Home » » Trọng tội

Trọng tội

Rỗi rãi ngồi "buôn" rôm rả đến đề tài sinh con thứ ba, tôi hào hứng góp chuyện, năm 1985 mẹ sinh tôi cũng bị phạt lên phạt xuống, thì bất chợt một chị quay sang hỏi: "Nhà đủ trai đủ gái cả rồi, mẹ sinh em bị "vỡ kế hoạch" à?

Về bỗng bùi ngùi suy nghĩ, tôi vẫn nhớ các cô chú làm cùng mẹ vẫn thường đến và trêu chọc tôi: "Con bé này tên là trót nhỡ".
Khi sinh tôi, bố công tác trong quân ngũ đã bị bêu gương, kỷ luật toàn đơn vị, mẹ phải làm kiểm điểm, khiển trách, mất một năm không được lên lương. Trong thời buổi bao cấp ấy, đó là hình phạt ghê ghớm lắm, đánh cả vào kinh tế lẫn danh dự. Tôi thậm chí đã làm liên luỵ đến bữa ăn của anh, chị mình.


Khi biết tôi đang hình hài được hai tháng, mẹ đã bấn loạn, lo lắng và hoàn toàn có quyền từ bỏ quyền sống của tôi vì tương lai của bố mẹ và cả gia đình khi hai con còn nheo nhóc, nhưng mẹ đã không nhẫn tâm thế, mẹ gọi bố về bàn bạc. Bố trấn an mẹ và nhất quyết không cho mẹ làm điều trái với đạo lý làm người, cho dù biết sẽ khá phiền hà về sau.

Tôi vẫn được ra đời theo đúng thời gian ấy, khi luật cấm sinh con thứ ba đã đi vào cuộc sống giữa thời bao cấp đói khổ... Tôi lớn dần lên trong sự yêu thương của bố mẹ và đùm bọc của anh chị. Vẫn tính con trẻ bướng bỉnh, hiếu thắng nhưng tôi tin, chưa một lần bố mẹ phải ân hận về quyết định ngày nào. Nhiều lần bố mẹ đã nói, họ tự hào về tôi.

Mỗi khi nghe kể vui về lần băn khoăn, trăn trở của mẹ, tôi lại rùng mình nghĩ cảnh mình không có cơ hội nhìn ánh mặt trời, không được sống trên cõi đời đẹp đẽ này. Mẹ tâm sự, lúc đó mẹ nghĩ, con đã là một con người, con có quyền sống, từ bỏ con cũng là mẹ phạm tội giết người, cũng như toà án lương tâm sẽ lên tiếng: "Nhà ngươi đã giết chết chính giọt máu của mình". Đến hổ dữ còn không ăn thịt con. Tôi nghe mà lòng tự nhủ: "Khiến bố mẹ phải buồn thôi cũng là một điều không bao giờ có thể tha thứ!"

Một ngày giáp tết, hai vợ chồng tôi về quê chồng, đi tảo mộ. Hôm đó trời mưa lất phất hơi ren rét. Anh dẫn tôi đi thăm, thắp hương khắp lượt mộ của cụ và ông nội, đến từng mộ anh đều có giới thiệu cụ thể về từng người. Rồi anh chỉ cho tôi một ngôi mộ nhỏ hơn nằm kế bên những ngôi to khác và chú thích: "Đây là mộ con của bác cả, do đẻ non quá mà mất luôn"...

Tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh ngôi mộ nhỏ. Dẫu sao đó cũng là nghĩa tử, nghĩa tận với người đã chết dẫu đứa bé còn chưa một lần được thở bầu không khí trên trái đất. Tôi lại liên tưởng đến tình trạng nạo phá thai của thanh niên nước ta hiện nay đã lên đến con số báo động kinh hãi.

Những lời cần phải dạy, phải bàn đã được nhiều chuyên gia, nhiều người có kiến thức uyên thâm nêu ra cả. Tôi chỉ xin gạch chân một dòng nho nhỏ thuộc phạm trù lương tâm.

Xin ai đó đừng làm những việc chưa nên làm, và khi đã dám làm thì hãy dám chịu, đừng để những sinh linh vô tội phải gánh những oan ức mà mình mang đến cho chúng. Những người đàn ông tàn tệ sau khi "con ong tỏ đường đi lối về" hiện nguyên hình là một gã họ Sở mà "quất ngựa truy phong" để lại cô gái với giọt máu đang tượng hình. Vậy mà cô gái ấy cũng táng tận lương tâm không kém người đàn ông đốn mạt kia, cô đã tiếp tay cho người khác giết chết con mình. Đứa bé cũng là một con người, giờ xác nó vất vưởng nơi đâu mẹ nó cũng chẳng hề biết và dù biện minh bằng bất cứ lý do nào thì đó cũng là một tội ác.

Nhớ lại ngôi mộ bé nhỏ, tôi chợt thấy chạnh lòng... Lý ra những cái thai vô thừa nhận không được thành người, không được sống thì ít nhất cũng phải có một chốn nương xác tử tế chứ không phải là tại các bãi rác bệnh viện.

TSL
Theo Dân Trí

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét