Home » » Vĩnh biệt bác sỹ phá thai, tạm biệt chiến sỹ phò sự sống

Vĩnh biệt bác sỹ phá thai, tạm biệt chiến sỹ phò sự sống

HVĐHDC - Rất có thể tiêu đề trên làm người đọc khó chịu vì thấy nó mâu thuẫn: kẻ phá thai lại là chiến sĩ Phò Sự Sống ? Hay người viết muốn “tung tin giật tít” để thu hút chú ý ? Nhưng xin thưa, đó là sự thật 100%.




Người đó chính là bác sĩ Bernard Nathanson, kẻ từng khét tiếng với vấn đề phá thai và cũng là chiến sĩ Phò Sự Sống kiên cường, vừa mới từ giã cuộc đời vì bệnh ung thư ở tuổi 84.

vậy, ngày hôm qua, khi tôi lục tìm địa chỉ của ông để gửi thư xin phép bản quyền tác phẩm “Bàn Tay Thiên Chúa – Một Hành Trình Từ Sự Chết Đến Sự Sống”, thì bất ngờ được tin ông vừa qua đời hôm 21.2.2011 vừa qua. Thánh Lễ An Táng sẽ được Đức Cha Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York chủ sự lúc 10 giờ ngày 28 tháng 2 tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Patrick.

Vậy là tôi không thể gửi thư cho ông được nữa. Tuy nhiên, những lời chứng không thể phủ nhận của ông cùng với “tiếng gào thét không lời” của những thai nhi vô tội vẫn còn đó vang vọng thúc giục tâm hồn nhân loại. Vì thế, người viết xin ghi lại đôi dòng suy nghĩ, và trích dẫn một vài đoạn tác phẩm của ông (phần in nghiêng), như là nén hương tưởng niệm cầu nguyện cho linh hồn người quá cố, và nhất là mong sao cho những “đồng chí” của ông trên quê hương Việt Nam đang còn “say máu” nơi những ổ phá thai cũng sớm bừng tỉnh như ông, cho những cô gái đã trót lỡ lầm thì cũng đừng để cho “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” đến bi kịch phá thai và cho những ai đang còn thờ ơ im lặng trước đại họa này cũng biết nhìn lên tấm gương của ông mà Bảo Vệ Sự Sống.

Tác phẩm tự thuật “Bàn Tay Thiên Chúa” của bác sĩ Bernard được xếp vào tủ sách Công Giáo, và được đánh giá là một trong những cuốn sách tự thú hay nhất của thế kỷ 20 (cha McCloskey). Khi bắt tay vào dịch, tôi đã phải trải qua những cảm xúc thật khó tả: từ xót xa trước tuổi thơ của tác giả đau buồn như thế nào đến kinh hoàng trước những hành động phi nhân của con người bọc trong những vỏ đạo đức giả làm sao; từ rùng mình khi biết những viên thuốc tránh thai vốn được bọc những mỹ từ lại tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường; rồi bàng hoàng trước thực tại quy trình kinh tởm diễn ra nơi những phòng phá thai, cho đến khi “Bàn Tay Thiên Chúa” hành động qua chiếc máy siêu âm mãnh liệt làm sao; rồi từ những trò gian xảo nhằm thông qua đạo luật tự do hóa phá thai đến những lời tự thú hối tiếc chân thành từ thẳm sâu trong tâm hồn như thế nào v.v...

Chúng ta sống trong một thời đại của chủ nghĩa hư không ghê tởm; một thời đại của nền văn minh sự chết […] để rồi đến nỗi mà chúng ta đối xử với nhau như với những đồ vật – và, quả vậy, phá thai đã dạy chúng ta đối xử như thế […]. Chính tôi là một trong những kẻ tiên phong dẫn lối trong cái thời đại man rợ này […]. Tôi biết tường tận mọi khía cạnh vấn đề phá thai bởi lẽ tôi là một trong những kẻ tiên phong đỡ đầu cho nó; tôi đã giúp nuôi dưỡng nó “ngay từ trong trứng nước” bằng việc bơm thật nhiều máu và tiền mà nuôi nó”.

Ông cũng đau đớn khi nói về người cha đẻ của mình:

“Bố tôi là người phi thường, có sức mạnh thống trị trong đời tôi và bằng nhiều cách đã đào luyện tôi thành kẻ tàn ác, kẻ vô tín ngưỡng theo chủ thuyết hư không và cuối cùng đã đẩy tôi đến tấn công với một cú đấm của kẻ đồng chủ mưu là chính tên quái vật phá thai. Những năm tháng hành nghề phá thai đối với tôi là một trải nghiệm lưu đày khủng khiếp, tựa như hành trình trở về của Odysea, một cuộc phiêu lưu y học, đạo đức và cuối cùng là tâm linh…”

vậy, ông thú nhận đã thực hiện hơn 75 ngàn ca phá thai, trong đó có cả chính đứa con của ông, đó là “trải nghiệm lưu đày khủng khiếp”. Không những thế, ông còn là một trong những thành viên sáng lập đạo luật tự do hóa phá thai ở Mỹ, là giám đốc Trung Tâm Phá Thai lớn nhất ở New York thời những năm 1970, cũng là lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Trong một đoạn chương thứ 9, tác giả viết tiếp:

Khi nhìn lại suốt 25 năm tách tôi ra khỏi những hành động ngông cuồng man rợ trên thân thể những người phụ nữ, sát hại tàn bạo những đứa con của họ, bây giờ tôi thấy bàng hoàng bởi cái bản chất vô lý của nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình, bởi những lỗ hổng đạo đức và tâm linh ở tâm điểm những hành động kỳ quái này, bởi cái xác tín không cần suy nghĩ cho rằng những hành động chúng tôi thực hiện là đúng đắn với đạo đức ở mức độ cao. Và chính vì thế mà hiển nhiên là sự việc đã diễn ra quá khủng khiếp như thế.

Tại sao chúng tôi đã không thể tạo liên kết giữa nội quy và đạo đức, giữa những hành động bẩn thỉu và những bác sĩ hèn hạ, giữa lòng tham không đáy lộ liễu và những mưu đồ nhẫn tâm tàn ác, giữa sự thô bỉ trâng tráo của việc kinh doanh với những kẻ làm thuê cho nó, giữa tất cả những chỉ dẫn đạo đức và tính phi đạo đức ghê rợn của chính hành động ? …Tại sao chúng tôi đã không thể lập tam giác đồ từ cái xấu xa tới cái xấu hổ ?...”

Nhìn vào lĩnh vực Y Học, chưa bao giờ khoa học lại đạt được những thành tựu lẫy lừng như thời nay. Nhưng oái ăm thay, những phát minh y học, thay vì nhắm đến con người như là mục đích, lại biến con người thành những phương tiện, thậm chí những đồ vật, những món hàng béo bở cho những kẻ cơ hội. Nạn buôn bán phôi thai người là một ví dụ.

“Đây là thứ lương tâm kiểu gì ? Bác sĩ phải mất thời gian đào tạo bốn năm ở cao đẳng, bốn năm ở trường y và cộng thêm ít nhất bốn năm nữa, bảy năm trong trường hợp của tôi, thêm khóa đào tạo nội trú để rồi làm gì ? Đâu rồi mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ ở đây ? Đâu là “tâm hồn đạo đức y khoa” ở giữa cái cảnh dao kéo sát hại này ? Đâu rồi công lý, sự thật, lời thề hứa không sát hại, đâu rồi tất cả những yếu tố then chốt của nguyên tắc đạo đức y khoa ? Đó chẳng phải là những điều kinh tởm như tay bác sĩ Hayat, Benjamin, Brigham, Kline, và một giuộc những kẻ thối nát bọt bèo trôi nổi bồng bềnh trên bãi biển mang tên phá thai đó sao ?”

Thực tế là thì chỉ có ngành Y đòi hỏi thời gian đào tạo lâu nhất. Các sinh viên trường Y thông thường cũng phải là những người học giỏi, thậm chí xuất sắc. Điều đó cho thấy sứ mệnh cao cả mà họ sẽ phải đảm nhiệm, đó là phục vụ Sự Sống con người:

Tất cả họ đều đã nhận lấy lời Thề Hippocratic như tôi đã từng lãnh nhận; tất cả đều được dạy dỗ lòng tôn kính Sự Sống… Chỉ có nghề bác sĩ mới đòi hỏi phải trải qua một quá trình học hỏi chuyên sâu trong thời gian dài cùng với kỹ thuật đào tạo chuyên biệt. Họ được học để chẩn đoán những căn bệnh tinh thần và thể lý, và với kỹ thuật đào tạo chuyên môn, họ làm hữu ích cho những người đang đau ốm…


Một điều tối thiểu của bác sĩ là: được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao, phải hàng ngày giũ bỏ những cám dỗ về tinh thần, vật chất, và quyền lực. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng những người có cột trụ tâm linh vững chắc sẽ chống đỡ được bổn phận nặng nề của y khoa và những trách nhiệm sống còn thoát khỏi những cám dỗ trần tục trong thế giới y khoa: dòng chảy tiền bạc không ngừng, những loạt đại bác xu nịnh, và những kết quả say mê đặc ân.

Không phải ngẫu nhiên mà những bác sĩ cũng là khoa học gia đầu tiên đều là những người có đời sống tâm linh sâu sắc: Hippocrates đã thề những lời thề của ông với các thần; Aristotele (có lẽ là nhà khoa học thực nghiệm vĩ đại nhất mọi thời) đã tôn kính ý tưởng Thượng Đế là Căn Nguyên Đệ Nhất của Sự Chuyển Động; Claudius Galen, người tiếp nối công trình của Aristotele và Hippocrates, đã sớm tuyên bố mình là người có niềm tin Độc Thần và ông được những bác sĩ Ả Rập và Do Thái theo sau kính nể; và thầy Rabbi Moses ben Maimon (Maimonides), một người mã hóa luật Talmud, là một bác sĩ tài danh trong triều đình Saladin bên Ai Cập và ông đã viết tác phẩm Guide for the Perplexed, hướng dẫn kết hợp những yếu tố tâm linh với khoa học y học. William Harvey, người khám phá ra tuần hoàn máu, đã xác tín sự về tồn tại của một Trí Thông Minh Sáng Tạo Siêu Việt và ông theo đạo Tin Lành rất nhiệt thành.

Không có những hướng dẫn tuyệt đối đến đạo đức, thì các bác sĩ, bóc trần ra như họ là, càng bị cám dỗ nhiều nhất, và càng bị sa ngã thảm khốc nhất” [người viết tô đậm].

Như thế, phá thai là hậu quả tất yếu khi con người chối bỏ Thiên Chúa cùng với những chuẩn mực đạo đức, rồi nhân danh tự do con người quay cuồng nô lệ hết chủ thuyết này sang ý thực hệ kia với những cái mác giả hứa hẹn giải phóng con người, nào là chủ nghĩa Cộng Sản Khoa Học, nào là chủ nghĩa Duy Vật Vô Thần, nào là Chủ Nghĩa Tương Đối, nào là Chủ Nghĩa Thực Dụng, nào là Chủ Nghĩa Hư Không v.v...

Triết gia Martin Heidegger, một trong những người say mê nghiên cứu con người, đã nhận xét rằng: “Chưa bao giờ như thời nay, con người đã phô bày sự hiểu biết về chính mình một cách hữu hiệu, quyến rũ và phổ biến nhanh chóng dễ dàng như thế. Ấy vậy mà, cũng chưa bao giờ người ta lại kém hiểu biết về con người như thời nay. Chưa bao giờ con người lại phải chuốc lấy một vấn đề hóc búa như thế như trong thời đại của chúng ta” (M. Heidegger, Kant e la metafisica, Genova 1962, pp.275-276).

Thực vậy, con người ngày nay đang bị khủng khoảng hơn bao giờ hết: Người ta tưởng mình tôn thờ chân lý khoa học nhưng cũng tự mâu thuẫn với chính mình. Làm sao có thể biện minh khi nhận lấy lời thề Hippocrate, thề vì Sự Sống con người, nhưng rồi lại đang tâm giết hại thai nhi ? Lý trí khoa học ở đâu khi người ta kêu gào thông qua tự do phá thai đồng thời lại gào thét phải ra luật bảo vệ một con chó ? Trong lịch sử loài người có bao giờ nhân phẩm con người thê thảm như thế ?

Tuy nhiên, khi con người rơi vào thảm kịch đánh mất nhân tính, thì cũng chính là khi con người khao khát vươn lên làm người, nhất là khao khát Thiên Chúa. Không phải là “Thiên Chúa đã chết” như triết gia Nietzsche tuyên bố. Nhưng sự thật là chính kẻ tuyên bố đó lại đã chết và “Bàn Tay Thiên Chúa” thì vẫn đang hành động trong lịch sử nhân loại. Điều quan trọng là con người có nhận ra và đón nhận hay không. Hành trình hoán cải của bác sĩ Bernard là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Trong phần cuối của cuốn sách, ông cũng đã hé lộ những tia hy vọng về lớp người trẻ:
“Ngược lại, rõ ràng là những bác sĩ khoa Sản trẻ hơn, tức là những người được đào tạo trong thời đại của máy siêu âm và với hơn cả những cố gắng thích đáng mở ra cho họ, những người đang dẫn dắt lĩnh vực này tránh xa phá thai và bỏ rơi nó cho những bác sĩ lang băm chém chặt.

Thực tế hiện nay, như điều tra năm 1991, chỉ có 12% số chương trình đào tạo nội trú đòi hỏi hướng dẫn phá thai ở giai đoạn mang thai ba tháng đầu tiên. Về mặt phẫu thuật, phá thai là công việc không mấy khó khăn, nhưng nó rất khó thích hợp trong những giới hạn và những khát vọng của những bác sĩ trẻ đang được đào tạo.
Những chương trình đào tạo bác sĩ khoa Sản nội trú đã cho những nhà đào tạo biết rằng họ [các sinh viên] không muốn lãng phí thời gian chương trình đào tạo để rồi chỉ thực hiện một quy trình giết hại, mà trong bất cứ trường hợp nào, nó đang bị giam hãm trong những bóng tối của công việc y khoa nơi những xưởng phá thai.”
“…Tôi chắc chắn rằng đó không phải là sự trùng hợp – bởi vì Bàn Tay Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, khi mà cùng thời gian đó chúng tôi đã bắt đầu lắp đặt công nghệ mới tuyệt vời cho bệnh viện. Đó là máy siêu âm, nhờ đó lần đầu tiên người ta nhìn thấy dạ con bằng hình ảnh rõ rệt. Chúng tôi cũng bắt đầu quan sát tâm thai nhi trên máy điện tâm đồ phôi thai. Lần đầu tiên, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về những gì mà chúng tôi thực sự đã làm ở trung tâm phá thai. Máy siêu âm đã mở ra một thế giới mới. Lần đầu tiên, chúng tôi đã có thể thực sự nhìn thấy, quan sát, nhìn ngắm, đo kích thước phôi thai con người, và thực sự là dần dần đã dẫn tôi đến thích thú và yêu thương nó. Tôi đã bắt đầu làm như thế. Những hình ảnh thai nhi được siêu âm có một sức mạnh tác động không thể tin được đối với người quan sát...”

Thật là bi kịch khi con người tưởng mình đã biết hết thực tại đầy bí ẩn của mình. Đó là kinh nghiệm của bác sĩ Bernard, ông đã hăng say bằng mọi giá, xúc tiến cho đạo luật phá thai được thông qua để giải phóng phụ nữ khỏi những ca phá thai cẩu thả bất hợp pháp. Ông đã hành động như thế vì cũng như bao nhiêu bác sĩ khác cho rằng thai nhi chưa phải là một con người, để rồi sau mấy chục năm trời hành động lầm lạc, ông đã phải tự thú:

“Trong tâm trí tôi bây giờ chẳng còn chút nghi ngờ nào về sự tồn tại của Sự Sống con người trong lòng người mẹ ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, mặc dầu trong quá khứ sự thật này, tức bản chất của Sự Sống trong tử cung đã từng là vấn đề gây tranh cãi đáng quan tâm. […].

Khi quan sát máy siêu âm, tôi đã không thể còn tiếp tục làm như trước nữa. Nhưng sự “hoán cải” này hoàn toàn là một sự kiện thực nghiệm khoa học. Chiếc máy công nghệ tuyệt vời này đã dạy cho chúng tôi bài học về phôi thai thuyết phục hơn hầu như tất cả lịch sử y học trước thời gian đó”.

Nhà bác học Albert Einstein nói thật chí lý: Chút ít khoa học đưa ta xa Thượng Đế, nhiều khoa học đưa ta gần tới Ngài.

Nói về sự kỳ diệu của Sự Sống Con Người, ông Bernard đã dẫn lời bác sĩ George W. Corner, một nhà nội tiết học vĩ đại và nhà nghiên cứu khoa học, rằng:

“Sự kết hợp giữa một quả trứng và tinh trùng là một trong những điều kỳ diệu vĩ đại nhất của Tạo Hóa, một sự kiện trong đó những mảnh sự sống nhỏ… được xoáy vào đích điểm của chúng một cách tuyệt vời bởi những sức mạnh vũ trụ, tạo nên một cơ thể sống động phát triển – một con người. Đó là một cảnh tượng tuyệt vời đến nỗi mà chỉ có cảnh nhật thực, hay cảnh núi lửa phun trào magma mới có thể so sánh được với nó. Thật ra, đó là sự kiện phổ biến nhất và gần gũi nhất với chúng ta, thế nhưng nó cũng hiếm khi được quan sát bởi vì nó xảy ra ở trong một lĩnh vực mà hầu hết mọi người không bao giờ nhìn thấy – lĩnh vực của những sự vật cực nhỏ.”
Khi nghiên cứu phôi thai, cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng, chín tháng trong dạ mẹ chính là một dải sáng đầu tiên trong dải quang phổ của một Sự Sống. Ấy vậy mà, giai đoạn chín tháng này có thể là chín tháng quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Đó là thời gian các bộ phận cơ thể của chúng ta đang hình thành, gồm cả não bộ, và chúng ta đã trải nghiệm được những ấn tượng cảm giác đầu tiên. Khi còn trong cung lòng mẹ, chúng ta đã có thể phân biệt được những tiếng nhạc khác nhau. Tôi thử nghiệm bằng cách mở đĩa nhạc Mozart và đặt áp vào bụng người mẹ mang thai tháng thứ 7, quan sát thấy em bé chuyển động nhẹ một chút, nhưng khi tôi mở đĩa nhạc Van Helen lên, thai nhi liền nhảy múa lên. Chín tháng trong dạ mẹ là thời gian học hỏi, một thời gian khi chúng ta tự sắp đặt chính mình.
 
Như thế, phá thai ở giai đoạn đầu tiên của sự sống là điều không thể chấp nhận được – đó là tội ác. Tôi không còn nghi ngờ gì khi dùng từ này: phá thai là một tội ác ! [người viết tô đậm].

Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói thêm rằng trước đây chúng tôi đã có cả kho dữ liệu minh chứng rằng phá thai là phá hủy Sự Sống con người, vậy mà chúng tôi đã chai lỳ cho tới sự kiện công nghệ siêu âm ra đời mới có cuộc thay đổi não trạng thực sự. Với công nghệ siêu âm, chúng tôi không chỉ biết rằng phôi thai là một cơ thể sống đang hoạt động, nhưng chúng tôi còn có thể đo đếm được những chức năng hoạt động của nó, trọng lượng, độ tuổi, rồi xem thai nhi nuốt nước miếng, đi tiểu như thế nào, quan sát thai nhi trong trạng thái ngủ, thức, rồi nó tự xoay chuyển làm sao vào lúc sinh ra đời...”

Trong chương cuối cùng mang tên “Bàn Tay Thiên Chúa”, là hành trình dẫn đến Đức Tin Công Giáo. Bác sĩ Bernard Nathanson cho biết, thông thường thì niềm tin vào Thiên Chúa và sự xác tín rằng Sự Sống là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban tặng sẽ dẫn đưa người tín hữu đến việc bảo vệ Sự Sống. Nhưng trường hợp của ông thì hoàn toàn ngược lại: từ nhìn nhận Sự Sống, đến bảo vệ Sự Sống và rồi từ đó dẫn ông tới niềm tin vào Thiên Chúa.

Thực vậy, ông đã “lưu đày” hàng chục năm trời cho cuộc kiếm tìm này. Đã có những lúc ông gần như rơi vào tuyệt vọng. Cũng trong thời gian này, ông đã tham gia vào phong trào Bảo Vệ Sự Sống. Thời gian đầu, ông tham gia với những thước phim, bài nói chuyện, đến phần cầu nguyện thì ông chỉ đứng xem. Những buổi cầu nguyện thường được tổ chức ở những đại lộ trước các trung tâm phá thai với số lượng từ hàng trăm thậm chí hàng ngàn người tham dự, với cảnh sát bảo vệ vây quanh. Lời cầu nguyện trong tình yêu thương có sức mạnh vô địch dần dần đã lay động biến đổi trái tim chai cứng của ông:

“Họ đã cầu nguyện, an ủi động viên nhau, họ hát Thánh Ca trong an bình, và họ luôn nhắc nhở nhau tuyệt đối bất bạo động. Tôi thấy rằng, điều làm tôi kinh ngạc chính là sức mạnh của tình yêu và lời cầu nguyện: Họ cầu nguyện cho những thai nhi vô tội bị giết, cho những phụ nữ mang thai lầm lỡ và sợ hãi, và cho cả những bác sĩ, y tá hành nghề phá thai. Họ cũng cầu nguyện cho các nhân viên cảnh sát và giới truyền thông đang quan tâm sự kiện. Họ cầu nguyện cho hết mọi người nhưng không bao giờ thấy họ cầu nguyện cho bản thân mình. Và tôi tự hỏi: Làm sao những con người này có thể hy sinh chính mình cho những kẻ câm lặng, không quen biết, và không thể cám ơn họ nhỉ ?”

Cứ như thế, “Bàn Tay Thiên Chúa” đã dẫn ông đi vào hành trình Đức Tin. Ông đã tìm đọc kinh nghiệm hoán cải từ rất nhiều nhân vật lẫy lừng như: Thánh Augustino, Walker Percy, Graham Greene, C.S. Lewis, Hồng Y Newman… Rồi những lời cuối cùng của tác phẩm, ông nhắc lại kinh nghiệm của Karl Stern, một gương mặt hoán cải nổi bật: “Dù chúng ta đã chạy trốn lạc xa Người, hay chúng ta đã chạy kiếm tìm Người, thì mọi thời, Người vẫn là trung tâm của mọi sự”.

Như vậy, bác sĩ Bernard đã hoàn tất một hành trình mà chính ông đã đề tựa: “Bàn Tay Thiên Chúa – Một Hành Trình Từ Sự Chết Đến Sự Sống”. Bà Joan Andrews Bell, mẹ đỡ đầu rửa tội của ông ví hành trình đó như cuộc hoán cải của Thánh Phaolô, Thánh nhân từng hăng say giết hại các tín hữu của Chúa rồi ngài được Chúa biến đổi trở thành vị Tông Đồ nhiệt thành thế nào, thì bác sĩ Bernard Nathanson cũng đã làm như vậy. Đối với ông, “Sự chết” là quá khứ tội lỗi khủng khiếp, là đời sống xa cách Thiên Chúa (hơn 60 năm!); “Sự Sống” là niềm tin yêu con người, là sự hoán cải trở về đón nhận “Bàn Tay Thiên Chúa” nhân từ tha thứ.

Ngày 8 tháng 12 năm 1996, ông đã được lãnh phép rửa tội gia nhập Hội Thánh Công Giáo và trở thành chiến sĩ Bảo Vệ Sự Sống, nhưng khi đó cuộc hành trình hoán cải, như ông thú nhận, vẫn còn phải dò dẫm từng bước, để rồi hôm nay linh hồn ông đã được an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Tôi tin như thế bởi chính Lời Chúa Giêsu nói:
“Tôi nói cho các ông hay: trên Trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn." (Lc 15, 7).

BẠCH GIANG ÂN, 24.2.2011

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét