Một đứa bé được gia đình đặt ngồi bên tượng Phật cầu tự.
Với người Trung Quốc, ai chụp hình chung với tượng Phật Di Lặc này thì sinh được con trai, vì các con của ông đều là con trai. Ảnh: TL Những đứa trẻ “đẻ lậu” đối mặt với một tương lai gian nan. Hầu hết chúng không được cấp giấy khai sinh và khi lớn lên không hề có giấy tờ tuỳ thân. Không có những chứng nhận nhân thân ấy, trẻ em không thể đến trường, người trưởng thành không thể làm việc hoặc làm bất cứ thứ gì có tính hợp pháp.
Ở vùng nông thôn, nhiều cặp vợ chồng có nhiều hơn hai con thường không hề khai báo những đứa con ngoài chỉ tiêu. Chúng được nuôi dưỡng trong bí mật. Để tránh bị người của ban kế hoạch dân số phát hiện, những đứa trẻ được hoán chuyển luân phiên giữa các ông chú, bà dì và các anh chị em của chúng. Những phụ nữ mang thai trái phép nào quyết định trốn về vùng quê cho đến khi sinh nở được gọi là những “bà đẻ du kích”.
Ước tính ở Trung Quốc hiện có khoảng 6 triệu đứa trẻ không khai sinh, hầu hết là các bé gái. Nhiều trẻ rốt cuộc phải vào các trại trẻ mồ côi. Một tường thuật trên tờ Los Angeles Time tháng 9.2009 cho biết, chính các nhân viên dân số đã bắt chúng bán cho trại mồ côi và trại mồ côi lại bán chúng lần nữa làm con nuôi cho những cặp vợ chồng không con – chủ yếu từ Mỹ – với giá khoảng 3.000 USD. Một công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Nam có con gái bị bắt cóc năm 2005, sau này biết được con mình đang sống ở Mỹ nói: “Trẻ con của chúng tôi bị xuất khẩu như một thứ hàng hoá”.
Người của ban kế hoạch dân số có thể có quyền ấn định mức tiền phạt và cưỡng bức phá thai nhưng họ không hề được phép bắt trẻ. Trong nhiều trường hợp, chính các nhân viên này lừa gạt những dân làng thất học ký vào những giấy tờ thoả thuận giao con cho trại mồ côi. Trong những trường hợp khác, cán bộ dân số thay vì bắt gia súc để trừng phạt lại chuyển sang “tịch thu” những đứa bé sau khi biết các trại mồ côi đang bán trẻ làm con nuôi.
Những thôn làng hẻo lánh của tỉnh Quý Châu từng là mục tiêu để cán bộ dân số săn lùng trẻ con. Bất kể những khó khăn của hai giờ vượt qua những con đường hiểm trở vùng núi, những cán bộ sốt sắng vẫn mỗi tuần ghé tới một lần, tai nghe ngóng tiếng trẻ khóc, mắt tìm kiếm những chiếc tã phơi trước hiên hay những dấu hiệu nhà có trẻ sơ sinh.
Đẻ lách luật
Vì luật một con được miễn trừ ở các đặc khu tự trị nên các bệnh viện phụ sản Hong Kong đông nghẹt những bà mẹ từ nhiều gia đình ở các đô thị trong đại lục có điều kiện muốn sinh thêm con. Luật này cũng miễn trừ cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài. Đó là điều kiện để các gia đình giàu có ở Bắc Kinh hay Thượng Hải đi du lịch ở Mỹ khi vợ mang bầu và chỉ quay về cùng với đứa bé mang quốc tịch Mỹ.
Các gia đình nông thôn vốn cần trẻ em phụ giúp việc đồng áng thường vi phạm luật một con hơn các gia đình thành thị. Dân nhập cư vào các thành phố lớn hay đẻ phá luật hơn cư dân thường trú ở thành phố. Một cách lách luật khác là giả vờ đứa con đầu tiên bị tàn tật để được cấp phép sinh đứa thứ hai. Một cách khác là ly dị rồi kết hôn lại với chính người chồng hay người vợ cũ. Một nhà kinh doanh từng “tục huyền” ba lần với chính một người vợ để được có thêm con.
Một số cha mẹ hối lộ bác sĩ phụ sản để kê khai đứa con thứ hai là anh em sinh đôi với đứa trước dù hai đứa cách nhau nhiều năm. Không hiếm chuyện những cặp song sinh chênh nhau đến… mười tuổi. Cách này rất phổ biến ở Quảng Châu đến mức phụ nữ mang thai nào cũng bị hỏi: “Đây là đứa đầu hay bà đang mang thai đứa sinh đôi?” Một số gia đình khác hợp thức hoá “đứa con thứ hai” bằng cách đi sinh ở một bệnh viện khác không có lưu hồ sơ của đứa trẻ trước và sau đó “gửi ké” đứa thứ hai cho bạn bè hay thân nhân không có con cái nuôi nấng.
Luật một con được thực thi nghiêm khắc ở những thành phố lớn nhưng linh hoạt hơn ở các đô thị cỡ trung và những thành phố nhỏ. Tiền phạt có thêm con trái phép được gọi là “phí cấp dưỡng xã hội” và được thiết kế ra để trang trải cho chi phí mà nhà nước phải chăm lo cho đứa trẻ thứ hai. Đó cũng là nguồn thu ngân sách không nhỏ cho nhiều địa phương ở Trung Quốc.
Bị mất việc làm vì có thêm đứa con thứ hai nhưng giáo sư Yang Zhizhu ở Bắc Kinh bảo, chẳng có lý do gì để ông đóng phạt. “Chúng tôi nuôi con mình chứ đâu phải nhà nước nuôi. Đứa con sau của tôi thậm chí còn không được làm khai sinh. Không có giấy khai sinh thì nó chẳng có quyền lợi gì”. Cũng có một triệu phú cứ thản nhiên sinh thêm con bất chấp luật lệ và sẵn sàng đóng tiền phạt 65.000 USD để đứa con thứ hai được cấp khai sinh và có nhân thân hợp pháp. Đến năm 2005, tỷ lệ sinh con trái luật ở Trung Quốc đã lên tới mức: trong năm trẻ chào đời thì chỉ có một trẻ là đứa con duy nhất.
Trần Ngọc Đăng (tổng hợp)
0 bình luận:
Đăng nhận xét