Home » » Mẹ ôm bụng bầu sang Malaysia cứu con

Mẹ ôm bụng bầu sang Malaysia cứu con

Khi nghe bác sỹ nói hai đứa trẻ trong bụng sẽ chết bất cứ lúc nào mà y học Việt Nam chưa chữa được, chị Dung quyết tâm dù mất cả gia sản cũng ra nước ngoài cứu con.

Nhìn hai đứa trẻ xinh như thiên thần đang ngủ say trong cũi, chị Ngô Thị Thu Dung (32 tuổi ở Gò Vấp, Tp HCM) vẫn không tin rằng mình lại có ngày được gặp con. Cách đây 5 tháng, hai bé Nguyễn Đình Gia Bình, Nguyễn Đình Gia An đã được tiên lượng sẽ tử vong trong bụng mẹ. Câu chuyện của một bà mẹ từng ôm bụng bầu song thai đi máy bay hàng nghìn km sang Malaysia với quyết tâm cứu con khiến nhiều người vô cùng xúc động.


Quyết tâm cứu con chứ không ngồi chấp nhận số phận

Chị phát hiện mình gặp hội chứng truyền máu song thai trong hoàn cảnh nào?

Khi tôi mang bầu đến tuần thứ 19, trong một lần đi khám thai định kỳ các bác sỹ ở đây đã nghi ngờ tôi mắc hội chứng truyền máu song thai khi kết quả siêu âm cho thấy hai túi ối có sự khác biệt về lượng nước, một bên ít, một bên nhiều. Tuy nhiên, họ không khẳng định điều gì vì để xác định đúng bệnh này thì cần một hội đồng xét nghiệm tiền sản nghiêm túc.

Sau đó, tôi ngay lập tức đến khám tại bệnh viện khác và tại đây, các bác sỹ khẳng định tôi đang bị hội chứng truyền máu song thai cấp độ 2: một thai không nhìn rõ bàng quang, thiểu ối, thai 2 đa ối, tim lại phình to quá mức vì phải lọc quá nhiều máu từ thai 1. Thời gian phát triển của bệnh rất nhanh, tính từ ngày nghi ngờ hai túi ối lượng nước ối không đồng đều thì chỉ sau 4 ngày quay lại siêu âm, các bác sỹ cho biết tình trạng của tôi đã lên một cấp và chỉ trong tuần sau, tháng sau, có thể chết bất cứ lúc nào.


Hai bé Gia Bình, Gia An đang ngủ say trong vòng tay mẹ. Ít ai ngờ cách đây 5 tháng, khả năng sống của hai cậu bé chỉ được tính bằng giờ.


Lý do gì khiến chị vẫn kiên quyết cứu con bằng mọi giá?


Đối với tôi con nào cũng là con và tình yêu tôi dành cho các con, kể cả những đứa con vẫn đang thai nghén trong bụng là như nhau.

Tôi vẫn nhớ rõ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nghe bác sĩ sản khoa bảo hai bé sẽ tử vong trong bụng mẹ bất kỳ lúc nào và hiện nay y học ở Việt Nam không thể cứu được, Đông Nam Á cũng không cứu được, Singapore cũng không cứu được, chỉ có thể bay sang Mỹ, Nhật, Pháp thì mới có cơ hội.

Tôi khóc nức nở, không đám đối diện với chuyện con đã 21 tuần tuổi mà sẽ mất đi. Chồng có nói với tôi rằng bằng mọi giá chúng tôi sẽ phải cứu con, kể cả bán tất cả tài sản đi cũng không tiếc gì. Khi đó, bố mẹ chồng bên Mỹ, bố mẹ đẻ ngoài Bắc, chỉ có 2 vợ chồng tôi tự lo liệu và tự mình đưa ra quyết định cứu con.

Ngẫm lại, tôi nghĩ bản thân có được sức mạnh đó là nhờ tình mẫu tử mãnh liệt trong mình. Chúng tôi không hề có nhiều tiền, cũng chưa từng sang nước ngoài, tất cả đều lạ lẫm, mơ hồ và chúng tôi biết rằng cả gia sản bỏ ra có thể cũng chưa chắc đã cứu được con. Nhưng chúng tôi quyết tâm làm hết khả năng cứu con để sau này không bao giờ phải hối tiếc vì đã chỉ biết ngồi khóc lóc, chấp nhận số phận.


Vợ chồng chị Dung quyết tâm làm hết khả năng cứu con để sau này không bao giờ phải hối tiếc vì đã chỉ biết ngồi khóc lóc, chấp nhận số phận.


Cuộc chạy đua với tử thần đề cứu hai con


Chị có nói rằng bác sỹ cho biết chỉ có 3 nước Mỹ, Pháp, Nhật mới có thể chữa được hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp của chị và Đông Nam Á chưa bệnh viện nào làm được thủ thuật này, vậy làm thế nào để chị tìm ra bác sỹ và bệnh viện bên Malaysia?

Khi biết tính mạng con chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ, vợ chồng tôi quyết tâm dù là Nhật, Pháp hay Mỹ thì cũng sẽ dồn hết số tiền tiết kiệm để đi đến đó cứu con. Biết mọi việc sẽ không đơn giản, vậy nhưng chúng tôi không ngờ để được sang những nước này lại khó khăn đến vậy.

Vì đang mang bầu, lại xin visa cực gấp gáp nên hầu hết các đại sứ quán dều từ chối hai vợ chồng, dù đã có người thân ở Mỹ, Nhật đồng ý bảo lãnh. Khi biết tính mạng con tôi đã rất mong manh, tất cả bạn bè, người thân của hai vợ chồng đều bỏ công bỏ việc để giúp đỡ chúng tôi.

May mắn, khi đang trong đường cùng và sắp đầu hàng khi không thể sang được Mỹ, Nhật, tôi đã được em họ liên hệ giúp với một mẹ bầu cũng đã từng gặp phải hội chứng như tôi và ngay lập tức gửi toàn bộ thông tin, địa chỉ, cách thức liên lạc với một bác sỹ người Malaysia cho tôi. Vợ chồng tôi không còn kịp suy nghĩ gì nữa, ngay lập tức gửi hồ sơ khám thai của mình sang cho ông bác sỹ đó. Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi ông bác sỹ cũng trả lời thư của tôi ngay lập tức, nói rằng “Tôi có thể chữa được bệnh cho chị”.

Vậy là ngày thứ 6 tôi nhận được thư của bác sỹ, 2 giờ chiều ngày thứ 7 nhận hộ chiếu, 5 giờ tối đặt vé máy bay và đến 11 giờ đêm cùng ngày, chúng tôi đã có mặt tại Malaysia. Đó là một cuộc chạy đua với tử thần mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.

Vậy ca phẫu thuật xử lý hội chứng truyền máu song thai của chị đã diễn ra như thế nào?

Sau khi đến Kuala Lumpur, sáng hôm sau vợ chồng tôi phải đi tiếp một quãng đường bộ gần 250km nữa mới đến được bệnh viện đó. Tại đây, sau khi siêu âm, tôi được tư vấn rất cặn kẽ. Bác sỹ cho biết tôi đang có một thai to và một thai nhỏ, nước ối rất nhiều, nếu không phẫu thuật 95% sẽ mất cả hai bé, nếu phẫu thuật thì 70% cứu được một bé và 50% cứu được cả hai. Mọi việc cần phải tiến hành làm sớm. Ngày hôm sau, ca phẫu thuật laser đốt các mạch máu thông nối giữa hai thai nhi diễn ra chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Tôi hoàn toàn tỉnh táo trong suốt ca mổ, thậm chí còn được trực tiếp theo dõi các hoạt động của bác sỹ trong ổ bụng mình. Tôi được nhìn thấy con, khuôn mặt con, tóc con, mắt con… khi còn đang nằm trong bào thai. Đó là một cảm xúc vô cùng khó tả.

Sau ca phẫu thuật tôi hồi phục nhanh chóng và thai nhi từng bị cạn ối vì truyền máu qua cho người anh em của mình nay phát triển nhanh đến mức ngỡ ngàng. Chỉ một ngày sau, con đã có bàng quang, nước ối dâng lên từng phút, mỗi ngày trôi qua lại một phát triển và sau 2,3 tuần, hai thai đã hoàn toàn bằng nhau về mọi chỉ số. Tôi trải qua thêm 10 tuần mang bầu ở Việt Nam thì sinh mổ tại một bệnh viện ở Việt Nam. Hai con đều hoàn toàn khoẻ mạnh


Ngay sau ca phẫu thuật, tốc độ phát triển của thai nhi từng bị cạn ối vì truyền máu song thai nhanh đến ngỡ ngàng.


Bệnh viện Malaysia tồi tàn hơn Bệnh viện ở Việt Nam


Dịch vụ y tế dành cho sản phụ ở Malaysia hẳn mang lại cho chị rất nhiều ấn tượng đặc biệt? Chị có thể kể về những trải nghiệm của mình?

Có rất nhiều điều khiến tôi ấn tượng về về chuyến đi đó của mình. Tuy nhiên, tôi có thể kể ra đây một vài trải nghiệm khiến tôi nhớ mãi không quên, đó là:

- Chi phí rẻ bất ngờ: Theo tôi được biết, bác sỹ đã trực tiếp phẫu thuật cho tôi là bác sỹ giỏi nhất ở Malaysia, Top 50 bác sỹ giỏi nhất thế giới và ca phẫu thuật này ở đây chỉ duy nhất mình ông có thể thực hiện được, vậy nhưng chi phí cho một ca mổ khó này lại chỉ hết vỏn vẹn 8 triệu đồng Việt Nam. Thêm vào đó, quá trình ở viện tôi cũng như các sản phụ khác đều được bệnh viện chuẩn bị đồ ăn đầy đủ, chính vì vậy dù hai vợ chồng một thân một mình ở đất nước xa lạ nhưng chồng tôi cũng không phải lo lắng về vấn đề chuẩn bị cơm bệnh nhân cho tôi như các bệnh viện Việt Nam.

- Các bác sỹ, y tá rất nhiệt tình, tận tâm: Hai vợ chồng tôi đến bệnh viện vào chủ nhật, vốn không phải ca trực của bác sỹ. Vậy nhưng sau khi xem xong hồ sơ của tôi, nhân viên bệnh viện đã lập tức gọi điện cho bác sỹ và ông có mặt ngay sau đó tại bệnh viện. Tôi đã từng đi rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam nhưng chưa nơi đâu tôi cảm nhận được sự quan tâm lớn đến như vậy. Bản thân tôi thấy các y bác sỹ ở Malaysia rất tận tình. Họ cũng làm tất cả các nhiệm vụ như đo huyết áp, bắt mạch, xem hồ sơ và kiểm tra sức khoẻ của tôi thường xuyên như các bệnh viện khác. Tuy nhiên họ làm rất kỹ, xem xét rất cẩn thận, kiên nhẫn trả lời mọi thắc mắc của bệnh nhân. Đặc biệt, thái độ đối xử này của họ dành cho tất cả các sản phụ trong phòng chứ không phải vì tôi là người nước ngoài mà có sự ưu ái.

- Cơ sở vật chất bình thường nhưng y học rất phát triển: Nhiều người hình dung bệnh viện bên Malaysia hẳn sẽ rất đẹp và hiện đại. Tuy nhiên không phải. Bệnh viện tôi nằm là một bệnh viện tỉnh vô cùng bình thường, nếu so về cơ sở vật chất như giường, tủ hay phòng ở thì nó thậm chí còn không bằng các bệnh viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại sở hữu rất nhiều máy móc y tế hiện đại, đầy đủ. Tôi thậm chí đã từng thắc mắc với chồng rằng “Tại sao nhìn bệnh viện Malaysia trang thiết bị thậm chí còn không bằng Việt Nam mình, trông như đã được xây dựng từ rất lâu, cũ kỹ, vậy mà họ lại có nền y học phát triển đến thế?”.


Khi chào đời, hai bé có cân nặng hoàn toàn bằng nhau.


Chia sẻ câu chuyện của mình, chị muốn gửi gắm thông điệp gì đến các mẹ bầu ở Việt Nam?


Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật chữa truyền máu song thai của mình bên Malaysia, tôi thực sự đã rất giận một bác sỹ ở Việt Nam, người đã nói với tôi câu nói rằng “Đông Nam Á không làm được, Singapore không làm được, chỉ có Mỹ, Nhật, Pháp mới có thể chữa được”. Tại sao họ (bệnh viện Malaysia) ở ngay cạnh mình họ thực hiện được mà các bác sỹ tại Việt Nam không cập nhật thông tin, không tư vấn cụ thể mà để mặc hai vợ chồng tôi phải tự mình xoay xở. Tôi có biết một trường hợp mẹ bầu cũng mắc truyền máu song thai như tôi nhưng vì kém hiểu biết nên đã phải mất con. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để những mẹ bầu mắc phải hội chứng truyền máu song thai sẽ có thêm thông tin, thêm tia hy vọng để cứu sống con mình.

Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!


(Theo Khám phá)

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.