HVĐHDC - Hiện nay não trạng phá thai đã đang lan tràn khắp nơi. Mỗi năm trên thế giới có khoảng trên 42 triệu ca phá thai, tức là 42 triệu em bé bị tước đoạt quyền sống, tương đương với một nửa dân số Việt Nam bị tiêu diệt!
Chỉ riêng ở Việt Nam, dù chưa có luật tự do phá thai vậy mà tỉ lệ phá thai cao gấp ba lần nước Mỹ, mặc dù tổng số dân chỉ bằng 1/4 nước họ (nước Mỹ hơn 350 triệu dân, với tỉ lệ phá thai khoảng 1 triệu ca/năm). Thậm chí, con số này còn cao hơn cả tổng số ca ở các nước thuộc Liên Minh Châu Âu cộng lại. Quý vị nghĩ gì khi trên thế giới có hơn 42 triệu ca thì riêng đất nước ta đã chiếm gần ba triệu ca rồi ? Tại sao một dân tộc vốn tự hào có truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân đạo, rồi “lương y như tử mẫu”… lại ra nông nỗi này?
Chỉ riêng ở Việt Nam, dù chưa có luật tự do phá thai vậy mà tỉ lệ phá thai cao gấp ba lần nước Mỹ, mặc dù tổng số dân chỉ bằng 1/4 nước họ (nước Mỹ hơn 350 triệu dân, với tỉ lệ phá thai khoảng 1 triệu ca/năm). Thậm chí, con số này còn cao hơn cả tổng số ca ở các nước thuộc Liên Minh Châu Âu cộng lại. Quý vị nghĩ gì khi trên thế giới có hơn 42 triệu ca thì riêng đất nước ta đã chiếm gần ba triệu ca rồi ? Tại sao một dân tộc vốn tự hào có truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân đạo, rồi “lương y như tử mẫu”… lại ra nông nỗi này?
Trước thực trạng trên, mỗi người có một thái độ, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Từ suy nghĩ nhận thức đúng đắn dẫn đến thái độ đúng mực, từ thái độ đúng mực dẫn đến hành động đúng mức. Những thái độ khác nhau tùy thuộc vào suy nghĩ, hiểu biết, tính cách, chung quy do giáo dục. Nhưng xét cho cùng, dù những thái độ khác nhau thế nào thì cũng chỉ xoay quanh ba quan điểm sau:
a. Ủng hộ phá thai: nếu không thì lấy đất đâu mà sống, cơm đâu mà nuôi, bôi tro trát trấu vào mặt dòng họ à?
b. Thờ ơ im lặng, hoặc cho rằng: bận lắm, dại gì giây vào “chuyện nhạy cảm” ấy! Tốt nhất là để cho các vị quyền cao chức trọng giải quyết?
c. Tích cực Bảo Vệ Sự Sống – Văn Minh Tình Thương, bằng mọi cách có thể: như ngọn nến nho nhỏ thắp lên những ngọn nến nhỏ khác, ngàn vạn ngọn nến sẽ xua tan đêm đen?
Trong ba thái độ trên, thái độ nào là đúng? Căn cứ vào đâu?
Trước hết, chúng ta biết rằng mọi sinh vật, động vật, bao gồm cả loài người, đều có một mẫu số chung: BẢN NĂNG SINH TỒN, hay còn gọi là bản năng sống, thiên hướng sống. Một cây hoa bị vùi dập nó vẫn đâm chồi nảy lộc hướng tới mặt trời; một con chó dù quý chủ thế nào đi nữa, nếu bị đánh, nó cũng tìm đường tẩu thoát. Sinh vật, động vật còn như thế huống chi là con người !
Không những thế, loài người có lý trí, ý chí, khao khát sống, khao khát sự thật, nhất là sự thật tối thượng và hạnh phúc vĩnh cửu thì bản năng tự nhiên này còn quan trọng hơn nữa. Đó là luật tự nhiên bất di bất dịch. Thuật ngữ luật tự nhiên, trong tiếng Anh là natural law, tiếng Pháp loi naturelle, bắt nguồn từ tiếng La tinh lex naturalis. Luật có nghĩa là trật tự, thứ tự. Tự nhiên có nhiều nghĩa: thiên nhiên, bản chất, yếu tính. Như thế luật tự nhiên có nghĩa là trật tự tự nhiên nó như thế, bất di bất dịch.
Thực vậy, luật này không do con người tạo ra. Nó nằm ngay trong chính bản tính tự nhiên của con người. Chúng ta chỉ dùng lý trí nhận ra và thừa nhận nó như thế. Sở dĩ có luật cấm giết người cũng do phát xuất từ luật tự nhiên này. (Xin không nhầm lẫn với thuật ngữ luật của tự nhiên, law of the nature, tức là quy luật vận hành của vũ trụ, thiên nhiên). Người không có niềm tin tôn giáo thì giải thích rằng: tự nhiên nó như thế thì gọi là luật tự nhiên. Ngược lại, người Kitô hữu cho rằng luật tự nhiên này nằm trong luật vĩnh cửu do Thượng Đế tạo nên. Như thế, không ai có thể phủ nhận luật này dù đứng trên bất kỳ quan điểm nào.
Chính bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 được coi là đỉnh cao văn minh thời đại, cũng căn cứ trên luật tự nhiên qua đó khẳng định những quyền phổ quát áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tuyên ngôn này trước tiên khẳng định: Tất cả mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền (điều 1). Rồi tiếp theo, mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân (điều 3). Có một điều đáng tiếc rằng bản tuyên ngôn này chỉ nói bảo vệ sự sống con người từ khi sinh ra. Có nghĩa là những thai nhi không được hưởng quyền nào ? Hay phải ngầm hiểu rằng quyền sống của thai nhi nằm trong quyền của người mẹ ?!?
Mặt khác, nói đến quyền không thể bỏ qua trách nhiệm, quyền của người này là trách nhiệm của người kia và ngược lại. Từ hơn hai ngàn năm trước, triết gia Platone đã xây dựng một mô hình xã hội lý tưởng, trong đó mọi người đều đối xử với nhau theo luật đạo đức, xã hội được hướng dẫn bởi các triết gia, ai nấy chu toàn bổn phận của mình. Trong một xã hội toàn người đạo đức thì chẳng cần đến những điều luật nào ép buộc cả.
Kinh Thánh cũng nói: yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 8). Tuy nhiên, triết gia Aristotle cũng là đồ đệ của Platone khẳng định rằng, trên thế gian này không có mẫu người hoàn hảo, do vậy, xã hội phải được điều hành theo luật pháp. Triết gia Tommaso d’Aquino, Tiến Sĩ Hội Thánh, định nghĩa luật: “ordinatio rationis ad bonum commune ab eo qui curam communitatis habet promulgata” (Tommaso d’Aquino, Summa Theologiae, Iª-IIae q. 90 a. 4) nghĩa là nó phải hội đủ bốn nguyên tắc sau:
a. Là trật tự của lý trí: ordinatio rationis.
b. Hướng đến thiện ích chung: ad bonum commune.
c. Do người đứng đầu chịu trách nhiệm ab eo qui curam communitatis habet
d. Phải thông qua để mọi người được biết: promulgata
Thiếu một trong những nguyên tắc trên đây, đặc biệt hai nguyên tắc đầu tiên, thì luật đó phải bị coi là bất công, là phi lý. Tất cả các luật dân sự khác cũng phải tuân theo những nguyên tắc căn bản này. Cũng theo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thì luật của các quốc gia cũng không được trái với công ước mà họ ký kết. Nghĩa là, luật quốc gia phải tuân theo công ước, công ước phải tuân theo luật tự nhiên, qua đó bảo đảm những quyền căn bản nhất của con người. Trái điều này là vi phạm nhân quyền.
Cho đến nay, rất nhiều quốc gia, đi đầu là Mỹ ngay từ những năm 1970, rồi các nước Châu Âu đã hợp pháp hóa hành động phá thai thừa nhận và bảo vệ quyền được phá thai của người phụ nữ. Họ quan niệm rằng, thai nhi chưa phải là một con người, cho nên phá thai không phải là giết người. Đặc biệt những người ủng hộ phá thai còn cho rằng phá thai là dấu chỉ văn minh tiến bộ!
Có thực sự là văn minh tiến bộ không?
Như đã phân tích phía trên, tất cả mọi luật do con người tạo ra phải tuân theo luật tự nhiên. Phá thai trái với lẽ tự nhiên, bởi lẽ, nó hủy diệt giai đoạn đầu tiên của của sự sống con người, bao gồm: thời kỳ thai nghén, thời kỳ thơ ấu, thời niên thiếu, thời trưởng thành, rồi lão hóa và chết. Không phải ngẫu nhiên mà người ta tính tuổi mụ, tức là tuổi nằm trong bụng mẹ đó sao? Sự sống con người là toàn bộ các giai đoạn phát triển đó hợp thành.
Điều đó hiển nhiên không phải bàn cãi. Các bộ phận cơ thể đã được hình thành ngay từ những tuần đầu tiên trong lòng mẹ, từ các chi thể đến những giây thần kinh. Những gì gọi là phát triển thì đã tiềm ẩn trong giai đoạn trước đó rồi. Sự sống con người là phép lạ tuyệt vời nhất do bàn tay vô hình của Thiên Chúa thêu dệt trong cung lòng người mẹ. Ngài mới chính là nguyên nhân tác thành, còn cha mẹ là nguyên nhân chất liệu. Càng những giai đoạn đầu, sự sống con người càng phải được bảo vệ. Do vậy, luật tự do phá thai là phi lý, bất công.
Ngược dòng lịch sử từ những năm 1970 về trước, giới Y Khoa vẫn còn băn khoăn liệu phôi thai đã thực sự là con người hay không, nhưng ngày nay khi công nghệ máy siêu âm ra đời, và nhất là khi ngành Phôi Thai Học đã tiến bộ, thì không ai có thể phủ nhận rằng phôi thai đã là một con người. Thuật ngữ thai nhi, phôi thai bắt nguồn từ tiếng La tinh fetus có nghĩa là một em bé, một thai nhi, một con người còn rất bé nhỏ. Có nghĩa là đó là một con người! Và xin lỗi, chẳng lẽ có ai lại mang thai chó bao giờ đâu mà bảo thai nhi không phải là người?!?
Nếu phá thai là quyền của người mẹ, thì đâu là quyền sống của các thai nhi? Có thể có người vẫn lý sự rằng, thai nhi chưa phải là người mà! Thế thì họ biện minh làm sao với những trường hợp sinh non sau tháng thứ 5 trở đi? Em bé vẫn sống, nó không phải là người hay sao? Chị Gianna Jessen, một người sống sót sau phá thai, đã nói: “Nhân danh quyền của người phụ nữ, người ta đã tước đoạt quyền sống của tôi”
Ngược dòng lịch sử, một thời gian rất dài dân nô lệ cũng không được nhìn nhận là người, phải sống kiếp trâu ngựa thì sao ? Trong lịch sử Giáo Hội, cũng một thời những tín hữu không được coi là người thì sao ? Chẳng nói đâu xa, người Công Giáo Việt Nam dưới triều Nguyễn bách hại Đạo bị coi là quân tả đạo thì sao, ngay thời nay, cách nào đấy dân có Đạo cũng chỉ là công dân hạng hai thì sao ?
Lại có ý kiến nói rằng, nếu không phá thai thì lấy đất đâu mà sống. Nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng có thực sự như thế không ? Tại sao đất nước ta mấy năm vừa qua có thừa đất cho mấy đại gia xây dựng hàng trăm sân golf ăn chơi? Tại sao hàng chục tỉnh phía Bắc có đất cho ngoại bang thuê mà lại không có đất cho các thai nhi được sống, thậm chí chết không được chôn cất đàng hoàng tử tế? Ở nhiều nước Châu Âu bây giờ chính phủ còn phải thêm trợ cấp, khuyến khích sinh con thì sao?
Chưa hết, quý vị nghĩ gì khi thời nay con người gào thét đòi phải thông qua đạo luật phá thai cho bằng được, đồng thời cũng lại kêu gào cho bằng được phải thông qua luật bảo vệ... chó? Giải thích thế nào đây khi người ta tỏ ra ghê sợ khi nghe nói ăn thịt chó, mà lại không hối tiếc khi phá thai ? Điều đó chẳng đáng suy nghĩ sao?
Trong diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ Têrêxa Calcutta đã phát biểu: “Tôi cảm thấy sự phá hủy bình an ghê gớm nhất thời nay chính là phá thai. Đó là chiến tranh trực tiếp, giết người trực tiếp. Nếu một người mẹ còn có thể giết chính con mình, thì có gì bảo đảm rằng bạn không giết tôi và tôi không giết bạn vì giữa chúng ta chẳng có mối liên hệ gì cả?” Cả thế giới gọi Người là Mẹ, nhưng được bao nhiêu người lắng nghe lời tâm huyết ấy?
Thực vậy, bác sĩ Nathanson, một người đi tiên phong trong hoạt động phá thai, từng góp tay hợp pháp hóa đạo luật phá thai, là giám đốc trung tâm phá thai lớn nhất thế giới ở New York, cướp đi sinh mạng của hơn 75 ngàn thai nhi vô tội, rồi sau đó hối tiếc, ăn năn hối cải và gia nhập Công Giáo, ông đã viết sách tự thú có đoạn: “Tôi vẫn thường tự hỏi mình: chẳng phải nạn phá thai đang là căn nguyên của tất cả những vấn đề xã hội đó sao ? Chẳng phải não trạng phá thai đã nhập nhiễm vào nền văn hóa của chúng ta đến mức nó đã làm ô nhiễm trầm trọng mọi cơ cấu xã hội bao phủ lên đời sống chúng ta: từ giáo dục, gia đình, tình dục, chính trị, cho đến kinh tế đó sao?” (Bernard N. Nathanson, The Hand Of God – A Journey from Death to Life. Regnery Publishing, 1997, p.4)
Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định sự sống con người là thiêng thánh bất khả xâm phạm ngay từ giây phút đầu tiên hình thành trong lòng mẹ cho đến khi chết tự nhiên. Người Công Giáo, phát xuất từ niềm tin vào Thiên Chúa, dẫn đến hành động Bảo Vệ Sự Sống.
Nếu tin mà không bảo vệ sự sống thì Đức Tin ấy có vấn đề, như trong thư Thánh Giacôbê đã nói: “Cũng vậy, Đức Tin không có hành động thì quả là Đức Tin chết. Ðàng khác, có người sẽ bảo:“Bạn, bạn có Đức Tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ. Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng Đức Tin không có hành động là vô dụng không ?” (Gc 2, 17 – 21).
Trong đoạn Tin Mừng Cuộc phán xét chung (Mt 25, 31 – 46), Chúa Giêsu đã phán với những người bên hữu: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm...”
Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
Chúa đã đồng hóa chính mình với những người bé nhỏ. Thử hỏi giữa nền văn minh sự chết phá thai giết chóc này, còn ai bé nhỏ hơn các thai nhi vô tội? Thực vậy, dù những con người này chưa cất được tiếng nói tự bảo vệ mình, nhưng chính vì thế họ là những con người cần được bảo vệ, chăm sóc hơn ai hết. Như thế: Im lặng trước tội ác là đồng lõa (Mục Sư Luther King), có quá đáng chăng?
Hơn bao giờ hết, ngày nay nhân loại vẫn sa đi ngã lại cùng một cơn cám dỗ như ông bà nguyên tổ xưa: kiêu ngạo muốn ngang bằng Thiên Chúa. Người ta nhân danh văn minh tiến bộ để thông qua đạo luật phi lý hủy diệt, nhân danh quyền này quyền nọ để tước đoạt sự sống thai nhi vô tội mà thực ra chỉ vì tham lam ích kỷ, ngụy biện khó khăn này nọ để hủy diệt sự sống, thậm chí bao người coi cái sĩ diện dòng tộc gia đình nhiều khi vốn đã diêm dúa lại còn quan trọng hơn là sự sống, sự thật. Nhiều khi người ta viện cớ chuyện nhạy cảm, để lảnh tránh trách nhiệm, thờ ơ trước tội ác.
Như vậy, hơn bao giờ hết con người ngày nay phải sám hối, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm hại.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Chúng con đã xúc phạm đến Chúa, đến các thai nhi vô tội cách trực tiếp hoặc gián tiếp khi im lặng thờ ơ.
Xin thanh tẩy tâm hồn thân xác chúng con khỏi mọi tội lỗi. Xin thắp lên trong lòng chúng con ngọn nến nho nhỏ yêu thương BẢO VỆ SỰ SỐNG.
Xin mở mắt những người trẻ chúng con để dõi theo ánh sáng Chúa đang chiếu tỏa trong bóng đêm cuộc đời giữa nhiều thứ ánh sáng mầu mè làm chúng con hoa mắt.
Xin mở đôi tai để chúng con biết lắng nghe Lời Ngài giữa cuộc đời có quá nhiều náo động.
Xin mở miệng lưỡi và đôi tay chúng con để chúng con có thể cao rao tình thương của Ngài bằng hành động cụ thể giữa cuộc đời nhiều sóng gió chực nhấn chìm con thuyền Đức Tin.
Xin dùng lửa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi ham hố để trở nên máng cỏ đơn sơ cho Chúa ngự.
Xin dắt chúng con đến gặp Chúa đang hiện diện nơi những thai nhi vô tội bị loại ra khỏi cuộc đời, và những người sống lay lắt bên đời. Amen.
Xin thanh tẩy tâm hồn thân xác chúng con khỏi mọi tội lỗi. Xin thắp lên trong lòng chúng con ngọn nến nho nhỏ yêu thương BẢO VỆ SỰ SỐNG.
Xin mở mắt những người trẻ chúng con để dõi theo ánh sáng Chúa đang chiếu tỏa trong bóng đêm cuộc đời giữa nhiều thứ ánh sáng mầu mè làm chúng con hoa mắt.
Xin mở đôi tai để chúng con biết lắng nghe Lời Ngài giữa cuộc đời có quá nhiều náo động.
Xin mở miệng lưỡi và đôi tay chúng con để chúng con có thể cao rao tình thương của Ngài bằng hành động cụ thể giữa cuộc đời nhiều sóng gió chực nhấn chìm con thuyền Đức Tin.
Xin dùng lửa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi ham hố để trở nên máng cỏ đơn sơ cho Chúa ngự.
Xin dắt chúng con đến gặp Chúa đang hiện diện nơi những thai nhi vô tội bị loại ra khỏi cuộc đời, và những người sống lay lắt bên đời. Amen.
ĐÌNH CHẨN, 30.3.2011
0 bình luận:
Đăng nhận xét