Hội Thánh Công Giáo luôn khẳng định mình là Mẹ và Thầy trong các vấn đề luân lý và nhân vị. Điều này cũng dễ hiểu, bởi không có tổ chức, định chế nào có thể có một truyền thống lâu đời và vững mạnh hơn tổ chức của Hội Thánh. Hơn nữa, Hội Thánh không nói tiếng nói của riêng mình nhằm có lợi cho tổ chức của mình theo từng thời gian, hoặc để đáp lại một áp lực từ một thế lực hoặc ưu đãi cho một nhóm người nào. Tiếng nói của Hội Thánh là tiếng nói nhất quán vì đến từ Chúa và nhằm bảo vệ lâu đài luân lý của nhân loại. Các phương tiện truyền thông xã hội hôm nay tự nhận cho mình sứ mệnh thay đổi thế giới khi làm ngược lại tất cả những gì Hội Thánh loan báo và cổ võ. Họ rất tức bực khi không thể lay chuyển thành trì này; khi Hội Thánh không hòa giọng với họ trong “bài ca tiến bộ” của nhân loại.
1. Về giới tính: Trung thành với mạc khải Thánh Kinh từ sách Sáng Thế 1,26 “Từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ”, Giáo Hội luôn cho rằng giới tính con người chỉ là hoặc nam hoặc nữ. Các biểu hiện khác về giới tính khác với hai giới tính này là một rối loạn, chứ không phải là một sự tự nhiên. Vậy nên, Giáo Hội không cho phép giải phẫu chuyển giới, nhưng cho phép giải phẩu để khắc phục tối đa các khiếm khuyết về giới của mình. Có nghĩa là có thể giải phẫu để có thể trở nên chính mình hơn về mặt giới tính.
Trong khi đó chủ thuyết về giới tính cho rằng: phái tính (sex) nam hay nữ chỉ là một dữ kiện về pháp lý để con người ghi vào trong hồ sơ Khai Sinh, nó không phải là dữ kiện sinh học. Đối với họ, nam hay nữ chỉ có tính xã hội, nó được lịch sử đặt ra để giai cấp đàn ông thống trị phụ nữ nên bây giờ cần gạt bỏ.
Họ loại bỏ vấn đề khác biệt giới tính thế nào? Thưa “Thuyết về giới phủ nhận sự khác biệt giới tính “tự nhiên” giữa nam và nữ. Họ phủ nhận sự khác biệt sinh học đó và cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hoá, nó là một cấu trúc xã hội; nam và nữ chẳng qua chỉ là những vai trò xã hội-văn hoá khác nhau mà xã hội tuỳ tiện đề ra, và do đó có thể phá đổ. Thiên nhiên hay tự nhiên chẳng liên quan gì tới đây cả. Do đó, người ta cũng bảo rằng không hề có xu hướng tự nhiên đẩy người nam và người nữ đến với nhau. Xu hướng này cũng chỉ lệ thuộc vào những điều kiện xã hội”.
Nhóm này chủ trương rằng quyết định giới tính của mình hoàn toàn tự do thuộc về chọn lựa của cá nhân. Mình nhận biết căn tính giới tính của mình qua xu hướng tính dục của bản thân–ví dụ đồng tính, khác tính hay lưỡng tính–. Không có quy chiếu khách quan nào làm chuẩn mực cả. Không ai có quyền nói người nào đó là nam hay nữ hay giới gì cả. Điều đó tùy vào quyết định của chủ thể; Đối với họ, hôn nhân là sự kết hợp của hai người theo sở thích tính dục riêng, chứ không phải kết hợp của một nam một nữ để yêu thương và duy trì nòi giống. Các chuẩn mực luân lý, quy tắc đạo đức xã hội đều là dư thừa đối với người theo “thuyết về giới tính”.
Tựu trung, lý thuyết này cho rằng khác biệt nam hay nữ chỉ là do văn hóa xã hội. Đây là mô hình kiểu mẫu của cái gọi là tiến bộ, là văn minh hiện đại: Không có chân lý khách quan, không có tiêu chuẩn luân lý, không có điểm quy chiếu như Thiên Chúa hay thiên nhiên, tự nhiên nữa, mà là và phải là theo chủ quan của cái “Tôi”.
2. Về đa thê: Đạo luật đa thê của Kenya vừa qua là một bước thụt lùi trong sự phát triển của xã hội. Nó hạ thấp phẩm giá của người nữ, xem họ chỉ là công cụ khoái lạc của người nam. Người chồng muốn lấy mấy vợ thì lấy mà cũng chẳng hỏi ý kiến người vợ cả. Dắt người vợ mới về nhà cũng giống như dắt con trâu con bò vậy thôi. Oái ăm thay, các phong trào nữ quyền trên thế giới hoặc phải lên tiếng ủng hộ hoặc chỉ biết ngậm tăm trước đạo luật này. Theo CNN, có nhóm nữ quyền đã lên tiếng cho đây là một thắng lợi của mình, cho dù chính các nữ nghị sĩ Kenya thì tức tối bỏ phòng họp của quốc hội. Ở đây ta thấy sự trục trặc ý thức hệ của nhóm Nữ Quyền hay còn gọi là Bình Quyền khi luôn khẳng định rằng: “mọi chế độ hôn nhân đều phải được đối xử công bình, và trong xã hội đa nguyên phải có nhiều hình thái hôn nhân khác nhau”. Các hình thức khác nhau đó có thể là tục đa thê và hôn nhân đồng giới. Có thể nói, đạo luật đa thê chính là con đẻ và là quái thai của lý thuyết này. Để cảnh báo, một cây bút cho tờ Washington Post bình luận: “hoặc chúng ta (nước Mỹ) cũng phải ra sắc lệnh về đa thê, hoặc chúng ta phải xem lại các giới hạn của chúng ta trong các vấn đề đấu tranh cho bình quyền”.
Có ý kiến cho rằng, chẳng phải chính Thánh Kinh chấp nhận đa thê đó sao?
Đây là cách đọc và hiểu Thánh Kinh của một số người mà nổi bật trong đó là ông Joseph Smith người sáng lập đạo Mormon, hay còn gọi là “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau”. Ông ta luôn khư khư cuốn Thánh Kinh bên mình và đồng thời có đến 34 vợ, thậm chí có tài liệu cho rằng 76 vợ (!). Trong số đó có tới 11 bà chỉ từ 14 – 20 tuổi; có những bà là chị em ruột, là hai mẹ con; có bà là cháu ruột, là em dâu của giáo chủ này. Vâng cũng chỉ vì theo ông, sách Sáng Thế đã đề cập đến Abraham, Giacop, vv... có nhiều vợ (x. St 4,19; 16,1-4; 29,18-30,24). Ông không biết hay vô ý bỏ quên chi tiết “tự ban đầu Thiên Chúa sáng tạo một người nam và một người nữ”, và Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn lề luật (Ga 18,28), về vấn đề hôn nhân một vợ một chồng mà Ngài đã nói rõ trong Phúc Âm Mt 19, 4-5.
Về hôn nhân giữa những người đồng tính. Giáo Hội luôn nhất quán: hôn nhân là sự kết hợp của một nam và một nữ, với mục đích là thiện hảo cho đôi vợ chồng và truyền sinh. Hai mục đích này luôn song hành, nên Giáo Hội không thể nhìn nhận Hôn Nhân Đồng Giới. Hơn nữa, bởi nhận thức rằng, những người LGBT tự bản chất là những bất thường về tâm sinh thể lý, bất thường của tự nhiên nên Giáo Hội không bao giờ phổ quát hóa các vấn đề cá biệt bằng đạo luật. Sự khôn ngoan dạy ta không bao giờ nên phổ quát hóa vấn đề cá biệt bằng một luật chung.
Chính vì thái độ trên mà Hội Thánh bị xuyên tạc là kỳ thị người đồng tính. Trong khi đó, Hội Thánh vẫn là tổ chức lớn nhất, quy mô nhất và quy củ nhất để chăm sóc và yêu thương những người LGBT. Ngay cả trong Giáo Lý, Hội Thánh khẳng định rằng “Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số trong họ, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa” (GLHTCG 2358). Như vậy là rõ ràng, dù rất yêu thương người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, Hội Thánh mời gọi họ cũng như mời gọi tất cả mọi người khác, phải sống trong sạch.
B. KẾT LUẬN:
a. Vấn đề giới tính hiện nay hết sức phức tạp vì tạo ra các ý niệm mới và được công nhận, được cổ võ. Hệ lụy của các giá trị mới đến từ ý niệm đó là: Các định chế khác nhau về hôn nhân gia đình, chẳng hạn đa thê, đa phu, hôn nhân đồng giới vv... Người không rõ giới tính của mình, cũng như người có khuynh hướng tính dục đồng giới là điều trái tự nhiên. Và họ cần biết đó là điều bất thường. Sống căn tính giới tính của mình sẽ làm cho chúng ta trở thành những con người nam nữ đích thực. Bình đẳng nam nữ không có nghĩa là cào bằng ai cũng như ai, nhưng chính là sống đúng với giới tính của mình, trở thành những người nam bản lĩnh và những người nữ dễ thương.
b. Người đồng tính là người rất nhạy cảm. Khi nói về vấn đề này hãy hết sức thận trọng và nói đúng chỗ. Đức Phanxicô, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí của Dòng Tên, công bố vào ngày 19 tháng 09 năm 2013: “Chúng ta không thể cứ nhấn mạnh đến những vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng giới và việc sử dụng các biện pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi đã không nói nhiều về những chuyện này, và người ta đã trách cứ tôi về điều đó. Nhưng khi chúng ta nói về những vấn đề này, chúng ta phải nói về chúng trong một bối cảnh chính xác”.
c. Người đồng tính luôn cảm thấy mình bị lạc loài. Họ mặc cảm bị bỏ rơi và vì thế họ cần đến nhau. Họ cần được tôn trọng và được yêu thương. Tuy vậy, quan tâm đến họ, chăm sóc mục vụ cho họ không đồng nghĩa với việc chấp nhận những hành vi luân lý tự bản chất là sai trái, là thác loạn. Hãy giúp họ nhận ra vấn đề của họ để có thể xoa dịu các xung động nội tâm, để họ sống hòa nhập và làm phong phú cộng đồng. “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện, ân sủng, bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo.” (GLHTCG số 2359).
Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Theo VietCatholic