Home » » Nghĩa trang của hơn 30.000 linh hồn bị chối bỏ

Nghĩa trang của hơn 30.000 linh hồn bị chối bỏ

(TTCG) Tại làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có một Nghĩa trang Thai Nhi[1] chôn cất hơn 30.000 đứa trẻ chưa kịp nên hình hài đã bị cha mẹ chối bỏ, tước đoạt sự sống.

Đó là kết quả sau hơn 15 năm âm thầm đi gom các hài nhi về chôn cất của hai người đàn ông có một thân phận bình thường. Họ gọi công việc của mình bằng một cái tên đầy ẩn dụ và đau xót: Phần việc cuối cùng của những người bảo vệ sự sống! 

 
Anh Trương Văn Năng - một trong hai chủ nhân của nghĩa trang
dành cho hơn 30.000 sinh linh bị chối bỏ

Lẩn thẩn với những linh hồn bé bỏng...
Nghĩa trang đương nhiên là buồn, nhưng hình như nghĩa trang ở làng Ngọc Hồ là nghĩa trang buồn và cô quạnh nhất mà tôi từng đặt chân đến. Tôi mồ hôi đầm đìa vì nắng nóng, nhưng vẫn cảm được sự gợn lạnh của một cõi âm hình như đã lâu vắng mùi nhang khói. Bởi vậy, người bạn đồng hành đã không cầm được những tiếng thở dài và nước mắt khi nhìn thấy cỏ mọc um tùm giữa hàng trăm ngôi mộ nằm san sát nhau, cùng một kiểu và diện tích giống nhau.
Mới nhìn thoáng qua, cứ ngỡ những linh hồn bé bỏng đang yên nghỉ ở đây đã tìm thấy được sự công bằng, vốn không dễ gì nhìn thấy ở những nghĩa trang khác, tuy nhiên, đó mới chỉ là sự công bằng về diện tích và kiểu dáng. Bởi trên những khoảnh đất hiếm hoi ở giữa những ngôi mộ, không hiểu sao nơi lại rực rỡ sắc hoa, nơi lại ngút ngàn cỏ dại và chỉ lác đác một vài ngôi mộ, dù có nguội lạnh ngả nghiêng, nhưng vẫn có được cái bát nhang như thường thấy.
Anh Trương Văn Năng - một trong hai chủ nhân của nghĩa trang chỉ lý giải được vế sau của sự thắc mắc: “Những ngôi mộ có bát nhang là do một trong những em nằm dưới đó đã được bố mẹ tìm đến nhìn nhận. Rằm và mồng một hằng tháng, họ thường đến đây thắp nhang và dọn dẹp mộ phần cho con cái. Hôm nay mấy anh lên không đúng dịp, chờ nán lại thêm mấy hôm nữa, đến cuối tháng sẽ gặp được rất nhiều người”. Nhưng làm sao lại là “một trong những em? làm sao họ lại biết người nằm dưới mộ là con họ?” - tôi hỏi.
Anh Năng trả lời: “Do để tiết kiệm đất cho lâu dài nên mỗi ngôi mộ chúng tôi chôn chung khoảng 6-7 em, mỗi em được bỏ trong một cái om nhỏ như cái ấm đất. Còn chuyện các ông bố, bà mẹ sau bao nhiêu lâu vẫn tìm được đúng mộ của con mình là do khi nhặt và chôn cất, mỗi hài nhi đều được chúng tôi làm hồ sơ rất kỹ về ngày và địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có... Những thông tin đó chúng tôi lưu giữ vào những cuốn sổ riêng, còn những con số trên mộ chỉ là những thông tin về ngày chôn cất...”.
Rồi anh thở dài: “Các em không may bị cha mẹ chối bỏ sự sống nhưng vẫn còn may là được họ nghĩ lại để tìm đến. Tuy nhiên số đó rất ít. Phần lớn các em ở đây vẫn mang phận mồ côi. Ai ở gần những hàng xóm có người thân thì thi thoảng còn hưởng nhờ chút khói nhang, hoa quả...”.
Anh Năng dẫn chúng tôi đến một khu nghĩa trang khác trong khuôn viên ngọn đồi, nơi có những ngôi mộ vừa mới chôn chưa kịp “xây nhà”, vẫn còn nguyên mùi đất, và cả những ngôi mộ vừa mới đào xong chưa có xác. Anh nói: “Đây là 3 ngôi mộ vừa chôn tuần trước, còn đây là những ngôi mộ tui đào sẵn cho những ngày sắp tới. Hôm nay nếu không hẹn với các anh, tôi đã về Huế để nhận các em về”.
Việc cuối của những người bảo vệ sự sống
Để có được một nghĩa trang bề thế và đầy ý nghĩa như bây giờ, hơn 15 năm nay, hai anh Trương Văn Năng và Tống Viết Hiếu, ở thôn Ngọc Hồ của xã Hương Hồ, thành viên của nhóm “bảo vệ sự sống”, thuộc Hội Bác ái Địa phận Huế, đã âm thầm đi lại như con thoi giữa Hương Hồ - Huế (khoảng 15km) để gom về từng cái xác. Nhóm “bảo vệ sự sống” có rất nhiều người tham gia với nhiều phần việc khác nhau, như gặp và động viên những bà mẹ trẻ lỡ dại tiếp tục giữ, sinh và nuôi.
Bà mẹ nào sinh con ra nhưng không nuôi được với nhiều lý do khác nhau thì hội nhận và giao cho các cơ sở khác thuộc Hội Bác ái nuôi. Thiết lập quan hệ với các bệnh viện, những y bác sĩ chuyên về nạo phá thai để xin những thai nhi bất hạnh đem về chôn cất... “Tui và anh Hiếu chỉ phụ trách việc nhận thai nhi ở những địa điểm cố định để đem về đây chôn, còn việc nhận tiếp nhận thai nhi từ các cơ sở nạo phá thai thì đã có một nhóm khác lo liệu. Nói cách khác, phần việc của chúng tôi là phần việc cuối cùng của những người bảo vệ sự sống” - anh Năng nói, ánh mắt đầy chua xót.
Hiện trung bình mỗi tháng, hai anh Năng và Hiếu tiếp nhận, chôn cất khoảng từ 120-140 hài nhi. Đó là một con số kinh hoàng đối với một địa phương nổi tiếng là lành và gia giáo như ở Huế.
Tuy nhiên, theo anh Năng thì “con số đó vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, bởi chắc đã và sẽ còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng tôi không thể nào biết được. Mà có một điều tôi không thể nào hiểu được là vì sao càng ngày, đời sống kinh tế của người dân càng khấm khá thì tỉ lệ nạo phá thai lại càng tăng đến chóng mặt. Đặc biệt, ngày trước cứ 10 người nạo phá thai thì có đến 8-9 là người sống ở thành phố, còn bây giờ, cứ 10 người thì lại có đến 3-4 sống ở nông thôn”.
Tôi băn khoăn không biết những thai nhi mà các anh không biết được để đưa về đây có được ai đó quan tâm để chôn cất tử tế hay không? Anh Năng chùng giọng: “Có lẽ là không, bởi hiện ở Thừa Thiên - Huế chỉ có duy nhất chúng tôi làm việc này”. Về việc những thai nhi bị chối bỏ nếu không được chôn cất thì sao, anh Năng không trả lời thẳng mà chỉ nói gần xa, nhưng đủ để tôi rùng mình và bất chợt nhớ tới những thai nhi được dùng để vỗ béo súc vật như trong truyện ngắn “Tướng về hưu” gây xôn xao một dạo...
Nhóm “bảo vệ sự sống” được hình thành và hoạt động từ năm 1992, và sau này nó trở thành một mô hình kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác làm theo như Nha Trang, Đà Nẵng... Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh là các anh được trả tiền để làm việc này, nhưng hoá ra không phải. “Nhiều năm nay, chúng tôi làm việc này một cách tự nguyện. Chỉ có tiền cho việc mua áo quan và xây mộ là Hội Bác ái cho, còn lại mọi chi phí đi lại, chúng tôi phải tự lo. Tuy vậy, chúng tôi lấy điều đó làm vui bởi đã làm được việc gì đó có ý nghĩa để các em được an ủi phần nào.
Hiện thu nhập chính của gia đình tôi là làm ruộng và trồng rừng, còn anh Hiếu thì đi dạy thêm tiếng Anh cho người ta. “Làm công việc này mà nghĩ đến tiền bạc là thất đức lắm. Vả lại, nếu có tiền thì thiên hạ người ta tranh nhau làm hết rồi, đâu tới lượt mình” - anh Năng nói. Điều bất ngờ là anh Năng có 6 người con, nhưng tất cả 4 người con lớn của anh hiện đang theo học đại học và phổ thông ở Huế đều rất ủng hộ và đang “theo nghề” của anh.
“Có những lúc bận quá không về Huế nhận xác được, rứa là các cháu nhân dịp đi học về ghé qua nhận và mang về giúp tôi. Cũng may là đứa nào cũng thấy bình thường và vui vì được làm công việc này. Như rứa là sau này tôi có người nối nghiệp rồi” - anh kể và đầy tự hào về các con mình.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại nghĩa trang. Anh Năng vừa tranh thủ làm vệ sinh một ngôi mộ phủ đầy cỏ dại vừa thầm thì, hình như không phải với tôi: “Bao năm nay ở đây chỉ toàn nghe tiếng khóc và thở dài, phải lâu lắm rồi mới có nhiều tiếng người cười nói”. Anh khoe: “Mỗi lần có chuyện buồn bực, chuyện khó khăn, tôi đều lên đây tâm sự với các em và sau đó thấy lòng rất nhẹ nhõm. Ở đời, chỉ có đối diện với người đã khuất, đặc biệt với những hài nhi như các em, người ta mới dám rũ bỏ và nói thật lòng mình”.
Chia tay anh, tôi và người bạn đồng hành nán lại chút xíu để thử “tâm sự với các em”. Bởi là lần đầu tiên rơi vào cảnh ngộ này nên cho đến chập choạng tối vẫn không biết nên tâm sự những gì và bắt đầu từ đâu? Đành rời nghĩa trang và tự an ủi mình bằng một niềm vui nho nhỏ: “Mình được sinh ra trên cõi đời này đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến!”.
Mr.Ken™
Nguồn: Caritas Huế

[1] Nghĩa trang Thai Nhi này là nghĩa trang được hình thành đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 1992, do sự khởi xướng của một số linh mục Giáo phận Huế. Với tấm lòng của yêu thương các ngài và sự cộng tác tích cực của một số anh chị em giáo dân, mà nghĩa trang này đã đang và sẽ là nơi dung thân, nơi yên nghỉ cho các thai nhi vô tội bị tước đoạt sự sống.


Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét