Home » » Bảo vệ sự sống - cần nhiều tấm lòng

Bảo vệ sự sống - cần nhiều tấm lòng

cuucshuehn.net - Phá thai là một tội ác xúc phạm và chống lại sự sống con người, thường xảy ra trong một xã hội mà đạo đức bị đè bẹp bởi lối sống thực dụng. Trước những tiếng kêu cứu thấu trời của các bào thai vô tội bị tước đoạt mạng sống, chúng ta phải làm gì đây?

Trước khi bắt đầu, xin quý vị đọc qua bài thơ và nghe bài hát sau đây:




Mẹ ơi! Xin đừng giết con!
Tác giả: Hương Vĩnh (Đỗ Tân Hưng AN49)

Mẹ ơi!
Con là hòn máu đỏ lòm của Mẹ:
Một thai nhi tuy chưa cử động nói năng,
Nhưng có đủ cơ phận con người…


Con vốn kết tinh bởi khí huyết mẹ cha
Trong một phút ân ái đậm đà:
Trong vòng lễ giáo hay vụng trộm,
Nhưng kết quả đâu có khác…


Con là mầm sống còn trong trứng nước.
Khi trọn tháng ngày sinh nở,
Con sẽ là một em bé mũm mĩm thiên thần!


Mẹ ơi!
Mẹ nỡ lòng nào lại muốn giết con???


Con chưa cất tiếng khóc chào đời,
Chưa được thấy ánh mặt trời chói lọi,
Chưa nhìn ngắm mưa rơi tí tách trên hè phố.


Con chưa được uống đôi dòng sữa Mẹ,
Chưa được bàn tay Mẹ âu yếm vỗ về,
Chưa một lần được nghe tiếng Mẹ ru hò à ơ!


Con hoàn toàn là hòn máu vô tội,
Con chưa thốt lên một lời khiến đau lòng Mẹ.
Con chưa xúc phạm đến Mẹ một lần!
Sao Mẹ nhẫn tâm muốn giết hại con!!!


Những oan trái trong cuộc đời Mẹ
Trút xuống thân phận mỏng dòn
Và vô phương tự vệ của con.
Mẹ muốn bảo tồn hư danh của Mẹ
Bằng cách cất lấy mạng sống con đi!!!


Một phút lỡ lầm của Mẹ
Đánh đổi bằng chính mạng sống của con???
Những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của Mẹ
Được khoả lấp bằng cái chết oan nghiệt của con???


Mẹ ơi!
Con đâu có tội tình gì
Mà phải phanh thây nát đầu
Tay chân tả tơi... như bị xâu xé bởi mãnh thú???


Mẹ đang ngồi chờ ở phòng nạo phá thai
Đề đưa con vào chỗ sát sinh
Với đôi mắt đỏ hoe nhỏ lệ
Mẹ đành lòng xin bác sĩ xé xác con đi!


Mãnh thú còn biết bảo vệ con thú nhỏ,
Mẹ làm người có lương tâm đạo lý,
Sao Mẹ nhẫn tâm đến độ ghê tởm:
Cho phép bác sĩ bầm dập thân con!!!


Khi con tan xương thịt nát,
Mẹ lê bước đến những phần mộ vô danh
Ờ nghĩa trang Đồng Nhi Pleiku
Hoặc Nghĩa Địa Các Thánh Anh Hài ở Huế….


Với nhang khói và hoa tàn trong tay
Mẹ khóc than trong ân hận,
Khi con đã trở thành cát bụi hư không,
Do chính bàn tay tàn ác của Mẹ!!!


Mẹ ơi! Con van lạy Mẹ!
Con van lạy Mẹ muôn ngàn lần
Khi Mẹ đang đọc những lời con gào thét đây!


Xin Mẹ đừng bịt tai
Khi lương tâm Mẹ đang kêu gào:
Hãy dừng tay lại! Hãy dừng tay lại!
Mẹ ôi!
Kẻo rồi đây, mọi sự đều quá trễ!!!


Nếu Mẹ có ăn năn thì sự đã rồi!
Mẹ có ân hận suốt đời,
Tiếng nói lương tâm của Mẹ
Sẽ không bao giờ im bặt!!!


Còn con đã đi vào cõi vĩnh viễn hư không
Của những cô hồn vất vưởng,
Để làm chứng tá
Cho những tội ác tày trời của Mẹ!!!
(Thai nhi bất hạnh của Mẹ)
Mùa đông 2005
Hương Vĩnh


I. Thực trạng:

- Những con số biết nói thay cho các thai nhi vô tội:

Theo thống kê năm 2008 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới (xếp ngang với Trung Quốc và Bangladesh). Số lần nạo hút thai trung bình của một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nước ta (19-45 tuổi) hiện nay là 0,5 lần. Con số này chiếm tỷ lệ cao ở các thành phố, đô thị lớn. Có những trường hợp từ 15-39 tuổi đã nạo thai tới 3-4 lần...

Cũng theo thống kê tại Việt Nam năm 2008, mỗi năm Việt Nam có 1,2 – 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó có tới 20% trường hợp là học sinh trung học phổ thông [1]. Đó chỉ là mặt nổi có thể thống kê được, thực tế con số thường phải gấp nhiều lần, bởi lẽ đa số do tâm lý nghi ngại đã tìm đến các cơ sở tư nhân.
Nếu chỉ lấy con số tối thiểu 3 triệu ca nạo phá thai trong một năm thì mỗi ngày có gần 10.000 trẻ bị tước quyền sống, quyền làm người, bởi chính những người cha người mẹ.

Các thông tin gần đây còn cho thấy tỉ lệ người phá thai vị thành niên ngày càng tăng. Trong một cuộc Hội thảo tại Tp HCM ngày 17-1-2010, bác sĩ Phạm Việt Thanh - Vụ phó Vụ Sức khỏe sinh sản cho biết: Tại TPHCM, theo thống kê trong năm 2009, số ca nạo phá thai gia tăng với khoảng 80.000 ca. Đáng lo ngại là những năm trước, tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5-7% tổng số ca nạo phá thai thì năm 2009 đã tăng lên 10%. Tại BV Từ Dũ trong năm 2009 có khoảng 20.000 ca nạo phá thai, trong đó 80% người chưa lập gia đình và 40% là trẻ vị thành niên. [2]

Tình trạng phá thai tăng theo từng năm, trở thành báo động “đỏ”, khi một số bác sĩ sản khoa gọi hiện tượng này là “bệnh”, bởi lẽ theo các bác sĩ này tại một số bệnh viện, số người đến nạo phá thai nhiều hơn số bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý sản phụ khoa khác [3].

Năm 2010, theo PGS-TS Đỗ Trọng Tấn, Vụ trưởng Vụ Dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế cho hay, tình trạng nạo phá thai vẫn cao với mức 29 ca phá thai trên 100 trẻ đẻ sống... [4]

- Báo động tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh:

Theo thống kê từ Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, số trẻ em bị bỏ rơi có chiều hướng gia tăng qua mỗi năm, bình quân có trên 300 em bị bỏ rơi/năm. Hiện toàn TP.Đà Nẵng có 839 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Theo các bác sĩ khoa sản BV Đà Nẵng, thì cho dù cẩn thận trong việc lưu giữ hồ sơ sản phụ, nhưng một số sản phụ khi vào sinh nở cố tình khai sai tên tuổi và địa chỉ nên rất khó để liên hệ với người thân khi trẻ bị bỏ rơi. [5].

Nếu như năm 2008 tại BV Hùng Vương có 42 trường hợp trẻ bị vô thừa nhận thì năm 2009 đã có hơn 80 trẻ.

Tại Khoa Phụ sản BV Đại học Y-Dược và nhiều bệnh viện tuyến quận huyện khác cũng đang gia tăng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Khoa Phụ sản, Đại học Y-Dược, băn khoăn khi số lượng 30 trẻ bị bỏ rơi năm 2008 đã tăng lên gần gấp đôi trong 2009.

Theo ghi nhận, tại phòng khám sản, hộ sinh tư nhân ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, các quận Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức của TPHCM, tình trạng trẻ bị bỏ rơi cũng diễn ra khá phổ biến. [6].

Ngày 15-7- 2005, một vụ việc nổi tiếng gây bàng hoàng dư luận là trường hợp bé Hồ Thiện Nhân (tên được cha mẹ nuôi đặt) bị bỏ rơi ở một nơi vắng vẻ khi mới 3 ngày tuổi. Khi được phát hiện, bé đang trong tình trạng bị kiến bám kín người, bị động vật ăn mất một chân (đến bẹn) và cả bộ phận sinh dục. Bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu và thoát chết sau hơn 2 giờ phẫu thuật.
Bé Thiện Nhân được mẹ nuôi Mai Anh đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Northwestern Memorial Hospital (Mỹ) nhờ vào lòng hảo tâm của nhiều người. 
Không kể đến những năm sau đó, chỉ tính riêng năm 2010 vừa qua, tại nhiều tỉnh thành, liên tục có những em bé sơ sinh bị bỏ rơi và không ít những em trong số đó đã không còn cơ hội làm người:

- Ngày 21/2/2010, người dân phát hiện trên hồ Văn Sơn, thuộc thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có một xác trẻ sơ sinh khoảng 1 ngày tuổi. [7]

- Sáng 19/4/2010, nhiều người dân đi tập thể dục qua hồ Bảy Mẫu (Hà Nội) bàng hoàng phát hiện xác một cháu bé sơ sinh chết nổi trên mặt hồ. [8]
Xác cháu bé nổi trên mặt hồ.

- Ngày 22/7/2010, một cháu bé sơ sinh chưa đầy 1 tuần tuổi cũng bị bỏ rơi ở đống rác ngay trước bến xe Hà Tĩnh và được những người hành nghề xe ôm nhặt được. Một người lái xe ôm cho biết: “May nhờ trận mưa trước đó làm cháu bé bị ướt và lạnh nên khóc và mọi người phát hiện được, không thì cháu bé sẽ bị vùi lấp trong đống rác”. [9]
 Đống rác nơi người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con mình.
 
Cháu bé bị mẹ bỏ rơi khi chưa đầy một tuần tuổi.
- Ngày 27/9/2010, một bé trai sơ sinh khoảng 5 ngày tuổi bị bỏ rơi giữa đường vào Khu công nghiệp Bắc Quảng Bình. Những người đi đường nghe tiếng khóc và phát hiện cháu bé trong một bọc vải. [10]

- Ngày 30/9/2010, trong lúc phân loại rác đưa đi xử lý, một số công nhân của Công ty Cổ phần Vietstar (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) cũng đã phát hiện xác một bé gái sơ sinh nặng 2kg được gói trong bọc ni lông. [11]

- Ngày 08/10/2010, tại khu vực 1, phường Hưng Thạnh, Cần Thơ, người dân phát hiện một bé trai được đựng trong thùng xốp đang trôi vào gốc cây sát mé sông. Ngay lập tức người dân đưa bé đến trạm y tế trong tình trạng toàn thân lạnh cóng, da mặt tái xanh, rốn vẫn chưa được cắt và nhau vẫn còn dính trên mình bé. Bé nặng 3,9kg, trắng trẻo và rất bụ bẫm, vừa mới sinh cách đó khoảng 3-4 tiếng. Điều kỳ diệu là cháu bé đã được cứu sống. [12]




- Chiều ngày 11/10/2010, Bệnh viên Đa khoa khu vực thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, tiếp nhận một trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ trong thùng rác của trạm y tế xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) do anh Trần Quốc Việt phát hiện. Cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ nhưng đã chết sau đó. [13]
- Ngày 8/11/2010, trong khi tiến hành thu gom và đốt rác tại bến xe cuối phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm), anh Phạm Quốc Việt (24 tuổi, trú tại Xuân Trường, Nam Định) đã phát hiện xác một bé sơ sinh bị mất đầu và một cánh tay, bị bỏ trong túi nilon.Nhiều người dân cho rằng, khả năng thi thể bé sơ sinh này đã bị chuột bọ tấn công chứ không phải do tác động từ phía con người. [14]

- Ngày 16/11/2010, tại nơi mồ mả đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9, TP.Hồ Chí Minh), người ta đã phát hiện một đứa trẻ vẫn còn ngậm dây rốn nằm trong túi ny lông... [15]

- Sáng 23/12/2010, nhiều phụ nữ hốt hoảng khi phát hiện một bé trai sơ sinh toàn thân tím tái, đang hấp hối trong sọt rác nhà vệ sinh nữ bến xe khách Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Khi được phát hiện, cháu bé ở tình trạng bị bỏ vào một chiếc túi bóng đựng rác trong nhà vệ sinh nữ. Lúc này, toàn thân cháu bé đã tím tái, vẫn còn nhau và dây rốn chưa được cắt, miệng cháu đầy giấy vệ sinh, đang hấp hối. [16]

- Mới đây nhất, chiều 28/12/2010, tại khu vực cầu Ba Bôi, ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, một người dân phát hiện bên trong thùng xốp là một bé gái sơ sinh còn sống vẫn nguyên dây rốn. Trên người trần trụi không hề được quấn tã lót hay mặc quần áo. Cháu bé nhanh chóng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Dầu Giây, huyện Thống Nhất - Đồng Nai. Bé sơ sinh là bé gái, nặng 3,2kg. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt, hiện sức khoẻ của cháu bé đã dần hồi phục. [17]


II. Những nỗ lực đề cao và bảo vệ sự sống.

Không bàn đến những nguyên nhân, gốc rễ của những hiện tượng trên, bởi lẽ chúng thuộc tầm mức vĩ mô, dài dòng, có những nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngoài tầm tay của mỗi người chúng ta. Vả lại, không nói thì ai cũng đã rõ. Ở đây tôi chỉ muốn đặt câu hỏi: Tôi, anh, chúng ta phải làm gì đây trước những hiện tượng đau buồn kinh hãi trên?

- Bác ái Kitô giáo cần được thể hiện trong việc bảo vệ và chăm sóc cho sự sống:sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh; sự sống ấy là một điều thiện không thể chia tách được. Vậy cần phải chăm sóc cho mọi sự sống và sự sống của mọi người[18].
Có rất nhiều cá nhân, tổ chức, ngày ngày âm thầm đến các phòng khám sản khoa, các bệnh viện để xin xác các thai nhi bị phá đem về mai táng. Chúng ta có thể gọi đó là “những bàn tay thiên thần” (xem bài viết: “Những bàn tay thiên thần” đăng trên website Cựu Chủng sinh Huế). Đó cũng là công việc linh mục Nguyễn Hữu Giải, giáo phận Huế và nhóm cộng sự đã làm trong nhiều năm qua. Con số thai nhi được ngài chôn cất lên đến hơn 40.000 tại Nghĩa Trang Thai nhi giáo xứ Ngọc Hồ. Ngài cũng đã tiếp cận, khuyên nhủ và đã đưa nhiều thiếu nữ lầm lỡ trở về với cuộc sống. (xem bài “Nghĩa trang Thiên Thần tại Huế: Nơi chôn cất thai nhi” đăng trên website Cựu Chủng sinh Huế).

Công việc này góp phần làm cho nhiều người ý thức được phẩm giá cao cả của con người là hình ảnh của Thiên Chúa, đồng thời là tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi và đòi quyền được sống, được làm người của các thai nhi.

- Chung tay với cộng đồng vun đắp và bảo vệ sự sống:
những trung tâm tương trợ sự sống và những nhà hoặc trung tâm tiếp nhận sự sống luôn sẵn sàng phục vụ sự sống mới sinh ra. Nhờ hoạt động của những cơ sở đó, rất nhiều bà mẹ độc thân và rất nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn tìm lại được lẽ sống và niềm tin khi có được sự trợ giúp và nâng đỡ để vượt qua khó khăn và sợ hãi trước việc đón nhận một sự sống sắp sinh ra hoặc vừa mới chào đời
[19].

Phật pháp cũng có câu: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tầng tháp”.

Việc lập Nghĩa trang để chôn cất thai nhi chỉ dóng lên tiếng nói cảnh tỉnh đối với xã hội. Cần phải quyết liệt ngăn chặn việc giết chết các thai nhi. Đó là lý do các Trung tâm bảo vệ sự sống ra đời. Nơi đây các thiếu nữ lầm lỡ có được cơ hội tĩnh tâm, suy nghĩ về việc làm của mình. Họ được tiếp xúc với những người đồng cảnh ngộ, được dạy dỗ về giá trị của sự sống, và nhất là được cảm thông, nâng dỡ…để vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Tại giáo phận Huế, linh mục Nguyễn Hữu Giải đã mang lại sự sống cho hàng ngàn trẻ em được sinh từ những người mẹ “bất đắc dĩ”, và cũng chừng đó bà mẹ đã thoát được nỗi ám ảnh giết chết con của mình.

Một câu chuyện cảm động vừa được báo chí đăng tải: Ngày 16-11-2010, tại Phước Long, Tp. HCM, một bé gái mới sinh bị bỏ rơi bên ngoài một phòng trọ. Bà Nguyễn Thị Bé, chủ nhà trọ phát hiện vội vàng đưa đến trạm y tế. Bé gái được cứu sống và được chị Nguyễn Thị Thu Hương ở gần đó đứng ra nhận nuôi.
Lúc xảy ra sự việc, không ai biết người mẹ ruột của cháu bé là một thiếu nữ 19 tuổi, từ Quảng Trị vào làm thuê cho một gia đình tại Đồng Nai lúc mới 14 tuổi. Năm 18 tuổi, L. (tên của thiếu nữ) quen một anh công nhân rồi có thai và sinh con trong lúc chung quanh không một người thân thích. May mắn gặp được lòng tốt của những người láng giềng, cháu bé được cứu sống và người mẹ bất đắc dĩ cũng hồi tâm chuyển ý.

Hai ngày sau, ông ngoại của cháu bé từ Quảng Trị vào xin được nhận cháu mình.

Sau những giây phút lỡ lầm dại dột, ngày 24-11-2010, trong căn phòng trọ nhỏ bé, mọi người thấy L. đang hạnh phúc bên con gái của mình. Tất cả là nhờ tấm lòng bao dung, cảm thông và hỗ trợ của những người chung quanh. Mọi người đều cho rằng cô gái đang thương hơn là đang trách.

Chỉ có sự cảm thông, nâng đỡ mới có thể hoán cải người lầm lỡ.

Linh mục Trần Văn Quí, giám đốc Caritas giáo phận Huế, tiếp nối công việc của linh mục Nguyễn Hữu Giải và những kinh nghiệm của ngài, đã ưu tư làm thế nào xây dựng một cơ sở để đón tiếp các thiếu nữ lầm lỡ, cho họ một cơ hội, và nhất là sự nương tựa lúc cần thiết.

Thiết nghĩ đây là một chương trình hết sức cần thiết và cấp bách trong hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt, như trên đã nói nếu chậm trễ, mỗi ngày có hàng ngàn sự sống bị tước đoạt một cách hết sức nhẫn tâm.

Cha Trần Văn Quí đã gửi Thư Ngỏ đến các thành viên Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế (xin xem: “Thư ngỏ Bảo vệ Sự Sống” trên website CCS Huế) . Và được biết Ban Đại diện CCS Huế vùng Sàigòn-Xuân Lộc đã lên tiếng vận động ủng hộ Chương trình Bảo vệ Sự sống tại giáo phận Huế.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời khơi dậy ý thức của nhiều người về phẩm giá con người, chúng ta có thể và nên làm:


- Truyền thông, phổ biến, kêu gọi nhiều người lên tiếng ủng hộ chương trình Bảo vệ Sự sống nơi những người chung quanh tại chính môi trường mình đang sống.
- Góp phần theo khả năng để ngăn chặn việc tự ý giết chết các thai nhi vô tội, không có khả năng tự vệ và không được bảo vệ
- Chung tay xây dựng cơ sở tiếp nhận các thiếu nữ lầm lỡ theo tinh thần Thư Ngỏ của linh mục Trần Văn Quí, giám đốc Caritas giáo phận Huế.

Làm được như thế chính là góp phần đấu tranh cho quyền con người, đặc biệt quyền được sống của các thai nhi.

Lê Văn Hùng HT69



----Nguồn tư liệu:
[1] xem http://www.giaoducsuckhoe.net/article.asp?articleID=1100&CategoryID=2&SubCategoryID=1&SpecialtyID=9
[3] xem http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/20090410093920.aspx
[4] xem http://www.cimsi.org.vn/Default.aspx?action=News&newsId=8178
[5] xem http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/moi-nam-co-tren-300-tre-so-sinh-bi-bo-roi.aspx
[6] xem http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2010/9/236495/
[7] xem http://www.tinmoi.vn/Phat-hien-xac-tre-so-sinh-ben-ho-021716.html
[8] xem http://www.tinmoi.vn/Phat-hien-mot-xac-tre-so-sinh-tai-ho-Bay-Mau-0411618.html
[9] xem http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/be-so-sinh-bi-bo-roi-tren-dong-rac-c46a312177.html
[10] xem http://giadinh.net.vn/20100729093530604p0c1000/be-trai-5-ngay-tuoi-bi-bo-roi-giua-nga-ba.htm
[11] xem http://giadinh.net.vn/20101001032023807p0c1000/phat-hien-xac-tre-so-sinh-trong-dong-rac.htm
[12] xem http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/10/3BA215B8/
[13] xem http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2010/10/3ba217b6/
[14] xem http://www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi/doisongxh/201011/Ha-noi-chan-dong-vu-xac-tre-so-sinh-khong-dau-2014526/
[15] xem http://www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi/doisongxh/201011/Ly-ky-chuyen-cuu-song-be-gai-con-ngam-ron-trong-vuon-rau-2016683/
[16] xem http://dantri.com.vn/c20/s20-369379/be-trai-so-sinh-bi-bo-roi-tim-tai-trong-nha-ve-sinh.htm
[17] xem http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Phat-hien-be-gai-trong-thung-xop-con-day-ron/27347
[18] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 87. Chính trong lúc trợ giúp kẻ đói khát, người xa lạ, kẻ mình trần thân trụi, bệnh tật hay tù đày - cũng như sự trợ giúp em bé sắp sinh, người già nua đau ốm hay gần kề cửa tử thần - mà chúng ta được gọi phụng sự Chúa Giêsu, như chính Ngài đã nói: «Những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các con đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40).
[19] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 88: «Còn có những tổ chức khác như các cộng đồng phục hồi người nghiện ngập, cộng đồng tiếp nhận vị thành niên hay bệnh nhân tâm thần, trung tâm chăm sóc và tiếp nhận bệnh nhân SIDA, nhất là hiệp hội tương trợ người tàn tật, tất cả đều là tiếng nói hùng hồn của đức ái». Cũng vậy, «chính đức ái tìm ra những dạng thức thích hợp nhất hầu cho những người có tuổi, đặc biệt những người không thể sinh sống một mình và những bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối cùng có thể thọ hưởng một sự trợ giúp hết sức nhân đạo và nhận được những đáp ứng phù hợp với các nhu cầu của họ, nhất là với những gì liên quan đến nỗi lo âu và sự cô đơn của họ».
Tác giả bài viết: Lê Văn Hùng HT69
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế 

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét