Home » » Ngày Hiền Mẫu, cùng Mẹ con đi BVSS

Ngày Hiền Mẫu, cùng Mẹ con đi BVSS

Đúng ngày lễ tôn vinh các hiền mẫu, hôm nay, 12.05.2013 cuộc Tuần Hành Vì Sự Sống đã diễn ra tại Roma, ước tính có khoảng 40 ngàn người tham dự, trong đó phải kể đến Đức Hồng Y Raymond Burke, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Vatican, các đại diện cuộc tuần hành vì sự sống của Washington, của Paris, Balan...vv. Sau giờ diễn thuyết ở hí trường Côlôsê, dòng người như con rồng từ lòng chảo hí trường trườn lên đại lộ Fori Imperiali, tràn qua quảng trường Venezia, rồi chảy lên đại lộ Vittorio Emmanuele II, băng qua cầu trước cửa Đài Thiên thần để rồi cuối cùng dồn lại trong đại lộ Hòa Giải và hòa vào biển người đang tham dự thánh lễ phong thánh cho 802 vị ở quảng trường thánh Phêrô. Trong khi đoàn diễu hành bước đi, trong tiếng quân nhạc rước đầu, tiếng ca hát véo von, tiếng hát khen, lần hạt kính Đức Mẹ trong tháng hoa, tiếng hô khẩu hiệu Bảo Vệ Sự Sống, tiếng cười nói vui vẻ, thì máy bay trực thăng vẫn ì ì tuần hành trên bầu trời và các ngả đường xen vào đại lộ đều có chốt an ninh chặn gác cẩn thận như đôi bờ được kè đá bảo đảm an ninh cho dòng người. Nhờ đó, cơn lũ dòng người không bị tản mác mà cứ chảy đều đều như một huyết mạch làm sáng lên gương mặt già nua cổ kính của thành Roma.


(Đoàn tuần hành bắt đầu ra khỏi hí trường Côlôsê)

1. THÀNH VĨNH CỬU?

Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma!? Tự bao đời câu nói ấy đã trở nên quen thuộc với du khách thập phương mỗi lần tới kinh thành Vĩnh Cửu này (Città eterna). Phải chăng vĩnh cửu nhờ có những đại thánh đường sững sững trước nắng mưa như đền thờ thánh Phêrô, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, đến những tác phẩm điêu khắc, hội họa Phục Hưng trác tuyệt của những thiên tài bất diệt như Neonardo da Vinci, Michel Angelo, Raffaello Sanzio?! Hay phải chăng vĩnh cửu nhờ có dòng sông Tevere thơ mộng uốn mình như huyết mạch tuôn trào xuyên qua lòng thành phố đến hí trường Côlôxê, một trong bảy kì quan thế giới cổ đại vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt suốt gần hai ngàn năm nay?

Tiếng xe ồn ào và tiếng lộc cộc của mấy chú ngựa chở khách du lịch đứng đợi đại bên hí trường Colôsê khiến tôi chợt giật mình tưởng như có tiếng vó ngựa binh đao với cảnh đấu sư tử trong hí trường thời bạo chúa Nêrô mà văn hào Balan Henryk Sienkievich từng miêu tả qua tác phẩm Quo Vadis với giải Nobel văn học năm 1805.


2. BẠO CHÚA NÊRO (37-68 sau CN)


Khi ấy, Nerô đang ở đỉnh cao của quyền lực. Cảnh xa hoa và độc ác của y tất nhiên đối lập với cảnh nô lệ và dân nghèo theo Kitô giáo lãnh đạo bởi hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô. Đó là những người tay không tấc sắt, không chút quyền lực, nhưng họ trở nên rất hấp dẫn bởi tư tưởng mới mẻ của Tin Mừng, bởi tinh thần tông đồ bất khuất sau ngày lễ Ngũ Tuần, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, hiệp nhau cầu nguyện.

Hoàng đế Nêrô là một tay đầy ảo tưởng, hắn muốn viết một đại trường ca khác về sự triệt phá thành Tơroa, để làm lu mờ hình ảnh đại thi hào Hô Mơ (Homer) với kiệt tác Illiade và Odyssée. Nhưng muốn viết thì phải có cảm hứng, muốn có cảm hứng ngùn ngụt trong biển lửa thì phải đốt thành La Mã. Trước cơn mê cuồng ấy, triều thần bạo chúa khiếp tái mặt, minh thần cương trực thẳng thắn thì như lá mùa thu mà những kẻ xu nịnh thì nhiều như rươi. Một trong số đó là Tygelinux, kẻ đã đang tâm thừa lệnh thiêu cháy thành Roma vào năm 64 sau Công Nguyên. Nhưng than ôi, vốn bất tài vô dụng, khi thành đã bốc cháy ngùn ngụt như biển lửa, Nerô cũng chỉ “nhả ngọc tuân châu” ra những câu thơ nhạt hơn nước ốc, vô vị hơn thơ con cóc! Tưởng rằng miệng hoàng đế “thét ra lửa, mửa ra khói” thì cũng có gan dám chịu trách nhiệm, ai ngờ hắn chỉ là một tên hèn nhát, bởi hắn sợ quần chúng căm giận nổi dậy. Hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín hữu Kitô giáo. Hắn đã tháo cũi sổ lồng cho đám quần chúng tự phát đòi nợ máu, với tiếng thét nào là “ném bọn Kitô giáo cho sư tử”, nào là “đóng đanh vào thập giá!” tàn sát hàng loạt người vô tội bằng nanh vuốt của dã thú để bọn chúng ngồi trên hí trường mà hí hửng cười cợt, …vv. Nhưng cuối cùng, tên bạo chúa ấy cũng phải đối diện với tòa án lương tâm mình, hắn run như cầy sấy, và kết cục bằng cái chết nhục nhã.

Tựa đề tác phẩm xuất phát từ tên một tiểu thánh đường ở Roma. Truyện kể lại rằng khi Nêrô ra lệnh truy nã và khủng bố các tín hữu, thì thánh Phêrô đã tìm cách trốn thoát. Đang khi đi, Ngài thấy Chúa Giêsu hiện ra vác thánh giá đi chiều ngược lại. Thánh nhân bèn hỏi: “Quo vadis Domine?” (nghĩa là: Lạy Thầy, Thầy đi đâu vậy?). Chúa liền đáp: “Vì con rời bỏ đoàn chiên thì ta phải đến Roma để chịu đóng đinh lần thứ hai”. Thánh Phêrô đã giật mình bừng tỉnh, tức thì quay trở về Roma, rồi chịu tử vì đạo bên chân đồi Vantican. Mộ của Ngài đã được khai quật và xác định vị trí nằm ngay dưới bàn thờ chính trong đền thờ thánh Phêrô.


dòng người đi trong thành phố

3. QUÁI VẬT PHÁ THAI

Ngày nay, người ta có thể dễ dàng lên án những tên bạo chúa từ Hêrôđê sai giết trẻ em khi Chúa sinh ra ở Bê Lem tới Nêrô đốt thành La Mã và giết hại các Kitô hữu hay tố cáo những tên bàn tày sắt như Hít-le, Stalin…nhưng dường như chúng ta lại bất lực trước con quái vật mang tên Phá Thai hoành hành khắp thế giới. Nó đang ngày đêm hút máu xé thịt khoảng trên 40 triệu thai nhi mỗi năm vậy mà biết bao người vẫn cho đó là chuyện bình thường, thậm chí là văn minh. Nguy hiểm ở chỗ người ta không nhận ra những nanh vuốt trá hình của nó được bọc bởi lớp mĩ từ nào là “giải quyết hậu quả” nào là giải phóng phụ nữ, nào là quyền người mẹ…cùng với những lời hứa hão huyền như “không sao đâu! Sẽ ổn thôi mà…vv. Đúng là “Ma đưa lối, quỉ dẫn đường”, càng ảo tưởng chạy theo những gì mà con Quái Vật hứa hẹn thì tâm hồn con người sẽ càng giống tên bạo chúa, vẻ ngoài như mạnh mẽ, nhưng tâm hồn trơ lì, chai đá, và chúng sẽ để lại hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lí và tương lai nhân loại…vv.

Đây là lời“kiện tướng phá thai” với thành tích khoảng 75 ngàn ca, đã dằn vặt trăn trối: “Bây giờ phá thai đã trở thành một con quái vật khồng lồ đến mức không thể tưởng tượng nổi thậm chí là, ngôn từ trở thành lố bịch khi nghĩ đến chuyện nhốt nó trở lại chiếc cũi. Con quái vật này đã nuốt hơn 30 triệu mạng người (ấy là vào thời điểm tác giả viết sách này-ND). Tuy nhiên, trách nhiệm lại thuộc về chúng ta, một sự cố gắng của chàng lực sĩ Hercule. (….). Chính tôi là một trong những kẻ tiên phong dẫn lối trong cái thời đại man rợ này. Tôi đã hành động cực nhọc để hợp pháp hóa hành động phá thai, làm cho công chúng chấp nhận, và sẵn sàng ra lệnh. Năm 1968, tôi đã là một trong ba người sáng lập Liên Đoàn Quốc Gia Hành động cho Quyền Phá Thai. Tôi đã điều hành trung tâm phá thai lớn nhất nước Mỹ, và với cương vị giám đốc, tôi đã giám sát hàng chục ngàn ca phá thai. Trong số đó, hàng ngàn ca do chính tôi hành động. Làm sao lại xảy ra như thế được? Làm sao tôi lại có thể làm việc này?” (THE HAND OF GOD, A JOURNEY FROM DEATH TO LIFE by the Abortion Doctor Who Changed His Mind, Bernard Nathanson, M.D. p. 4. Xem bản dịch tiếng Việt Bàn Tay Thiên Chúa).


Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào thăm Đoàn Tuần Hành Vì Sự Sống
Đang khi những câu hỏi trên còn chưa có lời giải đáp, thì đoàn tuần hành đã tiến sâu vào đại lộ Hòa Giải lúc nào không hay. Cũng nơi đây, vẫn còn vang vọng tiếng vị giáo hoàng Chân Phước Gioan Phao lô II: “Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người, giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá" (xem Tin Mừng về Sự Sống, 1995 số 3).


Ngài tiếp tục khẳng định:“Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm”, cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh” (số 58).
Cũng trong số này, trước tình trạng lương tâm nhiều người không phân biệt được thiện ác, Ngài kêu gọi:“Hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. (…) Tính chất nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả biện pháp phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định và yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chố gây ra sự thủ tiêu đó” (xem, Tin Mừng Sự Sống,số 58).


4. CÙNG MẸ CON ĐI

Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Roma là thành Vĩnh Cửu. Quả thực, Roma vĩnh cửu nhờ có ngai tòa thánh Phêrô với những giá trị Kitô giáo đã làm nên nền văn minh Tây Phương (các giá trị như tự do, bình đẳng, bác ái, văn minh sự sống) dù nền văn minh ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nền “văn minh sự chết” và các chủ thuyết tục hóa. Ngai tòa ấy vĩnh cửu bởi Lời Chúa Giêsu đã hứa cho thánh Phêrô: “Con là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Vĩnh cửu bởi có Đức Mẹ, Mẹ Hội Thánh hằng che chở dẫn dắt. Vấn đề là chúng ta có thực sự tín thác nơi Mẹ và thực hành những lời Mẹ dạy hay không. Nhân ngày tôn vinh hiền mẫu, nhất là trong tháng hoa này, ước gì mỗi tín hữu Việt Nam cùng dâng lên Đức Mẹ Maria tất cả những lo âu, thao thức, yêu mến và cậy trông.


“Ave Ave Mẹ quyền uy khôn tỏ
Ave Ave Mẹ Cửa Ngõ Tin, Yêu
Mẹ Ngôi Lời ngàn trùng thánh diễm kiều
Xin đoái thương nhậm lời con cầu khấn!
Ave Ave Bảy Sự Thương huyền nhiệm
Năm Chuỗi Hường ngọc sáng lạn lung linh
Ave Ave Nữ Vương các gia đình
Trong tay Người đêm dày bừng lấp lánh!
Xin Mẹ thương thánh hóa các linh mục
Xin Mẹ thương bảo bọc hết thai nhi!
Xin hoán cải đoàn con cháu Evà
Đang lưu đày giữa biển đời giông tố.
Đàn chiên ơi, kìa Mãng Xà quái gở
Nanh vuốt trắng xé nhuộm đỏ năm Châu
Thức dậy đi! Nào thức dậy cho mau
Chuỗi vàng kinh ôm phao tàu Cứu Độ.
Ave… Maria… chuông Việt chiều than thở
Ôi La Vang… xin phù trợ chúng con!
Khỏi tà thuyết khỏi hết mọi căm hờn
Về đường lành ngợi khen Mẹ chí ái!
Như năm xưa Người hiện ra an ủi
Cứu đoàn con khỏi bách hại cùng đường
Ngát rừng Vằng bóng Mẹ trải yêu thương
Mẹ chở che, Mẹ ban ơn dẫn dắt.
Ave Maria Mẹ Âu Cơ đích thực
Ave Maria xin giải thoát chúng con
Ave Maria dâng Mẹ trót tâm hồn
Ave Maria Khiết Tâm Mẹ sẽ thắng
Ave Maria xin cho con chìm lắng
Ave Maria cho con vững cậy trông
Ave Maria cho con trái tim hồng
Ave Maria cùng Mẹ con vui bước”.


(trích Trường Ca Ave Maria, cùng người viết)

Đình Chẩn, Rm, 12.05.2013

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét