Home » » Bài 8 - Người Công giáo có thể nại vào lương tâm để bất đồng ý kiến với Giáo hội không?

Bài 8 - Người Công giáo có thể nại vào lương tâm để bất đồng ý kiến với Giáo hội không?

Lương tâm, để được gọi là lành mạnh, phải phán đoán theo sự thật. Nhưng nếu lương tâm của một người không nhận ra sự thật trong một số giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề luân lý, thì người đó có buộc phải tuân phục giáo huấn của Giaó Hội không ? Nói cách khác, một người công giáo có thể nại đến lương tâm của mình để khước từ những điểm quan trọng trong giáo huấn của Giaó Hội không ?


1. Trước tiên, phải nói ngay rằng : lương tâm là tiếng nói tối thượng mà con người phải tuyệt đối vâng phục. Như vậy, nếu theo lương tâm, một tín hữu cho rằng một giáo huấn hay một khoản luật nào đó của Giaó Hội là sai lầm, và tuân phục giáo huấn hay khoản luật ấy là một việc sai lầm, thì dĩ nhiên người tín hữu ấy cần có thái độ bất tuân.

2. Thế nhưng, vấn đề không dừng lại ở đó. Dừng lại ở đó là chưa giải quyết xong vấn đề lương tâm. Thật thế, nói đến xung đột giữa giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm là cho rằng giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm là hai điều tách biệt nhau và đối lập nhau, tương tự như hai lực lượng đối lập trong các thể chế chính trị. Nếu cho rằng có sự đối lập hoặc có sự xung đột giữa giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm, thì chẳng khác nào bảo rằng : quyền bính của Giaó Hội là một thế lực bên ngoài áp đặt lên lương tâm của tín hữu.

Thật ra, Huấn Quyền của Giaó Hội không phải là một yếu tố bên ngoài áp đặt lên lương tâm hoặc xung đột với lương tâm, mà là một phần của lương tâm người tín hữu. Nói cách khác, tin ở sự chân thật và đáng tin của Huấn Quyền là một phần của lương tâm người tín hữu, bởi vì họ đã tự do chọn lựa như thế. Khi một người công giáo không còn tin rằng Chúa Giêsu đã ủy thác quyền giảng dạy cho Giaó Hội, thì dĩ nhiên người đó đã hoàn toàn đánh mất đức tin, người đó không còn là người công giáo nữa và người đó cũng không còn lý do để xưng mình là công giáo nữa. Tóm lại, tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội là một phần thiết yếu của bản sắc công giáo. Không thể là người công giáo mà không tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội, cũng như không thể là một người cộng sản mà không bám chặt vào Đảng.

Như vậy, trên nguyên tắc, không thể có chuyện xung đột giữa lương tâm của người tín hữu và Huấn Quyền của Gíao Hội, bởi vì tin ở Huấn Quyền của Giaó Hội là thành phần của lương tâm người tín hữu.

3. Vấn đề phải được hiểu một cách chính xác, đó là chỉ có xung đột trong lương tâm mà thôi. Tự trong đáy thẳm tâm hồn, người kitô hữu có thể cảm thấy có hai lập trường đối nghịch nhau, khó hoặc không thể dung hòa với nhau : một mặt, người đó tin nhận rằng Chúa Kitô đứng đàng sau giáo huấn của Giaó Hội ; mặt khác, người đó lại thấy rằng không thi hành giáo huấn là điều xem ra được phép. Như vậy, vấn đề không phải là lương tâm xung đột với Huấn Quyền, mà là lương tâm xung đột với chính mình. Nói cách khác, đây là tình trạng xung đột giữa hai khuynh hướng của lương tâm : khuynh hướng công giáo luôn tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội và khuynh hướng cảm thấy khó tuân theo hoặc không muốn tuân theo Huấn Quyền ấy.

Xét cho cùng, dù thế nào đi nữa, vấn đề sẽ mãi là : hoặc người đó tin ở sự bảo đảm của Thánh Thần trong giáo huấn của Giaó Hội, hoặc người đó không tin. Nếu người đó không tin rằng giáo huấn của Gíao Hội là của chính Chúa Kitô, thì người đó không còn là người công giáo nữa. Nếu người đó tin vào Huấn Quyền mà vẫn còn nghi ngờ, thì thái độ đó cũng không phải là thái độ của người công giáo.

4. Ngày nay, không thiếu những người công giáo như cảm thấy mình đang ở trong một tình trạng bị xâu xé : lương tâm bảo họ làm một điều, nhưng Giaó Hội lại bảo làm một điều khác. Trong tình trạng bị xâu xé ấy, họ lắng nghe Giaó Hội, nhưng chỉ một cách miễn cưỡng, nghĩa là như cảm thấy một sức ép từ bên ngoài. Thật ra, nếu hiểu cho nghiêm chỉnh và thấu đáo, thì Huấn Quyền không hề tạo bất cứ một sức ép nào. Nếu có sự cưỡng bách nào, thì sự cưỡng bách đó đến từ niềm tin của người tín hữu vào Huấn Quyền của Giaó Hội mà thôi, nghĩa là giáo huấn của Giaó Hội chỉ có sức mạnh nhờ vào sự xác tín cá nhân của người tín hữu. Như vậy, người tín hữu bị cưỡng bách bởi chính niềm xác tín cá nhân, hay đúng hơn bởi chính lương tâm đã được soi sáng của mình.

5. Ngoài ra, còn có một lý chứng khác nữa để khẳng định rằng người kitô hữu không thể nhân danh quyền tối thượng của lương tâm để chối bỏ Huấn Quyền của Giaó Hội. Lý chứng đó là : hành động tự do theo tiếng nói của lương tâm không có nghĩa là được phép hành động ngược lại với luật của Chúa, bên ngoài hay bên trên luật của Chúa, nhưng là phải phán đoán dựa vào luật của Chúa. Mà giáo huấn của Giaó Hội chỉ là áp dụng và triển khai luật của Chúa. Do đó, một khi nại vào tự do lương tâm để chối bỏ Huấn Quyền của Giaó Hội, thì người ta cũng chối bỏ chính luật Chúa và như thế cũng là chối bỏ chính Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

Theo website Giáo phận Phan Thiết

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.