Home » , , » Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống

Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống



Kinh Thánh giáo huấn một cách rõ ràng phá thai là sai. Giáo huấn này được tán đồng bằng nhiều cách và nhiều lý lẽ. Có vài người nêu lên rằng chữ “phá thai” không có trong Kinh Thánh, và sự thật là như vậy. Dù thế, giáo huấn về việc phá thai vẫn có trong Kinh Thánh.


Đây cũng là trường hợp của nhiều giáo huấn khác. Chữ “Ba Ngôi” cũng không có trong Kinh Thánh, nhưng giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn có trong Kinh Thánh. Dù sao đi nữa, một người muốn chối từ giáo huấn về việc phá thai vẫn chối bỏ dẫu cho vấn đề phá thai có đề cập đến trong Kinh Thánh.


Chúng ta hãy xem vì sao lý lẽ của Thánh Kinh cho rằng phá thai, tức cố tình hủy diệt một đứa trẻ trong bào thai, là một việc làm vô cùng sai trái. Những ghi nhận trong Sách Sáng Thế về việc sáng tạo con người có nam có nữ (St. 1:26-31; 2:4-25) cho chúng ta biết: “Thiên Chúa sáng tạo người nam giống hình ảnh Người, Người sáng tạo con người giống hình ảnh của Thiên Chúa; Người sáng tạo nên nam và nữ” (St. 1:27). Chữ “sáng tạo” ở đây được xử dụng lập lại ba lần, nhấn mạnh một thời điểm đặc biệt sau cùng trong tiến trình tạo dựng thế giới và mọi vật mọi loài của Thiên Chúa. Người nam và người nữ được ban cho quyền thống trị mọi loài mọi vật trong thế giới hữu hình.


Ngay cả tội của nguyên tổ con người cũng không làm mất đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Thánh Gia-cô-bê đề cập đến hình ảnh này và nói rằng vì thế mà chúng ta không được gièm pha nói xấu nhau. “Có lẽ nào với chính [miệng lưỡi] chúng ta chúc tụng Chúa là Cha chúng ta lại đi nguyền rủa con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa … Thưa anh em, như vậy thì không được” Thư Gia-cô-bê 3:9-10).


Hình ảnh của Thiên Chúa! Đó chính là điều muốn ám chỉ cho con người. Chúng ta không phải chỉ là một mớ các tế bào lộn xộn ngẫu nhiên được trộn lẫn vào nhau mà tạo thành. Trái lại, chúng ta thật sự phản ảnh một Thiên Chúa hằng hữu đã biết chúng ta trước khi chúng ta được dựng nên, và đặt chúng ta thành một thực hữu có chủ đích. Ngay chính thảm trạng phá thai, một vấn đề nổi lên trong Thánh vịnh: “Lạy Chúa, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình do tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:5-7).


Quả thật có một bí quyết. Thiên Chúa không chỉ dựng nên chúng ta mà Người còn quý chuộng chúng ta nữa. Kinh Thánh cho chúng ta biết về một Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách cuồng say, đến độ tự đặt mình phàm trần như chúng ta và ngay cả chết vì chúng ta ngay khi chúng ta đang còn xúc phạm đến Người (Rm 5:6-8). Trước các sự việc trình bày trên làm sao chúng ta có thể cho rằng con người là thứ loại bỏ, như một chiếc xe cũ đã gây nhiều phiền hà hơn là lợi ích của nó? “Thiên Chúa không dựng nên rác rửi.” Nếu bạn tin vào Kinh Thánh thì bạn tin rằng con người thánh đức, còn thánh đức hơn chúng ta tưởng! Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng ta là “Hãy sinh sôi nảy nở cho thật nhiều” (St. 1:28). Vì sao? Chính Thiên Chúa đã sinh sôi nảy nở.


Tình yêu luôn luôn nảy sinh ra mạng sống. Khi người đàn bà đầu tiên sinh đứa con đầu lòng, bà đã công bố: “Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người” (St. 1:4). Việc nhờ Đức Chúa là rất cần thiết, vì Người thống trị đời sống và nguồn gốc của con người. Cha mẹ cùng hợp tác với Thiên Chúa để sinh ra một con người. Vì suốt tiến trình này diễn ra dưới sự chủ quản của Thiên Chúa, mọi cản ngăn đều mắc tội. Thiên tri A-mốt lên án Am-mon “vì chúng đã mổ bụng đàn bà có thai ở Ga-la-át để mở rộng bờ cõi” (A-mốt 1:13). “Này con cái là hồng ân của Thiên Chúa; con mình sinh ra là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127:3). Cụm từ “thụ thai và sinh ra” đã được lập lại nhiều lần (St. 4:1,17) và con người mang lấy cùng một lý lịch trước cũng như sau khi sinh ra. “tôi đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”, người đọc Thánh vịnh tỏ lòng thống hối trong Tv. 51:7. Cùng một từ ngữ được dùng cho đứa trẻ trước cũng như sau khi sinh (Brephos, tức “đứa bé” dùng trong Lc. 1:41 và Lc 18:15.)


Thiên Chúa biết đứa bé sắp sinh. “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con … Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn” (Tv 139:13, 15). Thiên Chúa cũng giúp và gọi đứa trẻ còn trong lòng mẹ. “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22:10-11). “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ga-lát 1:15).


Hình ảnh bào thai trải dài từ mọi chỗ từng gặp qua. Chính ngón tay Thiên Chúa đã viết trên đá điều răn “Chớ giết người” (Xh 20:13, Chính điển 5:17) và Đức Kitô tái xác nhận (Mt 19:18 – lưu ý rằng Đức Kitô nhắc đó là điều răn trước nhất). Sách Khải Huyền xác định những kẻ sát nhân (không thống hối) không thể vào nước trời (Kh 22:15). Sát hại trẻ con đặc biệt bị Thiên Chúa lên án qua các tiên tri.


Trên mảnh đất Chúa ban cho dân Người cư ngụ, các xứ sở cận kề có phong tục thiêu đốt một số con cái của họ làm vật tế sinh. Thiên Chúa đã kêu gọi dân của Người chớ vướng vào tội ác này. Tuy nhiên, họ đã nhúng tay như Thánh Vịnh 106 đã kể: “Họ sống chung lộn giữa chư dân, học đòi những hành vi của chúng … Họ giết con mình cả trai lẫn gái, mà hiến quỷ tế thần, họ đổ máu vô tội, máu con trai con gái của mình, dâng tiến thần Ca-na-an làm tế phẩm, và vì máu này đất đã ra ô uế” (Tv 106:35, 37-38).


Xin lưu ý rằng tập tục trên là một nghi thức tôn giáo. Không vì “tự do tôn giáo” mà việc sát hại trẻ em được khoan thứ. Một hành động cho công lý là hành động can thiệp vào những người bất lực, một hành động bênh vực những người yếu thế không tự bảo vệ được lấy mình.


Để báo trước về Đấng Thiên Sai, Thánh Vịnh 72 viết, “Triều đại Người, đua nở hoa công lý … Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương” (Tv 72:7, 12). Đức Giê-Su Kitô là công lý của chúng ta (1 Cr 1:30) vì Người giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết khi chúng ta chẳng có sức để làm được gì (Rm 5:6; Ep 2: 4-5). Nếu Thiên Chúa đem công lý đến cho dân của Người thì Người cũng đòi hỏi dân của Người đem công lý mà áp dụng cho nhau. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10:37). “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12). “Hãy thương yêu nhau” (Ga 15:17).


Hủy diệt thai nhi là nghịch lại với các giáo huấn trên. Đó là sự đi ngược lại với công lý. Là sự hủy diệt người yếu thế thay vì cứu vớt họ. Nếu người dân Chúa không can thiệp cứu những người đang bị đe dọa mạng sống thì còn đâu là làm đẹp lòng và phượng thờ Thiên Chúa.


Qua tiên tri I-sai-a Thiên Chúa phán: “Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi, những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (I-sai-a 1:13-17).


Thật vậy, người thờ phuợng Thiên Chúa mà hỗ trợ việc hủy diệt thai nhi thì rơi vào cùng một tình trạng mâu thuẫn của dân Chúa trong thời xa xưa, và cần phải lắng nghe thông điệp vừa nhắc trên đây. Chúa đã phá vỡ những rào chắn huyễn nhảm mà con người đã dựng lên giữa họ, và thay vào đó Người công nhận nhân phẩm bình đẳng của mọi người bất chấp quan điểm nào được đưa ra. Từ đó chúng ta thấy Chúa dang tay đến trẻ em bất luận cố gắng của các tông đồ giữ các trẻ em ra xa Chúa (Mt 19: 13-15); đối với những người thu thuế và kẻ tội lỗi Người bất chấp sự phản kháng của các kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu (Mc 2:16); đối với người mù Người bất chấp sự cảnh giác của đám đông dân chúng (Mt 20:29-34); đối với một phụ nữ Sa-ma-ri Người bất chấp sự bày tỏ ngạc nhiên của các môn đệ và của chính người phụ nữ ấy (Ga 4: 9, 27); đối với các thượng tế Người bất chấp sự tức giận của người Do Thái (Mt 21:41-46); và đối với người phung hủi, Người bất chấp sự cô lập họ với xã hội (Lc 17: 11-19).


Một khi nói đến phẩm giá con người, Đức Kitô xóa bỏ mọi dị biệt. Thánh Phaolô công bố, “Không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3:28). Theo đó chúng ta có thể nói, “Không có chuyện đã sinh ra hay còn trong bào thai”. Lấy sự phân biệt này để làm căn bản cho giá trị của mạng sống hoặc để bảo vệ cho người đáng được bảo vệ thì vô nghĩa mà còn nghịch lại với những điều Kinh Thánh dạy.


Thai nhi là những phần thuộc xã hội của chúng ta không được quan tâm và bị phân biệt đối xử. Đức Kitô ắc hẳn dành cho các thai nhi một tình yêu đặc biệt. Thánh Gioan nói, “Quả thế, đây là lời loan báo anh em đã nghe từ lúc khởi đầu: chúng ta hãy yêu thương nhau; chúng ta đừng bắt chước Ca-in: nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình” (1 Ga 3:11-12). Tình yêu thì trực tiếp tương phản với giết chóc. Cất lấy đời sống của người khác là vi phạm giới răn yêu thương. Làm ngơ trước người cần giúp đỡ và người gặp nguy nan cũng là chối bỏ yêu thương.


Đức Kitô đã rõ ràng chỉ dạy cho chúng ta bài học này trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu. (Lc 10:25-37), trong câu chuyện ông La-za-rô và người giàu có. (Lc 16:19-31), và tại nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh. Không có nhóm người nào lại đương đầu với hiểm nguy trầm trọng cho bằng các em bé trai gái trong lòng mẹ. “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17). Đây là một trong những chủ đề căn bản nhất của Kinh Thánh. Sự chiến thắng cho mạng sống được báo trước trong lời hứa đầu con rắn sẽ bị đập nát vì do nó mà sự chết đã có mặt trên địa cầu (St 3:15). Tiên tri I-sai-a hứa, “Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” (I-sai-a 25:8). Nơi cảnh tượng của cuộc sát nhân đầu tiên, đất “đã mở miệng ra” nuốt lấy máu của A-ben. Trong cảnh tượng chiến thắng cuối cùng của sự sống, tử thần đã bị chiến thắng nuốt chửng. Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? … Tạ ơn Thiên Chúa, vì NgườI đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1 Cr 15:54-57).


Phá thai là sự chết. Đức Ki-tô đến thế gian là để chiến thắng sự chết, và vì thế cũng tiêu trừ việc phá thai. “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10:10) Chung cuộc của trận chiến giành lại sự sống đã được Sự Phục Sinh của Đức Ki-Tô quyết định. Chúng ta không chỉ nổ lực để tìm lấy chiến thắng mà chúng ta tiếp tục nổ lực hành động trong chiến thắng. Chúng ta hân hoan nhận lấy chiến thắng đã đạt được, và công bố, phục vụ cho đến khi Chúa lại đến mang cho chúng ta một chiến thắng trọn vẹn. “Sẽ không còn sự chết”. (Kh 21:4). “Amen, Lạy Chúa Giê-Su, xin ngự đến!” (Kh 22:20).


Lm. Frank A. Pavon

NVH chuyển ngữ



Theo conduongtinhyeu.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét