Vậy “giảm tỷ lệ mang thai” ngày xưa là thế nào ?
Nhiều thập niên trước, cả trong thời gian chiến tranh, người ta đã chủ trương áp dụng biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai”, theo luận điệu người ta tuyên truyền, thì ấy là để giảm đà tăng dân số, để tăng trưởng và ổn định kinh tế. Nghiêm ngặt ghê lắm, cán bộ công nhân viên Nhà Nước dứt khoát không được để “vỡ kế hoạch” mà mang thai đứa con thứ hai. Một mặt người ta họp phê bình thẳng mặt trong Công Đoàn, nếu không chịu phá thai thì phải làm bản kiểm điểm, thành khẩn nhận khuyết điểm trước tập thể cơ quan, chịu một hình thức kỷ luật nào đó khá nặng, ít nhất cũng mất danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, mất thưởng “lao động tiên tiến”, có khi còn bị cắt biên chế, ngưng hợp đồng, sa thải khỏi ngành…
Chúng tôi có dịp đi giảng Đại Phúc ở một Giáo Xứ miền quê Giáo Phận Bùi Chu, sau một buổi nói chuyện về Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi được nghe các bà kể lại chuyện cũ đã hơn 20 năm, thời họ còn trẻ. Dân vùng Công Giáo không chịu áp dụng biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai”, thế là cán bộ Kế Hoạch Hóa Dân Số phối hợp dân quân du kích xã tổ chức đi bắt các bà, nguyên văn là “khiêng đi như khiêng heo, bốn người bốn góc, giữ chặt hai tay hai chân để chúng tôi không vùng vằng giãy dụa được, chung quanh còn một lũ con nít Thiếu Niên Tiền Phong đáng trống cà rùng, hò reo kéo nhau đến Trạm Xá Y Tế Xã để bắt phải triệt sản hay ít ra cũng là đặt vòng xoắn tránh thai, rùm, beng, nhộn nhịp tiếng khóc tiếng cười tiếng hét, cứ y như đám ma pha lẫn đám cưới” !
Còn về phía các ông, dân có Đạo bảo nhau đến ngày cao điểm thì sáng sớm chạy băng ruộng sang làng khác để tránh nạn. Thế mà dân quân du kích họp ban tham mưu, lên kế hoạch vây bắt như thể đánh trận, nghi binh đầu này, phục kích đón lõng đầu kia, nhiều ông nhiều anh chạy một thôi một hồi, tưởng đã an toàn, đang thở hổn hển thì bị… “sa lưới”, cũng bị điệu đi như kẻ thù, bắt đến Trạm Xá để… thắt ống dẫn tinh, nhiều kẻ độc miệng còn dùng động từ “thiến” như người ta thiến con gà trống !
Ấy là chuyện ngoài Bắc, còn trong Nam, ở Sàigòn, tôi quen một gia đình vợ chồng đều làm ngành y. Chị có thai đứa con thứ hai sau hai con đầu là con gái. Bệnh viện họp phê bình, bắt phải phá thai, chị bảo gia đình tôi Công Giáo, tin Chúa, không phá thai vì phá thai là giết người. Họ đe kỷ luật đuổi khỏi ngành, chị vẫn dứt khoát nói không, sinh một bé gái nữa, sau đó vẫn theo ngành Y nhưng làm tư, mở phòng khám ưu tiên lo cho người nghèo, nhất là các bệnh nhân AIDS các bệnh viện công đều tránh né từ chối. Sau hơn 20 năm, bây giờ cả ba cô con gái đều ngoan ngoãn nết na, ăn học đỗ đạt đều đâu ra đấy, phủ nhận hoàn toàn cái lý lẽ vớ vẩn rằng: cần phải “dừng lại ở hai con để nuôi dạy con cho tốt” !
Của đáng tội, chủ trương “chỉ hai con mà thôi” này ít nhiều đã len lỏi được vào não trạng của người Công Giáo, ăn sâu đến mức nhập tâm in trí, thỉnh thoảng lộ ra trên các logo mừng Đại Hội Năm Thánh Gia Đình 2010 hoặc panô cổ võ cho Mục Vụ Gia Đình cấp Giáo Phận, cấp Giáo Xứ…
Mặc dù vậy, cuối cùng, biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai” vẫn… phá sản ! Nhà Nước hò hét tuyên truyền rát cả cổ, mòn cả loa phóng thanh đầu làng cuối xóm, thiên hạ vẫn không chịu “dù gái hay trái chỉ hai là đủ”, ngay đến thành phần cán bộ chẳng sợ bị kỷ luật mất sổ gạo, cũng chẳng màng đến chuyện được thưởng nếu đặt vòng, bây giờ hòa bình rồi, đảng viên được quyền làm kinh tế nên giàu ra rất nhanh, có của ăn của để, xây nhà xây cửa, tự nhiên thích con đàn cháu đống, nên chủ trương khác hẳn: “Dù gái hay trai, có thai là… đẻ !”
Chuyện Kế Hoạch Hóa Gia Đình thành chuyện… cổ tích thời bao cấp, đôi khi còn là đề tài tiếu lâm, như ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình có tấm biển rõ to, chẳng biết vô tình hay cố ý, mất một dấu phẩy, lại cắt câu xuống hàng ngang xương nên đọc ra một khẩu hiệu ủng hộ đa thê: “Mỗi gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc” !?!
Trong ngành Y, đặc biệt là bên Kế Hoạch Hóa Gia Đình vẫn lưu truyền một câu chuyện về một nữ bác sĩ nổi tiếng tên là M.Đ. đã từng có “sáng kiến… kinh ngạc” là khi nhập hàng sản xuất bên Tiệp, bên Nga về, bí mật cho cắt hai sợi cước trắng ở đuôi vòng tránh thai, hễ đã đặt vào tử cung người phụ nữ rồi là vĩnh viễn không cách nào rút ra được nữa, coi như… triệt sản luôn ! Bà bác sĩ ấy nghe nói sau này bị tai nạn chết thảm, mọi người tặc lưỡi, chép miệng, lắc đầu: “Ghê quá ! Quả báo !”
Vậy còn bây giờ là “giảm tỷ lệ sinh” thì sao ?
Những tưởng một chính sách thất đức, thất nhân tâm như thế sẽ đi vào dĩ vãng đau buồn, không ngờ chuyện dài sinh đẻ ở Việt Nam đã bất ngờ chuyển hướng: người ta phát kiến ra một biện pháp hoàn toàn mới, táo bạo và tỏ ra… nhân đạo hơn hẳn những “sáng kiến kinh… ngạc” trước đây, không còn phải “giảm tỷ lệ mang thai”, nhưng bây giờ là “giảm tỷ lệ sinh” ! Quý bà quý ông muốn có thai thì xin cứ việc có thai, đến khi đi khám thai, siêu âm chẩn đoán, xét nghiệm đủ các kiểu, các y bác sĩ sẽ tư vấn làm thế nào đấy, rất khéo, rất tận tâm, rất cảm thông, rất nhân ái, cuối cùng thì cả đôi vợ chồng sẽ cắn răng gạt lệ mà xin… chấm dứt thai kỳ. Người ta còn đưa ra chương trình “sàng lọc thai nhi”, bé nào có vấn đề, có nguy cơ bị hội chứng Down, bị di họa từ cúm Rubella ( bệnh sởi Đức ), bị dị tật tim bẩm sinh, dư tay thiếu chân, không có hộp sọ v.v… thì đều được khuyến cáo nên giải quyết ngay từ những tuần lễ đầu tiên.
Thật ra cũng một phần máy móc siêu âm mua về nhiều khi là hàng second hand, sử dụng quá niên hạn, lại thêm nhân viên y tế không được đào tạo đến nơi đến chốn để đọc kết quả chẩn đoán trên màn hình, thế là thai còn đang sống lại bảo thai chết lưu, thai khỏe mạnh lại bảo thai yếu, thai con trai lại bảo thai con gái, tim thai đã có và phát triển bình thường lại bảo là thai trống, thôi thì đặt thuốc lấy ra ngay, để lâu có thể nguy đến tính mạng thai phụ.
Người ta lại còn đánh trúng tâm lý rất dễ hoang mang của các thai phụ, và cả các ông chồng. Trường hợp thai phụ đến khám đã khá lớn tuổi mới lập gia đình, lời tư vấn sẽ là trứng không còn tốt, bé chắc chắn sẽ bị Down, chậm phát triển, chết yểu, tội nghiệp, thua chị kém em, lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trường hợp thai phụ lần sinh trước đã phải mổ, đáng lẽ phải để cách nhau đến 5 năm cho an toàn, vậy mà bây giờ lại sớm có thai, coi chừng… bục dạ con ( trong Nam bảo là vỡ tử cung ). Tương tự nếu thai phụ đã sinh mổ hai lần, nay có thai lần thứ ba là “liều lĩnh dại dột quá, chết như không, lấy ai mà nuôi hai đứa con kia !
Trong thực tế Bảo Vệ Sự Sống, các Linh Mục, các Nữ Tu, các anh chị Tông Đồ Giáo Dân đều nhận định: khoảng 7, 8 năm trở lại đây, số các chị em phá thai do lỡ lầm, do bị người tình ruồng rẫy, do bị sức ép của sĩ diện gia đình, hoặc gia đình nghèo, vợ chồng sợ không nuôi nổi, cộng lại hết thì vẫn không nhiều bằng số các chị em phá thai do lời tư vấn của y bác sĩ với những kết quả siêu âm, chọc nước ối xét nghiệm gien cảnh báo những nguy cơ kinh khiếp.
Lắm khi chúng tôi khuyên bảo xong lại còn bị các ông chồng trợn mắt phản biện: “Các cha các sơ đi tu thì cứ lo tu đi, có phải bác sĩ đâu mà nói mạnh miệng thế ? Đẻ ra bị dị tật các cha các sơ có nuôi giùm tụi tui không ? Trong nhà ai cũng khỏe mạnh bình thường, tự dưng con cái lại câm điếc què quặt, người ta xì xầm thế này thế kia làm sao chịu nổi !”
Có lần chúng tôi đề nghị ông chồng ghi lại nguyên văn các lời tư vấn của bác sĩ, đánh vi tính hẳn hoi, trở lại bệnh viện, xin bác sĩ ký tên với lời cam đoan kết quả chẩn đoán chắc chắn đúng là như thế. Y như rằng bác sĩ giãy nảy lên bảo: “Nói là nói vậy thôi, các anh các chị tin hay không là tùy, làm gì chúng tôi phải ký vào đây để sau này kiện ngược lại chúng tôi à ?” Lần ấy, thai nhi đã được giữ lại, sinh ra khỏe mạnh, không hề bị sứt môi hở hàm ếch !
Những nỗ lực của phía Bảo Vệ Sự Sống cũng đã cứu được khá nhiều những trường hợp tương tự. Nhưng bình tâm đánh giá vấn đề, chúng tôi vẫn thấy đau lòng, vì con số thực tế phá thai vẫn lớn hơn gấp ngàn lần. Đọc báo mạng thấy ở Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương ngoài Hà Nội còn phải thú nhận rằng chỉ tính riêng chuyện Hội Chứng Rubella bẩm sinh thôi, đã chết oan biết bao em bé ! Mà không chỉ lỗi phía bác sĩ, nhiều gia đình vẫn cứ dứt khoát đòi phá thai đi dù bác sĩ cho biết kết quả chưa rõ (xin xem http://www.benhvienphusantrunguong.org.vn/news/tin-tuc-su-kien/nhieu-nguoi-bo-oan-con-vi-rubella-.html)
Cũng may, phía Bảo Vệ Sự Sống vẫn còn không ít các bác sĩ, y sĩ, y tá vừa có lương tâm lại vừa có trình độ trong nghề, nên chính bản thân chúng tôi đã được hướng dẫn chi tiết để có “nghiệp vụ tư vấn”, ca nào cần thiết có thể giới thiệu thẳng đến các bác sĩ để được khám thai lại thật kỹ lưỡng, được tư vấn chu đáo để an tâm và can đảm giữ lại bào thai, đến khi sinh thì mẹ tròn con vuông, vui mừng không để đâu cho hết. Nhiều gia đình muốn biểu lộ lòng biết ơn, có khi xin chúng tôi đặt tên hoặc rửa tội cho bé, có khi xin lấy luôn tên của bác sĩ mà đặt cho con của mình.
Ở các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, ngày tĩnh tâm kết khóa, hoặc cuối Thánh Lễ tại Nhà Thờ DCCT, chúng tôi mời cả gia đình vợ chồng bế con đến, Công Giáo có, không Công Giáo có, trực tiếp chia sẻ như một lời chứng trước cộng đoàn để những ai có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự, sáng suốt giữ lại bào thai, lại phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, chấp nhận ngay cả khi em bé sau này sinh ra có dị tật thật sự đi nữa, thì vẫn là một Quà Tặng Sự Sống vô giá, vẫn là đứa con quý báu của gia đình.
Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm nay, 13.1.2013, nghe bài đọc Thư Thánh Phaolô gửi cho ông Titô, chúng tôi thấy được khích lệ thật nhiều, không chỉ là những động viên tâm lý, nhưng rõ là Tin Mừng của Thiên Chúa dành cho anh chị em chúng tôi đang cố gắng lội ngược dòng đời để Bảo Vệ Sự Sống: “Vì chúng ta, Đức Giêsu đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện…” (Tt 2, 14).
Vâng, lại Chúa Giêsu, chúng con xin được hăng say “làm việc thiện” trong những ngày tháng này, trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu này, một cách hết sức cụ thể, đó là cứu lấy các thai nhi, cứu lấy các gia đình khỏi hiểm họa oan nghiệt của biện pháp “giảm tỷ lệ sinh” !
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 13.1.2013
Theo báo Ephata số 544
0 bình luận:
Đăng nhận xét