Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 nằm ở cuối dãy nhà Hội đồng Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm là nơi khâm liệm và giữ thân xác các thai nhi trong một chiếc tủ lạnh màu ghi xám.
Mỗi tháng một lần, vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy đầu tháng, sau thánh lễ là nghi thức an táng cho các em thai nhi tại Đất thánh Phát Diệm. Một ngày sau ngày Quốc tế thiếu nhi, thứ Bảy 2.6.2012 vừa qua là lần an táng thứ sáu cho các em thai nhi. Tổng số các em thai nhi được đón về chôn cất lần này là 83 em, có ít hơn tháng trước 14 em.
Ở giữa căn phòng nhỏ ấy có một bát hương đặt trên một chiếc ghế nhựa phía trước chiếc tủ lạnh với cả nghìn que hương được cắm dày đặc thắp lên cùng biết bao lời cầu nguyện và bên trên tủ lạnh là bàn thờ kính Thiên Chúa gồm có tượng Thánh Giá Chúa chịu nạn, bình nước phép, một lọ hoa tươi mà theo lời các chị phục vụ cho biết thì luôn luôn có hoa tươi theo các mùa cho các em thai nhi tội nghiệp. Chiếc đèn dầu được đặt bên cạnh lọ hoa có ngọn lửa nhỏ bập bùng cháy hình dung như một em bé đang nhảy nhót vui đùa cùng với các thiên thần bên Thiên Chúa.
Nhìn bao quát căn phòng được quét vôi màu hồng thì thấy kê sát góc tường bên cửa sổ là một chiếc bàn bằng gỗ, trên bàn có trải khăn nilon hoa để các chị phục vụ trong Hội Bảo Vệ Sự Sống quàn xác các em sau khi đi đón về. Còn phía trong góc phòng kê chiếc xe tang và một chiếc tủ gỗ với những ngăn riêng đựng túi nilon trắng có in hình Thánh Giá màu đỏ, ngăn đựng những chiếc áo vải trắng tinh được các chị phục vụ mặc cho các em thai nhi sau khi thực hiện nghi thức đặt tên thánh cho từng em theo Bí tích Rửa tội của Hội Thánh Công giáo; ngăn đựng những bó hương thơm sẽ được các chị phục vụ thắp cho mỗi em một nén hương ngay khi các em được đón về căn buồng nhỏ này; và một ngăn đựng những nắm rơm sẽ được đốt lên xua đi cái sài lạnh u ám những thai nhi đã chết và ám theo những người làm những cộng việc sau cùng cho các em thai nhi.
Trên thế giới hiện có 201 quốc gia thì có 5 quốc gia cấm hoàn toàn việc phá thai, đó là Chile, El Salvador, Malta, Nicaragua và Bangladesh. Tại Bangladesh, phá thai là bất hợp pháp, nhưng chính phủ từ lâu đã hỗ trợ một mạng lưới “viện điều hòa kinh nguyệt” làm cho mỗi năm Bangladesh có 800.000 trường hợp nạo phá thai, trong đó chỉ có 100.000 người được cung cấp dịch vụ phá thai chính thức, lứa tuổi trung bình từ 15 - 44 tuổi. Còn theo thông tin từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Việt Nam hiện là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%) và nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Cả nước có 5% số sản phụ sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi. Trung bình mỗi ngày có trên 600 ca nạo phá thai, 25% trong số này là thanh niên chưa lập gia đình và hơn 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Mỗi năm, Việt Nam có 300.000 ca nạo phá thai độ tuổi 15-19 tuổi và một tuần có một phụ nữ chết vì nạo phá thai không an toàn. Mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình trong đời phá thai 2,5 lần và theo thống kê, phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ.
Vì thiếu giáo dục giới tính nên phụ nữ Việt Nam đã không biết những biến chứng thường gặp của nạo phá thai, về lâu dài, chính là tước mất khả năng làm mẹ sau này. Khi nạo phá thai nhiều lần, thành tử cung không còn dinh dưỡng tốt, dễ dẫn đến nhau đóng bất thường ở các lần mang thai sau như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, khi sinh dễ bị băng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Biết bao nhiêu bi kịch của các gia đình trẻ khi không thể có con đã xảy ra do người mẹ có quá trình nạo phá thai không an toàn trước đó. Lý do là cấu tạo bộ phận sinh dục của phụ nữ dễ viêm nhiễm vì ở sâu bên trong, có nếp gấp, lại có kinh nguyệt hằng tháng. Khi phá thai, khả năng này càng cao hơn bởi phải dùng dụng cụ bên ngoài can thiệp vào tử cung, khiến tổn thương ở các phần phụ, niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu, gây dính buồng tử cung, thủng tử cung, tắc vòi trứng... dẫn đến vô sinh. Biến chứng của phá thai có thể biểu hiện ngay sau nạo hút hoặc sau này, các biểu hiện có thể là rách, thủng cổ tử cung, băng huyết, sót rau, nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, chửa ngoài dạ con thậm chí vô sinh.
Xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp của quý cha dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ Chính tòa Phát Diệm đã trở thành người rao truyền sự sống trong tình yêu của Thiên Chúa nơi giáo xứ giáo phận Phát Diệm quê hương. Từ sau ngày họp mặt truyền thống di dân lần thứ V với chủ đề Bảo Vệ Sự Sống được tổ chức trong hai ngày 30.4 và 1.5.2009 tại Nhà thờ Phát Diệm (quận Phú Nhuận – Sài Gòn) và sau bài thuyết trình của cha Giuse Nguyễn Hồng Phước, dòng Chúa Cứu Thế (C.Ss.R) với đề tài cùng tên Bảo Vệ Sự Sống, cha Hồng Phúc đã được đánh động bởi những thuyết trình của cha Hồng Phước, khi cha Hồng Phước dẫn ra lần lượt cho các bạn trẻ cùng cộng đoàn về những quan niệm sai lệch trong tình yêu dẫn đến hành vi sát hại thai nhi và sau đó, ngài giới thiệu những nhân chứng đã trải qua những tình huống đầy kịch tính của vấn đề. Thực tế cho thấy, do hoàn cảnh di dân, các bạn trẻ dễ lâm vào tệ nạn này. Nhưng làm thế nào để không phạm tội ác phá thai, đó là mục tiêu của phần chia sẻ do cha thuyết trình viên Hồng Phướng trong ngày họp mặt truyền thống di dân lần thứ V với chủ đề Bảo Vệ Sự Sống.
Ngày hôm sau, cha Hồng Phúc đã tới thăm Tu viện dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (38 Kỳ Đồng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) và được quý cha dòng dẫn đi viếng góc Lòng Thương Xót đặt trên tầng 2 nhà Trung tâm Mục vụ. Cha Hồng Phúc kể lại: “Ngay khi vừa dừng lại trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót, tôi đã xúc động vô cùng vì thấy hàng trăm viên gạch được đắp xung quanh ảnh tượng, và bên trong những viên gạch đó là hàng ngàn cốt thai nhi mà các thiện nguyện viên đã đi gom nhặt về. Tôi đứng cầu nguyện cho các em thai nhi và cho những người phụ nữ đang mang thai mà thấy trong lòng bồi hồi xúc động, nhiều lần phải lặng đi vì đau xót thương cho các em thai nhi vô tội”.
Trở về Phát Diệm sau một tháng đi công tác mục vụ trong miền Nam, dịp Tết Nguyên Đán Canh Dần 2010, cha Hồng Phúc đã khởi xướng việc cầu nguyện cho các chị em Bầu khấn trong giáo xứ, giáo hạt và các giáo hạt lân cận. Dần dần hội Bầu khấn mời gọi cả các chị em ở thành phố Ninh Bình, các tỉnh Nam Định và Thanh Hóa, lương cũng như giáo, cùng tới tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy đầu tháng. Và khi ngài đi phục vụ tại các giáo xứ khác theo bài sai của Đức cha giáo phận thì ngài vẫn giữ việc dâng lễ lúc 3 giờ chiều thứ Bảy đầu tháng cho các chị em Bầu khấn. Đứng trước việc có các chị em bị sẩy thai hay có những trước hợp thai nhi chết yểu và cũng rất đau lòng khi biết có nhiều xác thai nhi đem đặt ở cổng nhà thờ này nhà thờ kia. Cha Hồng Phúc đã xin họp với quý cha trong Tòa Giám mục và Ban Hành giáo xứ để nên có một căn phòng nhỏ dành cho các em thai nhi và một nghĩa trang riêng cho các em. Công việc cần có sự quyên góp rộng rãi và sự ủng hộ của toàn thể mọi người trong ngoài giáo xứ. Được sự đồng ý của Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng và chính quyền các cấp huyện Kim Sơn tạo điều kiện, đến cuối tháng 10 năm 2011, mấy tuần trước tháng cầu hồn, một thửa ruộng vuông vức, nằm bên trái Vườn thánh dành cho quý cha, quý tu sĩ quê hương và phục vụ tại giáo phận Phát Diệm, đã được trao cho giáo xứ làm Vườn thánh Thai nhi. Cha xứ, cha phó và Ban hành giáo liền xúc tiến ngay những công việc như đổ đất san bằng, đào hố, xây huyệt và làm con đường nhỏ dẫn vào Vườn thánh Thai nhi. Đến ngày thứ Bảy đầu tháng Mười Hai (03.12.2011) các em thai nhi được đón nhận trong tháng Mười Một đã được chôn cất tại vườn thánh Phát Diệm mà không phải đưa thi hài các em lên vườn thánh Tôn Đạo để chôn cất nữa. Trong Hội nghị ngày Quốc tế Bảo Vệ Sự Sống được tổ chức tại Nhà thờ Tôn Đạo, thứ Hai ngày 26.3.2012 cũng trùng ngày lễ Truyền Tin Chúa Nhập Thể, một con số được đưa ra là trong một năm qua Hội Bảo Vệ Sự Sống của giáo phận đã đón nhận trên 2.000 xác thai nhi về chôn cất tại các vườn thánh trong giáo phận.
Hội Bảo Vệ Sự Sống của giáo xứ Chính tòa Phát Diệm có 16 chị em, chia làm 4 tổ cho 4 tuần phục vụ trong tháng chịu trách nhiệm đi đón các em thai nhi về quàn. Các chị xuất phát từ Hội Phục vụ Nhà thờ và kiêm hai công việc phục vụ nhà thờ với bảo vệ sự sống. Những ngày lễ thứ Bảy đầu tháng cha xứ mời các ông trong Ban hành giáo cùng tham gia phục vụ, người lo đàn nhạc, người lo xe tang, người xếp các thai nhi vào quan tài và khênh quan tài nhỏ của các em thai nhi ra nhà thờ cùng việc chôn cất các em ở vườn thánh. Mỗi người mỗi việc, chẳng ai bảo ai, chị thì lo hương hoa, chị thì lo đèn nến, chị thì giăng khăn rèm và trải khăn lên quan tài cho các em thai nhi, một hai chị cầm cờ và trống. Một lễ an táng cho các em thai nhi được cha xứ dâng lễ, cầu nguyện và làm những việc sau hết cho các em.
Một lễ an táng không có kèn trống. Một lễ an táng thật đặc biệt vì không có tiếng khóc rên siết và quằn quại của những người thân mất người thân yêu của mình. Nhưng lại ngân vang tiếng hát thánh ca và những lời cầu nguyện liên lỉ của bao người hiện diện trong lễ an táng cho các em thai nhi qua lời Kinh Cầu Cho Các Thai Nhi và Kinh Sự Sống. Cha xứ chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho các em trước Thiên Chúa. Ngài xin các em hãy tha thứ cho những người mẹ của các em đã vô tình hay cố ý nạo phá các em mà xin các em đừng hận mẹ mình. Ngài nài xin Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh đón các em vào thiên đàng là nơi các em được trở nên thiên thần trong Nước Chúa, nơi đầy ắp tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa sẽ bù đắp lại và đem lại sự sống đích thật cho các em.
Ước mong sao nơi mỗi giáo họ, giáo xứ thường xuyên tổ chức những giờ chia sẻ về Bảo vệ Sự Sống cho lớp các em thanh thiếu niên, vị thành niên cùng những ông bố bà mẹ trẻ quan tâm. Những giờ chia sẻ tôn trọng, chân thành, cởi mở, biết lắng nghe mà không trấn áp, không hù dọa. Những khuyến khích, khen ngợi khi các em đặt câu hỏi về giới tính và tình dục sẽ được trả lời trong chuyên môn, trong tâm lý giáo dục gắn liền với giá trị văn hóa tình yêu theo từng lứa tuổi. Giới thiệu cho các em biết sử dụng các nguồn sách vở tin cậy hoặc tham vấn từ các linh mục linh hướng về bảo vệ sự sống. Một điều cần thiết, đó là các em cần được giáo dục nhân cách trưởng thành Kitô giáo khi biết mình có thai và đang mang trong mình một sự sống của Thiên Chúa ban cho thì đó là khi bắt đầu một tình yêu của người mẹ, tình mẫu tử.
Trong ơn Chúa ban, trong tình yêu của Thiên Chúa, người phụ nữ được đón nhận hai niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình, đó là được yêu và làm mẹ. Vậy thì người mẹ, người phụ nữ đang mang thai là người đầu tiên có trách nhiệm với tình yêu đang sống trong cung lòng mình. Các chị cần phải vượt trên hết trăm bề thử thách, những lời thị phi và cả sự dữ đến từ mọi phía để bảo vệ thai nhi, bảo vệ sự sống, và mỗi người trong chúng ta cùng có trách nhiệm bảo vệ bà mẹ, bảo vệ thai nhi chính là bảo vệ sự sống của Thiên Chúa như theo như lời Kinh Thánh đã ghi: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Nhưng một điều quan trọng, đó là những người mẹ, những phụ nữ hãy sinh các em ra đời vì các em có Giáo Hội làm Mẹ (Đức Thánh Cha Phaolô VI - Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964 ) và đặc biệt là các em có Thiên Chúa là Cha của các thai nhi (x.Is 49,5).
Theo conggiao.info
0 bình luận:
Đăng nhận xét