Vậy sự sống là gì? Sự sống do đâu mà có? Con người ngày nay nhìn nhận và hành động như thế nào đối với sự sống? Đứng trước thực trạng ấy ta phải làm gì để bảo vệ sự sống cách có hiệu quả và lâu bền?
Sự sống là gì? Phải chăng sự hiện hữu của con người trên thế giới này mới được gọi là sự sống?
Không! Ngay từ khi tình yêu kết trái thì sự sống đã xuất hiện. Đó là món quà cao quý nhất mà Thượng Đế ban cho nhân loại. Con người phải biết trân trọng món quà cao quí đó. Chắc hẳn người cho phải thấy quý lắm mới tặng, vì là quà tặng nên chúng ta - những người nhận không can thiệp được và cũng không được phép can thiệp… Vậy mà chung quanh chúng ta, hằng ngày, hằng giờ người ta phá hoại sự sống, giết chết sự sống, phá thai như chuyện bình thường. Rất có thể họ là nạn nhân của xã hội, vì hoàn cảnh, vì thiếu ăn, vì thiếu hiểu biết, thiếu cả sự đồng cảm… Nhưng trên hết vì họ thiếu niềm tin vào một Đấng Toàn Năng và chỉ một mình Ngài mới có quyền trên Sự Sống.
Đức GiêSu đã nói: Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Chỉ khi nào con người xác tín rằng: chạm đến sự sống là chạm đến Thiên Chúa; giết chết sự sống là phá huỷ tác phẩm của Đấng làm nên Sự Sống. Hiểu được như thế, thảm hoạ phá thai mới mong được đẩy lùi.
Khoảng 35 năm cách hôm nay, điều trăn trở của hầu hết người lao động Việt Nam, là miếng cơm manh áo. Ăn gì, ăn như thế nào để bảo tồn sự sống!
Hôm nay, xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển - GDP tăng. Cái đói không còn thường trực ở đa số dân chúng nữa, chuyện ăn để sống không còn cấp bách nữa nhưng không vì thế mà vấn đề bảo vệ sự sống đã được giải quyết.
* “Người ta sống không nguyên bởi bánh, những bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
* “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).
1. Bảo vệ sự sống - mở các khoá thăng tiến phụ nữ
* Theo tập tục của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, người phụ nữ đóng vai trò trụ cột về phương diện lao động nhưng họ không có quyền quyết định trong việc sinh con, vì vậy con cái họ rất đông, nghĩa là chất lượng cuộc sống đã thấp lại càng thấp hơn.
Việc điều hòa sinh sản trong phạm vi đạo đức cả là một nghệ thuật của một người vợ suốt một đời lam lũ.
Để giúp đỡ cho những thiếu nữ người dân tộc thiểu số học biết những kiến thức căn bản để có thể trở thành những người vợ, người mẹ tương lai, biết chăm sóc thai nhi, chăm sóc con cái, chăm sóc sức khoẻ cho gia đình nhỏ của mình. Ban BAXH Kontum đã tổ chức những khóa học (mỗi khoá 6 tháng) mời những hướng dẫn viên có tâm huyết, có chuyên môn, truyền đạt cho các bà mẹ tương lai biết nuôi con khoa học. Những điều sơ đẳng như ăn chín uống sôi cũng phải chỉ dạy, hướng dẫn họ cách phòng tránh thai kỳ, cách chăm sóc cho bản thân, vệ sinh phòng bệnh, biết nấu một bữa ăn đủ dinh dưỡng, biết chăm sóc trẻ cho đúng cách. Trong 8 năm qua, những khóa học nhằm thăng tiến phụ nữ này đã đem lại kết quả rất tốt. Những thiếu nữ người dân tộc thiểu số đã tham dự các khoá này, đều trở thành những nhân tố tích cực tại làng bản của mình trong mọi mặt, trở thành những cộng tác viên trong các chương trình thăng tiến cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng.
* Làm mẹ là thiên chức cao quý và cũng là trách nhiệm nặng nề của người phụ nữ. Trách nhiệm này càng nặng nề hơn nếu người mẹ không có kiến thức sơ đẳng để nuôi dạy con cái.
Mặc dù chương trình tiêm chủng là chương trình quốc gia, song với nhận thức cổ hủ, họ cũng khó chấp nhận tiêm chủng cho con em mình, nếu không có sự động viên, giảng giải của những tình nguyện viên đưa con em họ đến các cơ sở tiêm chủng…
Nghèo đói, mặc cảm như những vòng xích trói chặt tư duy họ lại, nên việc giảng dạy cho họ gặp không ít khó khăn. Song đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Có gieo thì mới có gặt, muốn thay đổi tư duy thì phải thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức cách nhanh nhất, hiệu quả nhất nên bắt đầu lứa tuổi mầm non.
2. Bảo vệ sự sống - mở nhà trẻ tại các làng dân tộc
Các sắc tộc thiểu số trong Giáo phận Kontum, từ xưa đến giờ đẻ rất nhiều con. Từ lúc sinh ra là người mẹ đã địu con trên lưng, tại nhà cũng như lúc lên nương, xuống suối. Lớn lên một chút thì đứa lớn cõng đứa nhỏ, không hề biết đến nhà trẻ, hoặc trường mẫu giáo. Đến tuổi phải đi học thì vào thẳng lớp 1, hoàn toàn không được chuẩn bị gì cho một môi trường hoàn toàn mới mẻ. Không biết đến đời sống tập thể, kỷ luật trường lớp, không biết tiếng phổ thông (tiếng Kinh), nên sợ hãi khi phải đến trường. Hiện tại có nhiều làng, chính quyền địa phương cũng đã mở nhà trẻ và nhà mẫu giáo, nhưng cũng còn nhiều làng các em chưa được hưởng những quyền lợi này. Vậy, hãy giúp đỡ cho các em tại các làng đó trong điều kiện có thể. Giúp mở các nhà giữ trẻ tại các làng này. Tại các nhà giữ trẻ này, các em sẽ được trông coi bởi các cô giáo người dân tộc thông thạo tiếng Việt. Các cô giáo sẽ dạy dỗ các em vừa bằng tiếng Việt, vừa bằng tiếng của sắc tộc mình. Như thế các em sẽ bắt đầu được làm quen với tiếng Việt.
Mở những nhà giữ trẻ tại các làng còn có thêm những lợi ích khác rất quan trọng: cha mẹ các em an tâm đi làm mà không bị chi phối vì phải trông con; anh chị các em được đi học vì không phải ở nhà trông em; các em sẽ được chăm sóc sức khoẻ để không phải bị suy dinh dưỡng và sẽ khỏe mạnh hơn vì được giữ vệ sinh sạch sẽ, được tiếp xúc và sử dụng những phương tiện vui chơi trong các nhà giữ trẻ. Bên cạnh đó, những bài học, bài hát đầu đời sẽ in đậm trong tâm trí các em, và những điều tốt lành các em được học tại các nhà giữ trẻ sẽ hình thành nhân cách của các em sau này.
Kinh nghiệm của những nhà giữ trẻ được thành lập lâu nay, đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho các em, về văn hoá, về sức khoẻ, về nhân bản. Khi các em từ những nhà giữ trẻ này chuyển vào lớp 1, các cô giáo lớp 1 tại các trường tiểu học rất bằng lòng vì các em đã được làm quen với kỷ luật của lớp học và hiểu được chút ít tiếng Việt, tiếp nhận bài vở tốt hơn những em không qua nhà giữ trẻ.
3. Bảo vệ sự sống – bảo vệ thai nhi
a. Chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ dân tộc thiểu số đang mang thai
Thai nhi là những mầm sống, bất cứ sự sống nào cũng cần phải nuôi dưỡng, chở che. Nhưng trên thực tế, số hộ đói ăn ở Giáo phận Komtum rất nhiều, đặc biệt là những tộc người thiểu số như Jrai, Xêđăng, Bahnar… Bản thân họ còn thiếu ăn từng ngày thì làm sao lo cho bào thai trong bụng mình đầy đủ dưỡng chất! Mẹ mang thai mà đói ăn từng ngày, chắc chắn con sẽ suy dinh dưỡng!
Để bảo vệ sự sống - bảo vệ thai nhi, Ban BAXH Kontum đã có chương trình chăm sóc sức khoẻ cho các bà mẹ dân tộc thiểu số nghèo đang mang thai. Các sơ, các cộng tác viên phụ trách các vùng sẽ thống kê những bà mẹ đang mang thai để giúp đỡ lương thực, thực phẩm tăng dinh dưỡng cho thai nhi.
Bảo vệ sự sống là chăm sóc các em từ khi còn trong bụng mẹ.
b. Giúp các bà mẹ dân tộc thiểu số số nghèo nuôi con mọn
Các bà mẹ đang nuôi con mọn, rất cần được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết qua lương thực, thực phẩm để nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng đối với đời sống người dân tộc thiểu số tại các buôn làng hằng ngày ăn còn chưa đủ no, thì làm sao nghĩ đến bổ sung, tăng cường dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con mọn, chỉ mong sao hàng ngày có cái ăn, không đói là hạnh phúc lắm rồi! Qua các sơ hoặc các cộng tác viên phụ trách các vùng, Ban BAXH biết được số lượng các bà mẹ dân tộc thiểu số nghèo, đang nuôi con mọn tại các buôn làng và tìm cách giúp cho các bà mẹ nuôi con này thêm được ít gạo mắm, thuốc bổ, vitamin và nhất là sữa cho các cháu nếu bà mẹ không có sữa.
c. Nuôi các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn
Một số bà mẹ nhất là người mẹ trẻ đơn hành tinh thần thường bị xáo trộn, dằn vặt, mặc cảm… Bản năng mách bảo họ giữ lại đứa con cho dù con họ sẽ không bao giờ có cha (đó là quyết định sáng suốt nhưng đòi hỏi bản lĩnh). Mặt trái của vấn đề lại lộ ra quá rõ: lấy gì nuôi con, ở đâu, xoay sở như thế nào lúc vượt cạn… đó mới chỉ là vấn đề vật chất đối với người mẹ. Dấu ấn tội lỗi sẽ hằn sâu cả cuộc đời người mẹ.
Đi về đâu khi gia đình không chấp nhận, người tình phụ bạc, người đời khinh khi, nghề nghiệp không có, việc học dở dang… mọi sự được đưa lên bàn cân, khi cán cân nghiêng về sự ích kỷ, thiếu đức tin - họ quyết định giết con.
Trong hoàn cảnh này, họ cần biết bao, một sự giúp đỡ, chia sẻ và tinh thần lẫn vật chất. Với sự giúp đỡ của bao nhiêu người tốt bụng, nhiều bà mẹ trẻ đã bỏ ý định phá thai và đã sinh con trong sự chăm sóc đầy tình người. Các cháu đã ra đời trong vòng tay của mẹ mình và trong tình yêu thương của những người tốt bụng, có thể là linh mục, có thể là giáo dân và nhất là các nữ tu. Và cũng rất nhiều cháu sau khi ra đời đã nhận lại được tình thương của ông bà, thân quyến. Rất nhiều bà mẹ sau khi sinh đã cương quyết nuôi con mình cho dù người bố hoặc gia đình có chấp nhận hay không. Ban BAXH Kontum đã chăm sóc và giúp cho các bà mẹ đơn côi này có thể nuôi dưỡng được con mình. Có những bà mẹ đã xin được học một nghề để có thể nuôi con và làm lại cuộc đời.
4. Bảo vệ sự sống - trang bị kiến thức cho “Bà Mụ Làng”
Từ xưa đến nay, do tập tục và do đời sống khép kín trong các buôn làng. Các thai phụ người dân tộc thiểu số ngại ngùng khi đến các trạm xá, phần vì là do buôn làng xa xôi, giao thông trắc trở, nên các thai phụ thường sinh con tại nhà ở buôn làng của mình. Giúp cho họ khi sinh nở là những Bà Mụ Làng (những người phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm và dạn dĩ trong việc giúp các bà mẹ khi sinh con). Những Bà Mụ Làng này rất nhiệt tình, nhưng thiếu những kiến thức y học cần thiết, cơ bản. Họ sẵn sàng giúp sản phụ với tất cả những gì mình có được trong tầm tay. Cắt rốn cho trẻ sơ sinh bằng nan tre, rồi đưa trẻ ra giọt nước, sông, suối tắm ngay sau khi sinh. Chính vì những điều này mà tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh người dân tộc rất lớn. Để giúp cho cho các bà mẹ người dân tộc thiểu số khi sinh con tại nhà. Ban BAXH Kontum đã kết hợp với Dòng Phaolô Pleiku tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn ngày về hộ sinh cho các Bà Mụ Làng. Các Bà Mụ Làng này được tập trung về mỗi lần khoảng trên dưới 10 người của nhiều làng, và được các y, bác sĩ, các chuyên viên hướng dẫn, học hỏi về những kiến thức chuyên môn, học sử dụng băng rốn, bông gạc, thuốc kháng sinh..., học biết thế nào là truyền nhiễm, nhiễm trùng. Học chăm sóc thai nhi một cách khoa học, biết tắm cho trẻ sơ sinh bằng nước đun sôi để nguội, biết tiêm chủng để ngừa các bệnh ho gà, sởi, lao, bại liệt…
Từ năm 1994-2000, các nữ tu Dòng Phaolô Pleiku đã mở được 10 lớp bồi dưỡng kiến thức cho các Bà Mụ Làng. Mặc dù trình độ chưa đạt chuẩn nhưng các Bà Mụ Làng đã biết và giúp cho các bà mẹ vượt cạn được an toàn hơn. Các Bà Mụ Làng đã trở thành tuyên truyền viên tích cực cho các bà mẹ nghèo trong làng biết cách phòng chống suy dinh dưỡng, phòng bệnh cho mình và cho thai nhi, khuyến khích và hướng dẫn cho các thai phụ đi sinh con ở các cơ sở y tế có trang bị phương tiện đầy đủ của Nhà nước.
5. Bảo vệ sự sống - chôn cất thai nhi
Bạn đã bao giờ thấy hình ảnh một thai nhi bị trục ra ngoài chưa!? Một bé trai đầy đủ các bộ phận, miệng còn ngậm cuống nhau, dây rốn còn đó được gói trong bọc giấy cùng với bánh nhau của mình.
Tại Pleiku đã có một Nghĩa trang Đồng Nhi từ năm 1992. Một số chùa tại Pleiku và cha xứ Nhà thờ Đức An đã chung sức chung lòng với nhau để chôn cất, xây mộ và nhang đèn cho các thai nhi. Cho tới nay, Nghĩa trang Đồng Nhi Pleiku đã có hơn 9.000 nấm mộ. Ban BVSS Kontum cũng đã lập được 2 Nghĩa trang Đồng Nhi, đã chôn cất và xây mộ cho hàng ngàn em.
Ban BVSS Pleiku đã tiếp sức để lập trên 10 Nghĩa trang Đồng Nhi từ Bắc vô Nam. Đến nay thì những nghĩa trang này đã chôn cất và lập cho các em hàng trăm ngàn nấm mộ.
Khi chôn cất cho các thai nhi, chúng tôi nghĩ rằng:
Chôn cất thai nhi là việc nhân đạo Một nấm mồ cho một con người
Từ khi sự sống được hình thành trong lòng người mẹ, thai nhi đã là một con người. Con người thai nhi trưởng thành trong lòng mẹ để đợi ngày chào đời. Vì một lý do nào đó, con người thai nhi không được sinh ra, nhưng vẫn là một con người.
“Sống mái nhà, chết nấm mồ” là điều mỗi người đều quan tâm thực hiện trong cuộc đời. Chính vì điều này, mà chúng tôi nghĩ rằng phải cho các em một nấm mồ. Các em chưa được một ngày sống như con người, nhưng các em phải được chết như một con người. Một nấm mồ cho thai nhi là việc nhân đạo, là tình người, là tình đồng loại. Chỉ có con người mới được con người chôn cất sau khi chết. Vậy thì phải chôn cất các thai nhi.
Chôn cất thai nhi là việc của đức tin
a. Thân xác con người là Đền thờ Chúa Thánh Thần
Con người là tặng vật, là tác phẩm của Thiên Chúa, thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, vậy chúng ta phải tôn trọng, phải để cho thân xác các thai nhi có được sự tôn kính xứng đáng như một con người đáng được tôn kính.
b. Con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa
Khi nhìn vào con người ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa, chính vì yêu thương con người mà Thiên Chúa đã dùng hình ảnh của mình để tạo nên. Khi nhìn một thai nhi, ta nhìn thấy Thiên Chúa, nhìn thấy mầm sống, sự sống Thiên Chúa ban tặng cho con người. Khi chôn cất một thai nhi, không phải chúng ta đang làm một việc đạo đức, một việc tốt cần phải làm, nhưng chính là bổn phận của một Kitô hữu trước đức tin vào Thiên Chúa của mình.
c. Thân xác con người chờ ngày sống lại
Trong đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu, khi vùi thân xác tại cuộc đời tạm này trở về với Chúa, đều chờ đợi một ngày sống lại với Chúa.
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính).
Một thân xác chờ ngày sống lại với Thiên Chúa, cần phải được trân trọng cho xứng đáng với lời tuyên xưng.
d. Thai nhi là các Thánh Anh Hài
Các thai nhi là sinh linh vô tội. Người vô tội là được Chúa đưa về Thiên đàng với Chúa, nhờ công ngiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
“Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10).
Xác thai nhi là Xác Thánh, ta phải tôn trọng Xác Thánh!
Lời kết
Công việc bảo vệ sự sống - chống phá thai trong hiện tình xã hội hôm nay là vô cùng quan trọng và vô cùng cấp bách. Công việc này đòi hỏi một sự đồng lòng, chung lòng, chung sức của nhiều người, của mọi người thiện chí.
Mọi người phải lên tiếng, mọi tổ chức xã hội lương thiện phải lên tiếng, mọi đoàn thể, mọi tôn giáo phải lên tiếng...
Tất cả những người có trách nhiệm phải khẳng định lập trường, phải đưa ra một chương trình hành động để ngăn cản việc giết người vô tội, điều mà những người có lương tri không thể chấp nhận được. Mọi người phải biết: tội ác giết thai nhi là Trời không dung, Đất không tha.
Cách giải quyết tốt nhất là phải đào tạo lương tâm con người và phải dùng đức tin vào một Thiên Chúa Toàn Năng có quyền thưởng phạt làm nền tảng để kêu gọi, để ngăn chặn...
Giết trẻ thơ vô tội không có phương tiện chống đỡ, nhất định không phải là cách giải quyết để cho con người được có hạnh phúc hơn.
Bao lâu con người còn muốn sống hưởng thụ theo tính ích kỷ của mình, con người chỉ gặt lấy những ray rứt, những nhức nhối, đau khổ trong lương tâm suốt đời.
Hạnh phúc chỉ có được khi con người biết sống theo ý Chúa và đem Lời của Chúa ra thực hành.
Hạnh phúc này là Hạnh Phúc Đích Thực.
Lm. Phêrô Nguyễn Vân Đông
Giám đốc Caritas Kontum
Theo truyenthongconggiao.org
0 bình luận:
Đăng nhận xét