Home » , , » Hủy bỏ gia đình tự nhiên là tàn phá xã hội

Hủy bỏ gia đình tự nhiên là tàn phá xã hội



Phỏng vấn giáo sư xã hội học Pierpaolo Donati

Hồi trung tuần tháng 2 năm nay ông Pierpaolo Donati, giáo sư xã hội học, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Gia đình. Bộ gien đơn bội (genoma) làm cho xã hội sống”. Đây là một công trình nghiên cứu và phân tích nghiêm chỉnh trong lãnh vực khoa học xã hội quốc tế về đề tài gia đình, các gia đình mới và các cặp đồng tính luyến ái.

Giáo sư Pierpaolo Donati đã từng là Chủ tịch Hiệp Hội xã hội học Italia và là giáo sư môn ”Xã hội học của các tiến trình văn hóa và truyền thông” của đại học Bologna, trung bắc Italia, về các đề tài liên quan tới các năng động xã hội gắn liến với gia đình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư xã hội học Pierpaolo Donati, về gia đình giả tạo, mà người ta tìm hợp thức hóa trên bình diện văn hóa ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về các khuynh hướng thành lập các gia đình khác với gia đình truyền thống tự nhiên gồm một người nam và một người nữ?

Đáp: Xã hội ngày nay cho rằng việc nhân hình thức gia đình nhiều lên là gia tăng sự tự do cho các cá nhân, và như thế nó là một tiến bộ. Thế nhưng thật ra đó là một sự thụt lùi văn hóa. Nó là một ảo tưởng không có tương ứng khoa học nào cả. Nó là một ảo tưởng tập thể, được dưỡng nuôi bởi ý thức hệ và bởi các phương tiện truyền thông xã hội, theo đuổi một huyền thoại về xã hội hạnh phúc, nhưng thật ra nó là một sự lừa dối lớn.

Hỏi: Giáo sư khởi hành từ giả thiết rằng đã không có một xã hội nào hủy bỏ gia đình mà có thể sống còn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng thế. Việc một xã hội hủy bỏ gia đình mà còn sống được là điều mà nhiều người đã tìm cách chứng minh mà không thành công, bởi vì gia đình, hiểu trong nghĩa tự nhiên, là bối cảnh hợp lý nhất làm nảy sinh ra và làm lớn lên các giá trị nòng cốt nền tảng của mỗi xã hội muốn tồn tại trong dòng thời gian. Cuốn sách của tôi cho thấy các lý lẽ khoa học chứng minh cho quan niệm tự nhiên này về gia đình. Gia đình tự nhiên gồm một người cha và một người mẹ vẫn là gia đình tốt nhất.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay tên gọi gia đình được gán cho các thực tại rất khác biệt nhau, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Người ta muốn làm cho ý niệm về gia đình và bộ luật biểu tượng của nó trở thành thế nào cũng được, không cần phân biệt. Các cuộc sống chung, các vụ kết hiệp như sự kiện đã rồi, các cặp đồng tính, các tụ họp theo ngẫu hứng tùy tiện vv... họ giả thiết rằng tất cả đều là các hình thái tương đương với nhau, như khi người ta nói rằng một cặp đồng phái cũng có thể có khả năng săn sóc một đứa trẻ hơn là một cặp cha mẹ nam nữ. Nghĩa là không còn có gia đình nữa, mà có các gia đình trong nhiều hình thái khác nhau. Nhưng trên bình diện khoa học thì các khẳng định này hoàn toàn sai lạc, bởi vì một sự đa dạng hình thái gia đình như thế làn nảy sinh ra một xã hội còn kỳ thị hơn nữa.

Hỏi: Kỳ thị hơn có nghĩa là sao thưa giáo sư?

Đáp: Nó có nghĩa là trong tương lai hình thái gia đình sẽ luôn luôn định đoạt hơn đối với các hiệu qủa của sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, trong nghĩa đã được chứng minh một cách khoa học rằng các hình thức gia đình không tương đương với nhau, mà có ảnh hưởng một cách khác nhau trên sức khỏe, việc giáo dục, học hành, công ăn việc làm và nói chung trên các khả thể của cuộc sống con người.

Hỏi: Tại sao vậy thưa giáo sư?

Đáp: Bởi vì các hình thức gia đình khác nhau có một tiềm năng nhân bản hóa cân xứng với khả năng có các tương quan đích thật đối với nhau giữa các phái tính và các thế hệ. Các phương tiện truyền thông không nói tới điều này, nhưng có hàng chục công trình nghiên cứu về vấn đề này; mới nhất như nghiên cứu của ông Mark Regnerus, thuộc đại học Texas, đăng trên nguyệt san ”Tìm tòi khoa học xã hội”. Các nghiên cứu này chứng minh cho thấy có sự khác biệt khổng lồ giữa các trẻ em được nuôi dưỡng bởi các cặp đồng phái, các trẻ em được nuôi dưỡng trong một gia đình có cha mẹ ổn định, các trẻ em sinh ra bởi các cuộc hôn nhân bất ổn, các trẻ em con của các cặp khác phái chung sống với nhau mà không lấy nhau, các trẻ em được nuôi dưỡng bởi các cặp ly thân ly dị vv.... Chính các tình trạng khác nhau ấy tạo ra các môi trường khác nhau với các điều kiện khác nhau ảnh hưởng nặng nề trên các trẻ em, đặc biệt là trên bình diện tâm lý và tinh thần.

Hỏi: Liên quan tới con nuôi của các cặp đồng phái có các dữ kiện chính xác nào không thưa giáo sư?

Đáp: Từ các cuộc nghiên cứu trên hàng ngàn người lớn, do các cặp đồng phái nuôi dậy trong các nước có các thực tại này, người ta thấy kết qủa rất là tiêu cực. Họ có khuynh hướng tự tử 3 lần nhiều hơn người bình thường. Họ cũng có khuynh hướng phản bội người bạn đời của mình 3 lần nhiều hơn những người khác. Số thất nghiệp giữa họ là 5 lần nhiều hơn những người khác, và họ cũng chạy đến với các trị liệu tâm lý 3 lần nhiều hơn những người lớn lên trong các gia đình bình thường có cha mẹ.

Hỏi: Nghĩa là tất cả đều có số liệu và bằng chứng hẳn hoi?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Các số liệu nói trên không chỉ có bằng chứng, mà chúng là kết qủa các cuộc nghiên cứu sâu rộng và của các nhà nghiên cứu cố ý chứng minh cho thấy sự đồng nhất giữa các hình thức gia đình khác nhau, nhưng kết qủa lại trái ngược với ý muốn khởi đầu của họ. Nghĩa là đây không phải là một phán đoán luân lý, nhưng là một sự kiện được ghi nhận như kết qủa của các nghiên cứu khoa học.

Hỏi: Thưa giáo sư, có tương quan nào giữa cuộc khủng hoảng của gia đình và cuộc khủng hoảng của xã hội hay không?

Đáp: Việc hủy bỏ điều, mà chúng ta định nghĩa là bộ gien đơn bội (genoma) của gia đình, trùng hợp với việc gia đình bước vào các gia đình của các lý luận thị trường. Vì thế người ta tụ hợp với nhau theo sự thuận tiện lớn hơn, hay theo các khoái lạc tính dục lớn hơn. Điều này dẫn đưa tới chỗ, mà học giả Tocqueville định nghĩa là một xã hội cá nhân chủ nghĩa, trong đó giảm thiểu ý thức xã hội, trách nhiệm đối với công ích, và trong đó hệ thống chính trị hay kinh tế có thể thống trị một cách khéo léo trên đám đông các cá nhân bị tư nhân hóa.

Hỏi: Thưa giáo sư, vậy có liên hệ giữa cuộc khủng hoảng của gia đình và cuộc khủng hoảng chính trị hay không?

Đáp: Từ một nghiên cứu sẽ được ấn hành vào tháng 5 tới này tựa đề ”Gia đình, tài nguyên của xã hội” người ta thấy rằng các hình thức gia đình yếu kém nhất như cha mẹ không lấy nhau, chỉ có cha hay chỉ có mẹ, cha mẹ ly dị, gia đình không có con vv... là các gia đình ít biết chú ý tới công ích; trong khi gia đình bình thường chú ý nhiều hơn tới các vấn đề xã hội, đương đầu với chúng một cách quân bình hơn, có nhiều vai trò xã hội hơn, và ích lơi hơn cho xã hội. Ngoài ra các gia đình yếu kém hơn còn là các gia đình cần trợ cấp xã hội và giúp đỡ về tâm lý hơn. Kết qủa là một xã hội được làm thành bợi các gia đình như thế sẽ dễ bị lèo lái hơn, và thiếu nền tảng có khả năng giữ cho các cơ cấu đứng vững với nhau.

Hỏi: Như thế là chúng ta đang ”chặt chân tương lai” của mình, có phải thế không thưa giáo sư?

Đ: Đúng vậy. Trong thực tế, nếu chúng ta ra khỏi mô thức gia đình tự nhiên được xâu dựng trên sự trao ban, trên tương quan hai chiều, trên tính dục phải tính và trên ý hướng sinh con cái giữa hai người nam nữ và các yếu tố này đều hiện diện một cách tốt đẹp, gắn liền với nhau và trong tương quan mật thiết, thì chúng ta làm nảy sinh ra một xã hội được làm thành bởi các hình thái gia đình có vấn đề, và sẽ làm phát sinh ra nhiều khó khăn hơn là giải quyết các vấn đề. Cần phải hiểu rằng chính sự lâu bền và phẩm chất của tương quan lứa đôi nam nữ sinh ra tương lai; và điều quan trọng không phải là các lợi lộc hay khoái lạc có thể có được từ sự kết hợp hai cá nhân, nhưng là khả năng sinh ra một thiện ích tương quan theo 4 yếu tố mà chúng ta đã kể ra trên đây. Chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã nhắc nhớ một cách hữu hiệu trong Thông điệp ”Bác ái trong Chân Lý” rằng: tình yêu không phải chỉ là một cảm tình, nhưng là một tương quan giữa hai người nam nữ.

(Avvenire 9-2-2013)

Linh Tiến Khải


Theo VietVatican.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét