Home » , » Tội và ý thức về tội

Tội và ý thức về tội

Vào ngày 24.5.2010, Hồng Y Marc Ouellet của Giáo Hội Công Giáo Canada đã bị một nhóm phụ nữ giận dữ tấn công cách thô bạo, lý do là vì: “Họ muốn bịt miệng ngài một lần dứt khoát, họ muốn bảo rằng: này ông, cút xéo đi, chẳng còn soi mói được gì nữa đâu, cuộc tranh cãi về phá thai đã khép lại rồi” (Nguồn: Thiên Phong – Dũng Lạc 3.6.2010).


Rất có thể những cuộc tranh cãi sẽ được khép lại cùng với các đạo luật cho phép và bảo vệ việc phá thai. Thế nhưng sự khép lại ấy chẳng những không giải quyết được gì mà nó còn mở toang cánh cửa dẫn tới địa ngục ! Phá thai đồng nghĩa với sát nhân và việc sát nhân ấy mới thật kinh khủng biết bao vì nó là hành vi của một người mẹ cố tình giết chết đứa con vô phương tự vệ của mình. Giết một sinh mạng, dù với bất kỳ lý do nào đều phải đáng lên án nhưng vẫn còn có thể hiểu, duy có việc phá thai tức là hủy diệt cái mầm sống ở nơi chính mình thì không có lý do nào có thể bào chữa.

Người ta có thể nêu ra những trường hợp như bị hiếp dâm hoặc thai nhi dị tật, kể cả việc vỡ kế hoặch để phá nó đi. Dẫu vậy, cái việc gọi là phá ấy thực sự đó chỉ là cái việc cố sát không do một động cơ nào thúc đẩy ngoài ra là sự nhẫn tâm ích kỷ. Ích kỷ hay quy kỷ tức là chỉ biết có mình, lấy mình làm cứu cánh. Một khi đã lấy mình làm cứu cánh thì không có tội ác nào có thể làm mà không làm. Tính chất quy kỷ ấy trước hết là ở nơi từng mỗi cá nhân, không có sự quy kỷ nào mà lại không phải của cá nhân.

Tuy nhiên khởi từ mỗi cá nhân ấy mà tính quy kỷ còn mang dáng dấp tập thể như là phe nhóm, đảng phái, chủng tộc hoặc các ý hệ tôn giáo, chính trị v.v… Hễ còn quy kỷ dù cá nhân hay mang danh nghĩa tập thể là còn gây phạm tội ác. Lịch sử cổ kim Đông Tây cho thấy đã có không biết bao nhiêu là những cuộc chiến tranh tương tàn giữa các quốc gia, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Cũng chỉ vì tính chất quy kỷ ấy mà tôn giáo, như R. Tagore nói: “Bắt đầu là một nguyên động lực giải phóng lại kết thúc là một nhà tù vĩ đại. Lập cước trên sự siêu thoát của đấng sáng lập, tôn giáo lại thành ra một thứ thể chế lũng đoạn trong tay các Giáo Sĩ, rêu rao lòng bác ái đại đồng, nó thành là một trung tâm hoạt động của các xâu xé và ly tán… Nó cuồng tín mộ đạo nhưng không có tâm linh” (Thực Hiện Toàn Mãn – N.N. Thơ dịch)

Cũng như hành vi cuốc đất, người ta nói: cuốc giật vào chứ không ai giật ra… Hễ còn vì mình mà làm dù dưới bất cứ danh nghĩa nào, tập thể hay cá nhân cũng đều là ác. Chắc hẳn những người đàn bà hung hãn kia khi sấn vào sỉ vả cào cấu vị Hồng Y nọ, họ cũng cho rằng mình… đúng !?! Điều đúng ấy, theo họ, là vấn đề phá thai đã được pháp luật bảo vệ đồng thời cũng được cả xã hội tán đồng, thì bất luận ai còn dám cả gan lên tiếng ắt sẽ phải bị trừng phạt. Phá thai cũng như bất cứ hành vi độc ác nào, nó đều gây ảnh hưởng tác hại đến môi trường sống của con người một cách khôn lường. Ấy vậy tại sao nó lại được luật pháp bảo vệ, và theo các cuộc thăm dò dư luận cho biết có tới 80% dân chúng và trong số đó có lẽ cũng không ít người Công Giáo đồng tình ủng hộ ? Lý do, theo tác giả bài báo, đó là vì người ta đã không được thông tin đầy đủ về tình trạng tệ hại do việc phá thai gây nên: “Nếu tình hình thông tin tốt hơn thì các con số có thể đảo ngược”.

Theo tôi lập luận này không thể đứng vững bởi thực chất vấn đề không can hệ gì đến thông tin nhiều hay ít. Chẳng lẽ quý vị dân biểu, nghị sĩ đã giơ tay biểu quyết những đạo luật cho phép phá thai, họ lại thiếu thông tin về những hệ lụy của việc phá thai đối với xã hội hay sao ? Có một câu hỏi không thể không được đặt ra, đó là tại sao càng ngày nạn phá thai càng lan tràn, chẳng những thế lại còn được pháp luật bảo vệ như một cái quyền chính đáng ? Câu trả lời cho cả phía những người làm luật cũng như dư luận xã hội là vì họ đã không nhận thức được rằng phá thai là một tội ác không thể dung thứ. Chính bởi không nhận thức việc ấy là tội, thế nên người ta chỉ tính toán cốt sao để việc phá thai có được sự thỏa đáng nhất.

Một đứa học trò con gái mà lỡ có bầu thì cha mẹ của cô ta phải lo mau mau kiếm cách cho nó trục cái thai ra kẻo mang tai mang tiếng với đời, lại còn dở dang… việc học ? Họ chỉ lo cho cái danh dự của gia đình họ chứ đâu thiết gì đến sinh mạng của một con người ? Trên quy mô quốc gia, những nhà cầm quyền họ cũng chẳng hề nhận thức được tính nguy hại cho xã hội bằng những đạo luật bảo vệ quyền phá thai như thế. Chẳng những ban bố những đạo luật, có nhiều chính quyền còn đề ra các biện pháp, các kế hoặch nhằm hạn chế sinh sản một cách ráo riết, chỉ vì lo cho cái nạn bùng nổ dân số trong một tương lai xa vời nào đó ?

Giáo Hội Công Giáo trước sau như một, không bao giờ thay đổi lập trường trong việc phá thai bởi lẽ luôn coi đó là một thứ tội hết sức nặng nề vi phạm điều răn thứ năm: chớ giết người. Sát nhân là tội nặng nhất trong các tội, ngay cả luật pháp thế gian cũng nói không khác. Tuy vậy xét về tính chất của tội thì quan niệm của tôn giáo lại khác biệt hẳn với thế gian. Thế gian cho tội là tội vì nó đã vi phạm luật mà luật là do con người tạo ra. Tôn giáo cũng cho tội là tội vì nó phạm luật nhưng luật này được tạo nên bởi Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng muôn loài. Tội đối với thế gian vì đã phạm luật nhưng luật ấy có thể tùy thời, tùy nơi mà thay đổi.

Cũng là ở Nước Mỹ nhưng tiểu bang này còn duy trì án tử hình, tiểu bang khác lại bỏ. Mặt khác, với thế gian, tội chỉ thành tội khi bị tòa án khép tội, còn trong tôn giáo thì bất cứ ai ai cũng đều có tội và tội này là tội tổ tông, là gốc tích phát sinh nên muôn vàn giống tội. Thánh Gioan Tông Đồ quả quyết: “Nếu ta nói mình không có tội thì ta đã tự lừa dối mình và sự thật không có ở nơi ta. Nếu nói ta không phạm tội thì hóa ra Thiên Chúa lại nói dối và Đạo Ngài chẳng có ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8 – 10). Nhận thức được tội lỗi mình, đó là bước đầu không thể thiếu trong cuộc hành trình tâm linh về với Đấng vốn hằng hữu ở nơi mình.

I. Bản chất của tội

Có tội là vì có luật, giả thử như không có luật thì tội không có. Chẳng hạn luật giao thông quy định khi xe cộ đi qua ngã tư đường, nếu gặp đèn đỏ thì phải dừng, không dừng thì bị phạt. Đời thường đã vậy, đời Đạo cũng thế, hễ điều gì cấm thì không được phép làm. Điều cấm kỵ mang tính nguyên thủy nhất của Đạo Chúa đó là Tội Nguyên Tổ. Để nhận thức về tội thì không thể bỏ qua tội này, bởi lẽ nó thuộc về bản chất của tội. Điều Thiên Chúa cấm nguyên tổ là “ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn chắc chắn phải chết” (St 2, 16 – 17).

Thiên Chúa cấm mà vẫn cứ ăn, cứ phạm để rồi cả hai ông bà đã bị đưổi ra khỏi Địa Đàng, chịu muôn vàn khổ ải, liên lụy đến cháu con muôn đời (x. St 3, 17 – 19). Chúng ta vẫn gọi tội nguyên tổ là trái cấm, thế nhưng trái cấm ấy là gì thì đó lại là một vấn đề gay cấn nhất xưa nay cho Thần Học đến nỗi có người nói: “Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì, thì đó chính là vấn đề tội nguyên tổ” (Tâm linh vào đời).

Câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng là biểu tượng minh triết kỳ đặc nhất của Kinh Thánh, thế nhưng thực sự nó chưa bao giờ được nhận thức như đáng được nhận thức. Bao lâu tội nguyên tổ chưa được… vỡ lẽ thì bản chất của tội sẽ vẫn còn là một điều gì đó hết sức mù mờ. Cũng chính vì sự mù mờ ấy mà người ta không thể giảng nghĩa cách thỏa đáng về những lời dạy của Đức Kitô: “Đừng chống cự lại kẻ ác, trái lại hẽ ai vả má hữu, ngươi hãy đưa má kia cho họ luôn… Hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi… cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi… Khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm v.v…” (Tin Mừng theo Thánh Mátthêu đoạn 5 và 6).

Những lời dạy của Chúa tóm lại là làm tất cả mọi việc mà không có phân biệt gì cả đúng như Thiên Chúa Đấng Trọn Lành, Ngài “khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính” (Mt 5, 45). Thiên Chúa Đấng trọn lành ấy đồng thời cũng là Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8). Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu thế nên toàn bộ giới Răn Đạo Chúa cũng chỉ tóm gọn lại trong hai điều mà thôi đó là Mến Chúa và yêu người (x. Mt 22, 34 – 40). Mến Chúa là mến Chúa ở nơi người, còn yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Để có thể thực hiện được hai điều này thì cần phải có tâm vô phân biệt. Còn nếu ngược lại thì đó là tội. Giới răn yêu thương chỉ có thể thực hiện bởi tâm vô phân biệt, nhưng để có được tâm này thì trước hết cần phải nhận biết được tội.

II. Con đường nhận thức tội

Yêu thương với tâm vô phân biệt nói thì đơn giản nhưng trong đời sống thực hành thì khó vô vàn. Mặc dầu khó, thế nhưng điều gì Chúa truyền dạy thì Ngài cũng ban phương thế thực hiện. Sau khi gã trai trẻ giàu có tháo lui, Đức Kitô nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Đàng, môn đệ thắc mắc: thế thì ai được cứu ? Ngài đáp: Đối với loài người thì điều ấy vẫn bất năng nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể” (Mt 19, 16 – 26).

Trong câu chuyện này ta thấy người trai trẻ được mời gọi theo Chúa nhưng anh đã từ chối vì còn tiếc giữ của cải. Của cải ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa sâu xa nhất của nó tức là tâm phân biệt. Tâm phân biệt tức tâm còn thấy có mình, thấy xác thân, tâm tư tình cảm này là mình. Bao lâu còn cho xác thân này là mình thì không thể không o bế, chiều chuộng, nâng niu nó.

Cũng vậy, còn cho tâm tư tình cảm này là mình thì không thể không yêu ghét giận hờn, ganh tỵ… và lấy ý riêng mình làm thước đo mọi sự. Lo cho xác thân nhưng xác thân là cái hư phù bèo bọt “Chẳng qua chỉ là một chút hơi nước, thoáng hiện lên một chốc rồi lại tan biến” (Gc 4, 14). Lo cho thân nhưng rồi thân cũng ra tro ra bụi thế là sầu bi khổ não. Chỉ biết chạy theo ý riêng mình, nhưng ý riêng chỉ toàn gây ra những đố kỵ, hằn thù rút cục cũng chết: “Tư dục hoài thai thì sanh ra tội lỗi, tội lỗi lớn lên thì sản xuất sự chết” (Gc 1, 15).

Theo Chúa thì phải bỏ mình tức bỏ đi tâm phân biệt, điều ấy đối với con người là bất khả lý do bởi đã vương mang tội nguyên tổ. Thế nhưng với Thiên Chúa lại được và một trong các phuơng thế của Ngài là cầu nguyện. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Đức Kitô cũng khuyên mời chúng ta phải cầu nguyện và cầu nguyện trong tỉnh thức: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chuớc cám dỗ, tâmi làm. Tuy nhiên trong số họ lại rất ít nguời cầu nguyện trong tỉnh thức. linh thì sẵn sàng còn xác thịt lại yếu đưối” (Mt 26, 41). Siêng năng đọc kinh cầu nguyện, viếng đàng Thánh Giá, tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, đọc kinh Mai Khôi… hiện nay vẫn có nhiều ngườ

Thánh Ignatio Loyola, bậc thầy linh thao đã nói: “Trong số 100 kẻ nguyện ngắm thì có hơn 90 người nguyện ngắm theo ý riêng mình” (Thánh Anphong, Nữ Tu Thánh Thiện) Nguyện ngắm theo ý mình, nói cho dễ hiểu đó là những việc đọc kinh, dâng lễ… ấy chỉ có cái hình thức bề ngoài còn tâm thì mặc tình dông dài chia trí. Chia lòng chia trí tức có nghĩa đó là phân tâm. Tâm đang ở trạng thái vô phân biệt (Chánh niệm) lại biến thành tâm phân biệt (tạp niệm). Kinh là Lời Chúa, đọc (tụng) là giữ lấy Lời Chúa ở trong Tâm, đó là chánh niệm, là tỉnh, là thức. Trái lại, đọc kinh mà chỉ có ngoài môi miệng còn lòng trí thì mặc tình phóng túng việc này chuyện kia là mê, là mờ.

Chúng ta vẫn nói cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, nhưng việc cầu nguyện phải được thực hiện trong tỉnh thức thì mới có thể đem lại sức sống cho linh hồn được. Lý do cần tỉnh thức thì linh hồn mới sống là bởi Tỉnh Thức cũng chính là Biết. Người sống trong mê là người không biết những việc mình làm, trái lại người tỉnh thức là người biết những việc mình làm. Đi đứng nằm ngồi tắm giặt rửa bát quét nhà, lái xe, viết lách… thì biết là mình đang đi đứng nằm ngồi rửa bát, quét nhà, lái xe, viết lách… Người mê là người tuy đang ăn đấy nhưng tâm trí thì lại lo lắng hết chuyện này việc kia, thậm chí quá lo mà nuốt không vô… ! Biết tất cả những việc mình đang làm như thế là tỉnh, trái lại là mê. Thế nhưng cần nên biết tất cả những việc làm dù là thiện hay ác đều do ở nơi tư tưởng. Có ý ăn mới ăn, có tư tưởng xấu mới làm điều xấu. Chính bởi vậy mà Đức Kitô mới nói: “Hết thảy những sự ác đều từ trong tư tưởng mà ra và làm ô uế người” (Mc 7, 23).

Tội là từ nơi tư tưởng, bởi đó để có được sự tỉnh thức thì phải biết ngay từ trong tư tưởng, bất cứ tư tưởng nào thoát khởi mà nhận biết ngay được nó thì sẽ tránh được mọi tội lỗi. Vừa thấy một phụ nữ hấp dẫn, tâm tức thời khởi lòng dâm ước muốn. Đối với người sống tỉnh thức, biết ngay đó là tội, bèn dừng ngay dục vọng đó lại, tâm bèn trở lại trạng thái an bình trước đó. Ngược lại, kẻ mê thì cứ mặc tình để cho lòng dâm dẫn dắt, rút cục trước sau rồi cũng phạm tội, không với người này thì cũng với người khác, không lúc này thì cũng lúc khác, và rồi kết cục là cái chết: “Tư dục đã hoài thai thì sanh tội lỗi, tội lớn lên thì sản sanh sự chết” (Gc 1, 15).

Có nhận biết được tội mới tránh được tội, nhân loại ngày nay chẳng những không biết tội lỗi mình mà còn hùa nhau tìm mọi cách mọi dịp chống phá hòng tiêu diệt Hội Thánh Đức Kitô. Với lòng thù hằn càng lúc càng trào dâng như thủy triều như thế, thiên hạ đâu có ngờ rằng cái việc họ gây thù chuốc oán ấy không phải là chỉ với Giáo Hội Công Giáo nhưng là với chính Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng nên họ. Lần kia Chúa Giêsu nói với chị Margarita: “Loài người độc ác với Thiên Chúa và với chính mình biết bao. Cha nói thật với con, hết thảy họ sẽ phải uống chén đắng” (Thông điệp Tình Yêu gửi các hồn nhỏ – Ngày 20.4.1967).

PHÙNG VĂN HÓA, 4.3.2012
Theo báo Ephata số 499
4.3.2012

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét