Home » , » Nỗi dằn vặt của người phụ nữ nhặt xác sau ngày trở thành "chuyên gia tư vấn"

Nỗi dằn vặt của người phụ nữ nhặt xác sau ngày trở thành "chuyên gia tư vấn"

Một buổi sáng mưa phùn giữa tháng 8, khi bà Nhiệm đang lúi húi với những món đồ trẻ sơ sinh trong ngôi nhà nhỏ trên phần đất ở nghĩa trang thì chợt nghe tiếng gọi "cô Nhiệm ơi…cô Nhiệm".

Chạy ra ngoài, bà ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, dáng người thấp bé. Bà không biết được rằng, để tìm đến gặp bà, người phụ nữ ấy đã phải đấu tranh tư tưởng hàng tháng trời, trước khi sẵn sàng trải lòng về nỗi đau mà chị sắp phải đối mặt…


Bà Nhiệm ngày nào cũng thăm nom những “ngôi nhà chung”

Người mẹ đi tìm “chỗ chết” cho con

Từ khi thông tin về nghĩa trang Đồi Cốc nơi bà Nhiệm làm việc lan truyền, thì ngày càng có nhiều người dân trên khắp cả nước gọi điện tới hỏi thăm công việc của bà. Thậm chí, có những người đã từng nạo phá thai cũng muốn tìm đến nghĩa trang để thắp hương trong ngày lễ, Tết, mong tìm được sự thanh thản trong lòng. “Nhiều bà mẹ trẻ sau khi đem con đến chôn, hay biết con mình được chôn cất ở đây đã tìm đến nghĩa trang rồi khóc lóc, tôi nhìn mà nghĩ cũng tội. Ngoài ra, có những trường hợp tìm đến với mục đích thổ lộ chuyện buồn, rồi có ý định tìm một chỗ cho chính giọt máu của mình”, bà Nhiệm cho biết.

Nhớ lại một trong những trường hợp đó, bà Nhiệm kể lại: “Hôm đó là một một buổi sáng tháng 8, thế nào ngày hôm ấy mưa phùn, nên tôi ra nghĩa trang để sắp xếp đồ đạc. Khi đang ở trong căn nhà nhỏ xây để đựng đồ đạc trong nghĩa trang, bỗng dưng có tiếng gọi bên ngoài, đi ra tôi thấy có một người phụ nữ dáng người nhỏ khá xinh xắn, độ ngoài 30 tuổi. Cô ấy giới thiệu là tên là Lan, cô ấy biết được việc tôi làm thông qua mạng internet, rồi lấy địa chỉ tìm đến. Sau một hồi giới thiệu, bỗng dưng nước mắt cô ấy trào ra”.

Theo lời bà Nhiệm, trước khi tìm đến với bà, chị Lan từng trải qua những tháng ngày sau khi cưới (năm 2006) khá hạnh phúc. Gia đình chồng kinh tế khá giả, chồng chị cũng có một công việc ổn định. Ngược lại, gia đình nhà chị thì làm nông, nhà lại đông con nên cuộc sống vất vả. Chị thầm nghĩ rằng lấy được tấm chồng như vậy cũng là một điều may mắn đối với chị, cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả hơn.

Nào ngờ, thời gian cứ trôi đi, dù hai vợ chồng chị rất mong muốn nhưng vẫn chị vẫn chưa có con. Chính vì lẽ đó, dần dần chồng chị hay mắng nhiếc, lúc nào mặt mày cũng cau có, nhiều lần còn đánh chửi vợ thậm tệ. Nhưng vì muốn núi kéo tình cảm vợ chồng, nghĩ rằng mình là vợ mà lại không sinh được cho chồng một đứa con, trong lòng chị cũng rất đau khổ. Nhưng rồi cuối cùng chị cũng không chịu được nữa, hai anh chị đã tính chuyện chia tay mỗi người một nơi. Hai bên gia đình biết chuyện đều khuyên can hai vợ chồng, song cả hai vẫn quyết định sống ly thân.

Dù trong lòng vẫn còn yêu thương chồng mình, nhưng cứ nghĩ đến những lúc chồng mắng chửi hay đánh mình, chị lại cảm thấy sợ. Trong lúc thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất, chị Lan đã rung động trước một người đàn ông hơn chị 2 tuổi. Kết quả của mối tình này là cái thai ngoài ý muốn. Biết chuyện, người đàn ông ép chị bỏ thai nhi, nhưng chị nhất quyết từ chối. Dần dần, chính người đàn ông đó đã xa lánh rồi bỏ rơi chị, lúc này người chị nhớ nhất cũng chính là anh Hùng, người chồng từng đầu ấp tay gối bao tháng năm. Thời gian hai người sống ly thân, anh Hùng cũng có người phụ nữ khác nhưng mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Giữa lúc lúc bị bỏ rơi, chị Lan lại gọi điện và tâm sự với anh Hùng. Kể về những tháng ngày khổ cực của mình, chị Lan vừa nói vừa khóc, mong vợ chồng trở lại đoàn tụ.


Hàng ngày bà Nhiệm vẫn thường đạp xe đi xin xác thai nhi

Nghe chị Lan khóc tâm sự, tình cảm của anh dành cho chị ngày mới yêu nhau như trỗi dậy. Thế rồi, sau nhiều lần gặp gỡ nói chuyện, hai người quyết định quay trở lại với nhau. Nhưng ngặt nỗi, anh Hùng lại đưa ra điều kiện nếu quay trở lại sống như cũ chị Lan phải bỏ đi cái thai đã có với người đàn ông kia. Nghe anh nói vậy, chị lắc đầu từ chối ngay, anh Hùng bảo chị cứ về suy nghĩ rồi quyết định sau. Về nhà, chị suy nghĩ đi nghĩ lại, đó là giọt máu của chị, nhưng giờ giữ nó lại thì cuộc sống của chị sẽ thế nào, chỉ một thân một mình nuôi con cái, tiền bạc không có. Lúc ấy, chị suy nghĩ rất nhiều. Sau một thời gian đấu tranh, chị mới quyết định tìm đến bà Nhiệm, mà tâm tư vẫn nửa muốn phá bỏ cái thai, nửa muốn giữ lại


Tâm nguyện lớn lao của “chuyên gia tư vấn” bất đắc dĩ

Ngồi tâm sự với bà Nhiệm, chị Lan ưu tư kể về nỗi cùng cực của mình. Chị cắn răng chấp nhận bỏ đi đứa con mình đang mang cũng chỉ vì muốn quay lại với anh Hùng, và một phần vì khó khăn về kinh tế. Nghe chị Lan nói vậy, bà Nhiệm đã hết mực khuyên nhủ: “Cháu đã lấy chồng bao lâu rồi mà vẫn chưa có con. Nhỡ đâu bây giờ bỏ cái thai đi thì sau này, cháu không có lại thì sao, có rất nhiều trường hợp như thế đấy”. Nghe bà Nhiệm nói vậy, nước mắt chị Lan cứ ứa ra, nhưng trong lòng chị vẫn muốn giữ tình yêu với người chồng mà mình từng có ý định rời xa. Nhìn chị Lan trong hoàn cảnh đó, trong lòng bà Nhiệm cũng đau xót, nhưng bản thân bà cũng chỉ biết khuyên nhủ người đàn bà bất hạnh ấy. Ngồi giãi bày câu chuyện của mình với bà Nhiệm hơn một tiếng đồng hồ, chị Lan đứng dậy xin phép ra về và vẫn bỏ lửng câu hỏi về một nơi chôn cất cho cái thai nhi đang nằm trong bụng mình. Trước khi từ biệt, cả hai người cũng không quên cho nhau số điện thoại để tiện liên lạc.

Sau khi rời mảnh đất đầy “sự bất hạnh”, chị Lan trở về nhà với tâm trạng rối bời, mấy ngày sau bà Nhiệm có gọi điện hỏi thăm và khuyên nhủ chị thêm hai lần nữa. Bà vẫn khuyên rằng chị nên giữ lại cái thai đó, dù sao nó cũng là máu mủ của mình, chị Lan nghe vậy cũng chỉ biết “dạ, vâng”. Rồi bẵng đi mấy hôm, bất chợt có cuộc điện thoại từ chị Lan, nghe chị Lan nói xong bà Nhiệm sững sờ, khi biết chị nói rằng: “Cô Nhiệm à? Cháu cảm ơn cô nhiều về những ngày đã qua, cháu nhờ cô một việc cuối cùng là chôn cất và chăm nom đứa con mà cháu không thể sinh nó ra trên cõi đời này được…”. Nói đến đây, giọng chị Lan nghẹn lại, chị cố gắng tiếp lời “chồng cháu sẽ mang bé đến rồi gọi cho cô, mọi việc xin nhờ vào cô đấy”, nói rồi chị Lan tắt máy.


Quyển sổ ghi lại số lượng những sinh linh xấu số

Nghe chị Lan nói vậy, bà Nhiệm ngỡ ngàng vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, một người đàn ông gọi điện bà ra gần nghĩa trang và nói là chồng chị Lan, rồi đưa cho bà một bọc nilon màu đen. Bà Nhiệm nhớ lại: “Đưa bọc nilon cho tôi xong, anh ấy còn bảo tôi rằng cái Lan nó phải mổ nên không mang bé lên được, tất cả nhờ cậy vào cô giúp”. Cầm túi nilon trên tay, không giống như những lần trước, mà lần này tay bà cứ run run, lòng bà như thắt lại.

Những ngày sau, bà lại tiếp tục công việc của mình, gắn với việc làm từ thiện của mình, bà Nhiệm có biết bao kỷ niệm vui, buồn. Sát cánh bên bà giờ còn có cả người chồng và các con trong gia đình. “Đã có gần 60.000 hài nhi nằm yên nghỉ tại “mái nhà chung” này. Gia đình chúng tôi làm việc này chỉ với mục đích đưa các em về nơi yên nghỉ, cha mẹ các em không thể làm được thì chúng tôi làm thay”, bà Nhiệm chua xót nói.

Nghe “chuyên gia tư vấn” bất đắc dĩ kể chuyện mà ai cũng không khỏi chạnh lòng, nhìn đôi bàn tay nhỏ bé của bà, nhưng với tầm lòng nhân hậu, bà Nhiệm đã đưa hàng vạn sinh linh xấu số về “mái nhà chung” yên nghỉ. Thử hỏi rằng nếu không có “mái nhà chung” này thì hàng vạn hài nhi kia đến giờ sẽ như thế nào (?). Suốt những tháng ngày làm công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Nhiệm chỉ ước mong đến một ngày nào đó bà và tất cả những người giúp bà sẽ hết việc để làm.


Tâm nguyện của người hành thiện

“Các bé bị bỏ rơi nhưng cuối cùng vẫn có chỗ yên nghỉ, nhưng nhìn những cảnh tượng đó đáng thương lắm. Đến giờ, nghĩa trang này cũng gần 6 nghìn em yên nghỉ. Tâm nguyện của tôi cũng chỉ muốn mọi người hãy nghĩ việc mình làm trước khi có ý định tước đi quyền sống của các em, để chúng tôi không còn việc để làm nữa”, đó là ước nguyện lớn nhất của người trong cuộc như bà Nhiệm và cũng là của tất cả mọi người khi đứng trước “mái nhà chung” ở Đồi Cốc.


Ngọc Tiến


giadinh.net.vn

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét