(Tin tuc) - Được làm mẹ là một trong những điều kỳ diệu và thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Nhưng không ít người đã tự mình khước từ đi thiên chức ấy, chối bỏ những đứa con mà chính họ mang nặng đẻ đau...
Tại sao mẹ bỏ con…?”
Nằm khuất trong con ngõ nhỏ thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và suy dinh dưỡng Hà Nội đang là mái ấm của 25 trẻ từ 0 – 3 tuổi với những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Có những em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, có những em là nạn nhân trong các chuyên án, các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em…nhưng hầu hết các em trong mái ấm đều là những trẻ em bị bỏ rơi.
Tình mẫu tử là không thể thay thế nhưng các mẹ sẽ cố gắng bù đắp phần nào cho các con dẫu biết rằng chẳng bao giờ là đủ |
Nhìn những gương mặt hồn nhiên vui đùa trong mỗi lớp học, bà Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc Trung tâm không giấu được nỗi buồn: “Các con vào đây mỗi con một hoàn cảnh, một số phận nhưng đều rất đáng thương, vừa mới sinh ra đã bị cha mẹ chối bỏ, bị tước đi quyền thiêng liêng nhất về một mái ấm gia đình.
Có cháu bị vứt bỏ ngay trong bệnh viện khi vừa lọt lòng mẹ, có những cháu bị cho vào thùng rác, vào những hộp các tông, rồi lại có những cháu bị bỏ lại trên đường, bến xe nơi nhà ga…”.
Câu chuyện của bé Hy Vọng vẫn như một sự ám ảnh với tất cả các mẹ trong trung tâm. Cô bé bị vứt lại trong một thùng rác khi mới chỉ được vài tháng tuổi. Trên cái hình hài bé xíu, da tái thâm, đôi bàn tay, bàn chân lạnh cứng, những tiếng khóc nấc cứ giật lên từng hồi nhiều khi lạc hẳn đi không ra thành tiếng. Đặc biệt, gương mặt em bị biến dạng mà người ta bảo có lẽ bị vứt trong thùng rác nên bị chuột cắn.
“Vết cắn trên má làm biến dạng gương mặt, và làm biến dạng cả nụ cười của con. Nụ cười bị xô dúm lại như có sự đau đớn xô đẩy bởi từng lớp da non. Ngay từ khi sinh ra con đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Bị cha mẹ, người thân vứt bỏ, đến cả nụ cười của con cũng không được trọn vẹn” – bà Thủy chia sẻ.
Và sau 3 lần tiến hành phẫu thuật chỉnh hình với bao nhiêu khó khăn, đau đớn, nụ cười Hy Vọng đã trở lại.
Lật giở cuốn hồ sơ lưu, bà Thủy đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh của cô bé được gửi về từ gia đình nuôi ở nước ngoài. Giờ đây Hy Vọng đã lên 4 tuổi, trông đáng yêu và bụ bẫm. Đặc biệt, khi sang cùng bố mẹ nuôi, em lại được nhiều lần chỉnh hình nên khuôn mặt giờ đây đã hoàn toàn bình thường, nụ cười lại hồn nhiên rạng rỡ. Tất cả dường như đã xóa đi những tổn thương cho cô bé bị vứt bỏ đáng thương ngày nào.
Cũng gặp phải bất hạnh như Hy Vọng, Nhân cũng là một cảnh đời buồn. Trong một buổi sáng mùa đông rét mướt, một người đi nhặt phế liệu sớm đã nhặt được em gần một công trường xây dựng ở khu vực Dịch Vọng Hậu. Khi đó, em chỉ được quấn trong một chiếc quần đùi nam đặt trong một chiếc hộp các tông nhỏ và dây rốn vẫn còn loằng ngoằng trước bụng.
Rồi có không ít những trường hợp các con được bố mẹ đưa vào, nhưng rồi chỉ một thời gian họ đã không bao giờ trở lại. Hầu hết những trường hợp như thế đều là những ông bố bà mẹ còn rất trẻ, có khi họ chỉ là những cô cậu sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Tâm sự về những trường hợp này, bà Thủy ngậm ngùi: “Có lần tìm đến trung tâm là một đôi bạn trẻ vẫn còn đang là sinh viên. Ban đầu khi đưa con đến trung tâm thì có cả hai người, nhưng rồi dần dần chỉ thấy người mẹ trẻ hàng tháng lủi thủi đến chăm con. Hỏi ra mới biết: cũng chỉ được thời gian đầu cha đứa trẻ còn quan tâm chăm sóc, nhưng rồi anh ta cũng đã bỏ đi.
Có thể đó là những sai lầm từ những bồng bột của tuổi trẻ, nhưng có lẽ người mẹ trẻ kia vẫn còn dũng cảm vì đã không vứt bỏ đi đứa con của mình. Dù chỉ đến gặp con khi rảnh rỗi, có khi cả tháng mới tới với con một lần, nhưng có lẽ, ở đây như thế với con đó đã là sự may mắn. May mắn vì con vẫn còn được biết đến tình mẫu tử, vẫn nhận được sự quan tâm của người mẹ. Con được sinh ra và vẫn biết rằng mẹ con là ai”.
Con trẻ không có tội, nhưng lại phải chịu những bất hạnh từ chính tội lỗi của người lớn |
Chúng tôi gặp Thu. Em đưa đôi bàn tay nhỏ xíu với lấy những quả bóng xung quanh, mái tóc vàng, làn da trắng và cặp mắt xanh khiến cho mỗi người tiếp xúc không khó nhận ra em là một “đứa con lai”. Thu là kết quả mối tình của một cô sinh viên và một chàng du học sinh người Pháp. Và giờ đây, khi bố đã bay về Pháp, mẹ phải tiếp tục theo học năm cuối thì Thu vẫn gắn bó với trung tâm.
Mịt mù hành trình những đứa con tìm mẹ
“Dù thế nào chúng con cũng mong muốn được tìm về với gia đình ruột thịt của mình. Dẫu họ có không thừa nhận chúng con, dẫu chúng con có trách họ nhiều lắm nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng con luôn mong biết được cha mẹ mình là ai. Con mong các mẹ và mọi người ở Việt Nam giúp đỡ chúng con để chúng con được gặp cha mẹ gia đình mình dù chỉ là một lần” - đó là khát khao cháy bỏng của anh em Quân – Thủy sau hành trình định cư 10 năm ở Mỹ cùng gia đình cha mẹ nuôi.
Tâm sự về hoàn cảnh của hai anh em, bà Thủy chia sẻ: “Khi chúng tôi nhận Quân và Thảo, lúc ấy Quân chỉ khoảng 6 tuổi, Thảo khi đó mới khoảng 3 tuổi. Nhưng lạ là hai cháu chỉ nhớ được tên mình là Quân và Thảo, còn lại không nhớ được bất cứ một thông tin gì về gia đình cũng như người thân của mình. Kiểm tra sức khỏe cho hai cháu thì thấy cháu Quân bị tim bẩm sinh, tình trạng khi đến rất nguy kịch, còn cháu Thảo thì bị viên gan B. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà người nhà, bố mẹ cháu đã bỏ hai cháu lại nơi quán nước ven đường. Ngày Quân lên bàn mổ, chỉ có một phần sống còn tới 9 phần chết”.
Sau 3 năm ở trung tâm, Quân – Thảo đã được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi. Năm 2008, cả gia đình đã cùng trở lại Việt Nam. Hai anh em vẫn đau đáu về ước vọng tìm lại gia đình và xin nhờ cậy ở các mẹ tại trung tâm.
Bé Tùng cũng là một trường hợp đau lòng. Gương mặt bầu bĩnh nhưng đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước, ngày ra khỏi trung tâm của Tùng được tính bằng ngày ra khỏi song sắt của mẹ và bà ngoại. Sau khi mẹ bị bắt, chỉ một thời gian bà ngoại cũng bị bắt vì tội vì tội buôn bán và tàng trữ chất ma túy .
Được cơ quan công an chuyển hồ sơ về trung tâm, ngày đầu tiên đến đây, nhìn đôi mắt ngây thơ, khóc thét lên gọi bà của Tùng, không ai có thể cầm lòng được. Hai năm qua, chưa một lần em được gặp bà hay gặp mẹ.
Con trẻ không có tội, nhưng lại phải chịu những bất hạnh từ chính tội lỗi của người lớn. Và đau đớn và thiệt thòi hơn khi tội lỗi ấy các em phải gánh chịu từ những người làm cha, làm mẹ…
0 bình luận:
Đăng nhận xét