Home » » Kỳ 1: chuyện không muốn chứng kiến ở nơi "tước bỏ quyền làm mẹ"

Kỳ 1: chuyện không muốn chứng kiến ở nơi "tước bỏ quyền làm mẹ"

HVĐHDC - Đây là kỳ 1 trong loạt bài phóng sự về thảm kịch Nạo Phá Thai tại Hà Nội do phóng viên của www.vietnamnet.vn thực hiện. Ông Michel Châu, một độc giả đã chuyển cho BBT chúng tôi. Xin lần lượt đăng lại. Cũng xin lưu ý: một số quan điểm được phát biểu của các bác sĩ và các nhân vật trong bài viết không phải là quan điểm của BBT chúng tôi, cũng không phải của các Nhóm chủ trương Bảo Vệ Sự Sống - chống phá thai...


"Hoang thai, xin phá và chịu hoàn toàn trách nhiệm”


Mới 8g30 sáng nhưng tầng khám dịch vụ Khoa Kế Hoạch Hóa Gia Đình bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã đông chật người. Thấp thoáng sau những chiếc bụng bầu, phía cuối hành lang thật không khó bắt gặp những gương mặt trẻ măng đang chờ được làm thủ thuật.



Cánh cửa phòng chờ luôn khép mở và thỉnh thoảng lại thấy ló ra những gương mặt ngơ ngác trong chiếc váy bùng nhùng, khi đưa chiếc quần, khi lấy ít giấy… Dù lùi lũi một mình hay có bạn trai, người thân đi cùng, thì sự lo âu vẫn hằn lên những gương mặt “ăn chưa no, lo chưa tới”.


Đến từ rất sớm và là người đầu tiên đăng ký làm thủ thuật trong ngày cuối tuần ( 9.5.2010 ), Thanh N. lật đật chạy ra chạy vào, hết phòng chờ thủ thuật lại ra quầy mua thuốc. Vừa qua kỳ thực tập, N. mới kịp phát hiện mình đã được làm mẹ của một thai nhi 8 tuần tuổi. Lủi thủi qua lại bệnh viện từ hôm qua, N. than thở: “Người yêu em còn đang bận lo cho vợ con ở nhà”.


Lật giở chiếc ví, N. trầm ngâm: “Thuốc thang, lệ phí bây giờ đã hết 700 nghìn. Em phải nối dối bố mẹ là xin tiền nộp báo cáo thực tập để lấy tiền đó đập vào”. “Em chẳng ra gì để bố mẹ em phải khổ. Bây giờ dù có phải đi chết cũng phải chết chứ đừng nói là lên bàn mổ, nạo hút gì cả”.


Tất bật từ sáng, Lê Thị H. ( 21 tuổi, quê Tuyên Quang ) cứ loay hoay một mình bên mẫu đơn: “Xin phá thai”. Đứng lên ngồi xuống, viết rồi xóa, cô bé chẳng để ý đến ai. Ai hỏi, đọc, em cũng không lên tiếng. Mãi đến quá trưa khi cửa phòng khám khép lại, em mới buông một câu: “Em ngu thì mới phải thế này. Giờ đây em làm thì em chịu. Chiều lại phải đến nữa”.


Theo quy định, những đối tượng phải viết đơn xin phá thai vì thai nhi ít nhất đã 18 tuần tuổi. Trong đơn xin nạo thai, một bà mẹ có con gái 15 tuổi mang thai 17,5 tuần ghi: "Hoang thai, nên xin bảo lãnh cho con được phá thai to. Có gì xảy ra tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm".


Có lẽ những ai có mặt trong phòng sau thủ thuật sẽ không thể quên được hình ảnh cô gái trẻ 19 tuổi nhấc từng bước cùng bố mẹ và chị rời khỏi phòng vào cuối giờ chiều. Cô bé học năm đầu Trường Đại Học Thương Mại và ai hỏi về người yêu em cũng “thề chưa có”. Đùng cái, khi đi khám bệnh cùng chị gái trong bệnh viện, bác sĩ nói em đã có thai 19 tuần.


Từ quê, bố mẹ vội vàng đem tiền lên đưa con gái đi giải quyết ngay. Mẹ và chị tất bật chạy lo cho em từ hôm qua, còn bố cứ đăm chiêu rồi lại bất thần phía cuối hành lang phòng sau thủ thuật. Cả nhà ra về, người cầm đồ, người dìu con về, từng bước trong nỗi xót xa.


Đau lòng… những con số


Lật giở những trang sổ nhận bệnh năm 2009 của bệnh viện Phụ Sản Trung Ương mà bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – giám đốc Trung Tâm Tư Vấn Sức Khỏe Sinh Sản và Kế Hoạch Hóa Gia Đình cung cấp, trang nào chúng tôi cũng bắt gặp những cái tên kèm theo số tuổi dưới 20.


Tính trong năm 2009, bệnh viện đã giải quyết 5.000 trường hợp thai nhi từ 5 – 12 tuần tuổi bằng phương pháp hút chân không. Trong đó có 28% là số ca bệnh nhân dưới 24 tuổi. Bác sĩ Hồng Minh cũng cho biết thêm, có tới 3% số ca vị thành niên có tiền sử từ 2 lần. “Khách hàng” đặc biệt trong năm 2009, là cô bé chưa đầy 15 tuổi nhưng đã có thai 18 tuần.


Cũng trong năm 2009, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã giải quyết cho là 17.241 trường hợp trong đó có 31,3% bệnh nhân dưới 24 tuổi với 5.403 ca. Đặc biệt chỉ tính riêng trong tháng 3 năm nay, tại đây đã tiến hành thủ thuật cho 60/1.730 ca dưới 19 tuổi. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ theo dõi và tư vấn, con số này có thể lớn hơn vì các em cũng thường đội tuổi lên để không phải nhờ người bảo lãnh.


Khi đưa ra những con số này, bác sĩ Hồng Minh cũng khẳng định: “Tất cả chỉ là tương đối. Các em đến đây được tư vấn, tiến hành làm thủ thuật nhưng để quản lý được chính xác là rất khó”. Cũng theo bác sĩ, ngay trong cuối tháng 4 năm 2010, một bà mẹ đã đưa con là một học sinh đang học lớp 11 ở một trường THPT tại Hà Nội đến “năn nỉ” các bác sĩ phá cái thai 26 tuần tuổi cho con của mình. Bà vừa khóc vừa kể: Nó biết có thai, sợ bố mẹ biết, không dám nói với ai, bỏ nhà đi một thời gian. Khi gia đình tìm về cũng không dám nói, để đến bây giờ khi đứa con 26 tuần tuổi tôi mới vỡ lẽ.


Có những giọt nước mắt


Ngồi trong phòng tư vấn cho những bệnh nhân trước khi vào làm thủ thuật chúng tôi đã không ít lần lặng người đi khi những thiếu nữ vỡ òa lên: “Em sợ lắm”, “Không làm có được không chị ơi”, “Thế mai sau em có thể có con được nữa không ?”… Lại có những đôi bạn trẻ gục đầu góc tường nơi cuối hành lang, động viên nhau gạt đi nước mắt lo âu để bước vào hành trình làm thủ thuật.


Trong những ngày thực tế ở bệnh viện này, tôi không thể quên hình ảnh một bà mẹ quê ở Hà Nam vừa bước tới phòng sinh đã ngồi sụp xuống khóc. Đứa con gái vừa học xong Trung Học Phổ Thông đòi lên Hà Nội đi làm thuê chưa được một năm đã gọi mẹ lên giải quyết tiền viện phí sinh đẻ. Nhưng bà phải cắn răng làm thủ tục cho cháu đi làm con nuôi vì chồng bà ở quê là con trưởng. “Làm sao chịu được điều tiếng của làng xóm cô ơi” – giọng bà cay đắng.


Theo bác sĩ Hồng Minh, hành trình nạo thai kéo dài 2 – 3 tiếng đồng hồ sẽ chấm dứt một lần làm mẹ hoặc cũng có thể là mãi mãi của những người phụ nữ trẻ.


Và có những giọt nước mắt mang tên hạnh phúc khi được làm cha mẹ, nhưng cũng có những giọt nước mắt lăn trên những gương mặt thiếu nữ khi phải từ bỏ quyền thiêng liêng nhất của mình...


HỒNG KHANH
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201006/Chuyen-khong-muon-chung-kien-o-noi-tuoc-bo-quyen-lam-me-913539/



Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét