Home » , » Nhà "mầm sống" trong chùa - p1

Nhà "mầm sống" trong chùa - p1

Bài 1- Những đứa trẻ đơn côi từ trong bụng mẹ


(TT&VH) - Chùa Diệu Pháp, tọa lạc tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có một gian phòng mà sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa gọi là nhà… “mầm sống”. Trong gian phòng đó, là những sinh linh bé bỏng mang số phận bất hạnh vì bị những người làm cha, làm mẹ nhẫn tâm chối bỏ.

Có những đứa trẻ chưa cất tiếng khóc chào đời nhưng định mệnh đã “khoác” sẵn lên mình em tên gọi “trẻ mồ côi”. Các em là hệ lụy của những mối tình nghiệt ngã, hay hệ quả của phút giây buông thả nông nổi của những người trẻ khi “quan hệ tình dục trước hôn nhân”…

30 năm qua, có hơn 100 đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng trong chùa. Câu chuyện xen lẫn buồn, vui 30 năm qua bắt đầu từ một nhân duyên.


Từ những mầm sống bị bỏ rơi đến những tiến sĩ, thạc sĩ

 
Chùa Diệu Pháp nằm yên ả bên những cánh đồng khoai mì xanh um và trong không gian tĩnh lặng đủ để nghe tiếng cười nói ríu rít của những cậu bé xa tít trong sân sau chùa.

Sư cô Huệ Đức đón chúng tôi từ đầu cổng và đưa chúng tôi vào một gian phòng nơi có những chiếc nôi bé xíu được xếp liền kề. Sư Huệ Đức nói bằng chất giọng Huế ấm áp: “Sư gọi gian phòng ni là nhà “mầm sống”. Những đứa trẻ nằm đây đều là trẻ bị bỏ rơi, mỗi đứa là mỗi câu chuyện đau lòng lắm”.

Sư Huệ Đức trong nhà “mầm sống”

Như để bắt đầu cho câu chuyện dài về những đứa trẻ ở chùa Diệu Pháp, sư Huệ Đức hồi tưởng lại vào một buổi sáng của tháng 11/1983: “Cách đây 30 năm, một đứa trẻ sơ sinh gói trong chiếc khăn màu trắng bị vứt tại bụi tre trước cổng chùa. “Sư nhớ như in, sáng sớm, tiếng chó sủa ghê lắm. Thời đó vùng này còn rất hoang sơ, chùa chưa có tường rào, sư đứng ở Chánh Điện thấy bóng dáng chiếc xe gắn máy loạng choạng chạy mất hút. Sau đó, sư bước ra xem như thế nào thì phát hiện một bé gái sơ sinh vứt bỏ dưới bụi tre. Đó như là một nhân duyên, mái ấm của những đứa trẻ mồ côi sau này”.

Còn sư Tâm Hiền gắn bó với ngôi chùa này 30 năm kể: “Năm đó, chùa cũng vừa lập nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mỗi ngày, các sư phải đi bộ hàng chục cây số để lên rẫy trồng đậu xanh rồi bán lấy tiền mua gạo, mua sữa ngoài cho bé uống. Có lúc nghe tin nhà ai vừa sinh con, thì bế bé đến xin bú nhờ để có thêm chút sữa mẹ cho người cứng cáp”.

Bé gái bị vứt bỏ vào năm đó chính là chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, tiếc là hôm ấy chúng tôi không gặp được chị và được biết chị đã là vợ, là mẹ của 2 đứa trẻ từ năm 2007.

Các sư kể, Diệu Hiền vẫn thường về thăm chùa và “chị hai” cũng không bao giờ quên quà bánh cho mấy đứa em mỗi lần ghé thăm.

Sau nhân duyên với Nguyễn Thị Diệu Hiền, đến nay mái chùa đã tiếp nhận 100 đứa trẻ, trong đó có 67 đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi. Có những đứa trẻ mồ côi năm xưa đã trưởng thành, tốt nghiệp ĐH, có người còn đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là niềm vui nhất mà các sư cô ở chùa Diệu Pháp có được.

“Thời sư bà còn sống, khi làm giấy tờ cho các em thì lấy theo họ của sư bà là họ Nguyễn. Từ khi sư bà viên mãn nên mấy đứa nhỏ sau này mang họ Hồ của sư. Những đứa con của chùa như Nguyễn Đức Duy giờ đã là tiến sĩ, con bé Hồ Thị Bảo Trân là thạc sĩ, còn mấy đứa đang học ĐH nữa” - sư Huệ Đức tự hào nói.

Sư Huệ Đức bên ngôi mộ bé “Lượm Ba”


“Lượm Một” rồi “Lượm Hai”…

Sư Huệ Đức dắt chúng tôi đi đến những đứa trẻ đang nằm trong nôi và cả những đứa bé 5, 6 tuổi đang chơi đùa trên nền nhà. Chỉ tay về đứa trẻ 4 tuổi đang nằm co quắp trong chiếc nôi, sư Huệ Đức nói: “Thằng ni, sư gọi nó là thằng “Chà Và” vì lúc nó mới sinh ra người nó đen thui. Hồi bé nó hay quấy khóc ban đêm nhưng giờ thì ngoan lắm gặp ai cũng cười hết à”.


Sư Huệ Đức nâng cậu bé “Chà Và” có tên trong giấy tờ là Hồ Đức Diệu Ân ngồi dậy, cậu bé Diệu Ân bị bại não, tay co quắp, em nở nụ cười nhìn chúng tôi. Rồi những đứa trẻ khác chạy ùa đến, tíu tít bên sư Huệ Đức, mĩm cười và sư chỉ đứa này tên là “Cao Su”, thằng “Ba Xạo”, rồi đứa “Lượm Một”, “Lượm Hai”…

Mỗi cái tên sư Huệ Đức đặt cho từng đứa trẻ đều gắn liền với hoàn cảnh, một cái tên rất “đời”. Như cô bé Hồ Đức Diệu Thương, có tên “Cao Su” vì đơn giản, bé được nhặt ở vườn cao su. Lại có thằng bé mang tên cú cún nhặt tha vào sân chùa, thằng “Ba Xạo” vì cha nó nói xạo mẹ rồi sanh ra nó, mẹ nó bỏ nó ở đây. Còn có một năm, nhặt được đứa đầu thì đặt tên là “Lượm Một, tiếp theo là “Lượm Hai”…”, sư Huệ Đức nói.

Cách căn nhà “mầm sống” không xa, có vài ngôi mộ được đặt ngay giữa sân chùa, trong đó có ngôi mộ của cô bé có tên “Lượm Ba”. Lúc chúng tôi đến, sư cô Hạnh Thiện đang chăm sóc cho các phần mộ tại đây. Sư Hạnh Thiện ngậm ngùi kể lại: “Vào nửa đêm tháng 3/1998, nhà chùa nhặt Lượm Ba bị vứt trước cổng chùa từ lúc nào không hay. Đau xót là khi nhặt cháu bé đã bị kiến cắn khắp người, cả vào trong hốc mắt. Một cánh tay của cháu bị hoại tử vì chó cắn. Mấy sư lập tức đưa cháu đi BV cấp cứu rồi sau đó đưa về chùa nuôi dưỡng. Nhưng 9 tháng sau, Lượm Ba yếu dần và ra đi”.

Bài 2: Những “bà mẹ” trốn chạy

Theo TTVH

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét