Home » » Sự Sống – quà tặng của Thượng Đế

Sự Sống – quà tặng của Thượng Đế

Một điều nghịch lý trong xã hội của chúng ta, đó là có những người ngược xuôi tốn phí tiền của và thời gian để mong sinh được một đứa con, trong khi có những người đang tâm hủy bỏ mầm sống trong lòng mình; Có những bệnh nhân ung thư, cố gắng chạy chữa, hầu kéo dài sự sống bao lâu có thể, trong khi đó có những người đang khỏe mạnh sung mãn lại tự kết liễu đời mình; Dư luận rất nhạy cảm với hình ảnh những động vật bị giết, nhưng lại rất thờ ơ với việc phá thai, tức là giết chết chính đồng loại của mình. Tiếc thay, những nghịch lý này ngày càng nhiều, là nguyên nhân của biết bao tệ nạn xã hội. Con người đã đánh mất thức rằng sự sống là ân ban vô giá mà Thượng Đế ưu ái trao ban. Trân trọng và bảo vệ sự sống là giáo huấn quan trọng của các tôn giáo nói chung và đặc biệt là Kitô giáo.

Một cặp vợ chồng được báo chí nêu gương về lòng nhân ái, đó là anh chị Tống Phước Phúc, sinh năm 1976, ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hơn mười năm qua, anh chị đã âm thầm làm việc phúc đức, đó là đi gom thai nhi bị phá bỏ về an táng. Anh chị đã mua 5.000 m2 đất để làm nghĩa trang mang tên “Nghĩa trang đồng nhi” và đã an táng 11.000 hài nhi xấu số. Báo chí cũng cho biết, anh chị còn nuôi gần một trăm trẻ mồ côi. Không biết anh chị Phúc theo tôn giáo nào, nhưng điều đã thôi thúc anh chị hy sinh, đó là lòng nhân ái. Anh tâm sự: “Một sinh linh dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, tôi lập nghĩa trang đồng nhi làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đang tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình” (x. Báo điện tử “An ninh thủ đô” ngày 11-1-2015).

“Bảo vệ sự sống” là một loại hình mục vụ mới xuất hiện từ hơn một thập niên trở lại đây. Đây là công việc âm thầm và đòi hỏi hy sinh. Theo quan niệm dân gian, xác chết là người “cõi âm”. Liên hệ đến xác chết có thể gây nhiều rủi ro phiền toái, nên tốt nhất là xa tránh. Vậy mà anh chị em thiện nguyện của các nhóm Bảo vệ sự sống lại chấp nhận làm cái việc “khóc người dưng” ấy. Được biết, từ Bắc vào Nam đều có những nhóm thiện nguyện làm việc thiện này, trong số đó có nhiều nhóm Công giáo và một số dòng tu. Những sinh linh bé nhỏ vô tội không được cất tiếng khóc chào đời rất cần có người bao dung chăm sóc. Tại Hải Phòng, nhóm bảo vệ sự sống công giáo đã hoạt động được gần 10 năm nay. Cũng như trong trường hợp của anh Tống Phước Phúc, lúc đầu, các bác sĩ còn ngờ vực cho rằng đây là những hoạt động mờ ám. Một số người còn phao tin, đây là nhóm người đi lấy thai nhi để làm bùa ngải… Với thời gian, anh chị em thiện nguyện đã gây được lòng tin nơi các thầy thuốc. Có những người mẹ, sau khi cam tâm hủy diệt mầm sống trong lòng mình, đã tìm đến nơi nghĩa trang cầu nguyện để phần nào vơi đi sự ân hận muộn màng.

Mặc dù chưa được chào đời, những thai nhi là những con người. Có rất nhiều câu chuyện được kể liên quan đến các thai nhi bị giết hại. Nhiều lúc, người ta nghe thấy, tiếng trẻ em nô đùa và vui hát mà không nhìn thấy ai. Có em về “báo mộng” cho biết ngôi mộ của mình đã bị sập. Có những khi các em báo trước những ngày sắp tới sẽ có những sự việc xảy ra, mà sau đó, họ thấy những tiên báo đó trở thành hiện thực. Một điều mà ai cũng cảm nhận, đó là niềm vui và sự thanh thản khi tham gia những hoạt động từ thiện này.

Những hoạt động từ thiện nêu trên cũng gây được tác động nơi một số bác sĩ. Dù là luật nhà nước Việt Nam cho phép phá thai, nhưng theo luật Thiên Chúa, đó là một tội ác. Nhiều bác sĩ đã tâm sự: “Cũng biết phá thai là điều ác, nhưng vì là cái nghề cái nghiệp thì phải làm”. Có bác sĩ kể lại kinh nghiệm đau thương trong nghề, khi có trường hợp phá thai khi quá lớn, mắt em bé đã bị giết còn mở trừng trừng một cách ai oán. Người thầy thuốc phải xin lỗi em và sau đó mắt em mới khép lại. Có lẽ đó là cái nhìn ám ảnh người thẩy thuốc này suốt đời. Có nhiều người cha mẹ, đã trót một lần phá thai, sau này suốt đời ân hận và cố gắng làm việc thiện để bù đắp lỗi lầm ấy.

Một số cô gái trót mang thai, sau khi tiếp xúc với các thiện nguyện viên, đã từ bỏ ý định phá thai và đã sinh con bình thường. Tại một vài nơi, các dòng tu và tu hội đã lập những “nhà mở” để đón tiếp những em mang thai ngoài ý muốn. Nơi đây, các em được nuôi dưỡng và động viên khích lệ, để tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Những em này, sau khi sinh con, có thể để lại con của mình tại các nhà mở. Một số em, sau thời gian lưu trú tại đây và sau khi sinh con, đã chấp nhận mang đứa con mới sinh về để nuôi dưỡng. Tại những nhà mở này, tình mẫu tử được khơi dậy nơi những người tưởng chừng như hoàn toàn mất hy vọng vào tương lai. Nơi đây, họ học biết sự trân trọng sự sống, là quà tặng vô giá của Thượng Đế. Họ cũng nhận ra, được làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng. Có những người, có thể vì một nguyên nhân chủ quan hay khách quan, đã mất đi vĩnh viễn thiên chức này. Có lúc, những thiện nguyện viên gặp lại những cô gái với đứa con đã vài tuổi, lòng trào dâng một niềm vui vì thấy những em bé suýt trở thành nạn nhân của phá thai, nay được sống làm người.

Trong lãnh vực sự sống, một hiện tượng nữa đáng quan tâm, đó là càng ngày càng có nhiều người tự tử, trong số đó có những người ở tuổi vị thành niên. Lý do dẫn đến việc tự kiết liễu đời mình nhiều khi lãng xẹt: trượt thi cử, bị cha mẹ hay cô giáo mắng, mâu thuẫn bạn bè, thất tình… Có những bạn trẻ được học hành bằng cấp hẳn hoi, tương lai xán lạn trước mắt, chỉ trong một phút nông nổi đã tự kết liễu đời mình, để lại nỗi đau khổ ân hận cho người thân. Làm thế nào để giảm thiếu số người tự tử? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Một xã hội dễ dàng phá thai thì đương nhiên cũng dễ dàng tự tử. Cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Đối với các xứ đạo, vai trò của linh mục và tu sĩ không kém phần quan trọng để góp phần giáo dục ý thức tôn trọng và bảo vệ sự sống. Trong lãnh vực này, các tôn giáo đóng vai trò quan trọng, giúp con người nhận ra sự sống là ân ban của Thiên Chúa. Con người không có quyền định đoạt sự sống hay sự chết của mình.

Sách Giáo lý Công giáo đã nêu rõ quan điểm của Giáo Hội về sự sống: “Sự sống con người phải được coi là điều linh thánh, vì từ khởi đầu của mình, sự sống đó đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (Sách GLCG, số 2258).

Những “nghĩa trang đồng nhi” dù ở hình thức nào cũng là những tiếng kêu mời gọi con người hãy dừng tội ác giết người. Vì xã hội đã công nhận là hợp pháp tệ nạn phá thai, nên những hành động giết người cướp của cũng được một số người coi là “hợp pháp”? Những sinh linh bé bỏng đáng thương không được cất tiếng khóc chào đời, nhưng đang gào thét kêu gọi lương tri của chúng ta. Ước mong những người có trách nhiệm hãy tỉnh ngộ, để phẩm giá con người được tôn trọng và thế giới được an bình.

+ ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên


Nguồn: Giáo phận Hải Phòng

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét