sản nước này không thể kết tội những chủ trương gây tai hoạ dưới thời Mao Trạch Đông.

Theo nhật báo Telegraph (Anh), 11 triệu ca phá thai mỗi năm đã khiến số người trên 60 tuổi vào năm 2009 đã chiếm 13% tổng dân số Trung Quốc. Một hội nghị về chính sách hưu trí ở Bắc Kinh gần đây đã dự kiến năm 2015 sẽ là khởi đầu cho cái kết cục “phân cách dân số” của Trung Quốc. Đến năm 2050, nước này sẽ có hơn 438 triệu người trên 60 tuổi, với hơn 100 triệu người trong số đó ở tuổi 80 trở lên. Tỷ lệ người trưởng thành trong tuổi lao động phải chăm lo một người già trên 60 tuổi là 1,7, trong khi tỷ lệ này vào năm 1975 là 7,7. Dự báo của chính phủ cũng cho biết dân số Trung Quốc vào năm 2032 sẽ lên tới 1,5 tỉ người.

Chính sách một con cộng với truyền thống trọng nam khinh nữ đã dẫn đến mất cân bằng giới tính trầm trọng trong tỷ lệ sinh sản với 120 trai/100 gái khiến giờ đây 24 triệu nam giới không tìm được vợ. Ở các thành phố lớn, một thế hệ trẻ em cô đơn đang chịu áp lực phải sống theo những kỳ vọng của cha mẹ và nỗi ám ảnh mà các chuyên gia gọi là “vấn đề 4:2:1” – một người trưởng thành phải chăm lo cho hai cha mẹ và bốn ông bà nội ngoại.

Chính sách một con được Trung Quốc áp dụng triệt để đến mức hiện có hơn một triệu quan viên chính phủ đang làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho uỷ ban Dân số. Lý giải tại sao Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách này thêm mười năm nữa, giáo sư bị mất việc làm vì có con thứ hai Yang Zhizhu ở Bắc Kinh nói: “Bỏ chính sách này thì họ lấy gì mà ăn”.


Trần Ngọc Đăng (tổng hợp)


Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét