Home » , » [Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 6: Níu giữ mầm sống

[Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 6: Níu giữ mầm sống

[NLĐO] Cùng nhóm tình nguyện chuyên đi gom nhặt thai nhi bị phá bỏ đến thăm nghĩa trang Tín Thác ở thị xã Bảo Lộc – Lâm Đồng, ngoài những câu chuyện buồn về các em, chúng tôi còn chứng kiến niềm vui khôn tả khi họ nhắc đến không ít mầm sống được níu giữ thành công

>> Hối lỗi với thai nhi
>> Khóc cho giọt máu không thành kiếp người
>> Những thai nhi bị chối bỏ
>> Nghĩa trang thai nhi
>> Sám hối từ trái tim


Cô Nguyễn Thị Hường, trưởng nhóm tình nguyện, cho biết nhiều phụ nữ đã quyết định phá bỏ mầm sống đang lớn dần trong bụng mình nhưng sau khi nghe tư vấn, họ lại muốn giữ con. Những phụ nữ này được đưa đến khu nhà lưu trú do nhóm tình nguyện dựng lên để chờ ngày sinh nở.


Ông Trần Đình Hùng và chị Nguyễn Ngọc Thanh Thu nâng niu hai đứa trẻ được nhóm tình nguyện ở Bảo Lộc - Lâm Đồng cứu sống


Sau khi sinh, tình mẫu tử trỗi dậy khiến họ quyết tâm mang con về nhà. Ngược lại, cũng có không ít người đã lặng lẽ bỏ con ra đi không một lời từ biệt. “Dù sao thì điều quan trọng là chúng tôi đã giữ được những thai nhi vô tội” - cô Hường thổ lộ.


Cùng chăm sóc, nuôi dưỡng


Những đứa trẻ may mắn sống sót này được nhóm tình nguyện của cô Hường cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng. Các em được đặt cho những cái tên thật đẹp, như: Gia Ân, Hồng Ân, Phúc Ân, Giang Ân, Ngọc Ân...


Cô Hường cho biết từ ngày thành lập nghĩa trang Tín Thác vào đầu năm 2009, đến nay, gần 20 thai phụ với nhiều hoàn cảnh khác nhau sau khi được nhóm tình nguyện thuyết phục đã bỏ ý định phá thai. Tại khu nhà lưu trú của nhóm, đã có 11 em bé ra đời, trong đó 5 em được mẹ mang về nhà, 6 em bị bỏ rơi.


Dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đang xây dang dở nằm dưới một con đường dốc đất đỏ, cô Hường khoe: “Đây là cơ sở chúng tôi đang xây để nuôi dạy các bé. Chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục để làm giấy khai sinh cho các bé ở lại đây”. Do cơ sở chưa hoàn chỉnh nên hiện chỉ có 3 bé ở lại, 3 bé khác gửi nhờ nhà người quen của nhóm chăm sóc.


Bế trên tay một cậu bé kháu khỉnh, bụ bẫm, ông Trần Đình Hùng, người chuyên đi gom nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về nghĩa trang Tín Thác chôn cất, cười tươi: “Thằng bé này tên Gia Ân, mới 6 tháng tuổi nhưng rất thông minh, lanh lẹ”. Giọng chú chợt chùng xuống: “Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ Gia Ân đã quyết định đến bệnh viện bỏ con. Khi nghe tin, cả nhóm tình nguyện chúng tôi đã đến bệnh viện rút hồ sơ rồi khuyên ngăn. Cuối cùng, chị ta quyết định giữ con lại. Tuy nhiên, vừa sinh xong Gia Ân, chị ta đã lẳng lặng bỏ đi”.


Kế bên, bé Giang Ân hơn 1 tháng tuổi đang được một tình nguyện viên tên Nguyễn Ngọc Thanh Thu nâng niu trên tay. Chị Thanh Thu nhớ lại: “Khi mẹ bé Giang Ân ra trạm xá để phá thai, những người tình nguyện chúng tôi đã khuyên giải hết lời chị ta mới nghe. Sau đó, chị ta đột nhiên bị huyết áp tăng cao, phải chuyển đến bệnh viện gấp. Rất khó khăn, hai mẹ con Giang Ân mới được cứu sống.

Cũng như trường hợp bé Gia Ân, sau khi sinh xong, mẹ Giang An đã bỏ đi”. Sinh ra không được bú mẹ, Giang Ân bệnh mãi. Hôm chúng tôi đến nhà lưu trú, cô Hường phải chạy đôn chạy đáo tìm người chở bé đi bệnh viện.


Nghĩa cử lặng thầm


Trong thời gian đi thực tế tìm hiểu về tình trạng phá bỏ thai nhi, chúng tôi đã gặp rất nhiều tình nguyện viên. Ấn tượng chung của chúng tôi về họ là tất cả đều tự nguyện dấn thân vào công việc gian khổ, thầm lặng này mà không gợn chút vụ lợi.

Nhiều người bất chấp khuya sớm, gió mưa, hễ nghe tin có thai phụ nào tính bỏ con liền vội vàng
tìm cách tiếp cận để thuyết phục họ giữ lại giọt máu của mình, nếu không được thì chực chờ xin đem thai nhi về chôn cất, khói hương.


“Không đơn giản chút nào!” - cô Nguyễn Thị Hường, người khởi xướng việc tìm kiếm và chôn cất thai nhi bị phá bỏ ở Lâm Đồng, tâm sự - “Đầu tiên, chúng tôi liên lạc ở các bệnh viện, những cơ sở khám phụ khoa hay phòng mạch tư trong vùng, nhờ người ở đó báo tin khi có thai phụ nào đến yêu cầu bỏ con.

Thấy công việc của chúng tôi xuất phát từ cái tâm, không hề vụ lợi nên họ đã nhiệt tình cộng tác. Khi có thông tin thai phụ muốn bỏ con, nhóm cử người đến ngay để tìm mọi cách khuyên giải, can ngăn. Nếu thất bại, chúng tôi cũng để lại số điện thoại với hy vọng họ sẽ đổi ý hoặc tình huống xấu nhất là bỏ thai nhi thì họ sẽ liên lạc” - cô Hường cho biết.


Nghĩa cử lặng thầm, đầy ý nghĩa của cô Hường đã tác động, lôi cuốn nhiều người cùng chung tay lo cho các thai nhi bất hạnh. Cụ Phan Thị Thảo, nay đã 88 tuổi, nhà ở thị xã Bảo Lộc, cảm động trước công việc của nhóm đã hiến mảnh vườn của mình để làm nhà mở cho các thai nhi được cứu sống sinh hoạt.

Ông Trần Đình Hùng, dù gia đình còn khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng gác bỏ công việc sang một bên để đi gom nhặt các thai nhi bị phá bỏ về chôn cất và lo nuôi dưỡng các em được cứu sống. Nhìn bàn tay thô ráp vụng về của ông khi đút sữa cho các em, nghe ông gọi tên các em đầy trìu mến, chúng tôi cảm nhận phải là một người thật sự yêu thương trẻ mới làm được như vậy.


Ngày qua ngày, nhóm tình nguyện của cô Hường vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Cô Hường ngậm ngùi: “Kinh tế phát triển, đời sống vật chất khá lên nhưng kéo theo đó là không ít người trong giới trẻ có lối sống hưởng thụ. Nhiều cô gái dễ dãi quan hệ với bạn trai, khi mang thai lại thản nhiên phá bỏ”.

Lặng lẽ bứt những cây cỏ dại quanh các nấm mộ ở nghĩa trang thai nhi Tín Thác, cô Hường thở dài: “Hôm nọ, tôi gặp một cô gái trẻ tới nghĩa trang, thái độ lén lút như kẻ trộm. Té ra, đó là một người đi thăm con. Giá như tỉnh táo hơn một chút, giờ cô ấy đã có một đứa trẻ xinh xắn để bồng bế, nâng niu rồi”.


Cứu sống hàng chục trẻ vô tội


Tại điểm sinh hoạt cộng đồng ở Tu viện Dòng Chúa Cứu thế (quận 3- TPHCM), chúng tôi được biết nhóm “Bảo vệ sự sống” ở đây cũng đã tư vấn rất nhiều ca thành công và đã có hơn 30 thai phụ đang ở nhà lưu trú chờ ngày sinh nở. Nhà lưu trú của nhóm có 2 điểm tại quận Bình Thạnh- TPHCM và ở Đồng Nai.

Hầu hết những thai phụ đều từ các tỉnh đến. Ở nhà lưu trú, họ được tư vấn cách làm mẹ, cách ổn định tâm lý, yêu thương con và được hỗ trợ chỗ ăn ở. Nhờ vậy, không ít trẻ đã sinh ra tại đây và được mẹ mang về nhà nuôi dưỡng.


Bài và ảnh: THU HỒNG – THU HƯƠNG

http://nld.com.vn/20091121013358993P1002C1005/niu-giu-mam-song.htm

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét