Home » , » Lời cầu nguyện của cái chết

Lời cầu nguyện của cái chết

Có lẽ khi đọc bài viết khai bút đầu xuân của cha Quang Uy “VÀ CHÚA, CHÍNH CHÚA, NGÀI SẼ RA TAY” (Ephata 495) ai cũng đều thấy buồn, nhưng là cái buồn trong lạc quan... Buồn vì đứng trước những cái chết rất thương tâm và phi lý của những thân phận dù nhỏ nhoi nhưng cần phải sống vì họ rất quan trọng đối với một gia đình, và ngay cả khi chính gia đình không còn muốn cho một thai nhi được sống nữa, thì em vẫn còn rất quan trọng đối với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và là cùng đích của mọi sự sống. Lạc quan là vì vẫn còn có Thiên Chúa, và Người sẽ ra tay cứu vớt chúng ta, theo như ý Người muốn và cách Người muốn, khi chúng ta hoàn toàn bất lực và hình như muốn tuyệt vọng trước sự thống trị của các thế lực tối tăm.


Người Việt Nam tin một cách dễ dãi dù biết rằng thực tế đâu có như vậy, những gì xẩy ra vào mấy ngày đầu năm luôn là điềm báo của một năm tới. Vào mấy ngày Tết người ta cố rặn ra những lời tốt đẹp mang đầy hoang tưởng cũng như các kế hoạch ngũ niên của Nhà Nước để tự lừa dối nhau và lừa dối chính mình. Sau 1975, mỗi khi đám bạn trẻ chúng tôi đi qua ở bùng binh Ngã 6 Hiền Vương nhìn lên tấm biển tuyên truyền, thường đùa giỡn khiến cho các bạn nữ phải đỏ mặt: “Kế hoạch 1975 – 1980 mà chỉ có dệt ra bằng đó mét vải, thì chúng mình sẽ thành… Trần Minh khố chuối hết !” Thực tế là đúng như vậy, cho tới mãi năm 1980, cửa hàng Thương Nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa mới phân phối tới hộ có sáu nhân khẩu của chúng tôi đúng 1,2 mét vải, không đủ cho mỗi người may một… cái khố !

Tôi không quen biết anh Phaolô Trần Đào Ngọc Tâm và em Anphong Trương Bình An nhưng trong Đức Tin thì mọi người đều nên một với nhau. Chắc chắn gia đình anh Tâm rất là đau buồn, còn gia đình của em An cũng chẳng có vui gì, có khi còn phải suốt đời ray rứt. Trong xóm tôi mới có một đám ma và một đám cưới. Đám ma của một chàng thanh niên 24 tuổi, con của một cán bộ công tác trong đội bài trừ tệ nạn xã hội, thế mà người con trai duy nhất lại chết vì ma túy. Còn đám cưới là của một cô gái mà cả xóm quen gọi là con Tí Sứt. Cháu bị sứt môi bẩm sinh, sau khi phẫu thuật vẫn còn lại vết sẹo khá rõ hằn trên môi, đi học và đi đâu cũng bị mọi người cười nhạo. Nhưng cháu vẫn học giỏi, được học bổng du học, đang làm việc với một mức lương cao ngất. Bố mẹ của cháu thường nói: May mà hồi xưa vì sợ tội nên không dám phá thai.

Khi nhận được báo Ephata 495, tôi đang đọc đến trang 116 một cuốn sách có tựa Journey to Easter (Hành trình đến Phục Sinh), nhà xuất bản The Crossroad Publishing Company, New York, 1987, tác giả là Đức Thánh Cha Benedict XVI. Xin trích trang 116:

“Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu chết trong cầu nguyện. Trong bữa Tiệc Ly, vào lúc tự trao hiến khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Người đã đón chịu trước cái chết, và như thế trong nội tâm, Người đã biến đổi cái chết thành một hành động yêu thương để tôn vinh Thiên Chúa Cha.

Mặc dầu các vị Thánh Sử có những tường thuật khác biệt về những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nhưng trọng tâm đều giống nhau: Chúa Giêsu đã chết trong cầu nguyện. Người đã biến đổi cái chết thành một hành động cầu nguyện, một hành động tôn vinh. Mátthêu và Máccô ghi lại: “Người kêu lớn tiếng”, đây là lời mở đầu Thánh Vịnh 22, nói về người công chính chịu đau khổ và được giải thoát: “Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ rơi tôi ?” (Mc 15, 34; Mt 27, 46).

Cả hai vị Thánh Sử đều ghi lại những người đứng đó không hiểu được lời đó, họ cho rằng Chúa Giêsu cầu cứu đến Êlia. Theo các Thánh Sử, chỉ có duy nhất Đức Tin mới làm cho ta nhìn ra tiếng kêu lớn của Chúa Giêsu vào lúc chết chính là lời cầu nguyện cứu chuộc của Đấng Cứu Thế trong Thánh Vịnh vĩ đại 22 về đau khổ và hy vọng của dân Israel, sẽ kết thúc trong viễn cảnh người nghèo được no nê và toàn thể địa cầu sẽ quay về với Thiên Chúa” (hết trích).
Cái chết của mọi người tin vào Chúa Giêsu cũng được nên một với cái chết của Người tức là nên một với lời cầu nguyện trong lúc chết của Người. Chúng ta không nghe được những lời cầu nguyện sau cùng của anh Tâm và em An nhưng chúng ta tin rằng cả hai đều được Chúa Giêsu mang vào lời cầu nguyện khi hấp hối của Người vì thế lời cầu nguyện khi chết của anh Tâm và em An vẫn mang hiệu năng cứu rỗi cho không những họ mà còn cho cả chúng ta.

Khi u buồn, chúng ta dễ hiểu theo cách buồn và sai lạc về lời phát biểu của cha Giám Tỉnh DCCT: “Chủ thuyết Cộng Sản trước sau rồi cũng thất bại, nhưng có một cái họ thành công, thành công vẻ vang, ấy là phá hoại lương tâm con người !”

Chúng ta có thể trở thành giống như những người dù có đứng dưới chân Thánh Giá, dù có nghe rõ ràng tiếng kêu lớn của Chúa Giêsu “Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ rơi tôi ?” lại vẫn cho rằng Người muốn được Êlia đến cứu ngay lập tức. Chúng ta dễ bị cám dỗ cầu xin theo chiều hướng “chính Chúa, Ngài sẽ ra tay” một cách hoành tráng, cho bọn chúng nó trắng mắt ra, biết là ta có Thiên Chúa toàn năng ở sau lưng ta, hậu thuẫn ta một cách triệt để.

Nhưng Đức Tin phải làm cho chúng ta lạc quan ngay trong u buồn. Chúng ta phải khác đi chứ, vì chỉ có chúng ta mới chính là những người chiến thắng sau cùng, vì mọi người được Thiên Chúa sinh ra đều chiến thắng thế gian. Và điều làm cho chúng ta chiến thắng thế gian, đó là chính Đức Tin của chúng ta (x. 1Ga 5, 4).

Anh Ngọc Tâm và em Bình An đều được sinh ra bởi Thiên Chúa và trong cái chết họ được nên một trong lời cầu nguyện sau cùng của Chúa Giêsu. Dù có ra đi nhưng lời cầu nguyện của họ vẫn còn đọng lại nơi chúng ta.

Trong nước mắt chúng ta vẫn phải vui lên chứ ! Vì có niềm hy vọng như thế nên chúng ta hành động can trường (x. 2Cr 3, 12). Chúng ta phải làm khác đi chứ ! Khi mang hình hài đẫm máu của em Bình An đi chôn, khi oán hận vì nền y tế sát nhân Xã Hội Chủ Nghĩa (xuống hầm cả nước) đã cướp đi cuộc đời tuyệt đẹp của anh Ngọc Tâm, chúng ta vẫn có thể ca hát nhảy múa hân hoan vì chúng ta mới đích thực là những người chiến thắng sau cùng và duy nhất cơ mà. Khi đó thế gian sẽ nghe được “tiếng lạ” (x. Cv 2, 1 – 13), tiếng nói của Thánh Thần, nơi chúng ta.

Nhiều người trong số 6 triệu người Do Thái khi bị Phát-xít Đức đưa vào phòng hơi ngạt, đã nhìn thấy cái chết sờ sờ trước mắt mà sự ra tay cứu vớt của Thiên Chúa vẫn có vẻ xa vời hơn bao giờ hết, vẫn nắm tay nhau và hát vang Thánh Vịnh 23:

“Chúa là Mục Tử, Người dẫn dắt chỉ đường cho con đi
Đi trong tay Chúa, nào con thiếu chi con sợ chi !”
Vì họ tin chắc Chúa vẫn luôn trung tín với Lời Hứa của Người và sẽ ra tay cứu vớt họ, không phải là cho họ thoát khỏi cái chết trước mắt đâu, nhưng quan trọng hơn gấp bội, Người luôn đồng hành với họ tới cùng:
“Tối tăm con sợ chi, vì có Chúa với con cùng tiến bước,
Cánh tay Người đưa, gậy Người dẫn yên lòng”.
Chính chúng ta sẽ thất bại chứ không phải chủ nghĩa Cộng Sản đâu, nếu chúng ta mất đi khả năng nói lên “tiếng lạ” lạc quan trong tin yêu đó vào những hoàn cảnh tang thương nhất.



NGUYỄN TRUNG, 10.2.2012

Theo Ephata 496

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét