Home » » Nghèo không phải lý do để phá thai

Nghèo không phải lý do để phá thai

Trong các cuộc tranh luận về phá thai và nhân đạo, một trong những lý do phổ biến mà bên ủng hộ phá thai hay đưa ra là : vì không đủ tiềm năng kinh tế để nuôi con. Nói một cách khác đi, là hoàn cảnh khó khăn về tài chính, sợ nuôi con bị thiếu thốn.

Đó là một cách nói giảm nói tránh, còn thực tế chúng ta có thể tóm gọn lý do đó là: Nghèo!

Cũng có thể, khó khăn tài chính không đến mức đồng nghĩa với nghèo nhưng thông thường, dùng từ khó khăn trên phương diện vật chất cũng mang hàm ý là nghèo, vì nghèo nên không đủ tiền nuôi con, thế là không sẵn sàng sinh con ra. Sợ con là con nhà nghèo!

Sở dĩ tôi muốn tóm tắt lại lý do tài chính eo hẹp thành một từ “nghèo”, là để chúng ta dễ dàng hình dung cũng như hiểu được nó cách sâu rộng hơn. Vì đằng sau từ “nghèo”, không đơn giản chỉ là thiếu thốn tiền bạc.

Nếu nói về “con nhà nghèo” tôi xin kể một câu chuyện có thật: Qua một người bạn, tôi biết đến gia đình nọ của vị giáo sư già. Nhà ông nghèo, vì ông là giáo sư từ chế độ Cộng Hòa nên giờ chỉ đứng bên lề xã hội mà dõi theo thời thế. Thỉnh thoảng giáo sư vẫn được mời qua các trường Đại học Mỹ để giảng dạy, có điều nói về tài sản, đồ đáng giá trong căn nhà cũ kĩ đơn sơ của ông chỉ có sách, vợ ông có khi còn phải buôn gánh bán bưng để chạy ăn từng bữa, cơm cà mắm muối hết sức đạm bạc… nhưng điều đáng nói là họ không thấy bất mãn với cuộc sống, bà giáo sư bảo rằng niềm vui của bà đơn giản là chỉ cần ngồi nghe ông giáo sư nói chuyện. Và đặc biệt, hai đứa con của họ tuy lớn lên trong gia đình thiếu thốn nhưng lại rất giỏi, học thức thì sâu rộng, phẩm chất thì tốt đẹp. Đó là hoa trái của sự giáo dục đúng đắn từ cha mẹ, dù là cha mẹ nghèo.

Đó là một ví dụ điển hình của cái gọi là sinh ra trong nghèo khó. Quả thật, nghèo khó không nói lên điều gì ngoài việc cho chúng ta nhiều cơ hội để trui rèn ý chí hơn.


Quay trở lại vấn đề chính, tôi không mong gì hơn là được chia sẻ chân thành với những người bạn, chị, em gái… đã, đang hoặc sẽ bối rối khi lâm vào tình cảnh mang thai nhưng có ý định phá thai vì nghĩ đến kinh tế eo hẹp.

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút:

Nếu lấy lý do nghèo để không sinh con, thì chưa chắc giờ bạn có mặt ở đây để phá thai, bỏ đi đứa trẻ trong bụng mình. Vì nhìn lại, bố mẹ bạn khi xưa có giàu có không? Nếu giàu, sao tới đời bạn lại bị cái nghèo vây lấy tới nỗi không dám sinh con?

Có thể bạn không thừa hưởng tài sản của bố mẹ vì tự lập, nhưng chẳng lẽ con bạn phải chịu sự thiệt thòi đến mức mà ông bà giàu có của nó không thể vì tình thương mà giúp đỡ bạn nuôi dưỡng nó trong giai đoạn bạn khó khăn?

Còn nếu cha mẹ bạn nghèo, vậy bạn nhìn xem, họ có chối bỏ bạn với lý do như bây giờ bạn dùng để chối bỏ con mình không? – “Tôi phá thai vì kinh tế không cho phép”.

Hay là bố mẹ bạn vẫn cho bạn cơ hội sống để thay đổi cuộc đời ? Mà chắc rằng khi quyết định sinh bạn ra, họ cũng chẳng sinh vì ý muốn để bạn giúp họ đổi đời. Bởi vì tương lai là cánh cửa tự do, bên kia cánh cửa, chúng ta không thể áp đặt bất cứ điều gì từ tư tưởng một chiều của chúng ta. Tương lai là một cánh cửa mở. Vậy sao bạn không để nó mở ra hy vọng hơn là cố chấp đóng sầm cửa lại?


Đặt một trường hợp: Bạn nói bạn không có điều kiện kinh tế để sinh con, bạn chưa lập gia đình, chưa có sự nghiệp vững chắc nên không thể nuôi con khôn lớn, thế là bạn phá thai. Vậy điều gì xảy ra nếu sau khi lập gia đình, khi bạn đến ngưỡng tuổi “đã phải có sự nghiệp” (như bạn từng dự đoán) mà bạn vẫn nghèo, vẫn thiếu thốn, không dư dả về kinh tế… lúc này bạn có thai “danh chính ngôn thuận”, vậy chẳng lẽ cũng phải phá thai?


Có thể lúc này sự lựa chọn của bạn là không, theo lẽ tự nhiên, kết hôn có con thì sinh ra thôi. Vậy vấn đề có thể không phải là do cái nghèo, mà do sự “danh chính ngôn thuận” khi mang thai. Nghĩa là gái chưa chồng mà có con thì sợ tai tiếng, sợ không có người san sẻ gánh nặng nuôi con cùng mình. Còn có chồng rồi thì dù kinh tế kém nhưng sinh con vẫn dễ chịu hơn. Lý do thật có thể là vậy.

Thế thì liệu có công bằng cho đứa trẻ không khi mà trước hôn nhân hay sau hôn nhân, con bạn đâu có quyền lựa chọn thời điểm nào để đến thế gian này ? Phải chăng chính bạn đã tước đoạt quyền lựa chọn đó? – Quyền lựa chọn một con người có được sống trên đời này hay không!

Xoáy sâu vào vấn đề này sẽ thấy được lý do tại sao những tổ chức bảo vệ thai nhi trên thế giới nhận định: phá thai chính là giết người!

Và phân tích vào vấn đề cũng mang lại cho chúng ta một lời khuyên rằng: Nghèo không phải là lý do để chối bỏ trách nhiệm sinh con, dù lỡ mang thai khi mà bạn nghĩ rằng điều kiện chưa đủ để nuôi con thì đó cũng không phải lý do để trốn tránh thiên chức của một người mẹ.


Bởi thực tế cho thấy, con người có khả năng đấu tranh và sinh tồn vô cùng mạnh mẽ, đã có biết bao nhiêu gương mặt danh nhân, vĩ nhân xuất thân từ những gia đình nghèo khó, thậm chí còn nghèo hơn cả cái nghèo của các bạn.


Vậy điều gì quyết định cuộc đời họ? Tôi nghĩ chúng ta không nên đổ thừa cho hoàn cảnh nữa, mà hãy nhìn vào tận sâu trong trái tim mình. Điều gì làm cho những danh nhân xuất thân bần hàn đó vượt qua được khó khăn? Đừng cho rằng môi trường xã hội của họ tốt hơn, trợ cấp xã hội giúp họ, v.v… và v.v…

Giả dụ có nhận được trợ cấp xã hội, thì trước tiên họ phải được sống đã! Mà thực ra vấn đề không nằm ở trợ cấp xã hội, nó nằm ở khả năng của mỗi người để vượt qua khó khăn và nên người, sự giáo dục và tình thương từ gia đình góp một phần không nhỏ vào nhận thức của họ.

Nếu bạn nghi ngờ về những điều trên đây, tôi xin điểm qua một vài tấm gương “tay trắng làm nên cơ đồ” của thế giới và cả ở Việt Nam:

1. Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln: Lincoln có xuất thân bần hàn, gần như chỉ trải qua 18 tháng giáo dục phi chính quy, nhưng với tính siêng năng tự học, ông đã bước trên con đường của một vĩ nhân.

2. Howard Schultz: ông chủ của hãng cafe danh tiếng thế giới Starbucks là điển hình của mẫu tỷ phú vươn lên từ nghèo khó. Lớn lên ở khu ngoại ô nghèo Canarsie, Brooklyn, Schultz luôn ao ước được bước ra khỏi những rào cản và lối sống mà người cha làm nghề lái xe ba gác hướng ông đi theo. Mặc cho cảnh thiếu thốn cơ cực, ông lại rất giỏi các môn thể thao và đã giành được học bổng bóng đá từ trường Đại học Nam Michigan.

3. Tỷ phú Trung Quốc Li Ka-Shing: ông là người giàu nhất khu vực Đông Á, từng bỏ học lúc 15 tuổi để đi làm ở một nhà máy sản xuất nhựa. Gia đình Li Ka-Shing rời bỏ Trung Quốc đại lục để đến Hong Kong vào năm 1940. Cha ông mất vì căn bệnh lao phổi khi ông mới 15 tuổi. Li đã phải bỏ học để giúp đỡ gia đình từ đấy.

4. Jeff Bezos – Ông chủ Amazon.com: Từ đứa con của bà mẹ vị thành niên trở thành CEO công ty thương mại điện tử số một thế giới. Mẹ Bezos sinh ông khi vẫn còn đang trong độ tuổi đến trường và bố dượng của ông lúc đó cũng chỉ là một thanh niên 15 tuổi mới rời bỏ Cuba đến sinh sống tại Mỹ.

5. Ở Việt Nam có Đặng Lê Nguyên Vũ: Người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Anh sinh tại Khánh Hoà, trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ đi học của ông “vua” cà phê Việt là những ngày bẻ ngô, chăm lợn giúp mẹ, lội bộ trên con đường đất đỏ dài suốt 9 năm đến trường. Sinh ra trong nghèo khó, học giỏi, vì yêu cà phê, đến năm thứ 3 trường Y, anh bỏ học tìm mọi cách đến với cà phê. Và sự thành công vang dội sau đó của thương hiệu Café Trung Nguyên thì khỏi cần nói chắc bạn cũng biết.


6. Hay gần gũi hơn với giới trẻ hiện nay, đơn cử một gương mặt ca sĩ thần tượng Việt Nam, đó chính là ca sĩ Khởi My: Nguồn thu nhập chính của gia đình Khởi My trước đây là gánh củi khô của mẹ nhưng gia đình vẫn cố gắng cho Khởi My ăn học đàng hoàng. Vào năm 2007, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ, Khởi My cùng mẹ rời Đồng Nai lên Sài Gòn để mưu sinh.

Khởi My tự hào nói về những gì đã qua: “Phải cảm ơn hoàn cảnh khó khăn khi khởi nghiệp. Tôi được nhiều cái hơn những bạn sinh ra trong gia đình đầy đủ, ví dụ như tính cần kiệm, suy nghĩ sâu sắc trước khi mình làm một việc gì đó, nghị lực sống mạnh mẽ. Tôi luôn có một hướng: gặp khó khăn thì mình phải làm sao để thay đổi được hiện trạng? Hoặc có thể thiếu thốn về vật chất nhưng tôi không để mình thiếu thốn về tinh thần, thiếu thốn về đạo đức sống.”


Bạn có công nhận rằng người ta sống đâu phải chỉ cần tiền của, thành công… mà còn cần nên người? Ai dám chắc những người điều kiện kinh tế thiếu thốn thì không nên người?


Nếu có ai cho là vậy, thì chẳng khác nào đổ hết trách nhiệm của các tệ nạn xã hội, của sự suy đồi đạo đức, của tội ác… lên đầu những người nghèo. Bởi vì tin rằng tất thảy những đứa trẻ nghèo đều tiềm ẩn sẵn nguy cơ trở thành tội phạm.

Trong khi tin tức thế giới cho thấy, những tội ác kinh khủng nhất, có tổ chức chặt chẽ hay quy mô sâu rộng, nhiều khi lại do những kẻ cầm đầu hết sức tinh vi, giàu có, cũng không thiếu kẻ học hành trường lớp tử tế.

Kể ra để cho thấy một điều: sự giáo dục ở những năm tháng đầu đời định hình con người của đứa trẻ. Nếu bạn không có nhiều tiền, bạn vẫn có thể bù đắp bằng cách cho con một nền giáo dục đúng đắn và đầy ắp tình thương.

Đừng chỉ gán trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, cho môi trường xã hội mà phải nhận thức rằng cái góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con bạn chính là môi trường sống ngay trong gia đình.

Cũng đừng chỉ nghĩ tiền mới giải quyết được hết các vấn đề nuôi dạy con. Có những khía cạnh chỉ có tình thương mới chạm vào được. Do chúng ta đã hình thành thói quen suy nghĩ rằng tiền bạc là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, nên vô tình chúng ta tự đưa mình vào ngõ hẹp. Không giải pháp, không sáng kiến trong cách nuôi dạy con nên người. Chắc hẳn khi bạn giàu lên, bạn cũng không muốn quan tâm con bằng cách chỉ biết quăng tiền cho nó tiêu, phải không?



Vậy thì đâu là sự khác biệt nơi những đứa con nghèo đã được sinh ra và nên người của những thế hệ trước so với đứa con bạn không muốn sinh ra vì bạn nghèo ?

Bạn thiếu cái gì so với các bậc cha mẹ của các thế hệ trước đó?

Có chăng là thiếu sự hy sinh, lòng can đảm, có chăng là nghèo tình thương, sự lạc quan, chứ không hoàn toàn do nghèo kinh tế.

Danh ngôn có câu: Khi người ta yêu thương, sự nghèo khó trở nên mờ nhạt đến đáng ngạc nhiên (Edward Bulwer Lytton).

Và không phải thiếu thốn vật chất là cái “nghèo” đáng buồn nhất, nhưng “sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương” (Mẹ Teresa Calcutta).


Nếu bạn không cho con bạn tình yêu của người làm mẹ, thì chính bạn đã biến nó thành đứa trẻ nghèo đói rồi, chưa cần nói tới hoàn cảnh kinh tế.


Khi giàu tình thương thì nỗi lo nghèo vật chất chỉ giống như con sâu ở giữa vườn hoa. Không thể vì một con sâu mà bỏ cả vườn hoa tươi đẹp.


Khi giàu tình thương, bạn dù lo lắng cũng sẽ có sáng kiến để đem đến cho con một cuộc sống tốt nhất và phù hợp nhất có thể. Chứ không phải ngồi dự phóng tương lai đau khổ cho nó, vì tương lai là một cánh cửa mở của tự do và sự lạc quan tin yêu.

Cái bạn cần là nhìn thấy được toàn cảnh tươi đẹp của một vườn hoa, cũng như tin tưởng rằng mình có thể đem đến những điều tốt nhất cho con bằng một tình yêu thương lớn lao.

Bạn có thể cho con bạn nhiều thứ hơn là tiền của. Cái đáng giá nhất bạn có thể cho con mình chính là tình thương và những bài học làm người. Với những thứ đó, hãy yên tâm rằng ít ra con bạn sẽ không “nghèo khó” trước hết là về mặt tinh thần. Còn sau đó, là cách bạn dạy con mình về khả năng tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời nó, như vô số các tỷ phú nổi tiếng thế giới để lại di sản cho con, có những người đã chọn cách khác biệt: đó không phải là để lại của cải, mà để lại khả năng tự kiếm sống và tinh thần chịu trách nhiệm.

Vì vậy, khi dùng lý do “nghèo” để biện minh cho hành vi phá thai, thì chúng ta phải đọc sâu hơn ngữ nghĩa đằng sau nó, đó là người làm cha làm mẹ không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu đi cái lớn hơn, cái đó rất cơ bản mà quan trọng, đó là tình yêu thật sự dành cho con.

Có thể người ta bao biện rằng vì yêu, vì muốn tốt cho con nên mới giết nó đi để nó không sống nghèo hay sống đau khổ. Nhưng không, đấy không thể nào là tình yêu được ! Nếu chủ thể bạn yêu thương không hiện hữu, bạn gửi gắm nỗi yêu thương đó cho ai ? Và chúng tôi không tin thứ tình yêu bằng môi miệng ấy, bởi vì yêu là sẽ muốn dành cho con sự sống, để con hít thở và lớn lên trong sự bao bọc trìu mến của tình thân.

Có muôn vàn lý do nghĩ ra để phá thai, nhưng chỉ cần một lý do thôi cũng đủ để cứu một sinh mạng. Đó là vì Yêu Thương.

Sông Trăng – 27.05.2015

Nguồn: Yeususong.com

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét