Home » » Kỳ 2: Ám ảnh đau đớn của sinh viên sản khoa tại phòng phá thai

Kỳ 2: Ám ảnh đau đớn của sinh viên sản khoa tại phòng phá thai

HVĐHDC - Đây là kỳ 2 trong loạt phóng sự về thảm họa nạo phá thai do phóng viên của Vietnamnet thực hiện. Cũng xin lưu ý: một số quan điểm được phát biểu của các bác sĩ và các nhân vật trong bài viết không phải là quan điểm của BBT chúng tôi, cũng không phải của các Nhóm chủ trương Bảo Vệ Sự Sống - chống phá thai...

>>> Kỳ 1: Chuyện không muốn chứng kiến ở nơi "tước bỏ quyền làm mẹ"



“Mình đã tự tay gói bọc xác một thai nhi của một người mẹ trẻ sau khi tiến hành làm Kovac (phương pháp cho đẻ non). Không sợ hãi nhưng mình thấy đau” – cái đau trong những ngày đầu tiên bắt đầu làm việc tại Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nội của một sinh viên sản khoa…





Không sợ hãi, nhưng đau...


Là sinh viên lớp Y4 – Đại Học Y Hà Nội, Hoàng Thị Cúc đang thực tập tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, tâm sự: Với những bào thai chỉ vài tuần tuổi thì còn đỡ, chứ những thai nhi đã thành hình hài con người mà phải làm thủ thuật để phá bỏ thì thật khủng khiếp !
Đã tham gia nhiều ca nạo phá thai, đỡ đẻ, nhưng có một trường hợp khiến chị rất ám ảnh, đó một bệnh nhân sinh năm 1988, sinh viên trường Đại Học Thương Mại.


Người mẹ trẻ vượt cạn một mình. Hai mẹ con cô sinh viên được các y tá chăm sóc rất tận tình nhưng cũng không bao giờ hỏi về gia đình hay bản thân của bệnh nhân. Hồi phục dần sau mấy ngày sinh, cô bé đã bỏ đi. Các bác sĩ đang định làm thủ tục cho nhận con nuôi cho em bé nhưng rất may cô gái và bố mẹ cô đã quay lại đón cháu về.


Hôm ra viện, cả mẹ và con đều khóc ngất. Người mẹ sinh viên cầm túi xách đi theo người mẹ quê nghèo lam lũ bế trên tay đứa cháu trai còn đỏ hỏn rời bệnh viện. Lúc nào nói chuyện cũng chỉ thấy bà khóc rằng: “Con dại thì cái mang”.


Mới những ngày tháng 4 vừa qua, Cúc đã cùng tư vấn cho một ca được chẩn đoán là chửa ngoài tử cung.


Một cô bé 15 tuổi nhưng khi hỏi em đã quan hệ tình dục lần nào chưa ? Em trả lời trước các bác sĩ tư vấn và mẹ ruột của mình một cách thản nhiên, trống không: “Lâu rồi”. Hỏi em có biết tác hại của việc chửa ngoài tử cung không, em vẫn thản nhiên: “Giải quyết là xong”.


“Nhìn nét mặt của cô bé lúc ấy đáng trách lắm, nhưng khi nhìn thấy em quằn quại trong cơn đau mình lại thấy thương vô cùng” – Cúc trầm ngâm nói. 15 tuổi – một cô học sinh lớp 9 nhưng đã nếm sự trải nghiệm với cơn đau dữ dội của cảm giác làm mẹ. Cúc luôn nhắc đi nhắc lại “em ấy cũng chỉ bằng em mình thôi” với giọng đầy xót xa. Nhưng đó có phải là hậu quả của lối sống “giải quyết là xong” của một bộ phận thanh thiếu niên vô cảm và ích kỷ ?


“Mình không bối rối trước những câu hỏi tư vấn cho bệnh nhân, nhưng mình đã thực sự xót xa trước những tiếng khóc hay lời van nài được phá thai của các bạn trẻ” – bạn Phạm Thị Mai, sinh viên trường Cao Đẳng Y Hà Nội, bộc bạch.


Mai kể lại, có một cặp đôi đến xin được phá bỏ cái thai đã 10 tuần tuổi. Cả hai đều từ quê ra đang đi làm thuê, cô gái sinh năm 1990, bạn trai sinh năm 1989. Bác sĩ đã khuyên họ nên giữ lại vì thai nhi đang rất tốt, hơn nữa không quá ràng buộc thì họ vẫn có thể tổ chức đám cưới. Vừa nói thì cô gái đã bật khóc: “Xin phá đi cho em. Em xấu hổ lắm, còn bố mẹ, anh chị em ở quê”.


Sau một hồi được các bác sĩ khuyên bảo, đôi bạn trẻ dắt nhau ra khỏi phòng tư vấn và nói “Chúng em xin nghĩ lại”. Ngồi lại rất lâu phía sân bệnh viện, cô bé vẫn khóc. Và những ngày sau đó Mai không còn gặp lại họ nữa. "Mình hy vọng họ quyết định đúng" – Mai nói…


"Các em còn trẻ, còn cả tương lai phía trước..."


Chia sẻ những câu chuyện trong những ngày học việc ngắn ngủi, cả Cúc, Trang, Mai hay chị Ánh… đều không giấu nổi những cảm xúc.


MẪU 1: ĐƠN XIN PHÁ THAI


Kính gửi: Ban Giám Đốc bệnh viện Phụ Sản Trung Ương
Khoa Điều Trị Tự Nguyện, bệnh viện Phụ Sản Trung Ương
Tôi tên là: ……………………. tuổi: ….. CMND số: ……….
Nghề nghiệp: ……………
Địa chỉ: ………………………………………………………...
Hiện nay tôi có thai 18 tuần, nhưng tôi chưa có chồng nên tôi không thể giữ cái thai này để đẻ được. Vậy tôi làm đơn này tự nguyện xin được phá thai.
Nếu trong quá trình phá thai và sau này có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và không kiện cáo gì.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Ký tên …..


“Đó là những ám ảnh đầu tiên trong nghề làm bác sĩ, y tá sản khoa. Không sợ hãi nhưng cũng không thể quên nổi từng mảnh thi thể của thai nhi trôi trong ống hút” – chị Ánh trầm ngâm.


Riêng với Cúc đã rất thẳng thắn: “Trước đây, khi đọc báo hay nghe kể về những nữ sinh đi phá thai mình đã mặc định họ là những người hư hỏng. Nhưng khi vào bệnh viện thực tập, được tiếp xúc, trò chuyện với những bệnh nhân trẻ này, mình mới thấu hiểu và cảm thông hơn cho họ. Có những trường hợp rất đáng thương…”


Không nói nhiều về công việc của mình, nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, giám đốc Trung Tâm Tư Vấn Sức Khỏe Sinh Sản và Kế Hoạch Hóa Gia Đình, bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, cũng tâm sự: “Nhiều người cho đó là tội ác, nhưng bản thân tôi lại không thấy như vậy. Có những sai lầm nhưng nếu đó là cách duy nhất cho các bạn sửa chữa sai lầm thì cũng chấp nhận được. Vì các bạn còn rất trẻ, còn cả một tương lai phía trước”. (Ghi chú của BBT: Đây chỉ là quan điểm riêng của nhân vật trong bài viết, không phải là quan điểm của BBT, cũng như của Nhóm BVSS).


Cái thai đã bắt đầu thành hình người, các bộ phận cũng đã rõ ràng. Điều khiến bác sĩ Q. bị ám ảnh cho đến tận bây giờ chính là khát vọng sống của thai nhi quá lớn. Khi lấy ra được cả mấy chục phút mà tim thai vẫn đập. Các bác sĩ, y tá trong ca trực đó đều cảm thấy sốc. Họ không dám bỏ thai nhi vào thùng rác thải bệnh viện mà cứ để em ở đó.


Lúc đó Q. mới ra trường. Nữ bác sĩ đã khóc ròng rã mấy ngày liền. Cô tưởng chừng như không thể tiếp tục làm việc này được nữa. Cô thấy chính mình đã cướp đi cơ hội sống của đứa trẻ. Vậy mà cô gái là mẹ của thai nhi mới lúc trước còn mếu máo mong các bác sĩ “giúp đỡ”, sau khi xong việc đã ngay lập tức bước đi không một lần quay lại nhìn hình hài mới đây còn liền núm ruột với mình. (phunu.net)


HỒNG KHANH, Vietnamnet.vn



Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

1 bình luận:

  1. Người ta quan niệm như thế về tội ác, thảo nào cứ giết hại những thai nhi vô tội không chút xót thương!

    Trả lờiXóa