Nằm bên dòng sông Hương nước trôi lững lờ, nghĩa trang Anh Hài ở thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế là nơi yên nghỉ của hơn 42.000 sinh linh nhỏ bé, chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Trong hàng chục ngàn ngôi mộ trắng xóa ấy, chỉ duy nhất một mộ phần có đặt tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ. Số còn lại vô danh đến buồn tủi như chính số phận của các em bị người đời khước từ quyền sống.
Để làm nên nghĩa trang rộng lớn này, một nhóm thiện nguyện ở Huế đã bỏ công lang thang đi tìm nhặt xác những hài nhi bị bỏ rơi. Đằng sau mỗi ngôi mộ là một câu chuyện dài về lối sống của giới trẻ hiện nay. Lối sống ấy đang giống lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức, nhân cách làm người…
Nghĩa trang vô danh
Chiều dần buông, cảnh vật trên nghĩa trang Anh Hài nhuốm màu vàng thê lương khó tả. Nghĩa trang rộng hàng chục hecta nằm ở bãi đất trống, vắng bóng người qua lại, chỉ thấy nối tiếp nhau những nấm mồ dài tít tắp. Gió thổi hiu hắt, lá vàng lác đác rơi rụng trên những bia mộ.
Có lẽ như lâu lắm rồi, nghĩa trang này vẫn yên bình, thiếu bước chân người tới thăm. Có chăng chỉ là những người trong nhóm thiện nguyện vẫn hàng ngày đều đặn chăm lo hương khói cho các em.
Từ thành phố Huế, chúng tôi vượt chặng đường gần 35 cây số, qua những cánh đồng lúa trĩu hạt, con đường đất đỏ quạch, vạch lá rừng bước đi rồi mới tới được nghĩa trang.
Một góc nghĩa trang Anh Hài |
Chuyến đi tự phát này cũng xuất phát từ tính hiếu kỳ của chúng tôi qua một câu nói vô tình nghe được “Sau này nếu yêu ai thì nên dẫn người đó lên nghĩa trang Anh Hài để thắp hương cho các em. Như vậy, mọi người sẽ biết trân trọng tình yêu mình đang có được..”
Từ một góc nghĩa trang, một người đàn ông độ tuổi trung niên đang lặng lẽ, nhẹ nhàng cầm bọc nhỏ gì trong tay như nâng đỡ cẩn trọng vừa thiêng liêng đến lạ. Gương mặt ông trầm lắng, có nét sầu buồn ẩn sâu trong đôi mắt.
Ông chăm chút vào công việc của mình dường như quên mất sự xuất hiện của khách lạ. Hỏi chuyện, chúng tôi mới biết được ông tên là Trương Văn Năng (50 tuổi).
Bao năm qua, công việc của người đàn ông này thường xuyên trông nom và quét dọn nghĩa trang Anh Hài. Ông cũng chính là người tiếp nhận, chôn cất cho những bào thai, những sinh linh nhỏ bị bỏ rơi được nhóm thiện nguyện đưa tới đây.
Trước khi mở lòng kể những câu chuyện dài, ông Năng trao tay chúng tôi những nén hương để cùng thắp lên các nấm mồ không tên hiu quạnh. “ Ở đây, hầu như ngày nào cũng có người tìm đến đưa xác những hài nhi mong được sớm chôn cất.
Mỗi nấm mồ là nơi yên nghỉ chung cho ba đến bốn em. Những em chưa đủ hình hài được đặt chung vào một hũ sành nhỏ, còn đã định hình thân thể thì đặt vào một hũ riêng. Đặc biệt vào năm 2007, số hài nhi được đưa đến đây với số lượng lớn, lên đến ba ngàn em!”- Ông Năng giọng trầm buồn nói.
Đứng giữa những hàng mộ ngay thẳng, ông Năng cho hay, các sinh linh chôn cất ở nghĩa trang chủ yếu đang trong giai đoan bào thai, chưa thành hình hài đã bị đấng sinh thành quyết định vứt bỏ. Các em được nhóm thiện nguyện Hội bảo vệ sự sống TP. Huế, gồm 10 người, nhặt nhạnh gom lại.
Có khi họ nhặt được trong thùng rác bệnh viện, phòng phụ sản, trên bãi biển hay nơi nào đó bẩn thỉu của hang cùng ngõ hẻm. Ông Năng kể có những xác hài nhi bị gói gọn trong bao bóng đem vứt, ruồi nhặng bu bám đen kịt.
Nhóm thiện nguyện cần mẫn đem về nghĩa trang rồi ông Năng cùng ông Tống Viết Hiếu, một thành viên trong nhóm Thiện Nguyện đứng ra chôn cất.
Ông Năng nhớ lại sinh linh đầu tiên được đưa về nghĩa trang vào ngày 2/2/1992. Nhóm thiện nguyện đã chọn ngày này là ngày thành lập nên nghĩa trang Anh Hài. Sau 20 năm, con số những hài nhi nằm yên nghỉ tại nghĩa trang đã lên đến 42.000 thân phận những đứa trẻ xấu số.
Ông Năng kể rằng “Trước kia, đa phần thi hài của các em đều được gói gém cẩn thận bằng những bao nilon hoặc giấy báo và chôn cất trong những ụ đất nhỏ đào ra.
Từ năm 2000 trở đi, Hội bác ái địa phận Huế (Caritas) đứng ra tài trợ cho nghĩa trang Anh Hài nên giờ mộ phần của các em được xây cất bằng xi măng vôi vữa vững chãi. Âu đó là tấm lòng thành nhằm an ủi cho số phận hẩm hiu, đáng buồn của các em nơi thiên đàng”.
Trước mặt chúng tôi, khuôn viên nghĩa trang rộng dường như đã kín hết chỗ, bốn bề chỉ toàn là những nấm mồ trắng xoá, không tên. Trước mỗi nấm mồ nhỏ chỉ có duy nhất một cây thánh giá, trên đó ghi lại ngày tháng người ta chôn cất các em về với đất Mẹ.
Bức tượng Thiên Thần nhỏ ngồi ôm mặt khóc ở góc nghĩa trang như buồn tủi cho thân phận của các em. |
Ông Trương Văn Năng nhẩm tính “Trung bình mỗi năm, nghĩa trang tiếp nhận khoảng 2.000 hài nhi, thế nhưng cũng chỉ có khoảng 20- 30 người đến đây để thắp lên mộ các em nén nhang. Họ thường là những cô gái trẻ tuổi, số ít là nam giới.
Họ tìm đến mộ phần đứa con mà mình đã nhẫn tâm chối bỏ. Dù gì thì linh hồn các em đó cũng được ấm lòng khi người đời vẫn còn chút tình thương nhớ, chứ đa phần số phận các em đều rơi vào quên lãng…!”
Trong khuôn viên nghĩa trang ấy được trang trí nhiều hoa tươi, bốn góc là những bức tượng Thiên Thần có cánh đang buồn bã nước mắt rơi. Thiên Thần nhỏ như một biểu tượng che chở và an ủi cho thân phận oan nghiệt tủi hờn của các em.
Cạnh đó, một tấm bia đá khắc lên những vần thơ đầy thương cảm. Vần thơ này do một vị linh mục đến đây làm và tặng lại cho nhóm thiện nguyện. Vần thơ khắc tạc sâu vào bia đá trơ lỳ khiến ai một lần đọc vào không khỏi động lòng xót xa…
“Tôi không biết em là trai hay gái
Tiếng kinh buồn cất tiếng gọi thai nhi…
Một đêm lạnh trời sương
Em vấp ngã nơi đây
Em thiếp ngủ không hay, lá rụng che phủ đầy…”
“Gió sao để lá lìa cành?
Để chim lìa tổ xa bay chia tình!
Rồi từ đó một mình một nẻo,
Mối tình đời bạc bẽo phôi pha.
Chiều vàng rủ xuống đời con,
Chiều thương chiều nhớ chiều ơi hỡi chiều!...”
Đứng trước hàng ngàn những nấm mồ nhỏ trắng xóa một góc trời, người lạnh lùng sắt đá cỡ nào cũng đôi phút chạnh lòng, cảm thương thân phận. Và mấy ai từng nghĩ đến những sai lầm mình đã làm trong cuộc đời này?
Hai mươi năm qua đi, có hơn 42.000 sinh linh nhỏ bị bỏ rơi, bị tước đoạt quyền sống ngay khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Nghĩa là chừng ấy thời gian, có bấy nhiêu mối tình tan vỡ, bấy nhiêu định kiến hẹp hòi, sự sa ngã trong tình yêu không chấp nhận.
Trăn trở người ở lại
Lần chúng tôi lên đây thăm viếng nghĩa trang, là “may mắn”- như lời ông Năng nói, vì không phải chứng kiến buổi lễ tiễn đưa các em về bên kia thế giới. Nhưng qua lời kể chậm rãi như nuốt từng tiếng của ông Năng, chúng tôi phần nào đã hình dung ra được hết khung cảnh của nó.
Đó là một lễ tang buồn, không kèn, không trống, không người thân thích, không một vành khăn tang, mà chỉ có tiếng thở dài chan hòa nước mắt của ông Năng, ông Hiếu và những thành viên trong nhóm thiện nguyện.
Nhặt từng chiếc lá vàng rơi trên bia mộ, ông Năng triết lý khuyên răn: “Yêu đương là duyên số! Sau này có yêu ai, mỗi người nên gắng giữ gìn, trân trọng tình yêu của mình chứ đừng phải một lần nào đó trong đời đến đây khóc lóc hối hận.
Ở đây 20 năm, tôi gặp nhiều trường hợp. Có rất nhiều đôi trai gái, họ không đến được với nhau, cũng có một số rất ít thì nên vợ nên chồng. Sau này họ quay lại để tìm con mình vứt đi rồi hối hận day dứt.
Ở đời, có những gia đình mong mỏi cũng chẳng thể có sinh nở một đứa con, vậy mà không ít người trong cuộc chỉ vì chơi bời, yêu nhau qua đường mà phải từ bỏ đứa con dứt ruột đẻ đau!”. Chúng tôi im lặng trước lời khuyên của ông.
Đến bây giờ thì chúng tôi đã hiểu thâm ý trong lời nói hãy đến nghĩa trang thai nhi một lần. Rồi đây, sẽ còn có những nấm mồ khác tiếp tục xây cất nên ở nghĩa trang Anh Hài này, cùng với đó là hồi chuông báo động cho tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ hiện nay.
Không chỉ tước đoạt đi quyền được sống của các sinh linh nhỏ vô tội, chính các cô gái, những người phải sống trong sự ám ảnh, đau khổ dằn vặt còn phải đối mặt với mối hiểm hoạ sau mỗi lần đi phá thai.
Bóng chiều tàn loang lổ cùng những tia nắng yếu ớt phủ lên nghĩa trang một màu vàng nhạt, những ngọn gió rừng vi vu thổi làm rơi rụng những chiếc lá khô lên trên các nấm mồ nhỏ bé, bốn bề im lặng đến não lòng.
Nghĩa trang vẫn còn đó những hố nhỏ nằm rải rác. Theo lời ông Năng, đó những nơi yên nghỉ cho những hài nhi xấu số tiếp theo. “Hôm nay may mắn là không có em nào đến cả, nhưng ngày mai, ngày kia… chắc chắn sẽ có.
Nếu có một điều ước, tôi ước sao cho những người trẻ tuổi yêu nhau, sống với nhau có trách nhiệm hơn. Thực lòng, chính chúng tôi không hề muốn tự tay bốc từng nắm đất chôn cất các em nữa!”- Ông Năng thở dài não nuột.
Màn đêm buông xuống, trên con đường bê tông nhỏ, chúng tôi trở lại TP. Huế. Để lại sau lưng nghĩa trang hoang vắng của hàng nghìn sinh linh nhỏ, buồn hiu quạnh đến nao lòng người ở lại. Trong tâm trí của những đấng sinh thành, có ai còn một lần nhớ đến giọt máu mình nằm lại đây hay không?
Cao Nguyên
Theo phunutoday
0 bình luận:
Đăng nhận xét