Home » » Sự thật về nghĩa trang thai nhi Bến Cốc

Sự thật về nghĩa trang thai nhi Bến Cốc

Theo Wikipedia tiếng Việt đăng tải vào thời điểm tháng 4-2006, Nghĩa trang Trường Sơn có 10.263 phần mộ. Mới đây, vào lúc 12:30 GMT+7, thứ hai, 28-5-2012, trang báo điện tử Vnexpress có đăng tải bài viết của tác giả Phan Dương với nhan đề “Nơi yên nghỉ của 50.000 hài nhi bị bỏ rơi tại Hà Nội”. Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google.com.vn và gõ từ khoá “đồi cốc”, người đọc sẽ nhận được hàng loạt kết quả bao gồm những bài viết đáng chú ý về một nghĩa trang thai nhi.

Dân gian ta thường có câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Trong phạm vi bài này, người viết không có ý phản bác lại những thông tin đã được đăng tải nhưng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin xác thực và có căn cứ rõ ràng. Người viết cũng không muốn ca ngợi thành tích của những con người đang âm thầm làm công việc “cực chẳng đã” là chôn cất những hài nhi vô tội. Hy vọng, bài viết này sẽ góp phần cộng hưởng nhằm thức tỉnh lương tâm của không ít người đã, đang và sẽ cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ không có khả năng tự vệ.

1. Lịch sử của nghĩa trang

Chúng tôi đến Bến Cốc vào một buổi chiều nắng nhạt. Ngôi làng nhỏ yên bình này thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Theo lời giới thiệu, chúng tôi gọi điện và xin gặp ông Tomaso T. nhưng lúc đó ông đang ở miền Nam. Được người làng giới thiệu, chúng tôi tìm ra nghĩa trang để gặp và nói chuyện với bà Anna N. - người trực tiếp làm công việc thu lượm và chôn cất thai nhi.

Nói chuyện với chúng tôi tại ngay giữa nghĩa trang, bà Anna N. bùi ngùi kể lại lịch sử của nghĩa trang thai nhi này. Bà cũng mong muốn trong bài viết này, chúng tôi không viết rõ tên bà vì đây là công việc phục vụ trong âm thầm và hơn cả là vì lợi ích sau này của các thánh anh hài.

Nghĩa trang Thai nhi Bến Cốc (có bài viết ghi là Đồi Cốc) là một nghĩa trang Công giáo thuộc Giáo họ Bến Cốc, Giáo xứ Nội Bài. Nghĩa trang thai nhi ở Bến Cốc là nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở Miền Bắc.

Nghĩa trang này được Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh (lúc đó ngài đang là Cha giáo của Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội) và Thầy Tomaso Nguyễn Văn Bắc (Dòng Ngôi Lời) bắt đầu khởi xướng thành lập vào khoảng tháng 7-2007, tính đến nay cũng được gần 5 năm.

Những ngày đầu thành lập, Nhóm Bảo vệ Sự Sống Bến Cốc chỉ có bà Anna N., ông Tomaso T. và một phụ nữ nữa ở họ nhà xứ Nội Bài tham gia. Lúc đó, bà chưa hình dung ra công việc của mình sẽ như thế nào nhưng dưới sự hướng dẫn của Đức cha Cosma và Thầy Tomaso, dần dần bà đã hiểu ý nghĩa của sứ vụ mà Chúa trao phó. Bởi lẽ, ai khi chết cũng cần một nấm mồ mà các em thai nhi cũng là một con người như bao người khác (cho dù các em không được chào đời), nên việc chôn cất các em cũng là lẽ thường tình mà hơn nữa mình lại là người Công giáo, mỗi người đều có một linh hồn riêng.

Với những lý lẽ hợp tình, hợp lý như vậy, bà Anna N. đã dần thuyết phục được rất nhiều các cơ sở y tế để họ chấp nhận giữ lại các thai nhi cho bà đem về khâm liệm và chôn cất. Bà kể “ban đầu, họ không tin tưởng gửi các thai nhi cho mình nên bà đã phải vất vả biết bao nhiêu ngày đêm ằn chờ, nằm chực quyết tâm kiên trì thuyết phục và cuối cùng bao công lao đổ ra cũng được đền đáp”.

Sau khi thuyết phục được các cơ sở y tế giữ lại thai nhi để bà đem về chôn cất, bà Anna N. tiếp tục tiến thêm một bước nữa đó là nhờ họ khuyên can các bạn trẻ chót “lỡ làng” liên hệ với bà để cố gắng giữ lại những đứa trẻ vô tội.

Những ngày đầu không có chỗ để chôn cất các em, bà Anna N. và Nhóm Bảo vệ Sự Sống phải thuyết phục dân cho phép sử dụng nghĩa trang của làng để làm nơi an nghỉ cho các em. Khi ấy, cũng có người không đồng tình nhưng nhờ sự tác động của ơn trên mà họ đã đồng tình ủng hộ, thậm chí là nhiệt tình tham gia vào sứ vụ này. Trước thực trạng nghĩa trang ngày một thu hẹp lại do số các em được đưa về cứ tăng lên từng ngày, Giáo họ Bến Cốc đã quy hoạch lại và mua thêm đất để giúp nhiều thai nhi xấu số có nơi an nghỉ.

Bà Anna N. cũng cho biết thêm rằng, hiện nay, Nhóm Bảo vệ Sự Sống Bến Cốc có 7 thành viên chính thức và khá đông các cộng tác viên do ông Tomaso T. đứng đầu. Ngày nào bà Anna N. cũng ra đây để làm công việc âm thầm này. Bà chia sẻ: “Từ mấy năm nay, tôi đã coi đây là nhà của mình, chỉ trừ hôm nào ốm hay bận không ra được thì tôi mới nhờ người khác ra khâm liệm và chôn cất cho các em”.

2. Những con số đáng báo động

Bà Anna N. lấy cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chi tiết số các em thai nhi xấu số được chôn cất ở đây theo từng ngày từng tháng rất rõ ràng. Chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi thấy có những ngày con số lên đến 50 em (14-11-2011).

Bà Anna N. nhớ lại ngày đầu tiên làm công việc này, bà chỉ phải khâm liệm và chôn cất cho 1 em duy nhất nhưng số thai nhi cứ ngày một tăng lên nhất là vào những ngày mùa đông. Những ngày kỷ lục, số các em bị sát hại lên đến 70 em. Cứ bình thường thì ngày nào trung bình cũng đến 20 em.

Vào tháng 1-2008, con số chỉ mới 144 nhưng đến tháng 11-2011 con số đã lên đến 1005. Tức là sau chưa đầy 3 năm số các em thai nhi được chôn cất hằng tháng ở đây đã tăng gấp 7 lần.

“Chúng tôi ước tính sau 5 năm hình thành, Nghĩa trang Bến Cốc đã là nơi an nghỉ của ít nhất 53.000 em thai nhi xấu số. Vì số các em quá đông nên Nhóm đã đặt tên Thánh các em theo từng tháng một”, bà Anna N. nói thêm.

Theo hướng chỉ tay của bà Anna N., chúng tôi thấy có vài ngôi mộ được gắn bia. Bà Anna N. bảo, đấy là bia của các em đã lớn khoảng 7 - 8 tháng tuổi, thậm chí có những em đã được hưởng 4 ngày sống trên thế gian này.

Bà Anna N. vừa chỉ tay vừa nói: “Ở đây có 39 ngôi mộ đã xây xong, trong đó có 18 mộ có 500 em trong một ngôi, còn 11 ngôi kia mỗi ngôi có hơn 1.000 em, riêng ở Lễ đài cháu đang ngồi đã có khoảng gần 3 vạn em.”

Nếu so với Nghĩa trang Trường Sơn với 10.263 phần mộ, thì Nghĩa trang Thai nhi Bến Cốc đã gấp hơn 5 lần (53.000 hài nhi). Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng ngay ở hiện tại và chắc chắn trong tương lai một cuộc chiến nhằm bảo vệ sự sống đầy cam go và khó khăn vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Trong khi, con người ta đang ra sức bảo vệ những loài động vật có tên trong sách đỏ thì chính lúc ấy con người lại quên mất sứ vụ bảo vệ quyền sống cho đồng loại của mình.

3. Công việc... cực chẳng đã

Đã 5 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, bà Anna N. cũng ra nghĩa trang để làm công việc cực chẳng đã là khâm liệm và chôn cất các em thai nhi. Thương vợ, thương các thai nhi nên cứ ngày hai buổi (sáng 4 giờ, chiều 17 giờ), chồng bà Anna N. đều chạy xe máy đến các cơ sở y tế thu nhận các em hai nhi xấu số về cho vợ chôn cất.

Chúng tôi thấy sống lưng lành lạnh khi nhìn những thai nhi được gói kín trong túi nylon đen từ buổi sáng đang nằm chờ bạn bè chung số phận hẩm hiu của buổi chiều sắp về để cùng được khâm liệm.

Hơn 5 giờ chiều, chồng bà Anna N. trở về. “Bên trong những túi nilon kia cũng là những con người có khác gì chúng ta đâu. Ấy vậy mà gia đình các em vẫn quyết tâm loại bỏ.” - bà Anna N. đau xót nói với chúng tôi.

Bà Anna N. lại tiếp tục công việc thường nhật của mình là khâm liệm các em. Bà mở các túi nilon đen ra, các thai nhi đa số khoảng 2 tháng tuổi nên còn rất nhỏ, có một em khoảng 4 tháng tuổi và đang thành hình người. Có nơi cẩn thận họ gói riêng từng em, có nơi cẩu thả họ cho tất cả các em vào chung một túi nên rất khó xác định con số chính xác các em được đưa về.

Bà Anna N. nâng niu và trân trọng đặt mỗi em vào một chiếc túi nilon màu hồng xinh xắn. Sau đó, bà bọc các em vào khăn vải rồi đặt chung các em vào một chiếc tiểu sành. Kế tiếp, bà trộn vữa cho đầy chiếc tiểu sành nhỏ. Trước đây, bà thường cho mỗi em vào một niêu đất nhưng do các em được đưa về ngày một nhiều nên Nhóm đã chuyển sang dùng tiểu sành cho phù hợp.

Đặt chiếc tiểu mới gần với chục chiếc tiểu khác, bà Anna N. giải thích: “Phải làm như vậy mới đảm bảo vì mình chưa chôn cất ngay, phải chờ đủ số lượng một huyệt mới dám lấp chứ không thì lấy đất đâu mà chôn cất các em khác.”

“Cứ mỗi lần quy hoạch phải cải táng các em là bà lại đau lưng đến hàng tháng trời. Rút kinh nghiệm những lần như vậy, bây giờ bà phải chờ cho đủ số lượng mới lấp đất và xây mộ dù biết để các em phải nằm chờ phơi sương phơi nắng là rất tội”, bà Anna N. kể thêm.

Như vậy, ngày 15-6-2012, chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt ít nhất 15 em thai nhi bị tước đoạt quyền sống. Đây mới chỉ là phần nổi mà thôi, còn biết bao các em thai nhi xấu số khác phải lưu lạc không có lấy một nơi an nghỉ. Không ai có thể thông kê nổi mỗi ngày ở Việt Nam có bao nhiêu em thai nhi bị khước từ sự sống và có bao nhiêu em không được chôn cất đàng hoàng; có bao nhiêu bậc làm cha làm mẹ phải bán rẻ lương tâm vì tương lai và sĩ diện.

Trước khi chia tay bà Anna N. và Nghĩa trang Bến Cốc, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Bà Anna N. không quên dặn chúng tôi: “Các cháu có xin gì thì xin chứ không phải cầu nguyện gì cho các em đâu vì các em là các thánh anh hài”.

Sẽ còn đó những câu chuyện dài chưa có hồi kết. Số thai nhi được chôn cất tại Nghĩa trang Bến Cốc vẫn ngày một tăng lên và đương nhiên số ca nạo phá thai ở Việt Nam cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Hãy thử nghĩ, nếu mỗi người chúng ta là 1 trong số 53.000 thai nhi ở Nghĩa trang Thai nhi Bến Cốc thì sẽ ra sao?

BTT Bắc Ninh


Theo emty.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét