Home » » Hiểm họa phá thai

Hiểm họa phá thai


I. THẢM TRẠNG PHÁ THAI:

1. Thế nào là phá thai ?

“Phá thai” hay “đình chỉ thai kỳ” là sự can thiệp thô bạo và chủ ý của con người nhằm chấm dứt tiến trình phát triển tự nhiên của bào thai và trục xuất thai nhi ra khỏi dạ mẹ, trước khi nó được sinh ra.


“Thai kỳ” bắt đầu với việc trứng được thụ tinh và, trong điều kiện bình thường, kết thúc với việc sinh nở (trong khoảng 280 ngày). Do đó, bất kỳ sự can thiệp nào nhằm hủy diệt tiến trình này và đưa đến cái chết của bào thai đều là hành động phá thai.

Theo nghĩa này, nhiều phương pháp được gọi là ngừa thai (đặt vòng hoặc dụng cụ hình chữ T, dùng các loại thuốc: Norplant, Depo-Provera, Morning after pill, RU-486...) hay điều hoà kinh nguyệt, trong thực tế phải gọi đích danh là phá thai sớm!

2. Một tình trạng báo động!

Những kỷ lục kinh hoàng: Hiện nay, Việt Nam được xem là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, chưa kể vô số các trường hợp phá thai chui và trá hình không thể thống kê được. Đây quả là một cuộc thảm sát dã man có hệ thống và có tầm mức tương đương với tội ác diệt chủng!

Riêng Sàigòn, theo thống kê từ năm 2003 đến nay, trung bình trong hệ thống các bệnh viện công có hơn 100.000 ca nạo phá thai trong một năm. Còn theo số liệu của Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khoẻ Bà Mẹ và Trẻ Em ở Sàigòn, tỷ lệ giữa số trẻ bị giết đi và được sinh ra là hơn 1/1. Đây cũng là tỷ lệ chung cho cả nước.

Ngày nay, đối với nhiều người phá thai được xem là “chuyện nhỏ”, và có chiều hướng ngày càng gia tăng nơi người trẻ. “Qua phân tích tại bệnh viện Từ Dũ thì năm 2001 số người dưới 19 tuổi đến nạo phá thai chỉ 208 ca, năm 2003 nhảy vọt lên đến 1.849 ca – tăng gấp chín lần so với 2001”. Đặc biệt, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, “thường sau những ngày lễ, Tết khoảng nửa tháng, số bệnh nhân nạo phá thai tăng rất rõ”.

Đáng lo ngại là hiện nay ở Việt Nam, nạo phá thai được xem là giải pháp số một khi có thai ngoài ý muốn. Hành động vô luân này không chỉ được xem là hợp pháp, mà còn được hỗ trợ khuyến khích, thậm chí còn được xem là một quyền được pháp luật bảo vệ.

Theo Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta đang sống trong “nền văn hoá của sự chết” (x. Evangelium Vitae, số 19). Điều đáng buồn là thứ “văn hoá” này không chỉ phổ biến nơi người không có tín ngưỡng, mà ngay cả nơi người “có đạo”!



II. VẬY CẦN PHẢI LÀM GÌ?

1. Nói “Không” với việc tội ác phá thai:

Cần đánh thức lương tri con người ngày nay: Phá thai là một tội ác! Hơn nữa, đây là một tội ác vô luân, có khả năng làm lụn bại một dân tộc, có thể đưa đến diệt chủng ! Không có một lý do nào có thể biện minh được cho việc sát hại những con người vô tội, mà có ai vô tội hơn các thai nhi ? Hơn nữa, sự phát triển là cho con người chứ không phải ngược lại. Đánh đổi sinh mạng của hàng triệu thai nhi mỗi năm để đạt được chỉ tiêu tăng GDP là một việc làm phi luân!

Cần thông tin giáo dục cho giới trẻ ngày nay: Biết xây dựng một lối sống lành mạnh. Trưởng thành và có trách nhiệm trong tương quan phái tính. Đào tạo lương tâm trưởng thành: biết quy trọng và bảo vệ Sự Sống, có can đảm nói “Không” với sự dữ, sự ác...

Cách riêng đối với người Công Giáo, cần nhớ rằng: “Ai thi hành việc phá thai, và phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1983, Điều 1398). Hơn nữa, những người trực tiếp cộng tác vào việc phá thai cũng mắc cùng một án.

2. Sống yêu thương vị tha:

Nỗ lực xây dựng một “nền văn minh của Sự Sống và Tình Thương”, nghĩa là:

Một mặt, can đảm dấn thân Bảo Vệ Sự Sống, vạch trần những cơ chế tội lỗi, những hoạt động làm băng hoại tha hoá con người... Mặt khác, cần có một cái nhìn khoan dung và nhân ái đối với những người đã lầm lỡ, nỗ lực cứu giúp những thai phụ không nơi nương tựa, cố gắng tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi... (theo Mt 25).



Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, 24.9.2010
Chương trình BẢO VỆ SỰ SỐNG

http://huongvedaihoidanchua.net/baovesusong/4232.html

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét