Home » , » Thông điệp tin mừng về sự sống (p8)

Thông điệp tin mừng về sự sống (p8)

“Chính Ta làm cho chết và làm cho sống” (Đnl 32,39)

Thảm kịch của việc làm chết êm dịu.

 
64. Vào lúc kết thúc cuộc đời, con người được đặt đối diện với mầu nhiệm sự chết. Do những tiến bộ của y học và trong một bối cảnh văn hoá khép kín đối với những gì là siêu nghiệm, hiện nay kinh nghiệm về cái chết trình bày một số phương diện mới. Quả nhiên, khi mà xu hướng chỉ đánh giá cao đời sống trong chừng mục nó đem lại vui sướng và sung túc đang thắng thế, thì sự đau khổ xuất hiện như một thất bại không chịu nổi cần phải thoát khỏi bằng mọi giá. Sự chết, xem như “phi lý” nếu nó thình lình làm đứt đoạn một đời sống còn mở ra cho một tương lai giàu kinh nghiệm lý thú để thực hiện, trái lại sẽ trở thành một “sự giải thoát đòi hỏi” khi sự sống bị coi như không có ý nghĩa từ lúc mà nó chìm trong sự đau đớn và được khắc nghiệt dành cho những đau khổ càng dữ dội.


Vả lại, khi từ chối hoặc quên đi quan hệ căn bản của mình với Thiên Chúa, con người nghĩ rằng mình là tiêu chuẩn và mực thước của mình, và cũng cho rằng mình có quyền đòi hỏi xã hội phải bảo đảm cho mình khả năng và những phương thế để quyết định về sự sống của mình, trong một quyền tự chủ trọn vẹn và hoàn toàn. Đặc biệt chính con người ở những nước phát triển xử sự như thế, họ cảm thấy được đưa đến thái độ bởi những tiến bộ không ngừng của y học và những kỹ thuật ngày càng tiên tiến của nó. Bằng những phương pháp và những máy móc tinh vi, khoa học và kinh nghiệm y học bây giờ có khả năng không chỉ giải quyết những trường hợp trước kia là nan giải và giảm nhẹ hoặc loại hẳn sự đau đớn, nhưng còn duy trì và kéo dài sự sống cả trong những trường hợp cực kỳ suy nhược, làm hồi sinh một cách nhân tạo những người mà các chức năng sinh học cơ bản đã bị tổn hại do những chấn thương thình lình, và can thiệp làm cho một số cơ quan sẵn sàng sử dụng được để đem ghép chúng lại.


Trong bối cảnh đó, sự cám dỗ của việc làm chết êm dịu ngày càng mạnh mẽ hơn, tức là sự cám dỗ làm chủ cái chết bằng cách gây ra nó trước và như thế bằng cách kết thúc “êm dịu” cuộc đời riêng của mình hay cuộc đời của kẻ khác, thực tế lại tỏ ra là phi lý và vô nhân đạo, nếu người ta nhìn kỹ nó trong tất cả chiều sâu của nó. Ở đây chúng ta đứng trước một trong những triệu chứng đáng hãi hùng nhất của “văn hoá sự chết đang lan rộng”, nhất là trong những xã hội sung túc, được rõ nét bởi một não trạng vị lợi, khiến người ta nhìn thấy số những người già và những kẻ suy nhược tinh thần đang tăng như một gánh nặng không chịu nổi. Những người này rất thường khi bị tách rời khỏi gia đình của họ và xã hội, được tổ chức dựa trên những tiêu chuẩn của hiệu năng sản xuất, theo đó một sự bất tài bất lực không thể đáo hồi sẽ tước đi hết mọi giá trị của một sự sống.


65. Để đưa ra một phê phán đúng đắn về sự chết êm dịu, trước hết cần phải định nghĩa nó cách rõ ràng. Qua từ gây chết êm dịu theo nghĩa hẹp người ta phải hiểu là một hành động hay một sự bỏ sót, tự nó và với ý định gây ra cái chết để như thế tránh được mọi sự đau đớn. Vậy thì “sự gây chết êm dịu được đặt ở tầm mức những ý định và những phương pháp sử dụng”. (76)


Phải phân biệt gây chết êm dịu với quyết định khước từ điều mà người ta gọi là “sự bám riết điều trị”, nghĩa là một số can thiệp y y học không còn hợp với tình trạng thực tế của người bệnh, bởi vì từ nay chúng không cân xứng so với những kết quả mà người ta có thể hy vọng, hoặc ít ra là bởi vì chúng gây thêm gánh nặng quá lớn cho bệnh nhân hay cho gia đình của người ấy. Trong những trường hợp này, khi cái chết được báo trước là sắp xảy ra và không tránh được, người ta có thể hết sức trung thực “khước từ những cách chữa trị chỉ mang lại cho sự sống một sự trì hoãn mong manh và cực nhọc, nhưng không gián đoạn công việc chăm sóc mà thông thường phải làm cho người bệnh trong trường hợp tương tự” (77). Chắc chắn là có cái nghĩa vụ đạo đức phải chữa bệnh và nhờ chữa bệnh cho mình, nhưng nghĩa vụ đó phải được đối chiếu với những tình huống cụ thể; nghĩa là phải xác định các phương tiện điều trị mà người ta thủ đắc có khách quan cân xứng với viễn tượng thuyên giảm hay không. Sự khước từ những phương thế ngoại thường hay không cân xứng không phải là điều tương đương với tự sát hay việc làm chết êm dịu, đúng hơn là nó có thể hiện sự chấp nhận thân phận con người trước cái chết. (78)


Trong y học hiện đại, điều mà người ta gọi là những “chăm sóc tạm thời” có môt tầm quan trọng đặc biệt; những chăm sóc này được dự liệu để làm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được hơn trong thời kỳ cuối của con bệnh và đồng thời làm cho bệnh nhân có thể có được sự nâng đỡ nhân đạo thích hợp. Nằm trong phạm vi này, giữa những cái khác có vấn đề tính hợp pháp của sự dùng đến những loại hình giảm đau và an thần để làm dịu cơn đau của người bệnh, khi việc sử dụng chúng bao hàm nguy cơ rút ngắn đời sống của người ấy. Trên thực tế, nếu có thể cho là đáng ca tụng người nào chấp nhận chịu đựng bằng cách khước từ những can thiệp chống đau để giữ tất cả sự tỉnh táo của mình, và nếu người đó là một kẻ có lòng tin, để tham gia cách ý thức vào cuộc Khổ nạn của Chúa, thì một cách xử sự “anh hùng” như thế không thể được coi như là một bổn phận đối với mọi người. Đức Pio XII đã từng tuyên bố rằng, làm giảm cơn đau bằng cách dùng thuốc an thần là hợp pháp, dù có gây ra hiệu quả giảm ý thức và rút ngắn đời sống, “nếu không có những phương thế khác, và nếu, trong những hoàn cảnh nào đó, điều ấy không ngăn trở việc hoàn thành những bổn phận tôn giáo và đạo đức khác” (79). Trong trường hợp này, trên thực tế, không được muốn hay tìm đến cái chết, mặc dù vì những lý do hợp pháp người ta có thể bị cái chết đe dọa: người ta chỉ muốn giảm cơn đau cách hiệu quả khi dùng đến thuốc giảm đau mà y học cho phép sử dụng. Tuy nhiên, “không được làm người hấp hối mất ý thức, nếu không có những lý do nghiêm trọng” (80): đến gần cái chết con người phải có khả năng thoả mãn những nghĩa vụ đối với tôn giáo và gia đình của mình, và nhất là họ phải có thể, trong ý thức trọn vẹn, dọn mình cho cuộc gặp gỡ dứt khoát của họ với Thiên Chúa.


Sau khi đã nêu lên những phân biệt này, am hợp với quyền giáo huấn của các vị tiền nhiệm của tôi (81) và trong mối hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc gây chết êm dịu vi phạm nghiêm trọng lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Đạo lý này được dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và trên lời của Thiên Chúa đã được viết ra: Nó được truyền thống Giáo Hội truyền lại và được quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy (82).


Tuỳ theo trường hợp, một cách làm như thế bao hàm tính độc hại đặc thù của việc tự sát hoặc là việc giết người.


66. Mà, tự tử vẫn luôn luôn không thể chấp nhận về mặt luân lý, y như sát nhân vậy. Truyền thống Giáo Hội luôn phi bác việc tự tử, coi nó là sự lựa chọn xấu xa cách nặng (83). Mặt dầu một số hoàn cảnh tâm lý, văn hoá xã hội có thể đưa đẩy tới việc thực hành một hành vi nghịch hẳn với khuynh hướng bẩm sinh của từng con người là muốn sống, trong khi giảm khinh hoặc miễn trừ trách nhiệm cá nhân, thì theo quan điểm khách quan tự tử là một hành vi nghiêm trọng phạm luân lý, vì nó từ chối tình yêu đối với chính mình và từ bỏ bổn phận công bình bác ái đối với người anh em, đối với những cộng đồng khác nhau mà họ là thành phần, và đối với toàn bộ xã hội (84). Trong nguyên lý sâu xa nhất, tự tử là từ chối uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng chủ tể sự sống và sự chết, như lời nguyện của nhà hiền triết Israel tuyên xưng: “Chính Ngài có quyền trên sự sống và cái chết, Ngài đày xuống âm phủ và lại đưa lên” (Kn 16,13; Tx 13,2).

Chia sẻ ý định tự tử của người khác và giúp họ thực hiện, gọi là tự tử có tiếp tay, là dấu chỉ mình là người cộng tác, và đôi khi chính mình là kẻ thực hiện điều bất công không bao giờ có thể biện minh được ấy, mặc dù đương sự yêu cầu. Thánh Augustino viết bằng một nét bút thời sự tuyệt vời: “Không bao giờ được giết kẻ khác, dù chính họ muốn thế, hoặc nhất là do chính họ yêu cầu, bởi vì bị chới với giữa sự sống và chết, họ van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối dây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó, cả đến bệnh nhân trong tình trạng không hy vọng sống được nữa, tự tử vẫn không được phép” (85). Cả khi lý do không phải vì người đau khổ từ chối cái ích kỷ không muốn mang gánh nặng cuộc sống, ta cũng phải nói rằng việc làm chết êm dịu là một thứ “thương hại sai lầm”, hơn thế, nó còn là sự “suy đồi” đáng e ngại đối với lòng thương xót: quả vậy, lòng “cảm thương”chân thực khiến ta liên đới với nỗi đau của tha nhân, nhưng nó không triệt tiêu kẻ đang gặp nỗi đau khổ mà chính mình cũng không thể chịu được. Hành vi chịu làm chết êm dịu càng tỏ ra độc ác, khi nó được thực hiện bởi chính những người – như là người trong gia đình lẽ ra phải nâng đỡ người thân của mình một cách kiên nhẫn và yêu thương, hay bởi những người, vì nghề nghiệp của họ, như các y sĩ, đúng ra phải chăm sóc bệnh nhân, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất khi họ sắp chết.


Việc chọn lựa “làm chết êm dịu” càng nặng tội, khi nó được coi như một việc sát nhân mà các đệ tam nhân thực hiện đối với một người không hề yêu cầu như thế và không bao giờ tỏ một ý ưng thuận nào. Người ta đã đi tới tột đỉnh của ý thích tùy nghi về sự bất công ghê gớm khi một số người, bác sĩ hay nhà làm luật, đã đoạt quyền quyết định ai được sống ai phải chết. Chuyện đó tả lại cơn cám dỗ trong vườn Êđen: “Trở nên như Thiên Chúa, biết lành biết dũ” (x. St 3,5). Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới cầm quyền sinh tử: “Chính ta làm cho chết và làm cho sống” (Đnl 32,29; 2V 5,7; 1 Sm 2,6). Thiên Chúa vẫn sử dụng quyền ấy theo ý định khôn ngoan và yêu thương của Ngài, và chỉ mình Ngài có quyền làm như thế. Khi con người chiếm quyền ấy, theo cái logic vô lý và ích kỷ, thì việc mà họ đã thực hiện chắc chắn đưa họ tới bất công bình và đe doạ tận gốc rễ lòng tín nhiệm lẫn nhau, là cơ sở cho mọi quan hệ chân chính giữa các ngôi vị.


67. Trái lại, con đường khác hẳn chính là con đường của tình yêu và xót thương đích thực, mà nhân loại đòi hỏi, và được đức tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc, Đấng đã chết và phục sinh, soi sáng cho bằng những nguyên do mới. Lời yêu cầu thốt lên từ trái tim con người, trong giây phút đối diện sau cùng với đau khổ và sự chết, đặc biệt là khi con người bị thử thách muốn co cụm lại trong thất vọng và như muốn tự huỷ diệt mình, thì lời yêu cầu đó trước hết là kêu xin tình liên đới và sự nâng đỡ trong thử thách. Đó là lời yêu cầu được giúp đỡ để tiếp tục hy vọng, khi mọi hy vọng của con người đều tan biến. Đó là điều Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta; “chính khi đối diện với cái chết mà điều bí ẩn về số phận nhân sinh đạt tới cao điểm” đối với con người, tuy nhiên, “chính nhờ một cảm hứng đúng đắn của lòng mình mà con người vứt bỏ và từ chối sự tàn phá trọn vẹn này cũng như cái thất bại dứt khoát của bản thân mình, cái mầm sống không thể chỉ gói gọn vào vật chất ấy, đã nổi lên chống lại sự chết”. (86)


Sự chống cưỡng tự nhiên đó trước cái chết được sáng tỏ và niềm hy vọng vào sự bất tử được hoàn chỉnh bằng niềm tin Kitô giáo, niềm tin này hứa và cho phép ta tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh, chiến thắng của Đấng đã dùng cái chết cứu độ của mình mà giải phóng con người khỏi sự chết và ban ơn tha tội (x. Rm 6,23), và ban Thánh Thần cho con người để làm bảo chứng sự sống lại và sự sống (x. Rm 8,11). Niềm xác tín được bất tử sau này và niềm hy vọng đượ phục sinh Chúa hứa ban chiếu giải một ánh sáng mới lên mầu nhiệm đau khổ và sự chết, niềm xác tín và hy vọng ấy đặt tâm hồn tín hữu một sức mạnh khác thường để họ phó thác cho ý định của Thiên Chúa.


Thánh Phaolô Tông đồ đã diễn giải quan niệm mới này dưới hình thức một sự dứt khoát thuộc về Chúa, liên hệ tới con người trong mọi tình huống: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, là sống cho Chúa, và nếu ta chết là chết cho Chúa. Vậy dù sống hay chết, ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Chết cho Chúa nghĩa à sống sự chết của Ngài như một hành vi cao vời của lòng vâng phục Chúa Cha (x. Pl 2,8) bằng cách đónh nhận lấy sự chết vào giờ mà Thiên Chúa đã muốn và đã chọn cho ta (x. Ga 13,1), chỉ mình Ngài mới có thể phán quyết bao giờ chấm dứt đường trần của ta. Sống điều xấu và là một thử thách, vẫn có thể trở nên nguồn tình yêu và với tình yêu mà chịu đau khổ, như tham dự vào đau khổ của Chúa Kitô bị đóng đinh, nhờ ơn nhưng không của Thiên Chúa vào do chính mình chọn lấy. Như vậy ai chịu đau khổ trong Chúa sẽ càng nên đồng hình dạng với Ngài, đầy công nghiệp cứu độ của Chúa đối với Giáo Hội và loài người (87). Bất cứ đau khổ nào cũng được mời gọi sống kinh nghiệm của thánh Tông đồ: “Tôi vui sướng trong các nỗi đau khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các thử thách Chúa Kitô chịu vì thân mình Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).


“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,2)


Luật dân sự và luật luân lý.


68. Một trong những phương diện đặc thù của những cuộc ám hại ngày nay chống lại sự sống – như ta đã nhiều lần nói tới – là cái khuynh hướng được hưởng yêu sách được hợp thức hoá theo pháp luật như thể đó là quyền mà nhà nước, ít là trong vài hoàn cảnh, phải nhìn nhận cho công dân, và do vậy, đó cũng là khuynh hướng muốn sử dụng những quyền ấy, với sự giúp đỡ chắc chắn và miễn phí của các y sĩ và nhân viên y tế.


Rất thường thấy người ta coi sự sống của những hài nhi chưa sinh hay của những người bị tật nguyền nặng, chỉ là một thiện ích tương đói: theo logic của những tỷ lệ hay số học thuần tuý sự sống phải được so sánh với nhiều thiện ích khác và tuỳ vào đó mà đánh giá. Người ta cũng nghĩ rằng chỉ ai ở vào hoàn cảnh cụ thể, và thấy bản thân mình có liên hệ với hoàn cảnh ấy, mới có thể thực hiện sự cân nhắc chính xác các thiện ích đó, bởi vậy, kết quả là chỉ họ mới có thể quyết định về mặt luân lý của việc họ chọn lựa. Trong lợi ích của việc cộng đồng sinh tồn dân sự và của sự hài hoà xã hội, nhà nước phải tôn trọng sự lựa chọn ny, đến mức phải công nhận việc phá thai “và làm chết êm dịu”.


Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, người ta nghĩ rằng luật dân sự không thể đòi hỏi mọi công dân sống mức độ luân lý cao hơn mức độ mà họ công nhận và tuân giữ. Trong những điều kiện như vậy, luật pháp sẽ phải luôn luôn phản ảnh dư luận và ý kiến của đa số công dân, và ít ra trong một số trường hợp nguy kịch, phải nhận cho họ được phá thai và giúp họ chết êm dịu không thể đưa tới việc thực hiện bất hợp pháp, đàng khác lại không có được sự kiểm soát tối cần của xã hội, và thự hiện mà không có sự an toàn cần thiết, vì thiếu trợ giúp y tế. Người ta còn đòi hỏi, nếu bảo vệ một đạo luật không được cụ thể tuân giữ, xét cho cùng lại chẳng là làm hại đến uy quyền của mọi luật khác sao.


Sau cùng có những ý kiến triệt để đã chủ trương rằng, trong xã hội hiện đại và đa nguyên, người ta sẽ phải nhận cho mọi người được quyền hoàn toàn tự chủ để định đoạt về sự sống của mình và sự sống của em bé chưa sinh ra: quả vậy, việc chọn lựa các ý kiến luân lý khác biệt nhau sẽ không tuỳ luật pháp, và luật pháp càng không được áp đặt một chọn lựa nào làm tổn hại cho những chọn lựa khác.


69. Dù sao trong nền văn hoá dân chủ thời đại ta, dư luận rộng rãi cho rằng lãnh vực pháp lý của một xã hội phải đượi giới hạn ở việc ghi và nhận những xác tín của đa số, và do vậy, nó chỉ phải dựa trên điều mà đa số công nhận và sống như là hợp luân lý. Nêu khi đó người ta nghĩ rằng cả chân lý chung và khách quan, thật sự là bất khả đạt tới, thì tôn trọng tự do của công dân, trong nền dân chủ, công dân được “coi như” các người có chủ quyền – đòi hỏi, ở mức độ làm luật, người ta phải nhìn nhận sự tự quyết của lương tâm cá nhân, va do đó, khi thiết lập những quy định thật cần thiết cho việc đồng sinh tồn trong xã hội, khi người ta chỉ phải thích nghi với ý muốn của đa số, bất kỳ ý ấy như thế nào. Từ sự kiện trên, trong lúc hành động, mọi nhà làm chính trị phải tách biệt hẳn lãnh vực lương tâm cá nhân khỏi lãnh vực hành động chính trị.


Như vậy là ta thấy hai khuynh hướng, bề ngoài đối nghịch hẳn nhau. Một bên các cá nhân đòi dành cho mình một sự hoàn toàn tự quyết về luân lý trong việc lựa chọn và đòi nhà nước không được nhận hay áp đặt một quan niệm mang tính luân lý nào, nhưng phải quan tâm đến việc bảo đảm tự do mỗi người một môi trường rộng rãi nhất, chỉ có giới hạn đối ngoại là không được lấn sang môi trường của sự tự quyết mà mọi công dân đều có quyền hưởng. Mặt khác người ta cho rằng, trong việc thi hành những chức năng công cộng và chuyên nghiệp, sự tôn trọng tự do lựa chọn của những người khác đòi mỗi người phri dẹp bỏ chính những xác tín của riêng mình, để phục vụ mọi yêu cầu của công dân đã đựoc luật pháp nhìn nhận và bảo vệ, bằng cách nhận như tiêu chuẩn duy nhất của luân lý, trong khi thi hành chức năng của mình, tất cả những gì được xác định bởi luật pháp ấy. Trong nhứng điều kiện như vậy, trách nhiệm của mỗi con người được uỷ thách cho luật dân sự, vì điều ấy giả thiết sự thoái vị của lương tâm luân lý, ít ra là trong lãnh vực của hoạt động công cộng.


70. Cội nguồn chung của tất cả những khuynh hướng này là “chủ thuyết tương đối trong luân lý” nó là đặc điểm của phần lớn nền văn hoá hiện nay. Nhiều người cho rằng chủ thuyết tương đối là điều kiện của nền dân chủ, bởi vì chỉ một mình nó bảo đảm cho sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân và bám sát được quyết định của đa só, trong khi những luật lệ luân lý coi là khách quan và nguồn bắt buộc, sẽ đưa tới chủ nghĩa chuyên chế và bất bao dung. Nhưng vấn đề phải tôn trọng sự sống lại khiến xuất hiện nhiều nghịch ý và nhiều mâu thuẫn, kèm theo nhiều hậu quả khủng khiếp rất cụ thể ẩn nấp dưới những quan niệm trên.


Quả thực trong lịch sử còn ghi nhiều trong trường hợp mà tội ác được người ta phạm nhân danh “chân lý”. Nhưng, nhân danh “chủ thuyết tương đói trong luân lý”: người ta cũng đã phạm và còn đang phạm những tội ác không kém nặng nề và những sự chối bỏ tự do không kém quyết liệt. Khi đa số trong Quốc hội hay trong xã hội ra sắc lệnh huỷ diệt sự sống của con người chưa được sinh ra, dù có đặt ra một vài điều kiện, thì đa số ấy lại chẳng có một quyết định “tàn ác” đối với hữu thể con người còn non nớt và không có gì bênh vực đó sao? Lương tâm của mọi người đều phản ứng đúng trước những tội ác chống nhân loại mà thế kỷ ta đã từng có kinh nghiệm bi thảm. Liệu những tội ác này có hết là tội ác, nếu như chúng không được thực hiện bởi những bạo chúa vô lương tâm, mà lại được hợp thức hoá bởi sự đồng tình của nhân dân chăng?


Thật thế, nền dân chủ không thể được nâng lên hàng huyền thoại, đến mức trở nên chỗ thay thế cho luân lý, hay là thứ thuốc vạn ứng của sự vô luân được. Căn bản dân chủ là “chế độ”, và là chế độ thì nó là dụng cụ chứ không phải mục đích. Tính cách “luân lý” của nó không phải tự động mà có, nhưng phải tuỳ thuộc sự hoà hợp với luật luân lý mà chính nền dân chủ phải vâng phục, y như bất cứ hành vi nào của con người: tính cách luân lý ấy tuỳ thuộc vào tính luân lý của các mục đích được theo đuổi và của các phương tiện được dùng. Nếu hiện nay người ta coi sự đồng tình của gần như tất cả mọi người về giá trị của nền dân chủ, thì cũng phải coi điều ấy như một “giá trị thời đại” mang tính tích cực, như Giáo huấn của Giáo Hội đã nhiều lần nhấn mạnh (88). Nhưng giá trị của nền dân chủ sẽ được duy trì hay mất đi là tuỳ theo những giá trị mà nền dân chủ đã mang lấy và chấn hưng: căn bản và cần thiết phải là phẩm giá của mọi người, sự tôn trọng mọi quyền bất khả đụng chạm, bất khả nhượng của con người cũng như sự nhìn nhận “lợi ích chung” như mục đích và tiêu chuẩn điều khiển đời sống chính trị.


Nền tảng các giá trị này không thể có được nơi những “đa số” dư luận tạm thời và biến động, nhưng chỉ có được nơi sự nhìn nhận luân lý khách quan, vì là “luật tự nhiên”, được ghi khắc trong lòng con người, luật luân lý khách quan là nơi quy chiếu mẫu mực cho chính luật dân sự. Khi nào, vì nỗi tối tăm thảm khốc của lương tâm tập thể, chủ thuyết hoài nghi đi tới chỗ nghi ngờ cả những nguyên tắc căn bản của luật luân lý, thì đó là lúc chế độ dân chủ bị lung lay tới tận nền tảng, chỉ còn quy lại một bộ phận máy móc điều khiển theo cảm nghiệm lợi ích khác nhau và đối nghịch nhau mà thôi. (89)


Một số người có thể sẽ nghĩ rằng, không có gì tốt hơn được thì cũng phải coi trọng vai trò của nền dân chủ chiếu theo lợi ích của nó đối với hoà bình xã hội. Trong ý kiến ấy có đôi chút sự thật, nhưng thực khó mà không thấy rằng, nếu không có một cơ sở luân lý khách quan, thì nền dân chủ không thể bảo đảm được hoà bình bền vững. Cũng như nếu hoà bình không được dựa trên nhân phẩm của mọi người và trên tình liên đới giữa mọi người, thì thường chỉ là hão huyền. Ngay cả trong những chế độ có sự tham gia của dân chúng, việc điều hoà các lợi ích cũng vẫn thường có lợi cho những kẻ mạnh hơn vì họ được nhiều khả năng hành động không những trên các lợi thế quyền lực mà còn nhờ việc gầy tạo nên sự đồng tình nhất trí nữa. Trong tình huống ấy, dân chủ dễ trở nên một từ trống rỗng.



71. Vì tương lai xã hội và vì sự phát triển nền dân chủ lành mạnh, phải cấp bách khám phá ra những giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu và nguyên thuỷ, phát sinh ngay từ luân lý về hữu thể nhân linh, những giá trị diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người: đó là những giá trị mà không ai, không đa số nào, không nhà nước nào sáng tạo ra được, biến đổi hay bãi bỏ đi được, nhưng mọi người phải nhìn nhận, tôn trọng và chấn hưng các giá trị ấy.

Trong bối cảnh này, phải lấy lại các yếu tố căn bản của quan niệm về những tương quan giữa luật dân sự và luật luân lý, đúng như đã được Giáo Hội đề nghị, nhưng chúng vẫn là di sản của những truyền thống về pháp lý của nhân loại.


Vai trò của luật dân sự chắc chắn là khác vai trò của luật luân lý, và có tầm mức giới hạn. Vì thế, “trong mọi lãnh vực đời sống, luật dân sự không được thay thế lương tâm, cũng không được ra những điều luật về những gì không thuộc thẩm quyền của mình” (90), thẩm quyền này chỉ là để bảo đảm ích lợi của mọi người, bằng cách nhìn nhận và bảo vệ những quyền căn bản của họ và chấn hưng hoà bình cũng như luân lý công cộng (91). Quả thế, vai trò của luật dân sự là bảo đảm việc đồng sinh tồn có nề nếp trong xã hội, trong công bình thật sự, để “mọi người chúng ta có thể sống cuộc đời thanh thản và bình an, trong đạo đức và phẩm giá” (1Tm 2,2). Chính vì thế, luật dân sự phải bảo đảm cho tất cả mọi phần tử xã hội được tôn trọng về những quyền căn bản vốn thuộc về con người mà bất cứ luật pháp dân sự nào cũng phải công nhận và bảo đảm. Đứng đầu và căn bản nhất là quyền sống bất khả xâm phạm của mọi người vô tội. Nếu công quyền đôi khi có thể từ chối dẹp bỏ những gì mà vì sự cấm đoán của nó sẽ gây ra thiệt hại nặng hơn (92), thì công bao giờ được chấp nhận là hợp pháp, với danh nghĩa quyền cá nhân, dù những cá nhân này là đa số trong xã hội – sự vi phạm đối với con người, bằng cách không nhìn nhận một quyền căn bản như quyền được sống của người khác. Việc luật pháp cho phá thai và giúp cho chết êm dịu, không thể, bất cứ hoàn cảnh nào, được dựa vào sự tôn trọng lương tâm người khác, chính bởi vì xã hội có quyền và bổn phận tự bảo vệ chống lại những lạm dụng có thể xảy đến nhân danh lương tâm và nại cớ tôn trọng tự do (93).


Trong thông điệp “Hoà bình trên trái đất”, Đức Gioan XXIII đã nhắc lại về đề tài này: “Đối với tư tưởng ngày nay, công ích trước tiên hệ tại việc bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của nhân vị: do đó, vai trò của các nhà cai trị cốt yếu là ở việc bảo đảm sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi, sự giao lưu giữa các quyền lợi, và phát triển quyền lợi, va do đó phải làm cho từng công dân được dễ dàng chu toàn bổn phận của họ. Bởi vì “sứ mệnh thiết yếu của mọi quyền bính chính trị là bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của con người và làm thế nào từng người hoàn tất dễ dàng chức năng riêng của họ. Vì thế, nếu công quyền đi tới chỗ không biết hoặc xâm nhập quyền con người, thì không những người cầm quyền không chu toàn trách nhiệm, nhưng các dự tính của họ thiếu hẳn mọi giá trị pháp lý” (94).


72. Giáo lý về sự cần thiết phải làm cho luật dân sự phù hợp với luật luân lý vẫn liên tục được giảng dạy trong truyền thống Giáo Hội, như một lần nữa ta thấy điều này nổi bật trong thông điệp kể trên của Đức Gioan XXIII: “Quyền bính mà trật tự luân lý đòi hỏi phải có, xuất phát từ Thiên Chúa, vậy nếu xảy ra việc những nhà lãnh đạo ban hành các điều luật hay dùng những biện pháp nghịch lại trật tự luân lý, và do đó, nghịch lại ý Thiên Chúa, thì những điều ấy không thể bắt buộc lương tâm con người… Hơn thế, trong những trường hợp này, chính quyền tự biến chất thành áp bức” (95). Đó là giáo huấn theo thánh Toma Aquino, ngài viết rõ rằng: “luật con người làm ra chỉ đúng là luật pháp xét theo nó phù hợp với lẽ phải; với danh nghĩa ấy, rõ ràng nó từ luật vĩnh cửu mà phát xuất. Nhưng theo mức độ nó tách rời khỏi lẽ phải, thì phải tuyên bố nó là luật gian tà, và do đó, không có lý do tồn tại như là luật, mà là một sự cưỡng bức” (96). Và, “mọi luật do con người đặt ra, chỉ đúng là luật tuỳ theo mức độ nó phát xuất từ luật tự nhiên. Nếu nó lệch lạc ở quan điểm nào đó khỏi luật tự nhiên, lúc ấy nó không phải là luật, mà là huỷ hoại luật” (97).


Hiện nay, việc áp dụng đầu tiên và cách trực tiếp giáo huấn trên, liên hệ đến cái luật con người đặt ra để không nhận quyền căn bản và nguyên thuỷ của sự sống, một quyền thuộc riêng về con người. Vì thế, những thứ luật, trong trường hợp phá thai và làm chết êm dịu, “hợp thức hoá” việc trực tiếp tiêu diệt những con người vô tội, là hoàn toàn mâu thuẫn không thể am hợp với quyền sống bất khả xâm phạm thuộc riêng về mọi người, mà những thứ luật ấy còn chối bỏ sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Có lẽ người ta muốn vấn nạn rằng đó không phải là trường hợp làm chết êm dịu, khi nó được yêu cầu một cách ý thức do chính đương sự. Nhưng một nhà nước hợp thức hoá yêu cầu này, và cho phép thi hành, sẽ đi tới chỗ hợp thức hoá trường hợp tự tử-sát nhân (suicide-homicide), ngược lại với những nguyên tắc căn bản về sự bất khả định đoạt trên sự sống và việc bảo vệ mọi sự sống vô tội. Cứ theo kiểu cách ấy, người ta ủng hộ việc giảm thiểu lòng tôn trọng sống và người ta mở đường cho những cách sống bãi bỏ sự tín nhiệm, trong các quan hệ xã hội. Những luật cho phép và ủng hộ phá thai và làm chết êm dịu đi ngược lại công ích, và do đó, những thứ luật ấy thiếu tính hợp pháp thực sự. Quả vậy, sự không nhìn nhận sự sống, chính vì nó dẫn đến chỗ triệt tiêu con người mà xã hội chỉ tồn tại để phục vụ, đấy là điều trực tiếp và tệ hại nhất, đi ngược lại khả năng thực hiện công ích. Hậu quả là, khi một luật dân sự hợp thức hoá việc phá thai và làm chết êm dịu thì tự nó luật ấy không còn là luật dân sự có tính bắt buộc về luân lý nữa.


73. Như vậy, việc phá thai và làm chết êm dịu là những tội ác mà không luật nhân loại nào có thể cho rằng hợp pháp được. Những luật loại này không những không hề có giá trị bắt buộc đối với lương tâm mà chúng còn được đòi buộc cách nghiêm trọng và chính xác là chống lại chúng, vì sự phản đối của lương tâm. Ngay những ngày đầu của Giáo Hội, các Tông đồ giảng dạy những người theo Chúa Kitô bổn phận vâng phục công quyền được thiết lập hợp pháp (x. Rm 13,1-7,13-14) nhưng đồng thời việc giảng dạy cũng mạnh mẽ chỉ bảo “phải vâng lời Thiên Chúa hơn loài người” (Cv 5,29). Ngay trong Cựu Ước, chính về vấn đề những đe doạ đối với mạng sống, ta gặp một ví dụ rất ý nghĩa về việc kháng cự mệnh lệnh bất công của nhà cầm quyền. Những bà hộ sinh cho trẻ Do Thái đã chống lại vua Pharaon, khi ông ra lệnh giết các trẻ trai mới sinh: “Các bà đã không làm điều mà vua Ai Cập ra lệnh và cứ để các bé trai được sống” (Xh 1,17). Nhưng phải nhìn rõ lý do sâu xa của việc xử sự ấy: ”Các bà hộ sinh kính sợ Thiên Chúa” (Xh 1,17). Chỉ có sự tuân phục Thiên Chúa-Đấng duy nhất mà ta phải kính sợ, lòng kính sợ do sự nhìn nhận quyền tối cao của Ngài, mới làm phát sinh sức mạnh và lòng can đảm của những ai sẵn sàng hy sinh kể cả đến tính mạng với niềm tin xác tín rằng việc ấy “tạo nên sự can trường và lòng tin cậy của các thánh” (Kh 13,10).


Trong trường hợp thứ luật tự nó đã bất công, như luật công nhận phá thai và làm chết êm dịu, thì không bao giờ được phép theo, cũng không được tham gia vào chiến dịch gây dư luận ủng hộ một luật như thế, cũng không bỏ phiếu cho luật đó (98).


Một vấn đề đặc biệt của lương tâm có thể được đặt ra, trong trường hợp bỏ phiếu trong Quốc hội tỏ ra xác định việc ủng hộ một luật hạn chế lại, có nghĩa là hạn chế số phá thai đã từng được phép, để thay thế luật cho phép phá thai đang có hiệu lực hoặc luật chờ để được quyết định. Nhưng trường hợp ấy không hiếm. Quả vậy, người ta thấy có sự kiện này là, trong khi ở một số vùng trên thế giới vẫn tiến hành các chiến dịch để du nhập những luật ủng hộ phá thai, được yểm trợ bởi nhiều tổ chức quốc tế giàu mạnh, thì trong nhiều nước khác, nhất là những nước đã có kinh nghiệm cay đắng về những luật lệ cho phép này, các nước ấy tự tỏ ra là những dấu chỉ của một sự suy nghĩ mới. Trong trường hợp đã định ở đây, rõ ràng là khi không có thể tránh hay bãi bỏ hoàn toàn luật cho phép phá thai, thì một dân biểu, đã rõ rệt chống đối quyết liệt việc phá thai, mà ai cũng biết rõ như thế, thì ông sẽ có thể góp phần ủng hộ những kiến nghị có ý giới hạn những thiệt hại của một luật như thế và nhờ đó giảm đi những hậu quả tiêu cực trên bình diện văn hoá và luân lý công cộng. Quả vậy, hành động như thế, người ta không thực hiện việc cộng tác vào cái luật tai ác kia, nhưng là thực hiện một cố gắng hợp pháp, cũng là bổn phận để được hạn chế những phương diện bất công.


74. Việc đưa ra những luật bất công thường đặt những người ngay thẳng về mặt luân lý trước nhiều vấn đề lương tâm khó khăn, trong những điều liên can đến cộng tác của họ, vì bổn phận phải khẳng định quyền của mình là không bị ép buộc tham gia những hành động xấu về mặt luân lý. Những chọn lựa phải làm đôi khi đau đớn và có thể đòi hỏi phải hy sinh những vị trí nghề nghiệp từng được củng cố, hay còn phải từ bỏ những viễn ảnh hợp pháp để thăng tiến nghề nghiệp. Trong nhiều trường hợp khác có thể xảy ra là việc hoàn thành một số hành vi tự nó là không xấu không tốt, đôi khi còn tích cực, được dự tính để chuẩn bị cho những luật lệ mà đại để là bất công, sẽ cho phép cứu được nhiều sinh mạng con người bị đe doạ. Mặt khác, người ta có thể có lý sợ rằng khi tỏ ra mình sẵn sàng hoàn thành những hành vi ấy, không những sẽ đưa tới gương mù và làm yếu kém sự phản đối cần thiết chống lại những ám hại sự sống, nhưng còn dần dần đưa tới thoả hiệp với một logic được phép.


Để làm sáng tỏ vấn đề luân lý khó khăn này, cần nhắc lại những nguyên tắc tổng quát về việc cộng tác với hành vi xấu. Người Kitô hữu cũng như mọi người thiện chí -chiếu theo bổn phận nghiêm trọng của lương tâm, được kêu gọi không cộng tác với những việc đi ngược lại với Lề luật của Thiên Chúa, dù là chúng được luật dân sự công nhận. Quả vậy, theo quan điểm luân lý, không bao giờ được minh nhiên cộng tác vào việc xấu. Sẽ có sự cộng tác như thế, khi hành động được thực hiện kia, hoặc do chính bản tính nó, hoặc do tính chất nó mang lấy trong một bối cảnh cụ thể, đã nổi bật như là một sự tham gia vào hành vi chống lại sự sống con người vô tội, hay như một sự đồng tình với ý định vô luân của tác nhân chính. Sự cộng tác này không bao giờ được biện minh bằng cách nại tới việc tôn trọng tự do của người khác, hay dựa vào sự kiện là luật dân sự đã tiên liệu và đòi hỏi sự cộng tác ấy: đối với những hành vi mà mỗi cá nhân tự làm lấy, quả vậy, vẫn có một trách nhiệm luân lý mà không ai có thể trút bỏ, và căn cứ theo trách nhiệm này Thiên Chúa sẽ phán xét họ (x. Rm 2,6; 14,12).


Từ chối tham gia việc thực hiện điều bất công không những là bổn phận luân lý mà còn là quyền cơ bản của con người. Nếu không như vậy, nhân vị con người, khi bị bắt buộc làm một việc tự nó không xứng hợp với nhân phẩm, và do đó với tự do của con người, mà ý tưởng và mục đích chính thực là hướng về chân lý và thiện hảo, sẽ bị tác hại tận căn. Đây là một quyền thiết yếu, mà vì là thiết yếu, mà phải được tiên liệu và bảo vệ do chính luật dân sự nữa. Theo ý nghĩa này, khả năng từ chối tham gia ở các giai đoạn tham khảo ý kiến, chuẩn bị và thi hành những hành vi chống lại sự sống, phải được bảo đảm cho các y sĩ, các nhân viên liên hệ trong ngành y tế và các người có trách nhiệm trong cơ quan bệnh viện, nhà thương, trung tâm y tế. Những người nêu lên sự phản kháng lương tâm, cũng được miễn trừ, không những khỏi những chế tài mà còn được miễn trừ không phải chịu sự thiệt thòi nào đó, dù là ở bình diện pháp lý và kỷ luật, hay là ở bình diện kinh tế và nghề nghiệp.



“Ngươi phải yêu anh em như chính mình ngươi” (Lc 10,27)

Ngươi phải bênh vực “sự sống”


75. Các giới răn của Thiên Chúa dạy ta con đường sự sống. Những điều luật luân lý tiêu cực, nghĩa là những điều luật tuyên bố không thể chấp nhận một hành vi xác định nào đó về mặt luân lý, những điều luật ấy có giá trị tuyệt đối trong việc hành xử sự tự do của con người: chúng vẫn có giá trị ở mọi thời, mọi hoàn cảnh, không có luật trừ. Chúng chứng tỏ rằng việc chọn một số hành vi nào đó là triệt để không hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa và với phẩm giá con người được tạo thành theo hình ảnh Chúa: vì vậy, một sự chọn lựa như thế không thể bù trừ bằng tính cách tốt của một ý hướng nào hay bằng một hậu quả nào; sự lựa chọn ấy vẫn nghịch với sự hiệp thông giữa các con người, không thể sửa chữa, và ngược hẳn với ý định căn bản là hướng sự sống về Thiên Chúa (99).


Theo ý nghĩa này, những điều luật luân lý tiêu cực đã có một chức năng tích cực quan trọng: tiếng “không” mà những điều luật ấy đòi hỏi một cách vô điều kiện, diễn tả giới hạn không thể vượt qua, con người tự do không được xuống quá mức đó, và đồng thời tiếng”không” còn diễn tả mức tối thiểu phải tôn trọng, và từ mức độ con người phải nói ra nhiều tiếng “phải” làm sao cho viễn ảnh sự thiện phải dần dần trở nên một chân trời duy nhất (x. Mt 5,48). Những giới răng, đặc biệt những luật luân lý tiêu cực, là điểm khởi hành và là chặng đầu, rất quan trọng, của con đường dẫn tới tự do. Thánh Augustinô viết: “Tự do đầu tiên, là không phạm tội ác… như giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, lừa đảo, phạm thánh, và mọi hình thức thuộc loại đó. Khi một người bắt đầu từ bỏ, không phạm những tội ấy, đây là luật buộc người Kitô hữu không được phạm, người ấy đã khởi sự ngẩng đầu lên hướng về tự do, nhưng đây mới chỉ là khởi điểm của tự do, chưa phải là tự do hoàn hảo” (100).


76. Giới răn :ngươi chớ giết người” là điểm khởi đầu của con đường tự do chân thật, dẫn ta tới chỗ tích cực chấn hưng sự sống, tới chỗ chấp nhận một thái độ chính xác đề phục vụ sự sống: làm như thế. ta thi hành trách nhiệm của ta đối với mọi người đã được trao phú cho ta và ta bày tỏ, trong việc làm và trong chân lý, lòng tri ân Thiên Chúa về ơn cao cả là sự sống (x. Tv 139/138,13-14).


Đấng Tạo Hoá đã trao sự sống con người cho trách nhiệm của chính con người đề chăm sóc. Không phải để mình muốn định đoạt ra sao tuỳ tiện, nhưng để khôn ngoan giữ gìn và yêu mến trung thành hướng dẫn nó. Thiên Chúa của Giao ước đã ký thác sự sống của mọi người cho người khác, cho anh em họ, chiếu theo luật hỗ tương là cho và nhận, là hy sinh mình và đón nhận anh em. Khi thời gian đã mãn, Con Thiên Chúa nhập thể và hiến mạng sống loài người, như vậy Ngài đã biểu lộ luật hỗ tương cao cả và sâu rộng biết bao. Quan việc ban Thánh Thần, Chúa Kitô mang đến một ý nghĩa mới, một nội dung mới cho luật hỗ tương, thực ra, là trao người này cho người kia. Chúa Thánh Thần, Đấng tạo tác sự hiệp thông trong tình yêu, sáng tạo nên giữa loài người một tình huynh đệ mới, một tình liên đới mới là phản ánh thật của mầu nhiệm trao ban và đón nhận giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần trở thành lề luật mới, luật ban sức mạnh cho các tín hữu và kêu gọi trách nhiệm của họ để sống hỗ tương trong việc hiến dâng thân mình và đón nhận người khác, bằng cách tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô và theo mức độ tình yêu của Ngài.


77. Chính luật mới này làm sống động và hình thành khuôn mẫu cho giới răn “ngươi chớ giết người”. Như vậy người Kitô hữu hiểu được mệnh lệnh tôn trọng, mến yêu và thăng tiến sự sống của tất cả mọi anh em, theo những đòi hỏi và sự cao cả của Tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, “Chúa đã thí mạng sống vì chúng ta. Phần chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em ta” (1Ga 3,16).


Giới răn “ngươi chớ giết người” ngay ở nội dung tích cực nhất là tôn trọng, mến yêu và thăng tiến sự sống con người, đòi buộc tất cả mọi người. Quả vậy, giới răn ấy vang dội trong lương tâm mỗi người như tiếng vang không thể xoá nhoà của Giao ước từ nguyên thuỷ, mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá ký kết với con người. Giới răn này được mọi người biết đến nhờ ánh sáng của lý trí, và được tuân giữ nhờ tác động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, Ngài thổi hơi vào nơi đâu Ngài muốn (x. Ga 3,8). Ngài liên kết và thu hút mọi người sống trên trần gian này.


Sự phục vụ mà chúng ta được gọi để thi hành cho anh em, là một phục vụ của tình thương, để sự sống của anh em luôn luôn được bảo vệ và thăng tiến, nhưng nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và bị đe doạ hơn. Đây là sự sống mà mỗi người nhưng cũng cả xã hội nữa phải chăm sóc: Tất cả chúng ta phải phát triển sự chăm sóc ấy bằng cách lấy việc tôn trọng vô điều kiện sự sống con người làm nền tảng của xã hội được canh tân.


Chúng ta được yêu cầu quý mến và tôn trọng sự sống của mỗi người, nam cũng như nữ, và kiên trì làm việc với lòng dũng cảm, để sau cùng trong thời đại ta đang có quá nhiều dấu hiệu chết chóc, được phục hồi một nền văn hoá mới của sự sống, là kết quả do nền văn hoá của chân lý và tình yêu.


------------------
76 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), II.
77 Sđd., IV.
78 x. văn kiện trên.
79 Đức Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), III; x. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), III.
80 Đức Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), III.
81 Piô XII, Diễn văn trước một nhóm quốc tế các thầy thuốc (24.2.1957), như trên; Thánh Bộ Giáo lý, Decretum de directa insontium occisione (2.12.1940); Đức Phaolô VI, Sứ điệp cho Truyền hình Pháp: "Mọi sự sống đều thánh thiêng" (27.1,1971); Diễn văn tại trường quốc tế Surgeons (1.6.1972); Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 27.
82 x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 25.
83 x. Thánh Augustinô, De Civitate Dei-Thành trì Thiên Chúa I, 20; Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae-Tổng luận thần học, II-II, q. 6, a. 5.
84 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), I; GLHTCG, các số 2281-2283.
85 Thư 204, 5.
86 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 18.
87 x. Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris-Đau khổ cứu độ (11.2.1984), số 14-24.
88 x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus – Năm thứ một trăm (1.5.1991), số 46; Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Giáng Sinh (24.12.1944).
89 Cf. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 97 và 99.
90 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), III.
91 x. Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae- Phẩm giá con người, số 7.
92 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae-Tổng luận thần học I-II, q. 96, a. 2.
93 x. Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae- Phẩm giá con người, số 7.
94 Thông điệp Pacem in Terris-Hoà bình trên trái đất (11.4.1963), II. Trưng dẫn trong bản văn mượn ở Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Lễ Hiện Xuống 1941 (1.6.1941). Về đề tài này, Thông điệp quy chiếu ở chú thích về Đức Piô XII, Thông điệp Mit brennender Sorge (14.3.1937); Thông điệp Divini Redemptoris-Thiên Chúa Cứu Chuộc (19.3.1937), III; Đức Piô XII, Sứ điệp truyền thanh dịp Giáng Sinh (24.12.1942).
95 Thông điệp Pacem in Terris-Hoà bình trên trái đất (11.4.1963), II, như trên.
96 Summa Theologiae-Tổng luận thần học I-II, q. 93, a. 3, ad 2um.
97 Như trên, I-II, q. 95, a. 2. Thánh Tôma Aquinô trưng dẫn Thánh Augustinô: "Non videtur esse lex, quae iusta non fuerit" (Luật mà không công bằng thì không phải luật), De Libero Arbitrio, I, 5, 11.
98 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), số 22.
99 x. Sách GLHTCG, các số 1753-1755; Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), các số 81-82.
100 Khảo luận về Tin Mừng Gioan, 41, 10; x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 13.



Theo gpnt.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét