Home » » Chết lành - chết dữ

Chết lành - chết dữ

“Thiên đàng hỏa ngục hai bên
Ai khôn thì dại ai dại thì khôn”

Bây giờ ít thấy nhưng tôi còn nhớ hai bức tranh ngày xưa mỗi gia đình Công Giáo thường hay treo. Đó là hai bức tranh chết lành chết dữ. Trong bức tranh chết lành mô tả một bệnh nhân sốt sắng, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc với các Thiên Thần vây quanh. Vị Linh Mục cầm Thánh Giá và Bánh Thánh Thể trao cho bệnh nhân, bầy quỷ dữ lấm lét sợ hãi bị đè bẹp trong góc nhà. Còn bức tranh sự chết dữ mô tả cảnh ngược lại: người sắp chết vẫn níu lại những vui thú trần gian, anh ngoảnh mặt làm ngơ với sự hiện diện của các Thiên Thần và vị Linh Mục, Thiên Thần Bản Mệnh khóc lóc che mắt bay về trời trong cái hả hê của bầy quỷ dữ. Hai bức tranh ấy đã lâu tôi không còn thấy nhưng vẫn in rõ trong tâm trí tôi như vậy.


Tôi muốn viết về một câu chuyện có thực mà tôi là người chứng kiến, mặc dù chuyện đã xẩy ra gần hai mươi năm rồi. Chuyện có liên quan đến cái chết. Có liên quan đến phá thai và có liên quan đến một hình ảnh trong hai bức tranh kể trên mà ngày nay có lẽ rất hiếm khi bắt gặp.

Đầu thập niên 90, tôi có một người bạn sinh hoạt cùng Nhóm Trẻ Hiển Linh do cha cố Đa Minh Chu Quang Đương, Dòng Đa Minh, dẫn dắt. Tôi thường đến chơi nên biết một đôi bạn rất đẹp đôi, cô gái là em của cô bạn trong nhóm, còn chàng trai cũng là em của một người bạn rất thân với tôi trong một nhóm khác buôn bán ngoài đời. Nhưng thật buồn, đôi bạn trẻ ấy đã không biết giữ gìn tình yêu của mình cho trong sáng mà có kết quả là một bào thai. Sai lầm tiếp theo của cả hai là quyết định phá thai. Cái hậu quả đáng sợ của phá thai rồi cũng đến, chỉ ít lâu sau đó, cô gái bị chẩn đoán là ung thư tử cung. Khi cô bé hấp hối, tôi có đến thăm và chỉ sau khi cô chết, toàn bộ sự thật trong câu chuyện đau lòng tôi mới được biết.

Nhớ lại những đêm cô hấp hối, gầy gò xanh xao với cái đầu lơ thơ trọc lóc nằm trên giường bệnh, Quang cảnh cũng tựa như bức tranh chết lành chết dữ, Cũng có bàn thờ với Thánh Giá nho nhỏ, hai ngọn nến trắng leo lắt cùng ly nước phép, Vây quanh cô bé là mấy ông giúp kẻ liệt. Họ đọc kinh, họ hát, họ đọc sách, họ lần tràng hạt liên tục ngày đêm bên cô bé. Thi thoảng họ nói chuyện với nhau, người thì nói chắc sắp chết rồi, kẻ lại đoán có thể sáng mai hay đến đêm nay là cùng. Họ nói tự nhiên trước mặt cô bé cứ như thể cô chỉ còn là một khúc gỗ trơ trơ chẳng biết gì.

Thú thực nhìn cảnh ấy, hồi đó tôi bực mình và ác cảm với mấy ông bà giúp kẻ liệt đó vô cùng, vì tôi thấy trong ánh mắt của cô bé như muốn níu lại Sự Sống, tôi đọc thấy nỗi sợ chết của cô, tôi biết cô khao khát sống và chưa muốn chết. Cô như cố vơ víu lấy những gì còn lại để cố sống mà bất lực. Vì cô còn quá trẻ. Lúc đó, tôi chỉ thấy thế.

Giờ nhớ lại ánh mắt ấy với những sự kiện về phá thai vẫn day dứt trong tôi kể từ khi tôi biết đến Ephata, kể từ khi tôi biết đến chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Tôi mới nhận ra rằng, có lẽ ánh mắt của cô gái ấy ngày xưa chưa hẳn chỉ là sợ chết mà thôi, có lẽ, ánh mắt ấy còn có cả sự hối hận muộn màng, còn có cả những đớn đau, day dứt của người đã sai lầm khi hủy diệt con mình.

Vâng, còn một hình ảnh trong hai bức tranh kể trên mà bây giờ tôi nói rằng hiếm gặp. Đó chính là hình ảnh người Mục Tử bên cạnh cuộc chiến đấu cuối cùng của con chiên mình. Xin thứ lỗi cho tôi khi viết những dòng này. Tuy nhiên, gần 20 năm kể từ ngày cô bé ấy chết. Tôi cũng đã chứng kiến biết bao cảnh ra đi của bạn bè, người thân, anh em nhưng giớ phút cuối cùng vẫn chỉ là những ông bà giúp kẻ liệt.

Không hề thấy bóng dáng của những vị Mục Tử trong những giây phút trọng đại ấy. Ngày cũng như đêm. Không biết các ngài ở đâu, đang làm gì, các ngài có biết đàn chiên của mình có người đang phải chiến đấu chống lại Satan trong giờ phút lâm chung ? Dĩ nhiên tôi không phủ nhận sự cần thiết và tinh thần rất đáng quý trọng của những ông, những bà trong hội giúp kẻ liệt, nhưng hình như họ đã “gánh“ hết trách nhiệm cho các cha rồi, còn các cha chỉ còn việc chờ đợi người nhà đến báo để chuẩn bị làm lễ là xong. Có thể các ngài cũng bận trăm công nghìn việc, có thể các Ngài cũng đâu đó đi xa, Có thể các Ngài cũng mệt nhọc phần xác, tuy nhiên xét cho cùng, hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành là Đức Giêsu luôn theo sát đoàn chiên của mình trên thập giá, trong phút lâm chung của chính mình vẫn khát khao và vui mừng với anh trộm lành ăn năn thống hối.

Đọc lại các tích truyện, rất nhiều trường hợp bệnh nhân được hưởng ơn cứu rỗi vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Được xưng thú tội lỗi, được nói lời ăn năn để trở nên trong sạch trước nhan Chúa. Liệu rằng bây giờ, chỉ thấy bóng dáng của những người giúp kẻ liệt mà chẳng thấy tăm hơi các vị thay mặt Chúa thì người sắp ra đi có còn cơ hội. Cho dù tôi vẫn tin rằng, tình thương của Thiên Chúa chẳng phụ thuộc vào bất cứ điều gì ở trần gian.

Mùa Vọng, mùa của chờ đợi, của hy vọng. Hy vọng việc Bảo Vệ Sự Sống không chỉ dừng lại ở chuyện các thai nhi mà bảo vệ Sự Sống Vĩnh Cửu cho mỗi con người. Niềm hy vọng ấy vẫn lớn trong tôi nơi nhiều vị Mục Tử. Cha cố Giuse Phạm Đức Sự, người không bỏ đoàn chiên của mình dù chỉ một đêm, kể cả trong biến cố lịch sử 1975 với câu tuyên bố: “Nếu có phải chết thì con xin được chết với các con chiên của mình và tại Giáo Xứ của con”. Nơi người bạn Linh Mục Giuse Đỗ Đức Trí lập tức bỏ dở buổi khai mạc tiệc họp mặt truyền thống khi hay tin có kẻ sắp qua đời nơi Giáo Xứ xa xôi.

Niềm hy vọng vẫn bừng lên khi thấy cả triệu người vẫn ngày đêm cầu nguyện cho chân lý và sự thật trong sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ. Hy vọng vẫn bùng cháy khi mỗi ngày có những thai nhi được cứu sống. Những hy vọng ấy trở nên một niềm tin vững chắc rằng. Thiên Chúa vẫn tuôn đổ những hồng ân tình yêu của Người xuống cho mỗi con người từng giây từng phút. Thiên Chúa vẫn bảo vệ Sự Sống Vĩnh Cửu cho nhân loại cho dù nhân loại ngày càng tội lỗi và coi thường Sự Sống của chính mình.



Đa Minh PHAN VĂN DŨNG,
Biên Hòa, Mùa Vọng 2008

Theo báo Ephata 398, năm 2008

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

1 bình luận:

  1. Giáo dân Giáo Phận Vinh08:33:00 24 thg 5, 2012

    Tôi cũng không biết là bạn có ý nói những Vị Mục Tử ở đâu nhưng tôi thấy ở giáo phận của tôi các Cha luôn quan tâm đến giờ chết của đoàn chiên mình, tôi nghĩ các Ngài cũng không thể túc trực ở bên bệnh nhân cho đền lúc họ chết được ,nên chúng ta cũng phải thông cảm cho các Ngài. Xin Chúa ở cùng chúng con trong giờ lâm tử!

    Trả lờiXóa