Home » , » Thông Điệp Tin Mừng về Sự Sống (p10)

Thông Điệp Tin Mừng về Sự Sống (p10)

“Con cái, đó là hồng ân Chúa ban; kết quả của dạ cưu mang, là phần thưởng ngài tặng” (Tv 127/126)

Gia đình, “cung thánh của sự sống”.

92. Trong lòng “dân tộc của sự sống và vì sự sống”, trách nhiệm gia đình có tính quyết định: đó là một trách nhiệm nảy sinh từ bản tính của gia đình – gia đình hệ tại là một cộng đồng tình yêu, dựa trên hôn nhân, và từ sứ mệnh của nó là “gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu” (117). Đây thực sự là chính tình yêu của Thiên Chúa mà cha mẹ là những người cộng tác và như những thông dịch viên trong việc truyền ban sự sống và trong việc giáo dục, theo dự phòng của Chúa Cha (118). Vậy đây là một tình yêu đã tự hiến tặng nhưng không, đã trở nên sự đón tiếp và trao ban trong gia đình, người nào cũng được nhìn nhận, kính trọng và tôn quý, bởi vì họ là mộ nhân vị, và nếu người nào nhiều nhu cầu hơn, thì cáng đáng được dành cho sự quan tâm và những chăm sóc cấp thiết hơn.

Gia đình có vai trò phải đóng suốt cuộc đời của các phần tử, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời. Gia đình thật là “cung thánh của sự sống: nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa ban, có thể được đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải thường hứng chịu; nơi mà sự sống có thể phát triển theo những nhu cầu tăng trưởng chính thực của con người” (119). Vì thế vai trò của gia đình có tính quyết định và không thể thay thế, để xây dựng văn hoá sự sống.

Như là Giáo Hội tại gia, gia đình có ơn gọi loan báo, tôn dương và phục vụ Tin Mừng về sự sống. đó là sứ mệnh liên quan trước hết đến đôi bạn, những người được mời gọi để truyền ban sự sống, bằng cách dựa trên một ý thức luôn luôn được canh tân về ý nghĩa việc sinh sản, coi đó là biến cố ưu đãi, trong đó được biểu lộ sự kiện: sự sống của con người là một ơn được tiếp nhận, để rồi đến lượt mình nó lại được trao ban. Trong việc tạo nên một sự sống mới, cha mẹ ý thức rằng đứa con mình “nếu là kết quả của việc họ tự hiến cho nhau trong tình yêu, thì đến lượt nó, nó sẽ trở nên một hồng ân cho cả hai người: một hồng ân phát sinh từ một hồng ân” (120).

Nhất là nhờ việc giáo dục con cái mà gia đình làm tròn sứ mệnh loan báo Tin Mừng về sự sống. Bằng lời nói và bằng gương sáng, trong những tương quan và chọn lựa hằng ngày, và qua những cử chỉ và dấu hiệu cụ thể, cha mẹ khai tâm cho con cái vào tự do đích thực, được thể hiện trong việc hoàn toàn hiến thân, và họ vun trồng nơi con cái lòng tôn trọng người khác, ý thức về công bình, sự đón tiếp nhân hậu, việc đối thoại, sự phục vụ cách quảng đại, tình liên đới và các giá trị khác giúp ta sống cuộc đời như một hồng ân. Hành động giáo dục của cha mẹ Kitô giáo phải phục vụ đức tin của con cái và giúp chúng đáp ứng ơn gọi mà chúng nhận từ Thiên Chúa. Cũng trong sứ mệnh giáo dục của bậc cha mẹ là phải dạy con cái biết ý nghĩa thực của đau khổ và sự chết, và làm chứng cho chúng biết về những điều ấy: họ sẽ làm được việc ấy, nấu họ biết lưu ý đến mọi nỗi đau khổ họ gặp thấy chung quanh mình, và trước hết, nếu họ biết, ngay từ môi trường gia đình, tỏ ra gần gũi cách cụ thể với các bệnh nhân và những người già yếu, để giúp đỡ và chia sẻ với họ.

93. Hơn thế, gia đình tôn dương Tin Mừng về sự sống bằng kinh nguyện hằng ngày, riêng từng cá nhân hay chung cả gia đình. Trong kinh nguyện, gia đình ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình được sống, và xin ơn soi sáng cùng sức mạnh để đối phó với những thời điểm khó khăn và đau khổ, không bao giờ mất hy vọng. Nhưng hình thức tôn dương mang ý nghĩa cho mọi hình thức cầu nguyện và thờ phượng khác, đó là sự tôn dương diễn tả ngay trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, nếu được làm vì yêu thương và tự hiến. Như vậy việc tôn dương ấy trở nên sự phục vụ Tin Mừng về sự sống diễn tả bằng tình liên đới, được sống trong gia đình và chung quanh gia đình như một sự quan tâm tế nhị, tỉnh táo và nhân ái, trong những hành động bé nhỏ và khiêm tốn hằng ngày. Tình liên đới được diễn tả một cách đặc biệt khi các gia đình sẵn sàng để tiếp nhận hay để được trao phó những trẻ em bị cha mẹ bỏ rội, hoặc ở trong những hoàn cảnh nghiêm trọng. Tình yêu phụ mẫu đích thực, biết đi xa hơn những liên hệ máu thịt, và biết đón nhận những đứa con của các gia đình khác, sẽ mang lại cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để sống và phát nở đầy đủ. Trong những hình thức nhận con nuôi, sự nhận nuôi từ xa (sự bảo trợ) đáng được đề nghị, nhất là trong những trường hợp mà sự bỏ rơi con cái chỉ vì lý do những hoàn cảnh quá nghèo khổ của gia đình. Cách nhận con nuôi này, quả thực là cống hiến cho các cha mẹ sự giúp đỡ cần thiết để nuôi nấng và giáo dục con họ mà không cần đưa chúng ra khỏi môi trường tự nhiên của chúng.

Được hiểu như “sự quyết định vững mạnh và kiên trì làm việc cho công ích: (121) tình liên đới đòi hỏi cũng được thi hành trong những cách tham gia vào đời sống xã hội chính trị. Do đó việc phục vụ Tin Mừng về sự sống giả thiết rằng các gia đình, đặc biệt bằng cách tham dự các hiệp hội, hoạt động để các luật lệ và định chế của nhà nước không làm tổn thương bằng bất cứ cách nào đến quyền được sống, từ lúc thụ thai tới khi chết cách tự nhiên, nhưng phải bảo vệ và nâng đỡ quyền ấy.

94. Người ta phải để dành cho người già cả một vị trí riêng. Trong một số nền văn hoá, người cao niên vẫn là thành phần trong gia đình với vai trò hoạt động quan trọng, nhưng trong nhiều nền văn hoá khác, người già bị coi như gánh nặng vô dụng và người ta bỏ mặc họ, trong tình cảnh này, cơn cám dỗ muốn nhờ tới việc làm cho chết êm dịu có thể dễ xảy đến hơn.

Việc đặt ra bên lề hay cả đến ruồng bỏ những người già là điều không thể tha thứ được. Sự hiện diện của họ trong gia đình, ít là hiện diện gần gũi gia đình, khi gặp cảnh cửa nhà chật chội hay những lý do khác chưa có cách nào giải quyết, mang một tầm quan trọng thiết yếu để tạo ra bầu khí trao đổi hỗ tương và hiệp thông làm phong phú thêm giữa các thế hệ khác nhau. Như thế người ta cần phải duy trì một loại “hiệp ước” giữa các thế hệ, hoặc là người ta tái lập khi nó đã biến mất ngõ hầu những bậc cha mẹ gia nua, khi đã tới chặng đường cuối của đời mình, cũng gặp được nơi con cháu sự tiếp nhận và liên đới mà chính họ đã dành cho con cháu khi chúng vào đời: đây là một yêu sách theo giới răn của Chúa, là phải thảo kính cha mẹ (x. Xh 20,12; Lv 19,3). Nhưng phải còn hơn thế nữa. Người già không chỉ được coi như đối tượng của mối quan tâm gần gũi và của sự giúp đỡ, người già cũng có phần đóng góp quý báu vào việc mang đến Tin Mừng về sự sống. Nhờ di sản phong phú về kinh nghiệm, tích trữ qua bao tháng năm, người già có thể và phải lưu truyền sự không ngoan, làm chứng tá về lòng cậy trông và đức ái.

Nếu quả thực “tương lai nhân loại đến từ gia đình” (122) thì người ta phải nhận rằng, hiện nay, những điều kiện xã hội, kinh tế và văn hoá thường làm cho việc gia đình dấn thân phục vụ sự sống trở nên khó khăn và cực nhọc hơn. Để gia đình có thể đáp ứng được ơn gọi làm “cung thánh sự sống”, như tế bào của xã hội biết yêu thương đón nhận sự sống thì cần thiết và cấp bách là chính gia đình phải được hỗ trợ và nâng đỡ. Các xã hội và nhà nước phải đảm bảo sự nâng đỡ cần thiết, kể cả trên bình diện kinh tế, để các gia đình có thể đối phó với các khó khăn của họ một cách nhân bản nhất. Về phần mình, Giáo Hội phải thăng tiến cách không mệt mỏi mục vụ về gia đình, khả dĩ giúp cho từng gia đình khám phá ra sứ mệnh của họ đối với Tin Mừng về sự sống để sống Tin Mừng ấy với lòng can đảm và niềm hân hoan.


“Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8)

Thực hiện một khúc ngoặt văn hoá.


95. “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng… Hãy xét xem điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông dự vào những việc vô ích của tối tăm” (Ep 5,8.10-11). Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, bị ghi dấu bằng việc đối đầu thảm khốc giữa “văn hoá sự sống” và “văn hoá sự chết”, phải phát triển một ý thức phê bình sâu sắc cho phép ta phân biệt được những giá trị chân chính và những nhu cầu đích thực.

Cấp bách phải lao vào cuộc dộng viên toàn bộ lương tâm và một cố gắng chung thuộc lãnh vực đạo đức, để phát dộng một chiến lược lớn hơn cho việc phục vụ sự sống. Ta phải cùng nhau xây dựng nền văn hoá mới của sự sống mới, bởi vì nó có khả năng đề cập và giải quyết những vấn đề chưa từng có mà ngày nay được đặt ra cho sự sống của con người; mới, vì nó sẽ được tiếp nhận bởi tất cả các Kitô hữu với niềm xác tín mạnh mẽ và chủ động; mới, bởi vì nó sẽ có khả năng khơi dậy một cuộc tranh luận văn hoá nghiêm túc và can đảm với mọi người. Sự cấp bách của khúc ngoặc văn hoá này là do hoàn cảnh lịch sử chúng ta đang trải qua, nhưng nó lại xuất phát nhất là từ sứ mệnh Phúc Âm hoá, là sứ mệnh riêng của Giáo Hội. Quả vậy, Tin Mừng nhắm tới việc “chuyển biến từ nội tâm, làm cho chính nhân loại trở nên mới” (123); Tin Mừng như là men làm dậy men cả khối bột (x. Mt 13,33) và như thế, Tin Mừng được chỉ định nhuần thấm mọi nền văn hoá và làm cho chúng sinh động từ bên trong (124) để chúng bày tỏ toàn vẹn chân lý về con người và sự sống của con người.

Người ta phải bắt đầu bằng cách chanh tân nền văn hoá sự sống từ trong các cộng đoàn Kitô hữu. Các tín hữu, cả những người tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội, cũng rất thường rơi vào việc tách lìa đức tin khỏi những đòi hỏi đạo đức đối với sự sống, như thế là họ đi tới thuyết chủ quan luân lý và tời một số những hành xử không thể chấp nhận được. Vì thế ta phải tự vấn, với nhiều sáng suốt và can đảm, về bản chất của nền văn hoá sự sống ngày nay đang phổ biến giữa các Kitô hữu, các gia đình, các nhóm và cộng đoàn trong các giáo phận chúng ta. Với cùng một sự sáng suốt và cùng một quyết tâm, chúng ta phải xác định những hành vi mà chúng ta đã được gọi để chu toàn hầu phục vụ sự sống trong độ sung mãn của chân lý. Đồng thời ta phải hướng dẫn một cuộc tranh luận nghiêm túc và sâu sắc với mọi người, kể cả người vô tín ngưỡng, về những vấn đề căn bản của sự sống con người, trong các lĩnh vực hoạt động tư tưởng, cũng như trong những môi trường chuyên nghiệp khác nhau và ở đâu diễn ra cuộc sống hằng ngày của từng người.

96. Hành động căn bản đầu tiên phải làm để đạt tới khúc ngoặc văn hoá này là việc huấn luyện lương tâm luân lý về giá trị không thể đo lường và bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người. Thật là vô cùng quan trọng phải tái khám phá mối dây liên hệ không thể tách rời giữa sự sống và tự do. Đó là những sự thiện không thể tách rời nhau được: khi một trong những sự thiện này bị tổn thương, thì sự thiện kia cũng bị thương tổn. Không có tự do chân chính nơi mà sự sống được không được tiếp nhận và yêu thương, và không có sự sống sung mãn nếu không phải là trong tự do. Hai thực tại này có một điểm quy chiếu hàng đầu và đặc thù nối kết chúng không thể tách nhau ra được, đó là ơn gọi yêu thương. Tình yêu, như một sự hiến thân trto5n vẹn (125), diễn tả ý nghĩa đích thực nhất về sự sống và tự do của nhân vị.

Để huấn luyện lương tâm, việc tái khám phá ra mối dây cấu thành kết hợp tự do với chân lý không kém phần quyết định. Như tôi đã nói nhiều lần, tách rời hẳn tự do khỏi chân lý khách quan sẽ ngăn cản việc thiết lập những quyền lợi của ngôi vị trên nền tảng hợp lý vững chắc, và như thế, sẽ mở cho xã hội một nẻo đường dẫn tới nguy cơ, là sự chuyên chế bất khả trị của các cá nhân, hoặc tới chỗ độc tài gây tử vong của công quyền. (126)

Tiếp đó, cần thiết con người phải nhìn nhận sụ hiển nhiên nguyên thuỷ của thân phận thụ tạo của mình, đã nhận được từ nơi Thiên Chúa hữu thể và sự sống như một hồng ân và một nhiệm vụ: chỉ khi chấp nhận sự lệ thuộc đầu tiên của mình trong hữu thể, con người mới thực hiện được mức sung mãn về sự sống và tự do của mình, và đồng thời, mới có thể tôn trọng toàn vẹn sự sống và tự do của mọi người khác. Nơi đây ta khám phá ra rằng ở “trung tâm mọi nền văn hoá có thái độ mà con người phải bày tỏ trước mầu nhiệm cao cả, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa” (127), khi người ta chối bỏ Thiên Chúa và khi người ta sống như thể Ngài không hiện hữu, hoặc ít ra chẳng quan tâm tới giới răn của Ngài, thì người ta sẽ mau chóng đi tới chối bỏ hoặc làm tổn thương phảm giá ngôi vị con người và tính bất khả xâm phạm của sự sống.

97. Thêm vào việc đào tạo lương tâm, phải liên kết chặt chẽ mọi hoạt động giáo dục, hoạt động này giúp con người vẫn mãi là người hơn, đưa con người tiến hơn mãi vào chân lý, hướng dẫn con người đi tới chỗ tăng gia lòng tôn trọng sự sống, và huấn luyện con người duy trì những tương quan đúng đắn với các nhân vị.

Đặc biệt là cần phải giáo dục theo giá trị sự sống, bằng cách bắt đầu từ cội nguồn riêng của nó. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng ta có thể xây dựng một nền văn hoá chân thực của sự sống con người, mà lại không giúp các người trẻ hiểu và sống giới tính, tình yêu và cả cuộc đời họ, bằng cách nhìn nhận ý nghĩa thực tại và sự liên kết chặt chẽ của chúng. Giới tính, là sự phong phú của toàn thể ngôi vị, “bày tỏ ý nghĩa thâm trầm của nó, bằng cách đưa (ngôi vị) đến chỗ hiến thân trong tình yêu” (128). Việc tầm thường hoá giới tính biểu lộ ở những yếu tố chính là nguồn sinh ra sự khinh khi đối với sự sống đang nảy sinh; chỉ có tình yêu chân thật mới biết bảo vệ sự sống. Vì vậy ta không bỏ qua việc trình bày, nhất là cho thiếu niên và thanh niên, một nền giáo dục đúng đắn về giới tính và tình yêu, một nền giáo dục bao hàm việc đào tạo để giữ đức thanh khiết, một nhân đức yểm trợ cho sự trưởng thành của một ngôi vị và làm cho ngôi vị có khả năng tôn trọng ý nghĩa “lứa đôi” (sponsal) của thân xác.

Tiến trình giáo dục cho sự sống gồm việc đào tạo các đôi bạn về sự sinh sản có trách nhiệm. Trong tầm mức thực thụ của nó, việc sinh sản có trách nhiệm giả định rằng đôi bạn phải vâng phục tiếng gọi của Chúa và hành động như những thông dịch viên trung thành của thánh ý Ngài; việc này sẽ làm được khi họ biết quảng đại mở rộng gia đình đón nhận những sự sống mới, bằng cách vẫn ở trong thái độ cởi mở và phục vụ đối với sự sống , cả những khi vì lý do nghiêm trọng và trong sự tôn kính luật luân lý, đôi bạn chọn lựa tránh việc mang thai mới, dù tạm thời hay vô thời hạn. Luật luân lý bắt buộc họ dù sao cũng phải làm chủ những xu hướng của bản năng và dục vọng nơi họ, và tôn trọng những quy luật sinh lý đã được ghi khắc ngay trong con người họ. Chính đấy là thái độ làm cho hợp thức việc nhờ các phương pháp tự nhiên để điều hoà sự thụ thai, hầu giúp đôi bạn thực hiện trách nhiệm trong việc truyền sinh: theo khoa học, những phương pháp này càng ngày càng được chính xác và cống hiến những khả năng cụ thể đề có những chọn lựa am hợp với những giá trị luân lý. Việc quan sát đúng đắn các kết quả đạt được phải đánh đổ mọi thành kiến còn khá phổ cập, và làm cho đôi bạn, cũng như nhân viên y tế và các dịch vụ xã hội, xác tín về tầm quan trọng của một nền đạo lý giáo dục cân xứng trong lãnh vực này. Giáo Hội biết ơn những người, với giá của lòng tận tuỵ và của những hy sinh cá nhân mà thường chẳng ai biết đến, đang dấn thân vào những việc nghiên cứu theo các phương pháp tự nhiên này và vào việc phổ biến chúng, đồng thời mở rộng việc giáo dục về các giá trị luân lý mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi phải có.

Tiến trình giáo dục cũng không thể thiếu việc quan tâm đến đau khổ và chết. thực sự đau khổ và chết là thành phần của kinh nghiệm con người, cho nên tìm cách giấu nhẹm đi hay tránh né chúng là một điều vô ích và sai lầm. Trái lại mỗi người phải được giúp đỡ để hiểu biết mầu nhiệm sâu xa của chúng, trong thực tại cam go cụ thể của mình. Cả sự đau đớn và nỗi khổ đều có một ý nghĩa và một giá trị, khi chúng được sống trong tương quan chặt chẽ với tình yêu được nhận lãnh và được trao ban. Trong nhãn giới này, tôi muốn rằng mỗi năm người ta sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, nhấn mạnh “tính cách cứu độ của việc hiến dâng sự đau khổ mà nếu được sống trong tình hiệp thông với Chúa Kitô, sẽ thuộc về chính yếu tính của công trình Cứu Chuộc” (129). Vả lại, chính sự chết cũng khác hẳn với một cuộc phiêu lưu không hy vọng: nó là cửa vào cuộc sống mở về cõi vĩnh hằng, và đối với những ai sống nó trong Chúa Kitô, thì nó sẽ là kinh nghiệm của việc tham dự vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Ngài.

98. Tóm lại, ta có thể nói rằng khúc ngoặc văn hoá được mong ước ở đây đòi hỏi nơi tất cả chúng ta một lòng can đảm đi vào một cung cách sống mới, lấy một thang giá trị đúng đắn làm nền tảng cho các lựa chọn cụ thể ở những tầm mức cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế: sự trỗi vượt của hữu thể trên sở hữu (130) của ngôi vị trên các sự vật (131). Cách sống đổi mới cũng đòi hỏi việc bỏ đi tính dửng dưng đề quan tâm đến người khác, bỏ đi việc loại trừ để tiếp đón: những người khác không phải là những kẻ cạnh tranh mà mình phải tự vệ, nhưng là anh chị em mà mình phải liên đới; phải yêu thương họ vì chính họ, họ làm cho ta phong phú nhờ sự hiện diện của họ.

Không ai được cảm thấy như mình bị loại ra ngoài cuộc động viên đi tới nền văn hoá mới của sự sống: tất cả mọi người đều có vai trò quan trọng phải đóng. Cùng với sứ mệnh của các gia đình, sứ mệnh của các nhà giáo và nhà giáo dục là đặc biệt quý báu. Lớp trẻ, được huấn luyện về sự tự do chân chính, có biết giữ nơi mình và làm lan rộng ra chung quanh những lý tưởng sống chân chính và biết lớn lên trong lòng tôn trọng và phục vụ mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội hay không, điều đó tuỳ thuộc vào các vị ấy.

Cũng thế, các nhà trí thức có thể làm nhiều việc để xây dựng một nền văn hoá mới của sự sống con người. Những nhà trí thức công giáo có vai trò đặc biệt vì họ được coi đề chủ động hiện diện trong những môi trường có ưu đãi nơi tạo nên văn hoá , trong thế giới nhà trường và đại học, trong những sáng tạo nghệ thuật và suy tư nhân bản. Trong khi nuôi dưỡng cảm hứng và hành động của mình bằng nhựa tinh tuý của Tin Mừng, các nhà trí thức công giáo phải hết mình ủng hộ một nền văn hoá mới sự sống, với mục đích “nghiên cứu, thông tin và đào tạo về những điều lia6n can đến các vấn đề chính của khoa y sinh học và pháp lý, liên hệ với việc thăng tiến và bảo vệ sự sống, nhất là trong mối tương quan trực tiếp với luân lý Kitô giáo và các chỉ dẫn của quyền giáo huấn trong Hội Thánh” (132). Các đại học cũng sẽ cung cấp một đóng góp đặc thù, nhất là các đại học công giáo, cũng như các Trung tâm, các Viện và Uỷ ban về đạo đức sinh học.

Những tác nhân khác nhau của các phương tiện truyền thông xã hội cũng có trách nhiệm lớn lao và nghiêm trọng: họ phải làm sao để sứ điệp được truyền đi với nhiều hiệu quả, góp phần cho văn hoá sự sống. Chính vì thế mà họ phải giới thiệu các gương mẫu đời sống cao thượng, dành chỗ cho những chứng từ tích cực, đôi khi đến mức anh hùng, về tình yêu thương con người, trình bày những giá trị của giới tính và của tình yêu với lòng tôn trọng lớn lao, mà không thích thú trong điều làm suy đồi và hạ thấp phẩm giá con người. Trong khi đọc biết thực tại, họ phải từ chối đề cao những gì có thể khơi dậy hay làm nặng nề thêm những tình cảm hay thái độ dửng dưng, khinh thường hoặc chối từ đối với sự sống. Khi cặn kẽ trung thành với sự thật của các sự kiện, họ có bổn phận nối kết sự tự do thông tin với lòng tôn trọng mọi con người và với một tính nhân bản sâu xa.

99. Để đạt tới khúc ngoặc văn hoá vì sự sống, tư tưởng và hành động của nữ giới đóng một vai trò độc nhất và hẳn là quyết định: phụ nữ có bổn phận chấn hưng một “tân thuyết nữ quyền”, không rơi vào cơn cám dỗ muốn đi theo những kiểu mẫu nam giới, nhưng biết nhận ra và biểu lộ đặc tính chân thật thuộc nữ giới qua mọi thể hiện của cuộc sống giữa xã hội, trong khi làm việc để vượt thắng mọi hình thức kỳ thị, bạo lực và khai thác.

Nhắc lại sứ điệp kết thúc Công đồng Vatican II, tôi cũng gởi tới chị em phụ nữ lời kêu gọi thúc bách này: “Hãy giao hoà mọi người với sự sống” (133). Chị em được mời để làm chứng tá cho ý nghĩa tình yêu đích thực, của sự hiến thân và tiếp nhận kẻ khác, hai việc ấy được thực hiện một cách đặc biệt trong quan hệ hôn nhân, nhưng chúng cũng phải làm sinh động mọi tương quan khác giữa người với người. Kinh nghiệm làm mẹ tăng cường nơi chị em một cảm tình sâu sắc đối với bản thân kẻ khác và, đồng thời, trao cho chị em một nhiệm vụ đặc biệt: “Việc làm mẹ bao gồm hiệp thông đặc biệt với mầu nhiệm sự sống được chín muồi trong dạ người phụ nữ… loại tiếp xúc duy nhất này với hữu thể con người mới, được cưu mang trong lòng mẹ, tạo nên thái độ mới của con người – không những đối với người con của mình, mà còn đối với con người nói chung – thái độ ấy mang chất biểu thị cách sâu sắc toàn diện nhân cách của phụ nữ” (134). Quả thực người mẹ đón nhận và mang trong mình một con người khác, bà cho phép con người ấy đứng lên nơi mình, cho nó một chỗ thích hợp, trong khi vẫn tôn trọng tha tính của nó. Như thế, người phụ nữ thấu hiểu và cho biết rằng những tương giao giữa người với người sẽ là đích thực nếu chúng mở rộng để đón nhận nhân vị kẻ khác, được nhìn nhận và yêu mến vì phẩm giá, phát xuất từ sự kiện kẻ khác ấy là một con người, chứ không vì những yếu tố khác, như lợi ích, sức mạnh, trí thông minh, sắc đẹp, sức khoẻ. Đó là sự đóng góp căn bản mà Giáo Hội và nhân loại đợi chờ nơi người phụ nữ. Đó là một điều tiên quyết cần thiết cho khúc ngoặc văn hoá đích thực này.

Tôi muốn được nói lên một suy tư đặc biệt với chị em, là những người phụ nữ đã nhờ đến việc phá thai. Giáo Hội biết rõ ràng bao nhiêu sức ép đã có thể đè nặng trên quyết định của chị em. Giáo Hội cũng chắc chắn rằng, trong nhiều trường hợp, quyết định ấy cũng thực là đau đớn, và cả đến thảm khốc nữa. Có thể là vết thương trong tâm hồn chị em chưa liền lại. Thực ra, chuyện gì đã xảy ra cũng đã là và vẫn còn là bất công sâu xa. Nhưng chị em đừng để mình nản chí, đừng chối từ niềm hy vọng. Tốt hơn nên biết cách hiểu chuyện đã xảy ra và hãy giải thích nó theo sự thật. Nếu chị em chưa làm như vậy, thì xin mở rộng tâm hồn cho sự sám hối với lòng khiêm tốn và cậy trông: Chúa Cha đầy lòng từ bi đang chờ đón chị em ơn tha thứ và bình an trong bí tích Giao Hoà. Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất cả và chị em sẽ có thể xin lỗi đứa con của mình từ nay đang sống trong Chúa. Với sự giúp đỡ bằng lời khuyên và bằng sự hiện diện của những bạn hữu có thẩm quyền, chị em có thể tham gia vào số những người bảo vệ xác tín nhất quyền sống của mọi người, bằng chính chứng từ đau đớn của chị em, trong việc dấn thân cho sự sống, có thể sẽ được chói sáng bằng sự chào đời của những tạo vật mới và được thực hiện qua sự tiếp đón và quan tâm tới những người cần đến một sự hiện diện nhiệt tình, chị em sẽ làm việc để khôi phục một cách nhìn mới về sự sống con người.

100. Trong cố gắng lớn lao để đạt tới nền văn hoá mới về sự sống, chúng ta được nâng đỡ, và được sinh động vì chắc chắn là Tin Mừng về sự sống, như Nước Thiên Chúa, đang lớn lên và kết quả dồi dào (x. Mc 4,26-29). Chắc hẳn sự chênh lệch thật là to lớn giữa nhưng phương tiện đáng kể và hùng mạnh dành cho những thế lực đang hoạt động vì nền “văn hoá sự chết”, so với phương tiện của những người ủng hộ một nền “văn hoá sự sống và tình thương”. Nhưng chúng ta biết có thể cậy nhờ vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể làm được (x. Mt 19,26).

Khi có niềm xác tín trong tim, và được sinh động bời sự lo lắng cho số phận từng người, nam cũng như nữ, hôm nay tôi xin nhắc lại cho tất cả mọi người điều mà tôi đã nói cho các gia đình dấn thân trong những trách vụ đã trở nên khó khăn vì những cảm bẫy đang đe doạ họ (135): việc cầu nguyện cho sự sống rộng khắp trên toàn cầu, là một điều khẩn cấp. Ước mong, qua những sáng kiến khác thường và trong việc cầu nguyện thường xuyên, lời tha thiết khẩn nài được dâng lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá hằng yêu quý sự sống, từ tất cả các cộng đồng Kitô hữu, từ tất cả các nhóm, các phong trào, các gia đình, từ trái tim của mọi người tin! Chúa Giêsu đã làm gương cho ta thấy rằng cầu nguyện và chay tịnh là những võ khí chính và linh nghiệm nhất chống lại thế lực sự dữ (x. Mt 4,1-11), và Chúa đã dạy các môn đệ rằng có một số quỷ chỉ bị trừ khử bằng việc cầu nguyện này (x. Mc 9,29). Vậy ta hãy khiêm nhường và can đảm cầu nguyện và giữ chay để xin cho sức mạnh từ Đấng Tối Cao đến làm đổ những bức tường lừa phỉnh và dối trá đang che mắt bao anh chị em chúng ta, không cho thấy bản chất gian tà của những cách đối xử và luật lệ thù nghị với sự sống, và xin sức mạnh của Chúa mở tâm hồn cho họ những quyết tâm và ý hướng được cảm hứng bởi nền văn minh sự sống và yêu thương.


“Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui của chúng ta được đầy đủ” (1 Ga 1,4)

Tin Mừng về sự sống dành cho thành trì loài người


101. “Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui chúng ta được đầy đủ” (1Ga 1,4). Mặc khải Tin Mừng về sự sống được ban cho chúng ta như một thiện hảo để thông chuyển cho tất cả mọi người, để cho tất cả được hiệp thông với ta và với Chúa Ba Ngôi (x. 1Ga 1,3). Chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ không thể ở trong niềm vui đầy đủ, nếu chúng ta không thông truyền Tin Mừng này cho những người khác, mà lại chỉ giữ riêng cho mình.

Tin Mừng về sự sống không chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nó được dành cho tất cả mọi người,. Vấn đề sự sống, vấn đề bảo vệ và thăng tiến sự sống, không phải chỉ là đặc quyền của người Kitô hữu. Dầu vấn đề này tiếp nhận từ đức tin một ánh sáng và một sức mạnh khác thường, thì nó vẫn thuộc về mọi lương tâm con người khát vọng chân lý và chăm chú ưu tư với vận mệnh nhân loại. Chắc chắn là trong sự sống có một giá trị thánh thiêng và tôn giáo, nhưng bằng bất cứ cách nào người ta không thể bảo rằng việc ấy chỉ liên quan đến những người có tín ngưỡng: quả vậy, đây là một giá trị mà bất cứ con người nào cũng có thể hiểu được dưới ánh sáng lý trí và nó nhất thiết liên hệ tới mọi người.

Do đó, hành động của chúng ta, là “dân của sự sống và vì sự sống” đòi phải được hiểu cho đúng và được tiếp nhận với thiện cảm. Khi Giáo Hội tuyên bố sự tôn trọng vô điều kiện quyền sống của mọi người vô tội, từ khi thành thai cho đến lúc chết tự nhiên, là một trong những cột trụ trên đó được xây dựng mọi thứ xã hội dân sự, thì Giáo Hội “chỉ muốn chấn hưng một nhà nước nhân bản, một nhà nước nhìn nhận rằng bổn phần hàng đầu của mình là bảo vệ những quyền căn bản của nhân vị, đặc biệt là những quyền của kẻ yếu nhất” (136).

Tin Mừng về sự sống được dành tặng cho thành trì của loài người. Hành động vì sự sống, là góp phần vào sự canh tân xã hội bằng việc thực hiện công ích. Quả vậy, không thể nào có thể thực hiện công ích mà không nhìn nhận và bảo vệ quyền sống, trên đó được thiết lập và phát triển mọi quyền bất khả nhượng khác của con người. Và một xã hội không thể có nền tảng vững chắc, nếu như, khi khẳng định các giá trị như phẩm giá con người, công lý và hoà bình, xã hội ấy lại tự mâu thuẫn triệt để bằng cách chấp thuận hay miễn trách những hình thức khác nhau của việc khinh dễ hay xâm phạm chính sự sống con người, nhất là khi sự sống ấy thật non yếu hay bị gạt ra bên lề. Chỉ có lòng tôn trọng sự sống mới có thể thiết lập và bảo đảm những thiện hảo quý báu nhất, và cần thiết nhất của xã hội, như nền dân chủ và hoà bình.

Quả thế, không thể có dân chủ thực sự nếu người ta không nhìn nhận phẩm giá của mọi người và không tôn trọng các quyền của mọi người.

Cũng không thể có hoà bình thực sự nếu người ta không bênh vực và nâng đỡ sự sống, như Đức Phao lô VI đã nhắc: “Mọi tội ác chống lại sự sống và một nguy hại cho hoà bình, nhất là khi nó phạm đến phong tục của dân… Trong lúc mà ở đâu quyền con người được thực sự tuyên xưng và công khai nhìn nhận và bảo vệ, thì hoà bình trở thành bầu khí vui tươi và có hiệu quả cho đời sống trong xã hội” (137).

“Dân tộc của sự sống” được vinh dự chia sẻ với bao nhiêu người khác những dấn thân của mình; và nền văn hoá mới của tình thương yêu và liên đới sẽ được phát triển vì lợi ích thực sự của thành trì nhân loại.

-------------------
117 Đức Gioan Phaolô, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 17.
118 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 50.
119 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 39.
120 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trước các tham dự viên Hội nghị Giám mục Âu châu về đề tài "Những thái độ đương thời trước việc sinh ra đời và trước cái chết: một thách đố cho việc rao giảng Tin Mừng" (17.10.1989), số 5. Con cái theo truyền thống Kinh Thánh được trình bày cách rõ ràng như là hồng ân của Thiên chúa (x. Tv 127:3) và như là dấu chỉ phúc lành của Ngài xuống trên những ai đi trong đường lối của Ngài (x. Tv 128:3-4).
121 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội - Sollicitudo Rei Socialis (30.12.1987), số 38.
122 Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 86.
123 Đức Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng - Evangelii Nuntiandi (8.12.1975), số 18.
124 Như trên, số 20.
125 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 24.
126 Cf. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 17; Thông điệp Ánh rạng ngời của chân lý - Veritatis Splendor (6.8.1993), số 95-101.
127 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 24.
128 Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio (22.11.1981), số 37.
129 Thư thiết lập ngày Quốc tế Bệnh Nhân (13.5.1992), số 2.
130 x. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 35; Đức Phaolô VI, Thông điệp Phát triển các dân tộc - Populorum Progressio (26.3.1967), số 15.
131 x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam sane (2.2.1994), số 13.
132 Đức Gioan Phaolô II, Tự sắc Mầu nhiệm Sự Sống - Vitae Mysterium (11.2.1994), số 4.
133 Sứ điệp kết thúc Công đồng (8.12.1965): Gửi chị em phụ nữ.
134 Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Phẩm giá phụ nữ - Mulieris Dignitatem (15.8.1988), số 18.
135 x. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam sane (2.2.1994), số 5.
136 Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn trước các tham dự viên một cuộc Hội thảo về “Quyền sống và Châu Âu” (18.12.1987).
137 Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1977.

Theo gpnt.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét