Nữ y tá giật nước, cuốn xác thai nhi: Đẫm nước mắt nghĩa trang online


Có cả câu chuyện của một chàng trai đã cố thuyết phục người yêu mình giữ lại bào thai nhưng bị cô gái cự tuyệt: "Bố hận bản thân bố quá vô dụng đã không giữ được con trong cuộc đời này. Bố rất mong con được sinh ra, hằng ngày được bế con, được nghe con gọi bố ơi một lần. Thế nhưng bố không thể thuyết phục được người đó giữ con … Bố đã khóc"...

Câu chuyện của nữ y tá về những xác thai nhi bị cuốn trôi theo dòng nước bồn cầu đã hé lộ một phần sự thật về chuyện phá thai ở nước ta. Bởi vì, sự thực, những thai nhi còn lại được xử lý bằng bao nhiêu cách? Là những cách nào thì chưa ai có thể chắc chắn được. Chỉ có một điều có thể nói chắc rằng, hầu hết các thai phụ sau khi rũ bỏ con cái mình, ít khi khi suy nghĩ một cách nghiêm túc về nơi an nghỉ cuối cùng của con.

Và đôi khi, việc thờ cúng, tưởng nhớ các con chỉ mang tính chất tượng trưng là chính. Đó là nguyên nhân vì sao, trên internet, người ta đã lập ra cả những nghĩa trang điện tử và thu hút rất nhiều những ông bố, bà mẹ trẻ “xây dựng” mộ phần cho những đứa con đoản mệnh.

Nhìn vào danh sách Nghĩa địa dành cho thai nhi, có tới hàng trăm trường hợp khác nhau. Và cũng có thể tìm thấy chừng ấy câu chuyện khác nhau qua những tâm sự đẫm nước mắt của những ông bố, bà mẹ trẻ. Đó là câu chuyện gia đình không hạnh phúc của Meyeucon:

“Mẹ xin lỗi con yêu. Mẹ rất nhớ con. Nhớ niềm hy vọng khi có con. Nhưng mẹ không thể tiếp tục nhìn khuôn mặt mệt mỏi của ba con được nữa. Mẹ nhớ con lắm con à. Biết đến khi nào đêm mới thôi mơ ác mộng. Không phải mẹ không cần con con yêu à. Mẹ xin lỗi, xin lỗi”.

Bất ngờ, có cả câu chuyện của một chàng trai đã cố thuyết phục người yêu mình giữ lại bào thai nhưng đã bị cô gái cự tuyệt: "Bố hận bản thân bố quá vô dụng đã không giữ được con trong cuộc đời này. Bố rất mong con được sinh ra, hằng ngày được bế con, được nghe con gọi bố ơi một lần. Thế nhưng bố không thể thuyết phục được người đó giữ con … Bố đã khóc...

Khi biết tin con được mấy tuần, bố mừng như trẻ con ấy, cứ ngồi cười. Nhưng bố hạnh phúc bao nhiêu vui mừng bao nhiêu thì sau đó bố đau khổ bấy nhiêu. Mẹ con, vì những lý do của cô ấy lại không muốn sinh con ra. Có lẽ người ta cũng đau khổ lắm. Bố yêu con biết chừng nào nhưng bố đâu làm gì được để giữ con?

Danh sách những thai nhi đã bị "bỏ rơi" dài dằng dặc hàng chục trang trên nghĩa trang online này.

Người ta dọa chết nếu bố làm mọi cách để giữ con lại. Bố ân hận quá. Nếu con không hận bố thì xin con hãy đầu thai làm con của bố sau này con nhé. Bố sẽ yêu thương bù đắp tất cả cho con. Bố yêu con và xin lỗi con nhiều lắm”.

Có cả những người phụ nữ bất hạnh trong nỗi đớn đau quằn quại suốt 4 năm ròng vì đánh mất cả chồng con: “Con yêu của mẹ! 4 năm trôi qua nhưng mẹ vẫn không thể xóa đi nỗi đau mất con. Con đi rồi, mẹ và ba cũng không còn bên nhau nữa, Mẹ lúc nào cũng mong muốn được có con và ba con bên cạnh mẹ . Mẹ thật sự xin lỗi con đã không giữ được gia đình mình, ngàn lần xin lỗi con. Mẹ sẽ luôn cầu nguyện cho con…”.

Điều đáng ngạc nhiên là không ít người phụ nữ sau khi bỏ đứa con, không những không tìm được sự thanh thản, mà khi lập gia đình, đã mất thêm những đứa con khác như trường hợp của người có nick name Allina:

“Mẹ làm mẹ mà không sinh hai con ra, mẹ ích kỷ, mẹ nhu nhược, mẹ hư hèn.... mẹ đáng bị trừng phạt phải không các con. Mẹ đã mắc sai lầm lớn nhất là tước đi sinh mạng của các con, vì lợi ích bản thân mình...Sau khi Allina mất, mẹ và ba cưới nhau. Rồi bé Tina mất. Cuộc sống giữa ba mẹ không trọn vẹn nữa, có lẽ đó là quả báo con à.

Đến cuối năm 2011 mẹ mừng vui khi em con đang dần hình thành trong mẹ, cuối cùng rồi em con cũng vội vã ra đi khi tròn 2 tháng. Mẹ đau lòng khôn xiết nhưng cuối cùng rồi mẹ nhận ra rằng hậu quả đó là do chính tay mẹ làm nên, mẹ không trách ai được.

Ba mẹ đã chia tay, dẫu rằng ba còn rất thương và lo cho mẹ, nhưng đó là một chuyện, ẩn sâu trong đó là những lần đi thâu đêm suốt sáng và những trận đòn vô cớ rồi xin lỗi. Đó là kết cục dành cho những người như mẹ con à. Mẹ luôn cầu mong các con được bình an, nhưng nỗi đau trên thế gian này hãy để mẹ gánh chịu...dẫu biết là không thể xóa hết lỗi lầm nhưng như thế mẹ mới nhẹ nhõm được phần nào.

Chưa một lần được nắm lấy tay con

Hôn vào mắt đắm chìm trong giấc ngủ

Chiếc nôi yên chưa một lần lay động

Tiếng hát ru hời chưa một điệu cất lên

Con ra đi khi hoa chưa hé nụ

Mẹ cắt vội cành khi lá vẫn sum sê

Ánh ban mai chiếu hằng lên lẽ sống

Mẹ thả màn đêm giết cội mầm xanh

Đã bao giờ mẹ cắn rứt lương tâm

Khi dẫn dắt đưa con về vô định

Khi cõi sống dường như là giấc mộng

Chưa bao giờ được chạm tới tay con
”.

Lời tâm sự đẫm nước mắt của nick nema Missyoubaby về hai đứa con xấu số Nghé Ngọ và Long Nhi: “Nghé Ngọ à, mẹ xin lỗi con nhiều lắm vì khi xưa mẹ đã không đủ can đảm để giữ con bên cạnh mẹ. Ba mẹ rất thương con và rất mong muốn có con bên cạnh nhưng hãy tha lỗi cho ba mẹ khi mà năm xưa ba mẹ không đủ điều kiện và can đảm để giữ con bên mình vì lúc đó ba mẹ chưa cưới nhau. Mẹ xin lỗi, ngàn lần xin lỗi con Nghé Ngọ bé bỏng của mẹ.

Con biết không, ba mẹ cưới nhau, rất mong con sẽ lại quay về bên ba mẹ. Nhưng rồi 1 tháng, 2 tháng...cho đến 6 tháng sau khi cưới, đêm nào ngủ mẹ cũng cầu nguyện, cầu cho linh hồn của con được siêu thoát và quay về bên mẹ một lần nữa. Đến tháng thứ 7 mẹ mang bầu trở lại, mẹ vui mừng lắm và thầm cảm ơn và hy vọng là con đã quay về bên ba mẹ.

Nhưng không, Long Nhi đã ra đi trong sự mong chờ của ba mẹ - Long Nhi bị chết lưu trong bụng mẹ. Con giận mẹ nên đã mang Long Nhi ra khỏi vòng tay của ba mẹ? Ba mẹ xin lỗi, thành thật xin lỗi con Nghé Ngọ bé bỏng của mẹ, xin con hãy tha thứ cho ba mẹ và hãy quay trở về để ba mẹ có thể chuộc mọi lỗi lầm đã gây ra cho con”.

Theo Giaoduc.net.vn

Câu chuyện đáng sợ của y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

Do bên trong bọc ối của người mẹ, vẫn còn một bọc nhỏ nữa bao bọc đứa bé. Kết quả, khi ra khỏi bụng mẹ, thai nhi vẫn sống. T. kể, lúc đó, cô nhìn rất rõ một em bé tuy yếu, không khóc, nhưng mạch trên cổ vẫn phập phồng đập.

Ngay sau câu chuyện xả nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi ở phòng khám thai nhà ông C., T. tiếp tục cho chúng tôi nghe nhiều hơn về người có “bàn tay ma thuật” bí hiểm.

Trả lời câu hỏi “T. cảm thấy ông C. là người như thế nào?”, T. nói, không biết đánh giá ra sao về con người này. Bởi vì, đối với nhân viên, ông là người khá hòa đồng. Với những cô gái nghèo, hay sinh viên lầm lỡ đến phá thai, ông giảm giá cho họ để có thể “giải quyết” thai nhi.

Duy chỉ một điều mà tới giờ T. không hiểu, thông thường, các bác sĩ làm công việc này, trước và sau khi phá thai cho một cô gái, họ thường thắp hương cầu khấn, còn bác sĩ C. thì chưa bao giờ. Tầng 5 của phòng khám có một bàn thờ Phật, nhưng dường như chưa bao giờ nhang khói.
Có thể, vì ông đã sống, làm việc ở nước ngoài nhiều năm, nên không còn tin nhiều vào tâm linh nữa, T. nói như thể đang giải thích cho vị bác sĩ già.

T. bảo, những người có nhu cầu phá thai thường lựa chọn phòng khám tư nhân bởi không phải làm nhiều thủ tục, việc phá thai có thể diễn ra ngay sau khi thủ tục đã hoàn thành. Nếu là thai nhỏ, họ có thể được về nhà ngay sau khi uống thuốc, hoặc hút. Còn thai lớn, người mẹ phải ở lại thêm vài tiếng. Nói chung là từ A đến Z không quá 1 ngày. Trong khi nếu vào bệnh viện, tính cả làm thủ tục nạo, hút thì mất tới vài ngày. Nhưng điều quan trọng là họ không bị hỏi han, căn vặn nhiều về danh tính, quê quán, tuổi tác.

Sau đêm giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi đầu tiên, T. đã có những tháng ngày bị ám ảnh. Khi quay lại với công việc, những tưởng, cô sẽ quen với công việc này. Nhưng, sự thực càng ngày cô gái càng mệt mỏi, bị ám ảnh nặng nề. Cho tới khi, những chuyện đáng sợ khác tiếp tục xảy đến, khiến cô hoang mang thực sự. Và cuối cùng “một giọt nước tràn ly” đã khiến T. phải đi tới quyết định nghỉ việc để “cứu rỗi linh hồn”.

Vào một đêm, khoảng 4 giờ sáng, sau khi bác sĩ C. “xử lý” 2 thai nhi, cũng là lúc người đàn ông quen thuộc đến mang xác thai nhi đi chôn. Sau khi đặt xác thai nhi vào hộp giấy, một y tá lớn tuổi bảo T. vào nhà lấy túi nilon đen để bọc ngoài túi, đưa cho người đàn ông. T. vào nhà, chưa kịp tìm thì nhìn thấy một túi đen trên sàn nhà, cô vội cầm chiếc túi lên tay, bỗng giật mình hét toáng, người run lẩy bẩy.

Bởi vì, chiếc túi trên tay của T. đang bọc một vật nhỏ xíu, mềm nhũn và lạnh ngắt. Mất vài giây, T. kịp nhận ra đó chính là xác một thai nhi khác chưa kịp đưa cho người đàn ông nọ… Bàn tay cô rụng rời, mất kiểm soát, rồi bọc nilon rơi bịch xuống sàn nhà.

Một chuỗi ngày khủng hoảng tiếp theo lại đến với cô gái.


Sau khi rời bỏ bụng mẹ, những xác thai nhi chưa chắc đã được chôn cất tử tế.

Ký ức kinh hoàng

Một đêm khác, bác sĩ C. giúp một thai phụ có thai khá lớn “đẻ non”. Thông thường, sau khi đã đặt thuốc và bấm ối, đứa trẻ sẽ tử vong trong bụng mẹ. Bác sĩ tiêm thuốc co bóp dạ con để cho xác thai nhi ra ngoài.

Nhưng lần này, do bên trong bọc ối của người mẹ, vẫn còn một bọc nhỏ nữa bảo vệ đứa bé. Kết quả, khi ra khỏi bụng mẹ, thai nhi vẫn sống. T. kể, lúc đó, cô nhìn rất rõ một em bé tuy yếu, không khóc, nhưng mạch trên cổ vẫn phập phồng đập... Một điều kinh khủng nữa lại xảy ra, T. quyết định bỏ việc.

Kết thúc những câu chuyện buồn trong phòng khám thai nhà bác sĩ C., T. nói rằng, đây là lần đầu tiên, có lẽ cũng là lần cuối cùng cô kể lại những ký ức đau khổ này với người khác. Từ ngày rời khỏi phòng khám ấy, dù thỉnh thoảng vẫn còn những giấc mơ kỳ quái về những thai nhi bé bỏng, nhưng ít nhất, khi kể ra câu chuyện này, tâm hồn cô dần cảm thấy thanh thản một phần.

Sau những giây phút sững sờ với câu chuyện của T., tôi chợt nhớ lại lời Đại đức Thích Thanh Tuấn (chùa Quán Sứ - Hà Nội) trong một buổi lễ cầu siêu, nhân trong Ngày xá tội vong nhân năm nay:

"Theo giáo lý nhà Phật, không phải cứ đợi đến lúc hài tử lọt lòng mới được gọi là một sinh mạng mà khi một mầm sống mới được tượng hình trong cung lòng người mẹ, thì ngay vào giây phút đầu tiên đó nó đã được coi là một sinh mạng. Trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau có nhiều bậc cha mẹ đã chối bỏ thai nhi và như thế đồng nghĩa với việc họ đã tước đoạt đi sinh mạng của chính con mình”.

Người viết băn khoăn, không biết trước khi rũ bỏ sinh linh bé bỏng, vô tội trong bụng mình, những bà mẹ trẻ đã bao giờ nghĩ về điều này chưa? Nếu biết con cái mình sẽ không được chôn cất tử tế, mà bị "xử lý" như những điều cô gái trẻ kia kể lại, họ sẽ nghĩ gì? Nếu lựa chọn lại, họ còn quyết định phá thai nữa không?...

Trong kỳ 3 của loạt phóng sự "Những sự thật kinh hoàng về dịch vụ phá thai tư nhân", phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã đóng vai người có nhu cầu phá thai để thâm nhập vào phòng khám của bác sĩ C. nhằm tìm hiểu sự thực về "bàn tay ma thuật" của nhân vật này.


Theo Giaoduc.net.vn

Ký ức kinh hoàng của nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi

T. nói, để đảm bảo xả nước một lần, xác thai nhi có thể bị cuốn trôi ngay, các y tá có kinh nghiệm hướng dẫn cô cầm chân thai nhi dốc ngược, đặt đầu thai nhi vào giữa lòng bồn cầu, yên vị theo hướng đó. Khi giật nước bồn cầu, thì thả tay ra, đảm bảo giật nước một lần, thai nhi bị cuốn trôi luôn.

Việc phá thai trong giới học sinh, sinh viên lâu nay, ở một góc độ nào đó vẫn được xem là một phương pháp cứu cánh cho những cô gái trẻ lầm lỡ làm lại cuộc đời. Có lẽ vì thế mà người ta ít nói tới số phận những thai nhi bé bỏng sẽ ra sao sau khi bị tước đi quyền sống.

Chỉ khi, có một người lao công nào đó tìm thấy một xác thai nhi nằm trong thùng rác ven đường, hay một người tốt bụng vớt xác cháu bé mới chào đời, thì dư luận mới giật mình kinh hãi, mà vẫn không thể hiểu nổi, hàng trăm, nghìn xác thai nhi khi bị phá bỏ sẽ đi đâu, về đâu.

Và “sự thật bí hiểm” về những số phận bất hạnh ấy, có lẽ sẽ mãi chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối, không cảm xúc của những người trong nghề, nếu như chúng tôi không gặp cô bé sinh năm 1991 đã từng làm tại một phòng khám thai kiêm luôn dịch vụ “phá thai”.

Dốc Phụ Sản gần Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là nơi có mật độ phòng khám thai dày đặc.

T., một cô gái trẻ măng, sinh ra, lớn lên ở Ninh Bình, từ nhỏ đã có ước mơ trở thành một cô giáo mầm non bởi vô cùng yêu trẻ nhỏ, nhưng số phận đã run rủi thế nào, cô gái theo học ngành y ở một trường Cao đẳng y tế tỉnh.

Mới ra trường tháng 4/2012, T. lên Hà Nội, xin vào làm ở một phòng khám tư nhân tại đường Trương Định, Hà Nội. Ở đây, cô được phân công vào làm ở phòng sản, công việc chủ yếu phụ giúp các bác sĩ khám và phá thai. Công việc nghe có vẻ đơn giản như thế, nhưng ở đây, cô chứng kiến những “mặt trái” mà có lẽ những người ngoài ngành, dù trong ác mộng cũng chẳng bao giờ nghĩ đến.

T. nói, “3 tháng làm việc ở phòng khám sản là quãng thời gian không thể tưởng tượng nổi. Có lẽ, cả cuộc đời này, em không thể nào quên nổi những chuyện mình đã chứng kiến ở đây”.

T. nói, người đứng đầu phòng khám nơi cô làm việc là một bác sĩ tên C. Ông được mệnh danh là người có “bàn tay ma thuật” bởi vì, trong ngành, có lẽ không ai không biết tên tuổi và khả năng chuyên môn đáng nể của bác sĩ này. Nghe đâu, ông C. từng làm ở một bệnh viện sản ở nước ngoài, nay đã hơn 60 tuổi, ông về hưu, tự mở một phòng khám sản khá lớn ở Hà Nội.

Phòng khám này được coi là đầu mối lớn ở Hà Nội, chuyên nhận những “ca khó” của các phòng khám sản nhỏ ở khắp thành phố, nhưng nhiều nhất vẫn là các phòng khám ở Dốc Phụ Sản (gần Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).

Nhiều thai nhi sau khi bị rũ bỏ sẽ bị coi là rác thải y tế.

T. nói, cũng như những phòng khám thai tư nhân khác, những khách hàng tới đây khám thai thì ít, phá thai thì nhiều. Riêng về việc phá thai, những thai phụ đến đây được chia làm 3 nhóm. Những người có thai nhỏ dưới 5 tuần, những người có thai vừa dưới 4 tháng, trên 4 tháng gọi là thai lớn.

Trong đó, những thai nhỏ và vừa, các bác sĩ của phòng khám nhỏ có thể “xử lý” được. Nhưng thai lớn, thì hầu hết phải nhờ tới “bàn tay ma thuật” của bác sĩ C.

Lý giải về điều này, T. bảo, những ca nhỏ, bác sĩ chỉ cần cho bà mẹ uống thuốc ra thai. Việc này thường diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng. Nhưng với những ca lớn hơn, bắt buộc phải đặt thuốc và cho “đẻ non”. Lấy ví dụ minh họa cho sự tài giỏi của ông C. , T. nói, thậm chí những thai lớn trên 30 tuần tuổi, ông cũng “xử lý vô tư”.

T. nói, quả thực đây là một bác sĩ rất giỏi chuyên môn. Trong thời gian làm việc ở đây, cô chưa hề thấy một bệnh nhân nào xảy ra biến chứng hay bất kỳ vấn đề gì sau khi phá thai. Mọi công việc liên quan tới chuyên môn đều được ông C. làm với thái độ tận tình, hết sức cẩn thận và bài bản.

Những cô gái đến phá thai tại phòng khám của bác sĩ C. thường rất trẻ. Có những bé gái mới sinh năm 1996, nhưng chủ yếu là học sinh cấp 3 và sinh viên đại học.

Khi làm xong các thủ tục cần thiết, các thai phụ được đặt một loại thuốc vào âm đạo, vài tiếng sau, y tá sẽ bấm ối. Lúc này, bác sĩ sẽ tiêm cho một loại thuốc và thai phụ sẽ đẻ giống một người bình thường. Chỉ khác ở chỗ, đứa bé được sinh ra không cất tiếng khóc.

Có chăng, có lẽ chỉ có tiếng khóc của thai phụ, không biết vì đau đớn hay vì mất con. Đôi khi, những bà mẹ ngồi ở phòng chờ cũng khóc lóc tỉ tê có lẽ vì đã “không dạy được con”. Trong đêm tối, những tiếng khóc ấy đan vào nhau, tạo nên một thứ âm thanh ám ảnh. Còn bác sĩ và y tá vẫn lặng lẽ làm công việc đỡ đẻ của mình.

Nhưng điều ám ảnh nhất trong tâm trí T. chính là những xác thai nhi vốn sinh ra đã không được làm người, nhưng chết đi vẫn không được yên nghỉ một cách trọn vẹn. T. nói rằng, thông thường, khoản tiền phá thai đã bao hàm tiền hỏa táng cho những xác thai nhi. Bởi, không phải bà mẹ nào cũng có thể đưa con cái mình đi hỏa táng hay về quê hương bản quán, còn việc mua đất an táng ở nghĩa trang giữa lúc vật giá leo thang thế này nghiễm nhiên là điều không thể.

Tất nhiên, phần việc này được phòng khám nơi cô làm việc bao thầu trọn gói. Nhưng, những xác thai nhi có thực sự được hỏa táng hay không thì chỉ có bác sĩ, y tá và người đàn ông bí ẩn mới biết được. Nói là người đàn ông bí ẩn bởi vì, người này hầu như không nói chuyện, chỉ đến vào sáng sớm, khi mọi người hầu như chưa ai ngủ dậy.

Một số y tá trực tại phòng có nhiệm vụ đưa cho người đàn ông ấy một bọc nilon màu đen, bên trong chứa xác thai nhi. T. chỉ nghe phong thanh rằng, người đàn ông ấy sẽ nhận 100 nghìn đồng rồi mang đứa bé xấu số đến chôn ở nghĩa trang Văn Điển.

Còn những thai nhi nhỏ, khoảng 4 đến 5 tuần tuổi, T. là người được phân công “xử lý”- Một cách xử lý mà có lẽ, dù trong ác mộng, người ta cũng không thể tưởng tượng nổi. Đó là cho xác thai nhi xuống bồn cầu, cho chảy theo dòng nước. Cứ nghĩ T. nói đùa, phóng viên hỏi đi hỏi lại chi tiết này, T. nói: “Đó là sự thật!”.

Cô kể, khi còn theo học ngành y, cô đã từng nghe những câu chuyện về việc ngâm xác thai nhi, hoặc nấu thai nhi với trứng để làm thuốc bổ. Nhưng chuyện xảy ra ở phòng khám ấy là điều mà dù đã tận tay giật nước để cuốn trôi xác thai nhi, mà giờ này cô vẫn không dám tin.

T. nói, để đảm bảo xả nước một lần, xác thai nhi có thể bị cuốn trôi ngay, các y tá có kinh nghiệm hướng dẫn cô cầm chân thai nhi dốc ngược, đặt đầu thai nhi vào giữa lòng bồn cầu, yên vị theo hướng đó. Khi giật nước bồn cầu, thì thả tay ra, đảm bảo giật nước một lần, thai nhi bị cuốn trôi luôn.

Lần đầu tiên làm việc “thất đức” ấy, T. đã ốm 1 tuần. Cô nói, dường như tinh thần mình bị suy sụp. Hình ảnh thai nhi bị cuốn theo dòng nước, rồi trôi tuột xuống dưới bồn cầu cứ ám ảnh, khiến T. ăn không ngon, ngủ không yên.

Những ngày đầu đi làm lại, T. không dám đi vệ sinh ở bồn cầu đã giật nước cuốn trôi đứa trẻ. Khi “bức bách” quá, cô phải đi sang phòng khám bên cạnh vệ sinh nhờ.

Những tưởng, sau nhiều ngày làm việc, T. sẽ quen với công việc này. Nhưng, sự thực càng ngày cô gái càng mệt mỏi, bị ám ảnh nặng nề. Cho tới khi, sự kiện “giọt nước tràn ly” xảy ra thì T. quyết định nghỉ làm.

Theo Giaoduc.net.vn

Đói... Đói toàn diện! Đói toàn tập!

Tuy là người gốc Bắc nhưng lại sinh trong Nam nên tôi không sống qua thời nạn đói hoành hành năm 1945 thế nào, nhưng nghe chuyện các cụ kể lại thì thật kinh hoàng, nhất là khi xem lại những thước phim tư liệu trong một bộ phim có tựa đề “Sao tháng Tám” thì thật khó có thể tưởng tượng ra được cảnh khốn nạn cho thân phận con người chết vì đói. Hình ảnh một cô bé ngồi bên bà cụ kêu la thảm thiết: “Các bác ơi, cứu bà cháu với!” như xoáy vào tận ruột gan. hàng triệu người chết la liệt khắp các nẻo đường xó chợ, chết không kịp chôn, cả hai triệu người!

Năm 1975, thống nhất đất nước. Cả nước tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Tiến lên hay tiến xuống chẳng biết, chỉ ba năm sau, năm 1978 thì tôi đã đủ trí khôn để thấy cả nước suýt chết đói, củ mì cũng phải chia đôi! Thôi thì tự an ủi lẫn nhau vì vừa thoát cảnh chiến tranh, “đất nước còn nhiều khó khăn phải khắc phục”, nhưng thú thực là hú hồn hú vía, may mà chưa xảy ra nạn đói chết hàng loạt…


Thế rồi mười mấy năm sau đời tưởng như mơ khi đất nước “Đổi Mới”, thời mở cửa, tiền nước ngoài ào ạt đổ vào, nhà cao tầng cứ xây vùn vụt, vũ trường, khách sạn mọc lên như nấm sau cơn mưa, quán ăn, quán nhậu đâu đâu cũng có, từ làng quê cho đến thành thị ! Bia cứ đổ tràn đến nỗi thống kê được rằng người Việt Nam nhậu là số 1 thế giới… Cứ ngỡ thôi thế là hết chết đói, đói làm sao được, nhậu đến thế kia mà!?!

Một hôm, có người bà con từ Bắc vào thăm, trong bữa cơm gia đình, không hiểu não bộ được lập trình thế nào, chẳng biết hiện thực xã hội ra sao, nhưng vị khách nọ cứ bô bô kể công cụ này cụ nọ, nếu không có cụ thì ngày nay làm sao mà sung sướng thế này, hết cảnh chết đói như thời phát xít Nhật 1945… Mẹ tôi nghe thế thì tủm tỉm hỏi rằng: “Bác lấy gì đảm bảo rằng, ngày nay người ta không còn chết đói?” Vị khách có vẻ sửng cồ đáp trả: “Này, bây giờ có bói cũng không ra một người chết đói ở Việt Nam đâu nhé!” Thôi thì công nhận thế thật, nào có ai chết đói như thời 1945 nữa. Nhưng thế này, mẹ tôi nói tiếp: “Theo bác nghĩ trẻ con suy dinh dưỡng vì lý do gì ?” Bác nọ trả lời ngay không cần suy nghĩ, chiều như ta đây có vẻ hiểu biết lắm lắm, “Thì suy dinh dưỡng là do thiếu ăn, ăn không đủ chất chứ còn gì nữa!” À há! Thế thì trẻ chết do suy dinh dưỡng thực chất là chết vì cái gì. Vâng. Khỏi cần bác ta trả lời cũng biết tỏng thực chất là do đói.

Tôi ngồi nghe câu chuyện của hai vị tiền bối mà chua chát cười. Chết vì đói. Theo số liệu của viện dinh dưỡng quốc gia. Việt Nam có trên 31% trẻ bị suy dinh dưỡng, hàng năm có khoảng 7.000 trẻ em chết vì các vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng. Thực chất là do đói hay do những cái tên nghe cho có vẻ “khoa học” gì gì thì đó cứ là đói, chết vì đói đứ đừ chứ còn gì nữa.

Nhưng đâu chỉ vậy, Thiên đường mộng tưởng mà cả chúng ta đang sống hiện nay đang làm cho con người đói nhiều thứ khác chứ chẳng riêng gì đói ăn. Cái đói thường làm cho người ta nghĩ đến đói ăn, đói uống. Vậy chứ còn đói mặc, đói tự do, đói công bằng, đói lương tâm, đói công lý, đói tình người, đói thông tin, đói kiến thức, đói tinh thần và cả hàng trăm ngàn thứ đói khác thì sao.

Có ai thông kê cho chúng ta, có bao nhiêu người chết vì đói mặc, trong khi tôi đã từng chứng kiến cảnh những em bé H’mông trần truồng trong cái lạnh gần 0 độ C.

Có ai thống kê cho chúng ta có bao nhiêu người chết vì đói công lý, chết trong tù, chết oan khuất… Chỉ cần vào Google gõ từ khóa chết oan hay chết trong đồn công an, chết do bạo lực… là có thể đọc được số liệu nhiều vô kể.

Có ai thống kê cho chúng ta có bao nhiêu người đã chết do đói y đức, đói lương tâm, cứ đọc vài tờ báo là thấy số bệnh nhân chết do nghèo, chết do vô cảm là có những cảm nghiệm thực ngay ấy mà! Thực phẩm tăng giá leo thang quen rồi. Gas lên giá, nghe riết cũng quen luôn, điện, nước leo thang, buộc phải sống quen với nó. Giờ đến xăng… thì ép phải quen cho được!

Tất cả leo thang và cái đói cũng leo thang, đói quá, đói kinh niên, đói toàn diện nên dần dần không còn cảm thấy đói, bao tử rỗng tuếch buộc phải teo lại cho phù hợp với thực tế hiện tại. Thảo nào mà nhiều người còn cảm thấy không có ai chết đói ở thiên đường này.

Thôi thì hiểu theo nghĩa rộng của từ đói thì nói vài năm, viết cả đời cũng chẳng hết chuyện. Xin gói gọn lại đây những con số (nhắc lại) những thai nhi bị giết chết do đói tình thương hàng năm là đã quá đủ cho ta thấy cái đói đã giết chết bao nhiêu mạng người trong xã hội hôm nay.


Trong số trên 3 triệu thai nhi bị giết hại, người ta đã thống kê cho thấy gần 40% là lý do kinh tế, quá nghèo không nuôi nổi, thôi thì phá thai giết chết ngay trong lòng mẹ còn hơn đẻ nó ra thì trước sau gì cũng chết đói. 60% còn lại thì đủ loại lý do… nhưng gom chung lại cũng chỉ có một lý do là đói tình thương. Ấy, cuối cùng thì duy chỉ một cái đói tình thương mà hàng năm có trên 3 triệu sinh linh bị giết đi oan uổng!

Cái khốn khổ của chúng ta suy cho cùng vẫn không phải là cái đói, cho dù đói về bất cứ điều gì đi nữa. Vì hễ đói ăn, khi có thì phải ăn, hễ đói mặc, khi có thì phải mặc, đói tình thương, khi có thì nhận lãnh, khi có thì sẻ chia, đói công lý, khi có thì thực hiện thế đấy. Sống chung với đói nhưng hành vi của chúng ta hiện nay lại giống như người không đói, Đó chính là điểm yếu chết người làm cho xã hội loạn cào cào cả lên. Thay vì yêu thương, chia sẻ, thay vì cùng nắm tay nhau lại để vượt qua, để tìm ra cách cứu đói thì chúng ta, chúng ta đặt bản năng lên trên hết để tranh đua cùng xã hội, mặc cho tất cả các giá trị làm nên giá trị con người bị chà đạp dưới tận cùng của bức tranh sống theo kiều bầy đàn. Để rồi cứ thế ngâm lên như thi sĩ họ Hàn đã từng ngâm lên:

“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói,
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”.

Để rồi hôm nay mở trang sách Thánh. Ta bất chợt nhận ra chân lý: “Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời. Vì bánh Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51 – 52).

Lạy Chúa. Chúng con đang đói, cái đói toàn diện từ tinh thần lẫn vật chất. Chúng con đã nhận ra được, để cứu đói, chúng con chỉ có một con đường duy nhất là nhận ra tình thương của Thiên Chúa thông qua Bí Tích Thánh Thể. Amen.

Đaminh Phan Văn Dũng
Theo báo Ephata số 529