Home » » Con người sinh ra khi thụ thai hay khi đẻ?

Con người sinh ra khi thụ thai hay khi đẻ?

Xin được chia sẻ cùng quý vị độc giả một bài viết BVSS dưới góc nhìn rộng của xã hội, của lương tâm con người, và (có lẽ) cả góc nhìn của một bác sỹ tim mạch. Đây là một bài viết hay, rất đáng tham khảo.


KHẲNG ĐỊNH QUYỀN ĐƯỢC CÔNG NHẬN SINH RA CỦA CON NGƯỜI VÀ CÂU HỎI PHÁ THAI CÓ PHẢI GIẾT NGƯỜI KHÔNG ?

Con người được hình thành và mất đi do sự tương tác hai thuộc tính


Con người nói chung có hai thuộc tính đó là thuộc tính xương thịt và thuộc tính sinh khí hay có thể gọi là linh hồn.

Thuộc tính thứ nhất mang tính xương thịt hay gọi là vật chất hiện hữu mà những người sinh ra trước đó nhận thấy rõ, nó được khẳng định tồn tại bằng cảm giác con người.

Có thể người mẹ cảm thụ được sự có mặt của đứa con khi mang thai, có người nhạy cảm biết mình có thai mới chỉ 1 – 2 tuần, có người nhiều khi có thai được 4 - 5 tháng mới biết, nói chung người mẹ thường là người biết trước nhất và khẳng định sự có mặt của đứa con trước nhất.

Có thể thầy thuốc lại là người khẳng định sự có mặt của đứa con trước nhất trong trường hợp sinh con trong ống nghiệm bằng thụ tinh nhân tạo

Sự cảm nhận về sự có mặt của đứa con bằng cảm giác nhìn thấy trong buồng tử cung bằng siêu âm, nhìn thấy hình túi ối, hình thái thai từ bé tý tẹo đến lớn dần, nhìn và nghe qua khuyết đại tiếng tim con đập, nhìn thấy con cử động, có thể còn chụp được cả ảnh 3 chiều không gian gián tiếp qua sóng siêu âm tái tạo, có thể nhìn thấy rõ từng ngón tay, từng bàn tay.

Tuy nhiên chưa nghe được con nói, chưa thấy con cười, chưa thấy được con khóc, sự cảm nhận mang tính một chiều, thường những người phụ nữ mang thai và những người liên quan hay nghi ngờ về sự cảm nhận của đứa trẻ với môi trường xung quanh và rất nhiều người cho rằng thai nhi mới hình thành, còn bé lắm, làm sao có thể biết được – đây là một quan niệm có thể sai lầm vì sự lớn lên của thai nhi là liên tục, các hoạt động của cơ quan vận động, của tim đã hiện hữu thì làm gì có ranh giới để phân biệt đâu là trái tim thực sự được tồn tại, đâu là trái tim nếu giết chết cũng không có tội, các tế bào, các trái tim có vị trí bình đẳng trước cái chết và sự sống.

Thuộc tính thứ hai
của con người mang tính phần mềm, nếu đem phân tích cấu trúc con người từ các phần cơ thể, mỗi phần cơ thể được kiến tạo từ các cơ quan, mỗi cơ quan được tạo nên từ các kiểu mô, mỗi kiểu mô được tạo nên từ các nhóm tế bào, mỗi tế bào được cấu tạo từ các thành phần, các bào quan, mỗi bào quan được tạo nên từ các hợp chất, mỗi hợp được tạo nên từ các đơn chất… phần tích chi tiết đến cũng cũng chỉ là những hạt notron, proton, nano, electron, mà các hạt này có khác nhau gì đâu, nó vô tri, vô giác, có trọng lượng, có điện tích như nhau, hóa ra nếu suy đến cùng thì mọi con người đều được cấu tạo không khác nhau mấy, cho nên một câu hỏi đặt ra là cái gì làm cho con người biết nói, biết cười, biết buồn, biết vui, đâu là nguồn gốc năng lượng cho các hoạt động đó, đâu là nguồn gốc của suy nghĩ, của các hoạt động mang tính tinh thần của con người – phải chăng đó là năng lượng mang tính “linh hồn” – có thể năng lượng này chưa có cách để đánh giá, chưa có cách để lượng giá cho nên chúng ta lại hồ đồ cho là không có.

Thêm một câu hỏi nữa là sau khi con người bị coi là “chết”, ngay sau lúc trái tim ngừng đập, phổi ngừng thở thì tại sao tất cả các cơ quan còn lại mặc dù vẫn có dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng nhưng lập tức ngừng hoạt động và bắt đầu quá trình hủy hoại tổ chức, vậy những năng lượng lúc sống làm cho cơ thể hoạt động thì lúc chết chẳng nhẽ lại tự mất đi – có vẻ như không lôgic vì không thể tự mất đi – có thể hiểu được là năng lượng đó sẽ mất chỗ hoạt động và di chuyển sang một phần cứng khác, một cơ thể khác để hoạt động – liệu có phù hợp với sự thoát linh hồn khỏi xác mà người đời cho là duy tâm mê tín không.

Những năng lượng chuyển vị trí từ một cơ thể có vật chất già nua, không đủ để duy trì sang một cơ thể sống khác có thể mới bắt đầu hình thành có phải là sự đầu thai không, hay du nhập vào một cơ thể khác đang sống, đang được duy trì bở năng lượng của chính nó, làm cho tôi liên tưởng đến những hiện tượng ngoại cảm, lên đồng hay nhập hồn.


Khẳng định con người được sinh ra ngay từ khi trứng gặp tinh trùng

Những lập luận trên đây muốn chứng minh cho sự khẳng định sự sống của con người là sự hòa nhập tương thích và tương tác giữa phần cứng là cấu tạo cơ thể và phần mềm là linh hồn, và sự kết hợp đó bắt đầu ngay từ khi mầm sống được khẳng định khi trứng của người mẹ gặp tinh trùng của người cha, có nghĩa là con người được hình thành ngay từ khi nó tồn tại trong buồng tử cung đã được khẳng định với đầy đủ các thuộc tính của nó.

Điều này không phải là tôi võ đoán hay suy luận vô căn cứ.

Trong Y dịch đã nói rất rõ, con người sinh ra được tạo nên từ khí tiên thiên và khí hậu thiên, trong đó khí tiên thiên chính là sự kiến tạo nên thai nhi trong buồng tử cung, còn khí hậu thiên là sự nuôi dưỡng từ bên ngoài từ sau khi đẻ.

Chỉ trong nháy mắt, con người được chuyển vị trí tồn tại từ trong buồng tử cung của mẹ ra bên ngoài, bản thân môi trường và sự đòi hỏi của môi trường thay đổi cho nên đứa trẻ phải thích nghi để tồn tại – sự thích nghi chứ không phải sự biến đổi về lượng để tạo ra bước nhảy về chất, vẫn con người đó, vẫn các cơ quan đó thì lấy gì để khẳng định cho câu “con người được sinh ra”.

Cuộc đẻ chỉ là sự chuyển chỗ ở, không phải “sự sinh ra”, mà thực sự “sự sinh ra” được khẳng định ngay từ khi thụ thai, và đó chính là sự bắt đầu sự sống của một con người với đầy đủ thuộc tính của nó.


Can thiệp vào sự hình thành, tồn tại con người trong bụng mẹ?


Nếu chúng ta đồng thuận với nhau như vậy, thì mọi sự can thiệp làm ảnh hưởng hoặc đình chỉ sự sống của thai nhi ở mọi thời điểm đều có bản chất giống nhau. Sự can thiệp đó có chung một mục đích là giết chết thai nhi - có thể là hút thai, có thể nạo phá thai, có thể làm kovac, có thể gây đẻ non, có thể …

Về thời điểm giết chết thai. có thể ngay khi mới thụ thai, có thể mới chỉ hình thành túi ối, có thể thai nhi đã thành hình có đầu, có chân, có tay, có tim đập (nhắc lại là chưa biết nói), cũng có thể là đến lúc đẻ ra (đẻ xong bỏ rơi cho vào túi ni lon rồi bỏ vào thùng rác), cũng có thể sau khi đứa trẻ đã ra khỏi bụng mẹ, biết nói, biết cười…

Phương tiện giết thai. Về phương tiện giết người khi còn là bào thai có thể là do chính người mẹ có chủ mưu, họ có thể tự họ đi mua thuốc độc, tự họ uống thuốc hủy thai, cũng có thể áp dụng các biện pháp thô bạo như chạy, nhảy cao, quấn bụng thật chặt với dã tâm là cho đứa trẻ trong bụng chính họ phải chết, và họ vẫn yên tâm rằng nó chưa biết gì, chưa biết nói rằng “mẹ đừng giết con”, nếu nó mà nói được như vậy thì chắc họ sợ phát khiếp, chắc không dám làm điều đó đâu.

Phương tiện giết người trong thời kỳ bào thai có sự can thiệp của kỹ thuật y học – một ngành sinh ra với mục đích cao quí là hỗ trợ cho sự sống, mang lại niềm vui cho con người với bất kỳ lý do gì, nay kiêm thêm việc giết người khi còn là bào thai.

Nếu các can thiệp y học là cho thai nhi chết thì nhân viên y tế thực hiện hành động đó có phải là thủ phạm không, hay chỉ là đồng phạm với chức năng giết người thuê.


Vấn đề này cần phải bàn luận cùng với các chuyên gia luật pháp xem đó có phải phạm luật không ?


Hoàn cảnh giết thai. Xin thưa với quí vị, bản chất của Y học là cứu người, không xét đến thân nhân của bệnh nhân, vậy hành động của Thầy thuốc sản khoa giết chết thai nhi theo tôi chỉ là đồng phạm, mà kẻ chủ mưu là chính người mẹ thai nhi, còn tại sao họ giết chính con họ, có thể có nhiều nguyên nhân, trong tầm hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi thấy có hai hoàn cảnh dẫn đến sự có mặt bất đắc dĩ của hài nhi:

Hoàn cảnh thứ nhất là những người thiếu hiểu biết về tránh thai nhưng lại không làm chủ được hành vi tình dục của mình, ví dụ như các em bé gái chưa thành niên bị các nam giới lợi dụng tình dục, các bé này sau quan hệ tình dục cứ tưởng là không sao đến khi thai to, bụng to, mất kinh lâu mới biết và các bậc cha mẹ chọn giải pháp phá thai, coi đó là không tội lỗi vì không ai biết, hài nhi còn quá nhỏ không biết nói, không biết kêu đau, không biết van xin rằng “mẹ ơi mẹ đừng giết con, ông bà ơi đừng giết cháu, các bác sĩ ơi đừng giết cháu, cháu muốn sống”, nếu trên thực tế mà các hài nhi đó nói được mà người lớn nghe được thì chắc họ sợ chết khiếp, không ai dám phá thai đâu, nhưng mà các hài nhi chưa nói được nên cha mẹ chúng cậy mình có quyền giết con nên đã thuê bác sĩ sản khoa giết con mình. Trong hoàn cảnh các bé gái phá thai còn được giải thích bằng các lý do rất hợp pháp đó là còn bé, chưa đủ khả năng nuôi con, chưa đủ kiến thức làm mẹ, chưa tự kiếm sống được, còn phải phấn đấu học hành, sự nghiệp…

Hoàn cảnh thứ hai là những người đã có gia đình, đều biết là sinh hoạt tình dục nếu không tránh thai thì có thai, nhưng vì quên, vì nhiều lý do khác nữa họ để có thai nhưng vì đã có hai con rồi, không muốn nuôi con nữa, cũng có thể mới vào cơ quan làm việc, mới được ký hợp đồng làm việc mà ở Việt Nam, công việc là do những kẻ cầm quyền, cho nên phải nghe họ, họ không cần biết phá thai là có tội đâu, chỉ cần biết đi làm là đừng có nghỉ thai sản hoặc con ốm quá nhiều, nếu nghỉ nhiều họ thiệt hại về lợi nhuận nên có thể họ sa thải hoặc cắt hợp đồng ngay, cho nên các chi em mới đi làm sợ mất việc không dám có thai, lỡ chẳng may có thai, mặc dù thương yêu con nhưng vẫn phải âm thầm phá thai giết con để bảo toàn chỗ làm. Trong những hoàn cảnh như vậy, kỷ luật của cơ quan cũng có thể là yếu tố nguyên nhân thúc đẩy hành vi phá thai giết trẻ em.


Pháp luật cho phép phá thai có phải là mẫu thuẫn về luật không?

Trong văn bản hướng dẫn hành nghề Y của Bộ Y tế có cho phép phá thai như vậy dù biện minh bằng bất kỳ lý do gì thì có sự tồn tại của pháp lý cho phép phá thai.

Nếu coi phá thai là hành động giết người thì sự cho phép của pháp luật có mâu thuẫn không, vấn đề này cần sự cân nhắc của chuyên gia nhiều lĩnh vực như y tế, pháp luật để đưa ra quyết định có tính công lý và nhân văn.


Cân nhắc sự được mất của cho phép và cấm phá thai

Nếu cứ như hiện nay, các sản phụ cứ mặc sức vui vẻ và nhỡ nhàng, các cháu gái của chúng ta cũng vậy, cứ yêu nhau, ngủ với nhau, rồi có thai, và lại đến bệnh viện, đến phòng khám sản, chỉ cần bỏ một ít tiền nộp cho bệnh viện hoặc phòng khám là các đồ tể sẽ hành quyết cái hài nhi ngay.

Phân tích một cuộc nạo thai có những người nào tham gia:

Thứ nhất là hai đối tác tạo ra cái thai đều có trách nhiệm và phân tích rõ thái độ của từng bên:

Nếu mẹ thai nhi không muốn phá thai mà bố thai nhi bắt phá thì bố thai nhi là thủ phạm còn mẹ thai nhi là đồng phạm.

Nếu bố thai nhi không muốn phá thai mà mẹ thai nhi cố tình phá thì mẹ thai nhi là thủ phạm còn bố thai nhi là đồng phạm.

Thầy thuốc nhận tiền rồi giết thai thì được coi như thủ phạm giết thai

Nếu pháp luật cho rằng phá thai không phải giết người thì thầy thuốc gây tai biến gây chết thai nhi thì có chịu tội không ?

Nếu pháp luật cứ như hiện nay thì không bao giờ hạn chế được hiện tượng giết thai này, vì giết chết thai, nhất là thai nhỏ, các thầy thuốc, các ông bố và các bà mẹ thai nhi không bị truy tố, không bị kết tội cho nên họ thấy không sợ, thế là họ cứ điềm nhiên mang thai rồi lại giết thai, thậm chí có người giết đến hàng chục lần mà vẫn không thấy áy náy gì.

Đối với thầy thuốc sản khoa, đánh lẽ là người mang lại niềm nhân văn cho loài người, giúp con người sinh con, giúp các sinh linh ra đời an toàn, xin thưa nếu chỉ làm thế thì sao mà có tiền được, cho nên các thầy thuốc này đã phải làm thêm cái việc giết thai ghê tởm kia, trong thâm tâm tôi nghĩ họ cũng không muốn làm đâu, nhưng vì mưu sinh, vì nhiệm vụ họ phải làm, còn một việc nữa là tại sao những thủ thuật khác thì không chi phí nhiều mà thuê giết thai lại chi phí nhiều thế, đó là vì giết người nói chung là việc khó, là việc chui, nguy hiểm, người mẹ thai nhi đến thuê trong trạng thái lo âu, sợ hãi, muốn làm chui, muốn giữ bí mật cho nên chấp nhận mọi giá thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cả chính họ, vì có những bác sĩ tồi, có những cơ sở y tế làm việc này chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn, dễ nhiễm khuẩn, không xử trí đúng những tai biến chảy máu, dị ứng, sốc phản vệ, cường phế vị.

Số tiền kiếm được từ dịch vụ giết người thuê của bác sĩ sản khoa đã làm cho chuyên ngành này trở thành sáng giá, là mục tiêu phấn đấu của nhiều thầy thuốc và là niềm kiêu hãnh thể hiện đẳng cấp của các thầy thuốc này.

Giả sử nếu thủ thuật phá thai bị cấm thì các thày thuốc sản khoa sẽ làm gì để kiếm nhiều tiền.

Nếu thủ thuật này bị cấm thì xã hội sẽ phải đối mặt với một thời gian bùng nổ dân số bất đắc dĩ, hàng loạt đứa trẻ ra đời ngoài sự mong đợi của bố mẹ chúng, có thể bố mẹ chúng còn bị mất việc làm vì lỡ kế hoạch và các lãnh đạo của những ông bố bà mẹ bất đắc dĩ này lại có cơ hội để ép người lao động, cứ chiếu theo điều lệ thì họ bị sa thải, nếu muốn không mất việc thì chỉ có âm thầm giết con hoặc đi đêm đến nhà lãnh đạo với phong bì để mong được lượng thứ. Nhưng sau giai đoạn bùng nổ dân số bất đắc dĩ trên thì họ sẽ tự kiềm chế lại theo qui luật là như vậy, số người mang thai ngoài ý muốn sẽ ít dần đi vì họ phải tự kiềm chế, tự ý thức được nếu mang thai thì ai sẽ phá thai cho họ , nếu phá thai sẽ bị qui tội giết người và có thể chịu tội hình sự - Nếu luật pháp cấm phá thai thì sẽ phải xây dựng lộ trình tuyên truyền cho người dân quyết liệt hơn nữa, rộng hơn nữa để hạn chế hậu quả xấu của bước ngoặt này.

Nếu cấm phá thai thì bác sĩ sản khoa sẽ không làm thủ thuật này nữa, họ sẽ mất đi một khoản thu nhập nhưng không sao, mọi thứ sẽ ổn và cũng là cơ hội để cho các bác sĩ sản khoa đáng kính của chúng ta bớt đi tội lỗi.

Tôi ủng hộ quan điểm không cho phá thai vì mang thai là một thuộc tính của phụ nữ, nếu không phá thai thì cả về tâm linh và trần thế sẽ tốt đẹp hơn.

Trong cộng đồng, phụ nữ phải được tôn trọng, nhất là khi họ mang thai, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào thì họ cũng phải được hỗ trợ, tuy nhiên luật lao động, nội qui các cơ quan, các nhà trường đều có nói đến ưu tiên cho phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai nhưng trên thực tế, các chị em phụ nữ có thai mà điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, mà làm ở các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước hầu như chưa được quan tâm thực hiện đúng luật, vẫn bị dọa dẫm, o ép nếu họ lỡ mang thai dày, nhiều người có thai cùng một lúc sẽ bị lãnh đạo khiển trách, có người có thể mất việc, mất thu nhập nên họ bắt buộc phải phá thai. Còn các cô gái có thai ngoài hôn nhân với người yêu, với người tình mà là lãnh đạo, họ không dám đối mặt với sự thật và ép buộc các cô gái đó phá thai. Trong những hình huống trên những người phụ nữ chưa được pháp luật bảo vệ và xã hội hỗ trợ, nên họ thường khó khăn trong việc tiếp tục mang thai và sinh con cho nên dễ dàng phá thai.

Hy vọng đến một ngày nào đó xã hội văn minh hơn, giàu có hơn, bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng được xã hội hỗ trợ và ủng hộ, không có sự kỳ thị giữa mang thai trong hay ngoài hôn nhân, không có sự phá thai giết chết các em bé trong bụng mẹ. Các cơ quan, nhất là cơ quan của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không còn phạt phụ nữ có thai ngoài kế hoạch, không còn cắt thi đua đối với phụ nữ có thai và nuôi con nữa, không còn những lãnh đạo dọa nhân viên nữ có thai khi mới vào làm việc sẽ bị sa thải mất việc làm, bên cạnh đó cha mẹ các cô gái có thai ngoài hôn nhân cũng sẽ rộng lượng hơn, không hắt hủi họ, hãy hỗ trợ họ để xã hội tiến tới sẽ không còn ai oán vì phá thai nữa, ngày đó thật tuyệt vời.


Theo timmachbaotam.com

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

1 bình luận:

  1. "Bất cứ quốc gia nào dám chấp nhận chuyện phá thai, thì có nghĩa là quốc gia đó không còn có thể dạy cho người dân của mình biết yêu thương được, mà trái lại dạy cho những người dân của họ là hãy dùng bất kỳ sự bạo động nào để đạt được những gì mà họ muốn. Đó là lý do tại sao việc phá thai lại trở thành kẻ hủy diệt về tình yêu và hòa bình ghê gớm nhất."
    - Mẹ Teresa Calcutta

    Trả lờiXóa