Home » , , , » Cơ duyên kỳ lạ trở thành người “cứu rỗi” sinh linh yểu mệnh

Cơ duyên kỳ lạ trở thành người “cứu rỗi” sinh linh yểu mệnh

Nhiều năm qua, ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Nhiệm (SN 1960) vẫn đi làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không kể mưa nắng, như lịch trình đã sắp đặt sẵn, bà đi đến các bệnh viện, phòng khám tư để đưa xác hài nhi mang về chôn cất.

Đến thời điểm này, sau 10 năm “hành nghề”, những ngôi mộ bà tự tay xây cất ngày nào đã trở thành nơi yên nghỉ của hàng nghìn sinh linh xấu số.

Bà Nhiệm ngồi tâm sự về nghề “kinh dị”. Ảnh TG

“Nghề” chẳng giống ai

Nói đến thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, nhiều người biết đến một nơi đặc biệt, đó là nghĩa trang chôn cất thai nhi. Nhưng không phải ai cũng biết được rằng, phía sau những sinh linh bé nhỏ không may mắn ấy có đôi bàn tay nhân hậu của một người phụ nữ. Bà đã từ bỏ tất cả để có thể thực hiện điều mình mong muốn từ thuở còn cắp sách đến trường.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, bà Nhiệm kể về cái duyên đến với nghề được cho là “quái dị” này: “Tôi đến với công việc này rất tình cờ, manh nha trong suy nghĩ từ khi tôi mới chỉ hơn 10 tuổi. Ngày ấy, có một người quen đến xin ngủ nhờ, cô ấy kể với tôi rằng ở quê nhà cô ấy có một bệnh viện, ở đó có nhiều phụ nữ phá thai rồi đem bỏ những “sản phẩm” ấy đi. Chứng kiến nhiều lần như thế, gia đình cô ấy không nỡ để những sinh linh bé nhỏ đó bị bỏ rơi, nên họ đã đem về rồi tìm chỗ chôn cất. Từ đó, trong đầu tôi luôn nghĩ, lớn lên mình cũng phải làm một điều gì có ý nghĩa tương tự như vậy. Thời gian trôi đi, ý nghĩ đó càng không nguôi ám ảnh trong đầu. Tôi tự nhủ, họ làm được thì mình cũng có thể làm được”.

Rồi như một mối duyên nợ, cái nghề ấy đã đến với bà một cách tình cờ: “Một buổi sáng cách đây hơn 10 năm, khi tôi đang đi chợ, có mấy đứa trẻ con chơi ở ven đường cứ túm năm tụm ba vào bảo có xác chết trong một túi nylon màu đen. Tò mò, tôi tạt vào xem, lúc ngó vào tôi bàng hoàng khi thấy đó là xác một thai nhi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, cái cảm giác khi nghe câu chuyện hồi nào hiện lên mồn một trong tâm trí tôi. Tôi buộc chiếc túi lại, thả vào giỏ xe đạp đi về nhà, quên cả việc mình đang đi chợ”.

Về đến nhà, bà Nhiệm nói chuyện với mọi người trong gia đình về việc mình vừa nhặt được xác một thai nhi và tìm xem có chỗ đất nào đem chôn. Khi nghe bà nói vậy, mọi người tính đi tính lại xem có nên mang đi chôn hay không, vì ai cũng sợ bị người dân phản đối, nhưng sau cùng mọi người đều đồng ý. Ban đầu, bà Nhiệm tính chôn ở khe những ngôi mộ của người lớn, nhưng lại sợ người viếng mộ vô tình dẫm lên. Trong lúc đang phân vân, bà chợt nhớ ra trong xóm vẫn còn một mảnh đất, bên dưới là một cái hố mọc cỏ dại. Ai cũng thấy hợp lý nên xuống hỏi cha xứ ở nhà thờ gần đó; được sự đồng ý của cha, gia đình bà Nhiệm đã chôn cất cho sinh linh bé nhỏ không may mắn.

Ngôi nhà đơn sơ nơi bà Nhiệm sinh sống. Ảnh TG
Từ hôm đó, hình ảnh của những sinh linh bé nhỏ luôn hiện lên trong đầu bà Nhiệm. Sau những đêm trằn trọc, bà tự động viên mình rằng đó là một công việc thiện, nếu ai là bà trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy. Thời gian trôi đi, trong một lần bị ốm, bà Nhiệm có đến phòng khám tư khám bệnh. Trong lúc ngồi chờ, bà xót xa chứng kiến nhiều cô gái còn rất trẻ tới phá thai. Về nhà, bà không tài nào ngủ được, trong đầu luôn thôi thúc cần phải làm điều gì đó. Đến gần sáng, bà đã quyết định mình sẽ đến các bệnh viện, phòng khám rồi xin xác hài nhi về chôn cất. Và rồi cũng từ đó, bà đã lựa chọn công việc đặc biệt: nhặt xác thai nhi, một công việc chẳng giống ai.


Sợ nhưng không từ bỏ

Với sự quyết tâm, bà Nhiệm đã nói chuyện với chồng và con về tâm nguyện ấy. Nghe bà nói vậy, gia đình đã kịch liệt phản đối, ai cũng khuyên bà từ bỏ cái suy nghĩ “quái dị” đó, thậm chí nhiều lần hai vợ chồng bà mâu thuẫn nặng nề. Hàng xóm láng giềng thì nhiều người phê phán, tưởng bà bị điên, gàn dở, tự nhiên lại đi đem xác chết về làng. Duy chỉ có người em của bà Nhiệm đang đi tu có khuyên bà nên làm việc đặc biệt này.


Đại gia đình nhà bà Nhiệm. Ảnh TG
Không từ bỏ ý định, bà đã vượt qua những lời bàn tán, nói ra nói vào của hàng xóm, đặc biệt là bà đã thuyết phục được gia đình mình đồng ý cho mình đi làm công việc đó. “Mới đầu mình làm cái công việc này, người ta chê cười, từ già đến trẻ đều nói mình, thứ nhất là chôn hết đất người ra, rồi sẽ gây ô nhiễm, bệnh tật. Có người còn nói thẳng vào mặt mình là “mày dở người à? Ai lại rỗi hơi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế”. Lúc đó tôi cũng lo sợ lắm, nhưng tôi vẫn quyết định không từ bỏ, việc mình mình làm, đó có phải là việc xấu đâu chứ”, bà Nhiệm chậm rãi cho biết.

Bà kể, mới đầu bà đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác xin những thai nhi xấu số về để chôn cất. Hầu hết mọi nơi đều từ chối, vì không ai hiểu bà xin xác thai nhi về để làm gì. Qua dòng hồi tưởng của mình, bà chia sẻ: “Tôi chỉ đi quanh khu vực Hà Nội và những nơi nào có những phòng khám hút thai quanh địa bàn huyện Sóc Sơn để hỏi xin xác thai nhi. Lúc mới đầu mình đến xin, họ không cho mình ngay đâu, hầu hết qua quen biết thì người ta mới cho. Thường thì những chỗ nào có biển nạo hút thai thì mình vào xin, nhưng những cơ sở này đa phần là những cơ sở tư nên cũng gặp nhiều khó khăn. Những chỗ đó số lượng có nhiều, vì thực tế các thiếu nữ nhỡ nhàng đều muốn “xử lý” ở ngoài chứ không thích vào bệnh viện rất mất thời gian, rồi ghi giấy tờ và chờ đợi”.

Trong suốt những ngày làm công việc đặc biệt đó, phương tiện mà bà Nhiệm sử dụng là chiếc xe đạp đã cũ, nếu ở xa thì bắt xe buýt, về sau bà thỉnh thoảng lại nhờ được đứa cháu chở rồi bà trả tiền xăng đi lại. Có lần trong túi đã hết tiền, lại đến gần đêm mới xong việc, không còn xe bus nữa, bà đành phải bắt xe ôm về nhà. Tốn kém, nhưng miễn hoàn thành công việc là bà vui lắm rồi. Những lần xin được thi thể của các cháu không may bị bỏ rơi, bà đem về nhà tắm rửa sạch sẽ, rồi khâm liệm, sau đó cho vào những cái tiểu sao cho vừa đủ rồi mới đem đi chôn cất.

Những ngày đầu, điều khó khăn nhất chính là tìm địa điểm để chôn các em nhỏ. Cuối cùng bà Nhiệm đã bàn bạc với gia đình tình nguyện cho một mảnh đất để chôn cất thai nhi. Về sau, do diện tích vẫn còn nhỏ, tính đi tính lại mãi, cuối cùng bà cũng xin được mảnh đất 50m2 để xây dựng nghĩa trang. Thậm chí, bà còn đổi phần đất của mình cho một người em để bà có thể hiến thêm một mảnh đất nữa. Thế là diện tích nghĩa trang lên đến hơn 500m2, bao gồm mảnh đất 50m2 xin được và phần đất nhà bà. Đến năm 2007, nơi đây dần dần trở thành nghĩa trang chuyên chôn cất hài nhi, đã có đến hàng trăm ngôi mộ đã được xây dựng kiên cố. Cũng từ đây bà Nhiệm càng có động lực để có thể đi tìm kiếm những xác thai nhi không may mắn và rồi trong những chuyến đi đó, bà gặp nhiều câu chuyện mà đến bà cũng không thể ngờ được…


“Tôi chỉ có tấm lòng”

Chia sẻ về hoàn cảnh riêng, bà Nhiệm không kìm nén được cảm xúc, nghẹn ngào tâm sự, từ trước đến giờ gia đình bà vẫn làm nghề nông nghiệp là chính. Hiện giờ, nhà bà có bốn thế hệ chung sống cùng nhau, hai vợ chồng bà có sáu người con thì đã mất hai. Bản thân bà từ nhỏ đã được bố mẹ giáo dục và khuyên dạy nên làm những việc tốt. Khi học xong, bà ở nhà lao động phụ giúp gia đình. “Tôi chỉ có thể làm được công việc “quái dị” này giúp đời thôi, những việc to lớn, cao siêu khác tôi không làm được”, bà nói.

N.T

giadinh.net.vn

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét