Home » , » Hôn nhân Công giáo dưới cái nhìn tâm linh

Hôn nhân Công giáo dưới cái nhìn tâm linh

Trong diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình, Đức Phanxicô nói có 5 cơn cám dỗ mà các nghị phụ có thể đã trải qua và một trong số đó là: “Khuynh hướng muốn phá hủy sự thiện tức là nhân danh lòng từ tâm, lừa đảo băng bó các vết thương mà trước đó không chữa chạy gì cả, là chỉ trị các triệu chứng mà không chịu trị nguyên nhân và gốc rễ. Đây là cơn cám dỗ của người lo làm điều tốt (do – gooders) của người sợ sệt và của cả những người gọi là cấp tiến và duy tự do” (Nguồn: Vietcatholic News – Vũ Văn An 19.10.2014 – Thượng Hội Đồng về Gia Đình – Diễn Văn bế Mạc của đức Phanxicô).


Ở đây có hai "vết thương” được các nghị phụ đưa vào nghị sự và tìm cách băng bó, đó là người đồng tính kết hôn và người ly dị tái hôn rước lễ.

Về người đồng tính: “Tài liệu nói rằng những người đồng tính có nhiều ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô Hữu, liệu ta có thể chào đón những con người này, bảo đảm với họ một không gian huynh đệ trong cộng đồng của ta hay không ? Họ thường mong muốn gặp được một Giáo Hội cung hiến cho họ một mái ấm đón chào. Các cộng đồng của ta có khả năng cung cấp điều đó, chấp nhận và trân trọng xu hướng tính dục của họ mà vẫn không làm hại gì tới tín lý Công Giáo về gia đình và hôn nhân hay không ?” (Nguồn Vietcatholic – Vũ Văn An 13.10.2014 – Thượng Hội Đồng về Gia Đình gây chấn động với Phúc Trình sau thảo luận).

Cho rằng người đồng tính có nhiều ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô Hữu thì chẳng biết đó là những ơn phúc và tài năng nào, nhưng quan điểm này đã gặp phản ứng gay gắt từ nhiều phía: “Maria Madise phối trí viên của Tiếng Nói Gia Đình, tự hỏi liệu các bậc cha mẹ từ nay có dám nói cho con cái thấy cái sai của ngừa thai, sống chung hay sống đồng tính nữa không. Họ có thể nói với chúng là Tòa Thánh dạy rằng có những khía cạnh tích cực và xây dựng trong các tội trọng này không ? Phương thức này quả tiêu diệt Ơn Thánh trong các linh hồn” (Nguồn Vietcatholic – Vũ Văn An 13.10.2014 đã dẫn).

Đã gọi là tội thì không thể có gì là tích cực, là xây dựng, mà nó chỉ đem lại cái chết về phần tâm linh. Quan hệ đồng tính là tội trọng đáng phải kết án: “Bởi cớ ấy nên Đức Chúa Trời để mặc họ buông theo tà tình xấu hổ. Vì đàn bà của họ đổi cách dùng thuận tánh ra cách dùng nghịch tánh. Đàn ông cũng vậy, họ bỏ cách dùng thuận tánh với đàn bà mà nung đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông làm sự nhơ nhớp với nhau rồi tự chuốc lấy cho mình sự báo ứng với sự lầm lạc của họ” (Rm 1, 26 – 27).

Quan hệ đồng tính là nghịch tánh bởi vì nó trái với mục đích của hành vi tính dục là để sinh con đẻ cái. Con người nói riêng và muôn loài vạn vật nói chung đều phải tuân thủ luật Sinh Hóa gọi là Dịch: “Sinh sinh chi vị Dịch” (Hệ Từ Thượng). Theo minh triết thì sự sinh hóa của vũ trụ khởi đầu là do âm dương cơ ngẫu. Bất cứ cái gì “lẻ một” thì đều không thể sinh. Cơ là lẻ, ngẫu là chẵn. Một cái cơ (lẻ) lại phải tìm đến một cái cơ (lẻ) khác thì mới sinh được. Chân lý muôn đời là một, về định luật Sinh Hóa này Kinh Thánh cũng nói không khác với minh triết Đông Phương. Sau khi tạo ra Ađam Đức Chúa Giehova phán: Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm nên một kẻ trợ giúp giống như nó” (St 2, 18).

Cần kẻ trợ giúp (phụ nữ) mới có sinh sản và mục đích của sự sinh sản ấy là để duy trì nòi giống. Chính bởi mục đích sinh sản là để duy trì và phát triển nòi giống thế nên mới có lời chúc phúc của Chúa: “Hãy sanh sản thêm nhiều dẫy đầy mặt đất. Hãy làm cho đất phục tùng hãy quản trị loài cá dưới biển loài chim trên trời cùng các vật sống trên đất” (St 2, 28). Việc sinh sản thêm nhiều dẫy đầy mặt đất cần hiểu theo nghĩa nào ? Nếu theo nghĩa mặt chữ (Sens Litteral) thì chúng ta phải giải thích ra sao về nạn nhân mãn hiện đang là mối lo của nhiều quốc gia ? Mặt khác, Đức Chúa nói hãy “quản trị” (Bản dịch của Phan Khôi) chứ không phải “thống trị” (Bản dịch của Nhóm Các giờ Kinh Phụng Vụ). Quản trị dĩ nhiên phải khác với thống trị chứ ? Chính bởi trong bấy lâu nay Kinh Thánh đặc biệt là Sách Sáng Thế vẫn được giải theo nghĩa mặt chữ như thế nên không có cách chi hiểu được nghĩa của việc sinh sản là sinh sản về mặt tâm linh chứ không phải thể lý.

Cũng bởi giải Kinh Thánh theo nghĩa… đen nên mới cho rằng quan hệ đồng tính không có tội lại nhiều ơn phúc ? Người đồng tính không có khả năng sinh sản vì vậy vấn đề duy trì nòi giống đối với họ không được đặt ra. Đang khi đó duy trì nòi giống là mục đích tối thượng của hành vi tính dục ở cả vật cũng như người. Mặc dầu vậy có sự khác biệt lớn lao giữa người và vật ở nơi cái động cơ. Đối với con vật thì động cơ ấy chỉ là sự thôi thúc của bản năng và vì thế vấn đề hạnh phúc hay khổ đau không được đặt ra. Trái lại con người vì là loài linh tánh nên nó phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình có nghĩa hạnh phúc hay đau khổ đều do mình quyết định. Tính chất quyết định như đã nói tất cả đều do nơi động cơ thúc đẩy.

Ngoài việc duy trì nòi giống như là bản năng, con người còn có nhiều động cơ khác nhau khi tiến hành các cuộc hôn nhân. Có thể là để kiếm con trai nối dõi tông đường. Có thể là để tạo những mối làm ăn liên kết trong kinh tế, chính trị và cũng có thể chỉ vì tiêu chuẩn trai tài gái sắc v.v… Toàn bộ những cuộc hôn nhân mang tính vị kỷ như thế đều không chân thật vững bền. Lý do bởi họ đã không được xây dựng dựa trên một nền tảng vững chắc nào cả. Lấy vợ để có con trai nối dõi nhưng sau vài năm vợ không đẻ hoặc đẻ toàn con gái thế là dẫn tới ly dị… Lấy vợ lấy chồng chỉ vì của cải địa vị nhưng không đạt được yêu cầu thế là bỏ nhau… Lấy vợ lấy chồng chỉ vì sắc dục thì khi ốm đau bệnh hoạn già yếu cũng sẽ mỗi người mỗi ngả. Hôn nhân không được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc thì không thể vững bền. Hiện tượng ly dị đổ vỡ khủng hoảng gia đình ngay trong bộ phận người Công Giáo là đáng báo động.

Phải chăng cũng chính vì cuộc khủng hoảng đó mà Giáo Hội mới đây đã cho triệu tập Thượng Hội Đồng về Gia Đình ? Tuy nhiên thông qua những gì được biết qua các phương tiện truyền thông cho thấy khủng hoảng chẳng những không có cơ giải quyết mà còn đẩy tới một mức trầm trọng hơn rất nhiều: “Dù sao Thượng Hội Đồng cũng chỉ là một cơ chế tham vấn không hẳn là cơ chế quyết định. Nhưng đọc bản phúc trình qua các bản tóm lược như thế này nghe ra có cái gì rờn rợn vẽ ra trước mắt một cuộc khủng hoảng còn sâu sắc vạn lần hơn cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình. Nhưng nghĩ cho cùng mục tiêu của nó chỉ là nêu vấn đề để toàn thể Giáo Hội cùng suy nghĩ và đóng góp ý kiến từ nay tới ngày Thượng Hội Đồng thông thường sẽ được tổ chức một năm sau. Muốn kích thích khối người lên tới cả tỷ hiện nay chịu suy nghĩ và đóng góp không gì bằng đụng tới những điều xem ra cốt lõi đối với họ chứ khơi khơi nhẹ nhàng “bàn vớ bàn vẩn” làm sao kích thích được họ ? (Nguồn Vietcatholic – Vũ Văn An, 13.10.2014 đã dẫn).

Cái điều cốt lõi của con người trong mọi thời đại suy cho cùng vẫn là vấn đề tâm linh. Con người sinh bởi đâu, sống trên đời để làm gì và chết rồi đi đâu ? Ba vấn nạn này là của triết học nhưng để giải quyết nó thì duy chỉ trong tôn giáo mới có thể. Lý do là vì ở đó có câu trả lời và trả lời dứt khoát. Con người bởi Thiên Chúa là Con Thiên Chúa, sống để nhận biết và cuối cùng là trở về với Ngài. Nguyên nhân sâu xa đưa đến khủng hoảng hiện nay cách chung cho nhân loại và cách riêng cho hôn nhân gia đình là vì người ta đã không đặt cứu cánh đời mình vào việc nhận biết Thiên Chúa. Bởi không lấy cứu cánh là nhận biết Thiên Chúa thế nên tất cả những cuộc hôn nhân của người đời đều mang tính vị kỷ chỉ biết có mình. Ngược lại hôn nhân Công Giáo lại đặt nền tảng dựa trên sự nhận biết Thiên Chúa: “Buổi tối hôm thành hôn Tôbia nói với Sara rằng: “Chúng ta là con cháu các Thánh, chúng ta không thể kết bạn như những chư dân, họ không nhận biết Thiên Chúa” (Tb 8, 5).

Người đời vì không nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha mình thế nên những cuộc hôn nhân của họ chỉ có mục đích là để duy trì nòi giống xác thịt. Trái lại hôn nhân Công Giáo là để sản sinh nòi giống tâm linh. Để có thể sản sinh nòi giống tâm linh ấy, toàn thể Kitô Hữu chúng ta đều mang nơi mình một ơn gọi: “Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một Đức Chúa Trời là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6).

Dù là Giáo Sĩ hay Giáo Dân đều có chung ơn gọi làm Con Chúa. Thế nhưng khác với người được thánh hiến, người sống bậc gia đình có cách thế riêng do Đức Kitô thiết lập gọi là Bí Tích Hôn Nhân. Hôn nhân là Bí Tích khi hai người nam nữ tự nguyện nói lên lời hứa trước vị đại diện Giáo Hội và trước cộng đoàn. Hứa sẽ yêu thương và tôn trọng nhau cho đến trọn đời. Hứa sẽ sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và luật Hội Thánh. Hứa sẽ chung thủy với nhau trọn đời khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau yếu v.v… Đã hứa thì phải giữ và giữ như thế cho đến hết đời đó là sống Bí Tích Hôn Nhân. Phá vỡ bất kỳ lời hứa nào đó là đã phá hỏng Bí Tích, đồng thời cũng làm mất đi ơn gọi làm Con Chúa. (Ảnh chụp một gia đình Công Giáo hạnh phúc với 15 người con tại Kênh 2, tỉnh Kiên Giang, Giáo Phận Long Xuyên).

Để sống Bí Tích Hôn Nhân đòi hỏi phải thực hiện những lời cam kết ấy cho đến cùng là việc không thể nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Thật vậy làm sao có thể yêu thương nhau khi hai người nam nữ ấy khác biệt nhau về cả tâm sinh lý cho đến hoàn cảnh gia đình xã hội v.v… ? Làm sao có thể chung thủy với nhau khi thân xác quá già nua tinh thần mỏi mệt… Làm sao… ?

Chung thủy trong hôn nhân chính là cái cốt lõi của hôn nhân Công Giáo, bởi chưng đó là sự kết hợp của Thiên Chúa: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không thể phân ly” (Mt 19, 6). Sự kết hợp là của Thiên Chúa và sự kết hợp ấy chắc hẳn phải có mục đích và như đã biết mục đích ấy là để thực hiện ơn gọi làm Con Chúa. Nhận ra như thế để cho thấy người Công Giáo không được phép ly dị vì bất cứ lý do nào. Mặc dầu vậy Thiên Chúa muôn đời vẫn là Thiên Chúa Cứu Độ chậm bất bình và giàu lòng xót thương. Điều mà con người không thể được thì Thiên Chúa lại được. Khi nghe Chúa Giêsu nói người giàu vào Nước Thiên Đàng khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Có môn đệ hỏi: "Thế thì ai có thể được cứu ?" Ngài đáp: "Đối với loài người điều ấy vẫn bất năng nhưng với Thiên Chúa mọi sự đều khả năng cả” (Mt 19, 23 – 26).

Người Công Giáo ly dị tái hôn không được phép rước lễ là vì họ đang mang trong mình tội trọng (phạm điều răn thứ sáu cấm sự dâm dục). Đã mắc tội trọng thì không thể rước lễ, vì như thế chẳng những không được ơn ích gì mà tội càng thêm tội: “Vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn Bánh uống Chén đó tức là chuốc lấy án phạt vào mình” (1Cr 11, 29).

Không được phép rước lễ, như vậy người ly dị tái hôn phải chăng là vô phương trong Ơn Nghĩa Chúa ? Không phải vậy, vì chưng những gì loài người không được thì Thiên Chúa lại được. Rước lễ là ơn trọng chỉ dành cho những ai xứng đáng. Thế nhưng việc cứu rỗi vẫn có thể cho người ly dị tái hôn miễn sao họ thực tình sám hối ăn năn giốc lòng chừa không tiếp tục bước đi trên con đường dữ hầu có thể trở về với Chúa, Đấng sẵn lòng thứ tha vì họ chính là đối tượng mà Ngài hằng tìm kiếm: “Ta đến không phải là để kêu gọi kẻ công chính bèn là kẻ có tội” (Mt 9, 13).


PHÙNG VĂN HÓA

Theo báo Ephata số 631

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.