Hiện nay, công nghệ đang tham gia tích cực vào những cuộc chạy đua, bên cạnh những cuộc chạy đua khốc liệt như chạy đua vũ trang, tiềm năng kinh tế, và cả sắc đẹp, tình yêu… Đặc biệt, công nghệ robot đang ở giai đoạn cao trào với rất nhiều sản phẩm cực kì hiện đại, tân tiến. Khoảng cách giữa robot và con người đang ngày càng bị thu hẹp. Và người ta đang coi robot như những con người hiện đại.
Đó là BEAR – một chú robot có khả năng cứu hộ trong các tình huống nguy hiểm. Là BINA48 có thể chứa những suy nghĩ, kỷ niệm, cảm xúc có thật. Là NAO với khả năng học hỏi, nhận diện và tương tác cao với con người, được ứng dụng đặc biệt trong trường học, bệnh viện. Là PARO được xem là một biện pháp trị liệu cho người bệnh. Là FACE với khả năng thể hiện cảm xúc xen kẽ giữa các sắc thái trên khuôn mặt cách sinh động. Là ASIMO trợ giúp cách đắc lực cho những người khuyết tật… và còn rất nhiều chú robot khác.
Người ta vui lắm, mừng lắm khi tạo ra được những chú robot. Người ta coi trọng, nâng niu nó như một sản phẩm của trí tuệ siêu việt. Để làm ra một người máy có khả năng giúp đỡ người già, người ta đã tiêu tốn số tiền không tưởng. Trong khi đó, chỉ với số tiền lẻ, họ có thể mướn vài ôsin, thậm chí là ôsin cao cấp nữa. Bạn cũng có thể bớt sáu số “0” trong giá thuê một người máy làm nhiệm vụ lễ tân, để có thể dễ dàng tìm được những cô người mẫu cao ráo, xinh xắn, dịu dàng, biết đàn biết ca…
Người ta thán phục những nhà khoa học, nhà phát minh tạo ra các chú robot. Những lời ca đẹp nhất, mỹ miều nhất được dành cho những con người ấy.
Thế nhưng, con người do Đấng Tạo Hóa làm nên đẹp trai, cao lớn hơn hẳn ASIMO; mắt sáng, tai thính, mũi phập phồng, ASIMO làm sao sánh kịp; rắn rỏi, mạnh mẽ và có cảm xúc vượt xa chú robot này; sao không ai thán phục Nhà Khoa học vĩ đại ấy?
Đấng Tạo Hóa cho con người có trí hiểu, trí nhớ và khả năng sáng tạo thế giới với trí tuệ vượt trội so với muôn loài. NAO làm sao có thể đặt chung với con người? NAO cũng là sản phẩm của con người. Sao không ai thán phục Nhà Phát Minh trổi vượt ấy?
Con người do Đấng Tạo Hóa tác thành có cả một bể rộng những cảm xúc, tâm tư. Chẳng ai bó nổi chúng thành từng cụm. Chẳng ai đếm được chúng có bao nhiêu sắc thái. Chỉ riêng một cái nhíu mày thôi cũng đã có bao nhiêu ý nghĩa rồi. BINA48 làm sao sánh được với con người về bể rộng cảm xúc ấy?
Thế mà người máy vẫn lên ngôi!
Người ta tự hào về khả năng của con người. Họ hãnh diện về những sản phẩm mà họ làm ra. Và họ tự xem mình là những “Creators” giống như Đấng Tạo Hóa. Có người hạnh phúc khi chi 14.000 Franc để tạo ra một cô robot hoàn hảo như một nửa lý tưởng của cuộc đời họ. Thay vì một người bạn đời bằng da bằng thịt, họ hân hoan nằm chung với một cô vợ robot.
Họ tự hào lắm khi tạo ra những người máy như thế. Chắc Đấng Tạo Hóa cũng vô cùng hạnh phúc và thỏa mãn với công trình tạo dựng của Ngài. Không chỉ có khối óc mà Ngài còn đặt trọn vẹn cả con tim của Ngài nơi công trình ấy. Nhưng có mấy ai hiểu được niềm hạnh phúc của Đấng Tạo Hóa? Có mấy ai ngưỡng mộ và tôn vinh quyền năng vô hạn, trổi vượt của Đấng Tạo Hóa? Con người yêu quý những sản phẩm bất toàn của mình, sao không nghĩ đến “tặng phẩm” tinh túy nhất của Đấng Tạo Hóa – là chính họ?
Khi ACTROID được vỗ vai, chúng vui mừng. Người làm nên chúng cũng mừng vui. Khi FACE thể hiện thái độ lo âu kèm giận dữ trước tác nhân kích thích, người ta đã hớn hở. ATLAS có thể vượt qua nhiều chướng ngại vật dễ dàng, người ta nhảy lên hạnh phúc. Người ta tự hào, kiêu hãnh về khả năng của những chú robot. Dễ dàng, chúng trở nên những “ngẫu tượng” để người ta sùng bái, tôn thờ. Chúng quá kỳ diệu, thông minh và hữu dụng.
Nhưng có lẽ, muôn đời người ta vẫn mãi đi tìm những điều kỳ diệu ấy từ bên ngoài. Họ quên rằng, phép lạ cả thể đó ở trong chính con người của họ. Họ hờ hững trước những điều lạ lùng nơi họ. Người ta cất công tìm kiếm, vất vả lo nghĩ, nát óc để phát minh, chỉ để tìm kiếm những điều kỳ diệu bên ngoài. Họ quên rằng, chính con người là huyền nhiệm, là tinh hoa của đất trời. Trong thời đại mà những cổ máy lên ngôi, con người bị nhạt nhòa.
2. Khi con người trở thành những cỗ máy
Vì quá coi trọng những giá trị vật chất tầm thường, tôn thờ nhân giống vô tính, nhân giống đơn dòng và những người máy thông minh, con người lệ thuộc vào chúng như những cỗ máy bị điều khiển.
Vì quá mải mê đi tìm phép lạ bên ngoài thế giới, con người vô tình biến mình thành những cỗ máy vô hồn, cô cảm, vô giá trị.
Vì không biết ca ngợi, thán phục Đấng sáng tạo con người, người ta tự hạ thấp mình như những cỗ máy.
Để có được một sản phẩm robot hoàn hảo, các nhà khoa học, nhà phát minh đã trải qua biết bao lần thử nghiệm với những thay đổi, chỉnh sửa, lắp ghép. FACE liên tục được lắp 32 mô tơ xung quanh khuôn mặt để tạo hình và sắc thái. ACTROID được các nhà thiết kế trau chuốt từng chi tiết chuyển động nhỏ bé.
Con người cũng muốn chỉnh sửa mình cho vẻ ngoài trở nên thật hoàn hảo, xinh đẹp. Theo đó, họ lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ. Đành rằng, chưa có một luật lệ nào, kể cả dân luật lẫn Giáo luật cấm phẫu thuật thẩm mỹ. Đôi khi, nó còn là một bổn phận luân lý, bởi tâm lý học đạo đức cho rằng, những khiếm khuyết cơ thể có thể trở thành những cản trở sâu xa tới quá trình phát triển nhân cách của người đó. Nhưng hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ đang trở thành một thứ thuốc phiện hạng nặng. Động là bơm, là vá, là cắt, là xén. Ai cũng thích vui đùa với dao kéo, từ cô ca sĩ, người mẫu, đến các doanh nhân, bác sĩ, thậm chí là cả những anh lao công, chị ôsin. Không khó để được nghe tiếng bơm mông oành oạch, cắt mi cắt mắt xoành xoạch, độn cằm chữ V rầm rầm. Người Việt Nam cũng muốn giống y đúc người Hàn Quốc. Các bác sĩ thẩm mỹ đã treo một bài toán khó cho những ai muốn nhận diện sắc đẹp tự nhiên, nhà thơ trở nên bí cực vì không thể tìm nguồn cảm hứng… Không chỉ có phụ nữ, nam giới cũng quan tâm đến sắc đẹp, cũng tỉa, cũng tót, cũng õng ẹo, mất hàng giờ cho cái nhan sắc “hùng dũng” của mình. Đàn ông cũng bơm, cũng sửa, cũng cắt, cũng xén.
Vì quá coi trọng chủ nghĩa vật chất, coi trọng con mắt và sự hưởng thụ, người ta biến mình thành những cỗ máy liên tục được chỉnh sửa.
Khi người ta xem mình là những cỗ máy, họ mới thản nhiên quyết định “cho ra lò” những thai nhi hay không. Khi “sản phẩm” không vừa lòng, khi việc “sản xuất sản phẩm” ngoài ý muốn, ngoài kế hoạch, người ta sẵn sàng bỏ đi và “sản xuất” lại khi có nhu cầu. “Những cỗ máy” thai nhi phụ thuộc vào “thú vui sản xuất” của người ta.
Chưa bao giờ, những “sản phẩm” thai nhi lại được cho là “hỏng” nhiều đến như vậy. Người ta càng tự hào là văn minh, là tiến bộ, người ta càng man rợ khi cho phép phá thai. Đau xót hơn, người ta xem thai nhi cũng chẳng bằng những cỗ máy nữa. Cỗ máy hỏng, bỏ đi, còn có tiền đồng nát, mua cái kẹo, mút cái kem. Thai nhi bỏ đi, người ta giấu diếm, lén lút vứt vào thùng rác, chôn ở gốc cây.
Thiên Chúa cao cả mà vẫn luôn tự hào về sự sống bé nhỏ: “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy” (Tv 139,16). Con người là chi mà dám tự tay bóp chết sự sống ấy?
Con người cũng trở thành những cỗ máy khi họ sống vô cảm, thiếu tình thương. “Máy người” hoạt động dựa trên những chương trình đã được lập trình sẵn, những định kiến và dính bén tiêu cực của quá khứ. Họ hành động mà thiếu con tim biết rung động.
Chỉ vì vô cảm, nhóm Biệt phái mới xem người phụ nữ ngoại tình giữa muôn vàn bẽ bàng, đắng cay như là món mồi nhử để bắt chẹt Đức Giêsu (Ga 7,53-8,11). Vì là cỗ máy lạnh lùng, những người thông luật mới khó chịu, bức bối khi Đức Giêsu cứu chữa người bại liệt trong ngày Sa bát (Mc 3,1-6). Và vì muốn bảo vệ cỗ máy tự tôn, kiêu hãnh nơi mình, nên dân chúng mới gầm lên kinh khiếp: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,22).
Những cỗ máy vô cảm của thế giới hiện nay đang mọc lên như nấm sau mưa. Không khó để chúng ta có thể bắt gặp những cỗ máy ấy. Xa xôi một chút là tổ chức hồi giáo IS với chế độ giết người, khủng bố, bắt cóc con tin, tra tấn cách man rợ. Gần hơn là những người chồng dã tâm đánh đập vợ con hàng ngày, những bác sĩ để bệnh nhân chết dần vì không có “phong bao”, những bà bảo mẫu đối xử thậm tệ với những đứa trẻ chưa có bất cứ khả năng tự vệ nào…
Căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng đang ngày càng ăn sâu vào văn hóa xã hội. Khi các giá trị tốt đẹp như lòng bao dung, nhân ái, sự hy sinh… đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, con người không còn cảm xúc trước nỗi đau của đồng loại. Những cỗ máy vô cảm mắc bệnh “ung thư tâm hồn”. Nó đục khoét, ăn mòn và phá hủy dần dần các chi tiết của một CON NGƯỜI thực thụ. Cuộc sống trở nên máy móc, lạnh lẽo và đáng sợ.
3. Tạm kết
Khi con người tôn sùng những chú robot và xem mình là những cỗ máy, tự họ đã đánh mất giá trị cao cả của mình. Giờ đây, “hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27b) trở nên thật kỳ dị, biến dạng. Và niềm hạnh phúc của Đấng Tạo Hóa: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,10) trở nên không trọn vẹn.
Bám víu vào công nghệ, vào những chú robot, con người tưởng rằng mình giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống đa diện. Nhưng khi họ càng nằm bất động trong ảo tưởng đó, họ càng thấy mình bất toàn và yếu nhược. Đại dịch Êbôla đang cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người. Những trận động đất khiến con người cùng cực trong đau khổ mất mát… Công nghệ ở đâu? Robot để làm gì?
Đại học Pisa, Italia có thể tự hào về chú robot FACE của mình. Nhưng mỗi người chúng ta cũng có một MY FACE – chính ta. Ta là cả một thế giới kỳ diệu, một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Đừng biến MY FACE trở nên khó nhìn, bẩn thỉu. Hãy biến nó thành THE REAL FACE of JESUS. Khi đó, con người mới có thể trở về với Nguyên-Nhân-Đệ-Nhất của muôn loài, của sự sống sung mãn là chính Thiên Chúa.
Không chỉ chúng ta có MY FACE. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều FACES – số nhiều. 7 tỷ người là 7 tỷ FACES. Hãy tương tác, gắn kết và yêu thương, để mỗi FACE trở nên: “trọn lành như Cha trên trời” (Mt 5,48).
Đức Tình
Nguồn: Lamhong.org
0 bình luận:
Đăng nhận xét