Những điểm NPT tại Hà Nội. Ảnh: I.T
[Gd] Hầu hết những cô gái trẻ đến bệnh viện NPT đều rất mong muốn giải quyết nhanh vấn đề này. Chính vì vậy, vô hình trung họ trở thành những “miếng mồi” béo bổ của “cò”.
Đa dạng chiêu thức “cò”
Chúng tôi vừa dừng xe trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, đã có mấy người hành nghề xe ôm chạy đến. “Cô đi đâu đấy? Đi khám à, gần hết giờ rồi họ không nhận nữa đâu. Cô tính dưỡng hay là bỏ?…”. Sau những câu hỏi tới tấp, các “cò” thi nhau quảng cáo cho các trung tâm bảo sinh.
Hễ có cô gái nào xuất hiện trước cổng bệnh viện là lập tức các “cò” xúm lại. Nếu phát hiện cô gái muốn phá thai thì ngay lập tức họ đưa ra đủ các chiêu để hù dọa. “Cô có giấy kết hôn không? Nếu không có thì đừng vào đây cho mất công. Bệnh viện không giải quyết những trường hợp như cô đâu vì họ sợ phải gánh vác trách nhiệm. Lỡ sau này, gia đình các cô đến kiện tụng thì sao… Tôi biết có một chỗ uy tín lắm…”. Và cứ thế, lợi dụng các cô gái đang có tâm lý lo lắng, họ tiếp tục đưa ra hàng lô hàng lốc những lời quảng cáo cho các trung tâm và dịch vụ bảo sinh. Nào là “trung tâm này là của Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Từ Dũ, trung tâm kia của Phó giám đốc Bệnh viện”... Rồi “đến trung tâm, các cô không phải tốn nhiều thời gian và công sức mà chẳng ai biết nữa. Nếu cô vào bệnh viện, lỡ gặp người quen thì sao”… Các “cò” tỏ ra là một người rất am hiểu lĩnh vực này để “tư vấn” cho các cô gái đủ mọi vấn đề.
Khi gặp bác sĩ Dương Phương Mai, nghe chúng tôi kể, bác sĩ rất bức xúc và cho biết: “Những lời đó hoàn toàn là bịa đặt, chúng tôi không hề mở một trung tâm bảo sinh nào ở bên ngoài”. Còn chuyện đến bệnh viện cần có giấy đăng ký kết hôn thì chỉ có thể “lừa” được các cô gái nhẹ dạ không chịu tìm hiểu thông tin mà thôi. Thật ra, đến NPT ở bệnh viện, không cần có giấy đăng ký kết hôn vì hiện nay biết bao cô gái “không chồng mà chửa”. Đến Bệnh viện Từ Dũ, các bạn trẻ còn được tư vấn miễn phí và mọi thông tin về người phá thai còn được giữ bí mật. Còn đối với chuyện mất nhiều thời gian, bác sĩ Trương Nguyên Hảo, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Thủ Đức cho biết: “Rất nhiều người đến NPT nên phải chờ đợi là chuyện hết sức bình thường để đảm bảo an toàn cho họ. Mặt khác, chúng tôi còn khuyên bảo và cho họ thời gian để suy nghĩ nên NPT ở bệnh viện chắc chắn phải chờ đợi lâu hơn”.
Theo hướng dẫn của “cò”, chúng tôi tìm đến một trung tâm bảo sinh trên đường Trần Đình Xu, Q.3. Ở đây, chúng tôi được một vị bác sĩ trẻ hướng dẫn làm thủ tục. Tất cả mọi việc đều diễn ra hết sức nhanh chóng nhưng giá cả thì cao ngất ngưởng. Nếu ở các bệnh viện, mỗi ca NPT chỉ mất khoảng 200 đến 300 ngàn đồng thì chi phí ở những trung tâm kiểu này phải lên đến tiền triệu. Còn đối với giới “cò”, tất nhiên họ cũng được chia một phần nhỏ từ lợi nhuận này. T, một “chuyên gia” về cò hành nghề trước cổng Bệnh viện Từ Dũ tâm sự: “Hôm nào gặp được “miếng mồi” ngon là hôm đó hên. Ngoài chở khách ra thì cũng kiếm thêm được một ít thu nhập từ trung tâm bảo sinh. Chính vì vậy mà hầu hết anh em ở đây đều hăng hái, nhiệt tình làm công việc này mặc dù biết nó không được tốt đẹp cho lắm”.
“Nghề tay trái” của một vài bác sĩ
Hiện nay, “cò” không chỉ là những người làm xe ôm hay một số ngành nghề khác mà còn là một vài bác sĩ, nhân viên y tế ở những trung tâm y tế nhỏ. Những dạng “cò” này thường được sự tin cậy của các cô gái NPT hơn nhưng tất nhiên số tiền mà họ có sau những ca “môi giới” NPT như vậy cũng không hề nhỏ.
Trung tâm Y tế P. ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương là nơi có rất nhiều bạn trẻ tìm đến để “giải quyết hậu quả”. Đối với những thai nhi nhỏ, trung tâm này có thể tiến hành hút bỏ được. Tuy nhiên, gặp trường hợp những thai nhi đã quá lớn, không có đủ trang thiết bị để tiến hành NPT thì bác sĩ phụ trách trung tâm này sẽ hướng dẫn cho người phụ nữ tới một bác sĩ ở bệnh viện lớn khác. Khi gặp bác sĩ đó, ngay lập tức họ sẽ được đưa trực tiếp lên bàn mổ giải quyết nhanh chóng mà không phải thông qua thủ tục nào, trong khi ở bên ngoài có biết bao người khác ngồi chờ la liệt cả ngày mà vẫn chưa được tiến hành. Nhìn chung, độ an toàn thì khá cao nhưng chi phí cho một ca NPT như vậy không nhỏ đối với bạn trẻ. N.L tâm sự: “Năm ngoái em cũng đã lỡ dính bầu và vào trung tâm P. để “giải quyết” nhưng cái thai lớn quá rồi nên bác sĩ ký giấy và cho em số điện thoại của một bác sĩ ở bệnh viện khác. Bình thường, người ta đến bệnh viện chờ đợi lâu một chút tốn khoảng vài ba trăm ngàn, còn em mất hơn cả triệu đồng. Ở đây, rất nhiều người biết chi phí khám bệnh ở trung tâm này đắt nhưng được cái nhanh nên cũng đành ngậm ngùi làm cho xong”.
Trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng trăm trung tâm bảo sinh tồn tại với những dạng lớn nhỏ khác nhau. Có những trung tâm chất lượng tốt nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các trung tâm “ma”. Nếu gặp những trung tâm bảo sinh giá cả cao nhưng chất lượng tốt thì độ an toàn sau NPT còn có thể được đảm bảo nhưng nếu chẳng may gặp phải những trung tâm kém chất lượng thì chắc chắn các cô gái sẽ gặp rất nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của mình.
0 bình luận:
Đăng nhận xét