Bài Thuyết Trình của Đức Cố Hồng Y Alfonso López-Trujillo
Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình
Trình bày tại Đại Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đình, Ngày 19 tháng 7, năm 1998
Một lần nữa, tôi xin nhân dịp này cám ơn Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đình, và đặc biệt là ông bà Jerry và Gwen Coniker, đã tổ chức Đại Hội này và đã mời tôi tham dự.
Chúng ta đã suy nghĩ về đặc quyền và nhiệm vụ của gia đình trong công tác truyền thụ Tin Mừng qua việc dạy Giáo Lý và cầu nguyện trong gia đình. Công tác đa dạng của các bạn cũng nhấn mạnh đến việc gia đình được mời gọi để truyền giáo trong xã hội thế nào. Các bạn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các Giờ Thánh Đừng Sợ, về vai trò của Bí Tích Thánh Thể trong việc kết hợp và củng cố gia đình như một cộng đoàn truyền giáo, và vai trò của gia đình trong việc tôn trọng sự sống trong xã hội ra sao. Các bạn tìm cách đem niềm hy vọng đến cho gia đình khi gặp khó khăn trong ơn gọi truyền thụ Tin Mừng. Vậy chúng ta hãy bỏ một chút thì giờ suy nghĩ về những đề tài trên.
Gia Đình và Việc Bảo Vệ Sự Sống
Nhân loại ngày nay có vẻ dã man và bất nhân hơn bao giờ hết, bất kể những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học.
Như các bạn đã biết, hiện nay mỗi năm có trên 50 triệu trẻ em vô tội bị thanh trừng bởi tội ác phá thai. Điều này chẳng khác gì mỗi năm toàn thể dân chúng nước Ý Đại Lợi bị tiêu diệt trong cuộc chiến tàn bạo và tồi tệ nhất.
Đó là cuộc chiến chống lại những người cô thế và vô tội, là những người cũng có quyền sống, là quyền căn bản mà không ai có thể từ chối được.
Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Từ giây phút thụ thai, “người được thụ thai” là một hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để thành con cái Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Tẩy.
Đức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] đã dạy rằng có hai Tin Mừng không thể tách rời nhau được: Tin Mừng cho gia đình, là Tin Mừng cho mọi người, vợ chồng, con cái và xã hội! Và cũng có Tin Mừng Sự Sống: Sự sống con người là hồng ân của Thiên Chúa và chỉ thuộc quyền Thiên Chúa. Sự sống con người thiêng liêng. Con người không phải là một sự vật, không phải một dụng cụ mà một người có thể sử dụng, thao túng và vất đi. Không ai có quyền muốn làm gì thì làm với đời sống của một con người vô tội. Thông Điệp Evangelium Vitae của ĐTC Gioan Phaolô II là một thông điệp vĩ đại và lịch sử trong việc bảo vệ sự sống con người.
Hội Thánh bênh vực sự sống con người với tình yêu và lòng can đảm, cùng công bố hồng ân tuyệt vời này là hồng ân mà gia đình cũng phải công bố, rao truyền và bảo vệ. Thưa các phụ huynh, không có của cải nào quý giá hơn là con cái quý vị! Hội Thánh bênh vực sự sống của mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, yếu đuối nhất và thiếu thốn nhất, các trẻ em chưa được sinh ra, các bệnh nhân, và sự sống của các bậc lão thành. Thời nay người ta bị cám dỗ khai trừ tất cả những người này vì coi họ là gánh nặng cho xã hội và cho chính gia đình.
Hội Thánh nhắc nhở chúng ta rằng là con người, họ đã được Đức Kitô cứu chuộc và Người cũng đã hiến mạng sống Người cho họ. Người đã yêu tôi và đã hiến mạng sống Người cho tôi! Người cũng làm thế cho các bệnh nhân, cho những người bị khinh rẻ. Điều gì là điều then chốt và là lý do của giá trị cao cả của con người? Điều then chốt là người ấy là một người được Thiên Chúa yêu thương… quá mức đến nỗi mà Chúa Giêsu phải cứu chuộc người ấy trên Thập Giá.
Không ai, không một quyền lực nào, không một quyền bính nhân loại nào, một quốc hội nào, một chính phủ nào, có thể dành cho mình quyền thế và quyền đối xử với một con người như sự vật và quyết định rằng người ấy không có quyền sống.
Thật là một gương mù không những chi cho các tín hữu mà còn cho tất cả mọi người khi nghe về những tội ác phạm đến những người nghèo đói và thiếu thốn nhất.
Một Cuộc Vận Động Vĩ Đại Vì Sự Sống
Việc bảo vệ sự sống, nền văn hóa sự sống, tìm được sự hỗ trợ lớn lao nhất từ các gia đình. Thể chế gia đình có một sứ vụ là bảo vệ sự sống, giáo dục nó và đưa nó đến sung mãn.
Các bạn đã biết rõ lời mời gọi mà Hội Thánh đưa ra cho chúng ta qua Thông Điệp Evangelium Vitae, là tham gia vào “một cuộc vận động vĩ đại vì sự sống.” Thông Điệp này đặc biệt mời gọi các gia đình trở thành phương tiện mà qua đó Nền Văn Hóa Sự Sống được phục hồi. Quả thật, Đức Thánh Cha đã vạch ra rằng một trong những ly do mà phá thai và giết chết êm dịu là những tội ác tầy trời khủng khiếp vì chúng xảy ra trong gia đình, là nơi che chở sự sống. Vì thế Ngài tiếp tục quả quyết rằng, “Trong số ‘những người vì sự sống và cho sự sống’, gia đình có một nhiệm vụ tiên quyết. Nhiệm vụ này phát sinh từ chính bản chất của gia đình là một cộng đồng sự sống và tình yêu… Như một Hội Thánh Tại Gia, gia đình được triệu tập để công bố, cử hành và phục vụ Tin Mừng Sự Sống” (EV, số 92).
Bí Tích Thánh Thể và việc Bảo Vệ Sự Sống
Bí Tích Thánh Thể dạy các gia đình và thúc đẩy họ bảo vệ sự sống. Chúng ta hãy nhìn đến một vài điểm trong lãnh vực này.
Bằng một cách đặc biệt, các bạn đang có mặt ở Đại Hội này biết rằng các gia đình được thêm sức mạnh trong ơn gọi này qua việc cùng nhau tôn sùng Thánh Thể. Việc tôn kính như thế kéo các phần tử lại gần nhau hơn trong mối giây bác ái là điều thiết yếu của những gia đình vững mạnh. Việc làm giờ thánh gia đình, được hội Tông Đồ này cổ võ, ghép gia đình vào sứ vụ hằng ngày của Hội Thánh để thăng tiến Tin Mừng Sự Sống.
Hội Thánh không thể tồn tại được nếu không có Bí Tích Thánh Thể. Gia đình Kitô hữu cũng thế. Sức bổ dưỡng của gia đình đến từ Mình và Máu Thánh Chúa. Sứ vụ làm Hội Thánh Tại Gia của gia đình cũng được tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể và dẫn nó trở lại cùng Bí Tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả đời sống và hoạt động của Hội Thánh.
Quyết tâm thăng tiến nền Văn Hóa Sự Sống của gia đình lãnh nhận hình thái và sức bổ dưỡng của nó từ Bí Tích Thánh Thể như là một Bí Tích của Đức Tin, của sự hiệp nhất, của đời sống, của việc phụng tự và của tình yêu.
Bí Tích Thánh Thể là một Bí Tích của Đức Tin. Chúng ta không thấy gì khác nơi Bánh Thánh trước khi và sau khi Truyền Phép. Bánh Thánh có cùng một hình dáng, mùi, vị, và cảm giác như một tấm bánh. Chỉ có một trong năm ngũ quan nhận ra sự thật. Như Thánh Thôma diễn tả trong ‘Adoro Te Devote’ rằng, “Người ta đều bị đánh lừa vì nhìn, đụng chạm, và nếm Người. Nghe và tin vào lời nói thì mới tin Người?” Tai nge Lời Người, “Đây là Mình Thầy; đây là Máu Thầy,” và Đức Tin dẫn đưa chúng ta vào phía sau bức màn che của sự vẻ bề ngoài.
Các Kitô hữu thường có cái nhìn vượt qua những vẻ bề ngoài. Em bé nằm trong máng cỏ không nhìn giống Thiên Chúa chút nào; hay con người bị treo trên Thập Giá cũng chẳng sao. Nhưng nhờ Đức Tin mà chúng ta biết con người ấy không phải chỉ là người. Sách Thánh Kinh không có hào quang tỏa ra giữa những sách khác, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta biết rằng sách ấy là Lời đặc biệt của Thiên Chúa. Thánh Thể có vẻ như chỉ là bánh và rượu, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta thưa “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” khi chúng ta quỳ gối thờ lạy.
Cũng một động lực của Đức Tin giúp chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những mầu nhiệm này, cũng làm cho chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những người lân cận của mình. Chúng ta có thể nhìn đến những người chung quanh chúng ta, đến những người làm chúng ta khó chịu, hay những người xấu xí, hoặc những người nằm bất tỉnh trên giường bệnh, và có thể nói rằng, “Đức Kitô cũng ở đấy. Đó là anh em tôi, chị em tôi, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa!” Bằng cùng một động lực chúng ta cũng có thể nhìn vào một em bé trước khi được sinh ra và nói, “Đây cũng là anh em tôi, chị em tôi, có nhân phẩm ngang hàng như mọi người và đáng được bảo vệ như những người khác!” Có một số người sẽ nói rằng đứa trẻ trong bụng, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên, quá nhỏ để được bảo vệ bởi Hiến Pháp. Có phải Bánh Thánh quá nhỏ để có thể là Thiên Chúa, và vẻ bề ngoài quá khác Thiên Chúa để chúng ta thờ kính không? Một mảnh vụn nhỏ nhất của Bánh Thánh cũng hoàn toàn là một Đức Kitô. Đức Tin Thánh Thể là một thuốc giải độc mạnh cho quan niệm nguy hiểm là giá trị tùy thuộc vào kích thước, hoặc sưc mạnh, hay bất cứ đặc tính nào khác. Là gì chứ không phải có gì, mới là nguồn gốc của phẩm giá.
Hãy tưởng tượng tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới là những người đang rước Lễ hôm nay. Có phải mỗi người đang đón nhận một cái gì khác nhau không? Chẳng phải mỗi người đang đón nhận một và chỉ Đức Kitô duy nhất? Qua Bí Tích này, Đức Kitô là Chúa, Đấng ngự trị vinh hiển trên Thiên Đàng đang kéo tất cả mọi người lên với Chính Người. Chính Người là Đấng lôi kéo chúng ta lên với Người, rồi Người kéo chúng ta lại với nhau. Thánh Phaolô giải thích về điều này, “Chúng ta, tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh” (1 Cor 10:17). Khi chúng ta gọi nhau là “anh chị em,” chúng ta không chỉ dùng ẩn dụ để phản ảnh một cách mờ ảo sự liên kết giữa con cái cùng một cha mẹ. Sự hợp nhất chúng ta có trong Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn sự hợp nhất giữa anh chị em ruột thịt, bởi vì chúng ta có cùng chung một máu: Máu Thánh của Đức Kitô! Kết quả của Thánh Thể là chúng ta trở nên một, và đều này đòi buộc chúng ta phải lo lắng cho nhau như chúng ta lo lắng cho bản thân mình.
Đây là sự hợp nhất của gia đình: chúng ta đã khám phá ra chúng ta là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể kêu lên, “Abba,” có nghĩa là, “Cha ơi!” Chính Chúa Thánh Thần làm chứng cho tinh thần chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Rom 6:16). Tất cả đều là con cái.
Hãy tưởng tượng một người lên Rước Lễ, sau khi lãnh nhận Bánh Thánh, người ấy bẻ ra một mảnh trả lại cho vị linh mục. Điều này tượng trưng cho những gì xảy ra khi một người tẩy chay một người khác mà Đức Kitô đã cứu độ! Khi lãnh nhận Đức Kitô, chúng ta, dù thuận lợi hay không, dù muốn hay không, cũng lãnh nhận toàn thể Đức Kitô, trong tất cả các phần tử của Người, là anh chị em của chúng ta.
Như Thánh Gioan ghi nhận, Đức Kitô đã phải chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một.” Tội lỗi phân tán. Đức Kitô kết hợp. Chữ “diabolical (ma quỷ)” có nghĩa là “cắt ra từng mảnh.” Đức Kitô đến “để tiêu diệt công trình của ma quỷ” (1Ga 3:8). Bí Tích Thánh Thể xây dựng gia đình nhân loại trong Đức Kitô là Đấng mời gọi, “Hãy đến với Thầy, hãy nuôi các con bằng Máu Thầy, hãy trở thành Thân Thể Thầy.” Trong một động lực trái ngược, việc phá thai nói, “Cút đi! Chúng ta không có chỗ cho ngươi, chúng ta không có thì giờ cho ngươi, chúng ta không muốn ngươi, chúng ta không có trách nhiệm về ngươi. Hãy tránh đường cho chúng ta đi!” Việc phá thai tấn công sự hợp nhất của gia đình nhân loại bằng cách cắt ra từng mảnh mối liên hệ cơ bản nhất giữa hai người: người mẹ và đứa con. Bí Tích Thánh Thề, như là Bí Tích của Hợp Nhất, quay ngược động lực của phá thai lại.
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Sự Sống. “Ta là Bánh Hằng Sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6:47-58). Hy tế Thánh Thể là chính hành động của Đức Kitô mà nhờ đó Người tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta họp nhau lại để dự Hy lễ này chúng ta mừng việc sự sống chiến thắng sự chết, và như thế cũng chiến thắng phá thai. Phong trào phò sự sống không phải hoạt động cho chiến thắng mà hoạt động từ chiến thắng. Như Đức Thánh Cha đã nói ở Denver năm 1993, “Đừng sợ. Kết quả của cuộc chiến phò sự sống đã được định đoạt.” Công việc của chúng ta là áp dụng chiến thắng đã được thiết lập vào mọi phương diện của xã hội chúng ta. Cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của công việc ấy.
Bí Tích Thánh Thể là hành vi Thờ Phượng Thiên Chúa Tối Cao. Mỗi người cần học hai bài học là, “1. Có Thiên Chúa. 2. Không phải tôi.” Bí Tích Thánh Thể là một Hy lễ hoàn hảo, nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, và nhìn nhận rằng “Ngài có quyền được mọi tạo vật vâng phục” (Sách Lễ, Ca Nhập Lễ Ngày Thứ 3 Trong Tuần). Ngược lại, việc phá thai công bố rằng sự chọn lựa của người mẹ là tối cao. “Tự do chọn lựa” được coi là đủ để biện minh cho ngay cả việc cắt một em bé ra từng mảnh. Chọn lựa bị tách ra khỏi chân lý là thờ ngẫu tượng. Nó trái ngược với việc thờ phượng chân chính. Nó cho rằng tạo vật là Thiên Chúa. Tự do chân chính chỉ được tìm thấy trong việc tùng phục chân lý và Thánh Ý Thiên Chúa. Tự do thật không phải là khả năng muốn làm gì thì làm, mà là khả năng có thể làm điều phải.
Cuối cùng, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Thánh Gioan giải thích, “Nhờ điều này mà chúng ta biết được tình yêu, là Chúa Giêsu Kitô đã thí mạng sống Người vì chúng ta” (1 Ga 3:16). Đức Kitô dạy, “Không có tình yêu nào lớn hơn là của người thí mạng sống mình cho bằng hữu” (Ga 15:13). Biểu tượng đúng nhất của tình yêu không phải là trái tim mà là Tượng Chịu Nạn.
Phá thai là điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu. Tình yêu nói, “Tôi hy sinh chính mình vì lợi ích của người khác.” Phá thai nói, “Tôi hy sinh người khác vì ích lợi của tôi.” Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu và lãnh nhận sức mạnh để sống tình yêu này. Hơn nữa, những kẻ cổ võ việc phá thai cũng dùng cùng một lời Chúa dùng để dạy chúng ta ý nghĩa của tình yêu: “Đây là mình tôi.” Bốn chữ bé nhỏ này được nói lên từ đầu kia của vũ trụ, với những kết quả hoàn toàn trái ngược. Đức Kitô thí mình Người để người khác được sống; những kẻ ủng hộ phá thai giữ chặt lấy thân xác mình để cho người khác phải chết. Đức Kitô phán, “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; Đây là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con.” Đó là những lời của hy sinh; đó là những lời của tình yêu.
Năm 1994 tại Washington, Mẹ Têrêxa đã nói rằng chúng ta chống phá thai bằng cách dạy cho người mẹ tình yêu thực sự có nghĩa gì: “sẵn lòng cho đi đến lúc bị tổn thương… Như thế, người mẹ đang nghĩ về phá thai phải được giúp đỡ để yêu, nghĩa là biết cho đi đến khi chương trình hay thì giờ nhàn rỗi của người mẹ ấy bị tổn thương, để người mẹ ấy tôn trọng sự sống của con bà.”
Gustave Thibon đã nói rằng Thiên Chúa thật biến đổi sự bạo tàn thành đau khổ, trong khi đó Thiên Chúa giả biến đổi đau khổ thành bạo tàn. Người phụ nữ có ý phá thai sẽ biến đổi cái đau khổ của chị thành bạo tàn trừ khi chị ấy để cho tình yêu biến đổi chị, và làm cho chị bằng lòng hy sinh. Bí Tích Thánh Thể ban cho chúng ta cả bài học lẫn sức mạnh. Một người Mẹ phải nói, “Đây là mình mẹ, máu mẹ, sự sống mẹ, mẹ sẽ nộp cho con là con mẹ.”
Thường thì phụ nữ là nạn nhân của lương tâm xấu của xã hội.
Mọi người muốn chống phá thai cũng cần phải nói cùng những lời như trên. Chúng ta cần thực thi cùng một sự đại lượng mà chúng ta yêu cầu các người mẹ thực thi. Chúng ta phải bắt chước những mầu nhiệm mà chúng ta cử hành. “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” có thể áp dụng cho tất cả chúng ta theo nghĩa là chúng ta cùng chịu đau khổ cách yêu thương với Đức Kitô để cho người khác được sống. Chúng ta phải giống như cột thu lôi giữa cơn giông tố kinh hoàng của bạo tàn và hủy diệt này, và thưa, “Lạy Chúa, con sẵn lòng lãnh nhận một phần nào sự bạo tàn này và nhờ tình yêu mà biến đổi nó thành sự đau khổ riêng của con, để người khác được sống.”
Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể ban lệnh tiến quân cho phong trào phò sự sống. Bí Tích này cũng ban cho nó nguồn năng lượng, đó là tình yêu. Quả thế, nếu phong trào phò sự sống không phải là một phong trào của tình yêu, thì nó không còn là gì cả. Nhưng nếu nó là phong trào của tình yêu, thì không có gì có thể chặn đứng được nó, vì “Tình yêu mạnh hơn sự chết, và có quyền năng hơn cà hỏa ngục” (Nhã Ca 8:6).
Kết Luận
Kính thưa anh chị em, các gia đình lành mạnh là hy vọng của thế giới, vì thế chúng ta phải xây dựng các gia đình lành mạnh ấy với một ý nghĩa hy vọng cao cả. Nhìn thấy những sự dữ trên thế gian không thể làm cớ cho chúng ta bỏ trốn thế gian, nhưng ngược lại làm cho chúng ta tích cực tìm cách đối thoại với nó về ơn cứu độ.
Như là một sự hỗ trợ cho niềm hy vọng ấy, tôi xin phép kết luận bằng cách mời anh chị em chú ý đến Đại Hội Thế Giới của Đức Thánh Cha với các Gia Đình ở Rôma, mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình sẽ bảo trợ trong Mùa Thu của Năm Thánh 2000. Cuộc gặp gỡ này được đánh dấu bằng một Hội Nghị Thần Học Mục Vụ, bằng một cuộc cử hành Lời Chúa và chúc tụng vui mừng cùng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và bằng Một Phụng Vụ Thánh Thể do Đức Thánh Cha cử hành, là một giây phút của ân sủng trọng đại có thể giúp chúng ta đào sâu sự hiểu biết, quyết tâm, và hiệp nhất giữa những người cùng hoạt động vì sự sống và gia đình. Hai lần gặp gỡ trước cũng vậy, lần thứ nhất được tổ chức ở Rôma trong Năm Quốc Tế về Gia Đình (1994), và lần thứ nhì được tổ chức năm ngoái ở Rio de Janeiro. Tôi nhiệt tâm hy vọng rằng nhiều người trong anh chị em, hợp cùng nhiều người khác trong Nước Hoa Kỳ, sẽ có thể tham gia cuộc hành hương Đức Tin đến Rôma trong năm 2000, để hợp nhau cầu nguyện cùng với các gia đình khác từ khắp nơi trên thế giới.
Nguyện xin Chúa chúc lành dồi dào cho anh chị em, gia đình anh chị em, và công việc rất trọng yếu mà anh chi em đang làm cho Nước của Người.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Nguồn: Dân Chúa USA
0 bình luận:
Đăng nhận xét