Home » » Quan niệm về Sự sống của Thai nhi trong văn hoá Việt Nam

Quan niệm về Sự sống của Thai nhi trong văn hoá Việt Nam

VietCatholic - Việt Nam cùng với Trung Hoa và Ấn Độ đang được xếp vào số những quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới. Người Việt, nhất là giới trẻ cũng quá thường với việc “phá thai”, nhưng được nói đến bằng những mỹ từ mà người ta đặt ra để che đậy tội ác này như: “Đi điều hòa hòa kinh nguyệt”, “Đi kế hoạch hóa”, “Đi giải quyết vấn đề”…Nạn phá thai ở Việt Nam hiện nay đã trở nên báo động đỏ, khi mà con số thai nhi bị phá bỏ tại các bệnh viện và các phòng khám tư nhân ngày càng nhiều. Sự sống thánh thiêng của các thai nhi vô tội đang bị chà đạp một cách dã man, bởi chính cha mẹ ruột của các em. Trước thảm trạng đó, chúng ta trở về với văn hóa Việt Nam để tìm hiểu xem người Việt quan niệm như thế nào về sự sống của thai nhi?

Dân gian Việt Nam thường quan niệm con cái là tài sản quý giá của gia đình: “Con là của”. Người có nhiều con là phúc đức và người son sẻ là người “vô phúc”. Điều này cũng thể hiện phần nào việc tôn trọng sự sống của con người nói chung và các thai nhi nói riêng của văn hóa Việt Nam, nhất là văn hoá gia đình truyền thống.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Sinh con mới ra con người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no”.

Thực thế, chỉ khi sinh con, thì người ta mới thành cha thành mẹ. Con cái là niềm chờ mong của vợ chồng sau khi cưới. Đây là một ước muốn thiêng liêng, nhằm bảo tồn dòng giống, làm cho tình yêu vợ chồng thêm thắm thiết, làm vui lòng gia đình, dòng tộc và làng xóm. Vì thế dân gian có thói quen hỏi thăm những người phụ nữ mới cưới: “Có tin mừng chưa?”, nghĩa là có thai chưa. Việc có thai được mọi người xem là tin mừng, vì đó là dấu hiệu của một sự đơm hoa kết trái của tình yêu vợ chồng mà người khác cầu mong cho các cặp vợ chồng trẻ. Điều này rất gần với quan niệm về “tin mừng sự sống” của Kitô giáo, sự sống đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho vợ chồng và nhân loại.

Kế đến, khi có tin mừng, thì người mẹ được dạy dỗ để bảo vệ đứa trẻ trong cung lòng mình cách tốt nhất. Họ phải chăm lo sức khoẻ thể lý và tinh thần, ăn các chất bổ dưỡng; xem các tranh ảnh đẹp, suy nghĩ và hành động tốt...để đứa con sau này sinh ra khoẻ mạnh, xinh đẹp và thông minh. Bên cạnh đó, họ cũng khải kiêng kem những thức ăn thức uống, những thái độ, lời nói, hành vi xấu…là những điều có thể có tác hại xấu lên đứa trẻ. Đó cũng chính là quan niệm “thai giáo”, nghĩa là giáo dục đứa trẻ khi còn trong lòng mẹ. Thói quen này bắt nguồn từ quan điểm của người xưa, họ quan niệm việc tôn trọng lễ giáo. Lễ nghi chi phối con người từ nhỏ đến lớn, vì vậy việc “thai giáo”, người mẹ giáo dục con mình khi còn trong bụng là việc là tốt lành. (Xem. Toan Ánh, Nếp cũ, con người Việt Nam, phong ụtc cổ truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995, tr 28-29).

Nét đẹp văn hóa tốt đẹp này của người Việt từ bao đời nay vẫn được người mẹ trong gia đình truyền lại cho con gái hay con dâu của mình. Đây là bổn phận của các bà mẹ, vì họ là những người có kinh nghiệm, và con cái phải trân trọng: “Kính lão đắc thọ, thương già già để đức cho”.

Tiếp đến, khi đứa trẻ được sinh ra thì ông bà dạy: “Có sinh có dưỡng”, tức người ta phả nhắm đến việc nuôi dưỡng và giáo dục thơ nhi, để chúng lớn lên một cách tốt nhất. Dân gian thường nói: “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, để diễn tả sự chăm sóc đứa trẻ một cách dịu dàng, tôn trọng và yêu thương con cái như những báu vật của gia đình.

“Sinh con ai nỡ sinh lòng,
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao).

Từ quan niệm tôn trọng sự sống của con cái, người Việt có một cái nhìn chê bai và mai mỉa những người hiếm muộn:

“Có chồng mà chẳng có con,
Khác gì hoa nở trên non một mình”.

Hay “Có võng mà chẳng có đòn
Có chồng mà chẳng có con để bồng” (Ca dao).

Thật vậy, con cái là một thành phần quan trọng làm nên tổ ấm gia đình, ở đó tình yêu vợ chồng mới thực sự trở nên trọn vẹn, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ mới được thực hiện. Như thế, con cái còn được ông bà ta xem là quý hơn vàng:

“Có vàng, vàng chẳng hay phô,
Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe” (Ca dao).

Từ đó, chúng ta nhận thấy một nét văn hoá tôn trọng sự sống thai nhi và trẻ thơ đã ăn nhập vào trong đời sống thường nhật của người Việt. Điều này cũng được chứng minh qua việc một thiếu nữ có thai ngoài ý muốn mà loại bỏ đứa trẻ là “việc làm vô nhân đạo, xưa và nay vẫn bị phong tục và luật lệ ngăn cấm” (Sđd,. tr 29.) Vì rằng:

“Không đẻ không thương, không máu không xót” (Ca dao)
.

Ngoài ra, với quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ”, con cái là của Trời cho và Trời sẽ nuôi dưỡng, nên việc hạn chế sinh sản hay phá bỏ thai nhi hầu như không xẩy ra. Người Việt cho rằng con cái là sự lưu truyền sự sống của cha mẹ và tổ tiên và con cái được sinh ra nhờ khí thiêng “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Thai nhi là anh linh của các bậc tổ tiên, cái hồn khí của trời đất và đến lượt chúng làm cho tổ tiên được hiện hữu trong các đường gân thớ thịt của cháu con. Đây là một kinh nghiệm rất thánh thiêng về sự sống của con người. Ngày nay, người Việt Nam vẫn giữ được nét đẹp đó khi chon rằng: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Một quan niệm rất quý nhằm bảo vệ và bênh vực mọi quyền căn bản của trẻ em.

Mặc đầu vậy, trong thập niên gần đây, đất nước chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế, nên đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về văn hoá, tư tương của các nước Âu - Mỹ và người ta có xu hướng phóng túng trong đời sống tình dục, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, các chính sách kế hoạch hoá gia đình của Nhà nước cũng được áp đặt một cách quyết liệt. Tất cả đã tạo ra những quan niệm sai trái về sự sống của các thai nhi. Hậu quả của nó là nạn phá thai tràn lan ở khắp cả đất nước, thuộc các lứa tuổi từ thanh thiếu niên cho đến những người đã lập gia đình.

Riêng các bạn trẻ nhập cư tại các thành phố lớn, họ đang phải đối diện với cuộc sống xa quê, xa sự giám sát của cha mẹ và cha xứ. Họ phải lo toan cuộc sống di dân và ghánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Trong hoàn cảnh đó, các bạn dễ bị lây nhiễm những nhu cầu hưởng thụ, sống thử, sống chung, nên nhiều bạn trẻ đã và đang đi ngược lại với những giá trị truyền thống mà các bạn đã từng được cha mẹ khuyên dạy. Thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ Công giáo buông thả trong đời sống tính dục, mang thai ngoài ý muốn và dẫn đến phá thai…Và như thế, các bạn đã và đang làm cho đời sống Kitô hữu của mình sút giảm. Niềm tin vào Thiên Chúa của họ đang bị mai một, khi dấn sâu vào trong tội lỗi, nhất là sự lạm quyền của Thiên Chúa trên sự sống của các thai nhi.

Còn những bạn trẻ có gia đình cũng dễ rơi vài quan điểm sai lầm này. Họ nghĩ rằng sinh ít con thì tốt như chính sách của Nhà nước “dừng lại 1 hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Và đó là cái cớ để họ không sinh con, thậm chí phá thái. Tệ hại hơn, một số bạn trẻ rơi vào tình trạng ích kỷ không muốn sinh con vì sợ ảnh hưởng đến nhan sắc của người vợ, hoặc là có thêm con thì vợ chồng phải vất vả và không có đủ điều kiện để hưởng thụ cuộc sống.

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược về một đề tài khá lớn mà chúng ta không thể trình bày trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, nhưng cũng đã phần nào cho chúng ta thấy đôi nét chấm phá về giá trị về sự sống và việc tôn trọng sự sống thai nhi và trẻ em trong nền văn hoá Việt Nam. Tuy vậy, khi xã hội bước sang thời kỳ đô thị hoá và hội nhập, các giá trị này đã và đang bị mai một dần, thậm chí bị xoá bỏ với những lý do khách quan và chủ quan. Điều đó đã trở thành “bức màn” che đậy cho hành vi xúc phạm đến sự sống của các thai nhi. Và như vậy, chúng đang mở đường cho một nền văn hoá sự chết ở trên các vùng quê Việt Nam hôm nay.

Là những Kitô hữu, những ngôn sứ có trách nhiệm bênh vực sự sống con người, chúng ta phải làm gì để cứu vãn các giá trị tốt đẹp về việc tôn trọng sự sống thai nhi ở Việt Nam, hầu chung tay bảo vệ các mầm sống thánh thiêng của các thai nhi vô tội đang bị phá bỏ mỗi ngày?

Quang Huyền, Ofm

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét