Bảo vệ sự sống
Trong thông điệp về sự sống con người cũng như qua nhiều bài giáo huấn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mạnh mẽ lên án hành vi phá thai và phá hủy mầm sống con người. Việt Nam, dưới chế độ cộng sản vô thần, phá thai trở thành một đại nạn. Theo thông kê đầu năm 2014 của Sở Y tế Sài Gòn, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về phá thai. Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, nhiều cá nhân và tổ chức trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã can đảm dấn thân bảo vệ sự sống, cụ thể có nhiều người, nhiều nơi đón nhận và an táng các thai nhi, đồng thời tìm cách phổ biến cho mọi người biết về giá trị sự sống con người.
Bản thân tôi đã gặp những tấm gương rất đáng phục, tham gia phục vụ trong các nhóm bảo vệ sự sống tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và “Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolô II” tại thành phố Vinh. Tiếp xúc với những người này, tôi nhận biết họ đã bắt đầu ơn gọi của mình khi nghe lời kêu gọi xây dựng nền văn minh sự sống của Đức Thánh Cha. Cha Fx Nguyễn Kim Phùng, đặc trách mục vụ bảo vệ sự sống thuộc DCCT Hà Nội chia sẻ cho tôi:“Phong trào bảo vệ sự sống tiến triển tốt đẹp, nhiều bạn trẻ vẫn nhiệt huyết dấn thân. Đặc biệt hầu hết các giáo phận ở Miền Bắc đã vào cuộc. Ý Chúa muốn chúng ta dấn thân theo tấm gương của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, người đã tiên phong trong vấn đề bảo vệ sự sống.”
Mưu tìm tự do tôn giáo và nhân quyền
Trong suốt hơn 26 năm trên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rất quan tâm đến quyền con người. Chỉ 6 tháng sau khi đắc cử chức vụ Giáo Hoàng vào năm 1979, ngài đã công bố: “ Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc", trong đó có phần ngài kêu gọi mọi người phải xét lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền quốc tế, đặc biệt tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, chắc hẳn Đức Giáo Hoàng biết rõ sự bức bách đàn áp như ngài đã từng cảm nhận khi trưởng thành và phục vụ Giáo Hội dưới chế độ cộng sản ở Ba Lan. Sự dấn thân quyết liệt cho nhân quyền của Đức Giáo Hoàng đã có những tác động tích cực tới các hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều Giám mục, linh mục, giáo dân nhiệt thành trong phong trào đòi tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam đã đón nhận tinh thần và Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II một cách hăng hái. Cha Phan Văn Lợi, một người tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam trong mấy chục năm qua chia sẻ rằng:“ Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II quả là một tác nhân quan trọng trong phong trào đòi tự do tôn giáo tại Ba Lan, Đông Âu, trên toàn thế giới và chính tại Việt Nam.”
Đối với tôi, con người của ngài cùng với lời mời gọi “đừng sợ” có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi nhớ khoảng 10 năm trước, khi xem một đĩa CD có tựa đề: “Đừng sợ gì- Cuộc đời và Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, tôi rất xúc động. Những hình ảnh về con người và lời nói của ngài cuốn hút tôi một cách lạ kỳ và thiêu đốt trái tim học trò của tôi, làm nảy sinh một thái độ dấn thân và từ đấy tôi bắt đầu tham gia các việc tông đồ trong xứ đạo và trong các phong trào sinh viên Công Giáo tại Vinh.
Năm 2007 khi ra Hà Nội học tập, tôi chứng kiến tận mắt Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Miền Bắc bị nhà cầm quyền cộng sản tấn công, đàn áp. Tôi suy nghĩ đây là lúc người trẻ cần bày tỏ lòng yêu mến đối với Giáo Hội, nên chúng tôi bảo nhau dấn thân. Chúng tôi đã có mặt ngày đêm tại giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ để hiệp thông, chia sẻ thân phận những con người bị bách hại. Chúng tôi cực lực phản đối bạo quyền cộng sản dùng bạo lực đàn áp và cướp phá tài sản của Giáo Hội. Khi nhà cầm quyền Hà Nội đưa 8 giáo dân Thái Hà ra xét xứ cách bất công, chúng tôi đã đồng hành với các linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà xuống đường đòi công lý.
Con người Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và lời mời gọi của ngài “ đừng sợ” thấm nhuần trong tôi, mang lại cho tôi sức mạnh dấn thân. Lòng mến yêu Giáo Hội nồng nàn của ngài, thái độ kiên quyết, không nhượng bộ trước sự dữ của ngài là gương mẫu cho tôi dấn thân giữa những khó khăn, thử thách, vì Quê Hương và Giáo Hội, vì những con người khốn khổ đang là nạn nhân của chế độ cộng sản bất nhân.
Tim Drake, trong cuốn sách “ Tuổi Trẻ và Công Giáo: Diện mạo của Giáo Hội Ngày Nay” viết rằng, “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một nguồn cảm hứng cho một thế hệ trẻ cam kết sống chết với niềm tin Công Giáo”, thấy đúng như vậy với tôi và bạn hữu của tôi.
Cảm nghiệm đức tin với Đức Gioan Phaolô II
Trong dịp làm giấy tờ nhập cảnh Hoa Kỳ từ Thái Lan cuối năm 2012, tôi cảm nhận được sự cầu bầu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một cách đặc biệt.
Trong tư cách là một tín hữu, một sinh viên và là Trưởng của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, tôi cùng bạn bè tham gia giúp đỡ các nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo ở Miền Bắc và Miền Trung, dấn thân phục vụ Giáo Hội trong các công việc văn hóa giáo dục và phụng tự. Chúng tôi có mặt ngày đêm ở từng điểm nóng để làm sao có thể chia sẻ và đồng hành một cách trực tiếp nhất. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên bị công an cộng sản theo dõi, sách nhiễu, đánh đập, cướp phá đồ đoàn và ngay cả bị bắt giam. Một đòn bẩn thỉu của công an là áp lực trên Trường Đại học nơi tôi theo học, cấm họ cấp bằng tốt nghiệp cho tôi. Tuy nhiên, bất chấp những hành vi khủng bố và những thiệt thòi cá nhân, tôi cũng như các bạn bè sống bình an và kiên trì con đường dấn thân, phục vụ theo gương Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Năm 2011 trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền bị khủng bố, nhiều bạn tôi đã bị công an bắt giam. Bản thân tôi bị công an cô lập phải lánh về quê ở yên, nhưng cũng không được yên trước sự nhòm ngó của công an. Tôi cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để ngài giúp tôi tìm ra ý Chúa. Sau đấy, nhờ lời tư vấn của một số cha và bạn bè có kinh nghiệm, tôi quyết định qua Thái Lan, theo học trong một Viện Nghiên Cứu tại Bangkok. Một thời gian sau, tôi thấy Thái Lan không phải là nơi thích hợp để tiếp tục ở lại học, tôi nảy sinh ý định tìm đường rời Thái Lan.
Trước nhà thờ chính tòa Bangkok có một bức tượng kính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được xây dựng để ghi nhớ sự kiện ngài thăm Thái Lan vào năm 1984. Nhiều người nói rằng ngài cũng rất muốn đến thăm Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ chối vì sợ cuộc viếng thăm của ngài có thể tác động xấu đến sự tồn tại của chế độ, như đã làm sụp đổ các chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu. Dịp thăm Thái Lan, ngài đã hướng về Việt Nam và chúc lành cho quê hương Việt Nam. Trong thời gian ở Bangkok nhiều lần tôi đã đến nhà thờ chính tòa Bangkok, dừng lại trước bức tượng để tâm sự với ngài và xin ngài chúc lành cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam cũng như cho bản thân tôi.
Lời cầu của tôi đến ngài đã có hiệu quả. Tôi được một tổ chức Công Giáo ở Hoa Kỳ bảo trợ qua Hoa Kỳ. Nhiều người nói với tôi rằng người Việt ở Bangkok rất khó xin visa nhập cảnh Hoa Kỳ và thường thì phải về lại Việt Nam mới có thể xin được. Nhưng tôi tin rằng “ đối với Chúa thì không có gì là không thể được” (Lc 1, 37). Tôi nộp hồ sơ vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok và xin lịch đi phỏng vấn vào ngày 22.10.2012, ngày lễ kính Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi phó thác hoàn toàn việc xin nhập cảnh Hoa Kỳ cho sự cầu bầu của ngài.
Ngày đi phỏng vấn, tôi nhớ “ Đức Gioan Phaolô II lòng luôn ưu tư, nhưng miệng luôn tươi cười” nên tôi cũng cần phải có phong thái như vậy. Tôi đã luôn tươi tỉnh và bình tâm trước các câu hỏi của nhân viên Tòa Đại sứ. Cuối cùng họ đã chấp nhận cấp visa cho tôi. Ngày 31 tháng 10 năm 2012, tôi tới Hoa Kỳ, từ Bangkok. Tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi con cái Việt Nam cần, ngài đã ra tay phù trợ.
Ngày 27 tháng 4 năm 2014 tới đây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong hiển thánh, tôi tin như lời cha Trần Xuân Tâm đã chia sẻ với tôi vào ngày lễ kính ngài năm ngoái từ Maryland rằng:“Với việc Giáo Hội tôn phong ngài lên bậc hiển thánh vào năm tới, Đức Gioan Phaolô II thật xứng đáng là quan thầy bầu cử cho tất cả những ai dấn thân đấu tranh cho tự do và nhân quyền ở các nước cộng sản bằng đường lối ôn hòa bất bạo động”.
Noi gương tình yêu của Đức Gioan Phaolô II đối với Giáo Hội và dân tộc Ba Lan, tôi nghĩ rằng, dù làm gì và ở đâu, chúng tôi cũng cần phải một lòng một chí cùng nhau dấn thân cho Giáo Hội được tăng trưởng và một Việt Nam sớm được tự do, dân chủ. Điều đó cũng để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong “ Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân” đã kêu gọi mọi tín hữu phải có trách nhiệm và tham gia vào về các vấn đề chính trị và xã hội: “Các tín hữu không thể khoanh tay ngồi nhìn như kẻ bàng quan lười biếng trước những gì đang phá hoại hay làm tổn thương đến hòa bình: như chiến tranh, tra tấn, khủng bố, trại tập trung, thi đua vũ trang, đe dọa nguyên tử …”
Ai cũng biết người dân Việt Nam đang lâm cảnh lầm than và khắp đất nước bất công lan tràn, nhân quyền bị chà đạp bởi bạo quyền cộng sản. Chúng ta cùng khấn xin ngài phù trợ cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam. Tôi nhớ lời cha Nguyễn Văn Khải, DCCT, chia sẻ với tôi từ Roma rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vì ngài từng sống trong chế độ cộng sản, ngài hiểu hoàn cảnh của chúng ta hơn ai hết.”
Khi học tập ở Hoa Kỳ, tôi được nghe lời hát về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Cha hiền Việt Nam luôn luôn kính yêu. Cha hiền Việt Nam mang ơn rất nhiều. Cha hiền Việt Nam luôn luôn khẩn cầu…”. Vâng, xin Đức Gioan Phaolô II bầu cử và giúp chúng con theo gương ngài để dấn thân phục vụ Quê Hương và Giáo Hội với một tình yêu không thể tách rời như ngài đã thể hiện đối với Quê Hương và Giáo Hội Ba Lan của ngài.
California, dịp lễ Phong Thánh Đức Gioan Phaolô II.
Joseph Nguyễn Văn Thống.
Vietcatholic
AMEN
Trả lờiXóa