1. Tình trạng “sống thử” của giới trẻ
Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo thống kê của khoa xã hội học Đại học Mở TPHCM, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân: Lan, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Ở xóm trọ của em, gần một nửa các bạn sống thử trước hôn nhân”. Tôi được một bạn công nhân chia sẻ, dãy phòng trọ của em có 10 phòng thì có đến sáu phòng “góp gạo thổi cơm chung”.
Mặt khác, “sống thử” đa phần là học đòi theo mốt chứ chưa có định hướng tương lai là có lấy nhau hay không. Xét theo truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống không phù hợp, không nên khuyến khích, nó có tác động xấu đến đời sống và mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội. Đồng thời, “sống thử” khó được toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống thực dụng ngày nay.
Hơn nữa, “sống thử” còn là một trong những thực trạng của xã hội, nó đang có nguy cơ lan rộng như một “dịch bệnh”. Đối tượng được nói đến cách phổ biến, lại rơi vào các học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, hay người trẻ vốn phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, khó khăn trong cuộc sống nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để bươn trải vào đời.Chuyện “sống thử” trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thực sự là một giải pháp tốt để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là "cái bẫy của một quan niệm suy đồi trong lãnh vực hôn nhân"?
2. Nguyên nhân “sống thử” của giới trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử”, nhưng vì giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin nêu ra một vài nguyên nhân sau:
2.1 Nguyên nhân bản thân
Do sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu vật chất, hoặc có thể vì đua đòi và đi theo não trạng sai lạc do chủ thuyết “duy thế tục” được tự do quảng bá dưới mọi hình thức trong đời sống xã hội. Một số bạn không thích kết hôn khi sự nghiệp chưa vững vàng và càng không thể để "Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy". Tư tưởng mạnh mẽ giúp họ cởi mở hơn trong quan niệm tình dục và không còn e dè dư luận xã hội trước kia. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ sống trước hôn nhân là các bạn sống quá tự do, sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sống buông thả”.
Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử, đặc biệt là các bạn nữ sinh viên và công nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Rất nhiều bạn không những coi thường luật pháp và giáo luật mà còn tự hạ thấp nhân phẩm của mình, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình, cho dù biết hành động mình đang làm là sai trái với chuẩn mực cuộc sống nhưng vẫn cố tình bước vào.
2.2 Nguyên nhân từ gia đình
Do cha mẹ sống không hạnh phúc, những cảnh xào xáo, chửi bới và cãi vã thường ngày trong gia đình chính là yếu tố làm cho giới trẻ không muốn nghĩ đến hôn nhân; ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Đồng thời, do cha mẹ bồ bịch, mèo chuột, muốn “tìm của lạ” hoặc “ông ăn chả, bà ăn nem” nên không thể khuyên bảo con cái được. Cha mẹ lăng nhăng mà cấm con cái bồ bịch mới là chuyện lạ!
Hơn nữa, cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình, không động viên con cái sống lành mạnh, chỉ biết phó mặc cho nhà trường, thì làm sao chúng không hư hỏng? Theo thạc sĩ tâm lý nữ tu Hồ Thị Hạnh cho biết: “Do cha mẹ chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm đến đời sống của con cái. Mà thực ra, cha mẹ đâu chỉ có kiếm tiền cho con là đủ mà còn phải biết đồng hành với con cái, nhất là ở lứa tuổi đang chập chững biết yêu”. Còn theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM thì cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử” ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ” [1].
2.3 Nguyên nhân từ xã hội
Do ảnh hưởng văn hóa Phương Tây tràn vào, nên tình trạng quan hệ tình dục và “sống thử” trước hôn nhân ở giới trẻ đang ở mức báo động. Nhiều bạn trẻ thật dễ dãi, cho rằng “việc đó” là bình thường, không ảnh hưởng gì. Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền: “Việc các bạn trẻ “sống thử” trước hôn nhân không chỉ ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây mà còn do lối sống quá dễ dãi của các bạn. Đồng thời, do ảnh hưởng của nền văn hóa “tốc độ”, một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu “rất hiện đại” hay còn gọi tình yêu tốc độ”. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm các bạn sinh viên sống ở khu nhà trọ, tôi thật bất ngờ trong một dãy phòng trọ, có khoảng một phần ba các bạn “sống thử” trước hôn nhân, hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung”.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của truyền thông, các bạn nghe nhạc, đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh, tạp chí về yêu đương và cả những trang web về tình dục là điều không thể tránh khỏi. “Tai nghe không bằng mắt thấy”, có nhiều bạn trẻ vì tò mò “sống thử để biết”, và “sống thử vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung đấy thôi”. Tôi được một bạn sinh viên chia sẻ: “Phòng em có ba người ở, hai bạn của em có người yêu, em cảm thấy rất buồn và quyết định kiếm đại một người yêu để vơi đi nỗi buồn. Nhưng sau thời gian khi chiếm được thân xác em, anh ta đã cao chạy xa bay rồi”. Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử, không thấy hợp thì chia tay, không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình. Theo TS tâm lý học Trương Thị Bích Hà: “Do đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời. Mặt khác, do hội nhập văn hoá làm cho giới trẻ sống “tây hoá” không còn biết đến nền tảng đạo đức của con người”.
3. Hậu quả của việc “sống thử”
“Sống thử” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó, và thực sự, trong cuộc sống “thử” người ta cũng ít có trách nhiệm với nhau hơn. “Sống thử” là một cuộc sống không lâu bền vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, nhất là những cặp sinh viên “sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. “Sống thử” rất bấp bênh, thiếu một mục đích cụ thể, do vậy khi gặp khó khăn, mâu thuẫn đáng ra có thể giải quyết được, thì hai người lại dễ buông xuôi và tan vỡ. Tâm lý “không hợp thì bỏ” khiến nhiều bạn trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân, người yêu và tình yêu của mình, “cả thèm chóng chán” và mối quan hệ trở nên nhạt dần. Cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên nhàm chán nhanh chóng nếu cả hai không nhận thấy trách nhiệm phải vun đắp cho mối quan hệ thì tất yếu là không vững bền.
Hơn nữa, vì chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” này khi gặp những khó khăn, trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” này khi có kẻ thứ ba dòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn trẻ không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Rồi nhiều chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự của các bạn sau này.
“Sống thử” làm cho hai người biết quá rõ về nhau, nhàm chán và đơn điệu, chưa kể đến vấn đề “cơm áo gạo tiền”, những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày là điều không thể tránh khỏi. Khi các bạn chưa thực sự là của nhau thì việc chia tay là hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, đám cưới chỉ là hình thức nhưng giấy tờ hôn thú là sự ràng buộc về giáo luật và pháp luật, đó là kết quả của một tình yêu chín muồi. Khi sống thật, các bạn trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, yêu và tôn trọng nhau hơn. Chẳng hạn, một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại trường Đại học Crieghton (Mỹ) cho biết, những đôi bạn sống chung trước khi thành hôn thường phải chịu đau buồn khôn khổ nhiều hơn bởi cách sống ấy, và cuối cùng dẫn tới tình trạng không ổn định trong đời sống vợ chồng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những người đã chung sống trước hôn nhân như thế lại có khuynh hướng “cãi nhau liên miên” ngay sau ngày cưới.
Một khi “sống thử” tan vỡ, bạn nữ chịu thiệt thòi đã đành, bạn nam cũng không phải không bị ảnh hưởng, mất mát về thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, mất mát nhiều cơ hội trong cuộc sống… chia đều cho cả hai bên. Nhiều bạn gái gặp bế tắc sau khi “sống thử” đã tự tử. Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam gia tăng rất nhanh và hiện là một nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đóng góp không nhỏ là việc “sống thử” của các bạn trẻ. Họ còn chưa đủ tiềm lực về kinh tế, nhận thức về trách nhiệm và hậu quả còn nông cạn, thường cho rằng hiện đại là phải “sống thử”. “Sống thử” nhưng chia tay là thật, theo thống kê từ Bộ tư pháp Mỹ cho thấy trong vòng 15 năm qua, 86% các cuộc “sống thử” đã kết thúc bằng chia tay. Tiếp tục theo dõi 14% tiến đến hôn nhân thì tỷ lệ ly dị của những đôi này lại cao hơn những cặp trước đó đã ra sống riêng. Vì thế, có thể khẳng định “sống thử” không thể là bước đệm cho một cuộc hôn nhân bền vững.
Giáo sư xã hội học, bà Linda Waite, sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy đã cho biết:Những cặp chung sống gần như vợ chồng đã trải qua kinh nghiệm đau khổ như bị ngược đãi hay phản bội nhau mà hoàn toàn không nhận được sự trợ giúp nào từ gia đình đôi bên. Bà cho biết tiếp, 16% phụ nữ sống chung với bạn trai hay bị đánh đập vào những lần cãi vã, trong lúc chỉ có 5% phụ nữ bị đánh đập khi chung sống với chồng của họ.Những cặp khác, có con chung, không giáo dục nổi con họ vì họ không cảm nhận được ràng buộc thiêng liêng của vợ chồng thực thụ. Đặc biệt, người cha rất vô trách nhiệm, và sống bê tha, không chu cấp cho con mình, mà tự cho mình chỉ là "bạn trai" của mẹ đứa bé, và vô hình chung, người đàn ông đó đã chuyển trách nhiệm nuôi và dạy đứa nhỏ cho bà mẹ. Hơn nữa, bà còn cho biết, đời sống sinh lý của những người không phải là vợ chồng cũng không điều hòa như đời sống vợ chồng.
3.1 Trả giá quá “lớn”
Một phút vui chơi bên người mình yêu, bên tình nhân tưởng như đang ở thiên đường; những tháng ngày vắn vỏi bên nhau tưởng giúp con người thoải mái về tinh thần và thể xác, hay đáp ứng cách trọn vẹn khao khát sống cho nhau. Nhưng hậu quả của nó mang lại rất lớn mà người trong cuộc thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình.
Bên cạnh nỗi đau về tinh thần còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của người trong cuộc khó tiên liệu trong hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại; hiện tại họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai, nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng. Đó là giải pháp cuối cùng và tất yếu của cuộc ngoại tình, hôn nhân ngoài giá thú, hay “sống thử”, vội vàng “cho” để chứng minh tình yêu của cô gái, hay của những cuộc ăn chơi thác loạn…
Một khi cuộc sống chung không xây dựng trên nền tảng vững chắc của gia đình, thì tất yếu sẽ dễ dàng đi đến chỗ rạn nứt và đổ vỡ với những lý do rất đời thường như: ghen tuông, không còn yêu nhau, hay không có trách nhiệm… Và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những cuộc ẩu đả, bạo hành giữa vợ chồng với nhau… trước khi chia tay. Phần lớn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi [2].
3.2. Di chứng tương lai
Một khi “trao thân gửi phận” cho nhau nhưng không thành vợ thành chồng, cũng để lại nhiều vết thương lòng và tâm lý trong tương lai. Nhiều phụ nữ lỡ “trải nghiệm” trong quá khứ, thì tương lai phải đối diện câu trả lời về trinh tiết với người bạn đời hay khi yên bề gia thất, người cũ quấy rối, tống tiền; hoặc mặc cảm tự ty với gia đình... Tất cả điều đó, thường cản lối đến với cuộc sống tốt đẹp phía trước, và sự chọn lựa vì đó không được trọn vẹn. Và chắc chắn, không có cơ hội tận hưởng hạnh phúc, dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời dương thế.
Tất cả những hậu quả đó, hơn ai hết, chính bản thân người trong cuộc sẽ phải gánh chịu, không chỉ ở thời gian hiện tại mà còn ảnh hưởng dài tới tương lai sau này. Hậu quả của việc “sống thử”, quan hệ trước hôn nhân sẽ dễ sinh nhàm chán và nếu có hôn nhân thì cuộc sống của họ thường không hạnh phúc và tiếp theo là một “lộ trình buồn”. Thật đáng tiếc cho giới trẻ ngày nay. Cái tai hại hơn và không đáng có, lại là nỗi bất hạnh của những đứa trẻ, có thể chúng sẽ không được thấy ánh dương mặt trời của sự “nhẫn tâm và tàn nhẫn” của cha mẹ; hay nếu được sinh ra thì cũng sẽ èo uột vì “thiếu vắng sự ấm áp” từ tình thương của cha hoặc mẹ. Và như thế, chúng sẽ là những đứa trẻ phát triển không bình thường về thể lý và tâm lý [3].
4. Để hạn chế việc “sống thử”
4.1 Về phía bản thân
Bản thân các bạn, nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về tình yêu, về hôn nhân gia đình, không nên vì những lời ngon ngọt của người yêu mà bỏ qua những chuẩn mực, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Các bạn gái phải tự biết bảo vệ cái quý giá nhất của mình. “Sống thử”, nếu “dính bầu” thì đơn giản là đi phá thôi sao? Đừng chỉ vì một giây phút nông nổi mà bạn phải ân hận suốt đời khi mất luôn thiên chức làm mẹ. Hơn nữa, các bạn nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh, giao lưu học hỏi và phải quyết tâm nói không với việc “sống thử”.
4.2 Về phía gia đình
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consorto” đã khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Bởi vì cha mẹ đã cho con cái sinh ra đời, họ phải có một bổn phận quan trọng nhất, là giáo dục con cái của họ. Do đó, cha mẹ phải nhận rằng, chính họ là những nhà giáo dục đầu tiên và trên tất cả đối với con cái. Vai trò giáo dục của họ quyết liệt đến nỗi thật khó tìm được bất cứ điều gì có thể đền bù vào sự thất bại của họ. Cha mẹ phải nhận trách nhiệm tạo bầu khí gia đình đầy linh hoạt trong tình yêu và tôn kính Thiên Chúa và mọi người, để sự phát triển hoàn mỹ về cá tính và xã hội được nẩy nở trong con người. Vì vậy, gia đình là trường học đầu tiên cho tất cả những đức tính Giáo hội và xã hội mà bất cứ xã hội nào cũng cần phải có.”
Ðây không phải là khó khăn có thể đóng khung trong khuôn khổ gia đình, nhưng thực sự nó đã trở nên thách đố quan trọng của Giáo hội và xã hội. Ðể đối phó, cần có sự vận động qui mô với sự hợp tác chặt chẽ của gia đình, học đường và giáo xứ. Sự hợp tác này, cho đến hiện tại vẫn còn được mô tả là chưa đúng mức, nếu không muốn nói là qúa hời hợt. Thành thật mà nói, đa số các bậc phụ huynh Việt Nam, mặc dù có kinh nghiệm, nhưng việc nói chuyện về tình dục với con cái, đã không được coi như “tốt lành.” Có một bà trong xứ đạo của người Việt kia, đã than phiền rằng cha xứ đã dạy các thanh niên nam nữ trong họ đạo những điều “tục tĩu”, khi những người trẻ này tham dự các lớp giáo lý Chuẩn Bị Hôn Nhân! Vì vậy, chính một số phụ huynh cũng cần phải được đi “huấn luyện” thêm, học hỏi thêm, trước khi họ có thể giúp đỡ con cái của họ.
4.3 Về phía xã hội
Xã hội nên có những buổi tuyên truyền, những buổi hội thảo, những diễn đàn và những bài viết liên quan đến vấn đề này, nên tổ chức và khai triển dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội cũng như trong Giáo hội Công giáo một cách sôi động. Giới trẻ có rất nhiều điều hấp dẫn, bổ ích trong học tập, làm việc, giao lưu bạn bè, giải trí… Hơn nữa, chúng ta sinh ra ở Việt Nam, một nước phương Đông với nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp, vì vậy, người Việt Nam dù có văn minh hay học hỏi ở nước ngoài thế nào cũng nên giữ lại một chút truyền thống của dân tộc mình. Biết rằng, phương Tây họ có nhiều cái hay cái mới mình cần nên học, nhưng họ cũng có những cái xấu mà mình không nên học, hoặc dù có học cũng nên điều chỉnh sao cho phù hợp với nước mình một chút.
5. Quan điểm và lập trường của Giáo hội Công giáo
Theo giáo luật, hai tín hữu Công giáo mặc dù đã làm hôn thú dân sự với nhau, nhưng họ chưa thực hiện bí tích Hôn Phối trước mặt Giáo hội, hôn thú của họ vẫn không phải là bí tích, và do đó họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng thật sự. Đối với những vợ chồng không Công giáo, hôn thú dân sự của họ là hôn phối tự nhiên. Giáo hội vẫn tôn trọng hôn phối đó. Nhưng đối với người Công giáo, họ có nghĩa vụ của các tín hữu, đó là hôn phối của họ phải được kết ước theo thể thức của Giáo hội đã quy định (GL 1108) để có thể là bí tích Hôn Phối.
Hôn phối của các người Công giáo, cho dù chỉ một bên là người Công giáo, họ bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân. Đồng thời, có những người nghĩ rằng vì đã tốn kém nhiều mới lấy được vợ, nên phải ăn ở với nhau càng sớm càng tốt dù chưa làm phép cưới theo luật đạo; cách ứng xử như thế, bộc lộ một thái độ thiếu tôn trọng người bạn đời của mình, coi người bạn đời như món hàng mình đã tốn kém nhiều mới kiếm được nên phải tận hưởng càng sớm càng tốt. Quan niệm đó cũng không phù hợp với giáo lý Công giáo về hôn nhân.
Đối với Giáo hội, hôn phối không phải chỉ là chuyện riêng tư thuần túy giữa hai người nam nữ, nhưng còn liên hệ tới tính hiệp thông trong toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Thật vậy, từ đôi hôn phối Kitô giáo này sẽ đem đến một gia đình Kitô với tất cả sự phong phú của cuộc sống, khả năng giáo dục tri thức và đức tin, trở nên một tế bào sống động của Giáo hội. Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo hội và được Công Đồng Vaticanô II gọi là “Giáo hội tại gia”. Khi cử hành hôn phối theo nghi thức của Giáo hội, đôi vợ chồng Công giáo bày tỏ quyết tâm dấn thân sống đời hôn nhân theo giới luật của Chúa và những mong đợi của Giáo hội” [4].
Tóm lại
“Sống thử” trước hôn nhân là một lối sống đáng phê phán và phải ngăn chặn vì nó để lại nhiều tác hại đối với gia đình và xã hội. Nó làm băng hoại lối sống lành mạnh của giới trẻ và gây nhiều hậu quả đáng tiếc cho chính tương lai của lớp trẻ. Hơn nữa, Giáo hội kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hướng đến một đời sống hôn nhân đặt trọng tâm trên giao ước với Thiên Chúa – Đấng là nguồn sự sống đích thực; đồng thời, qua đó, khám phá và đề cao những giá trị Tin Mừng về tình yêu, về sự hiệp thông và những ân ban nhưng không của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu. Nơi Ngài, sự sống của Thiên Chúa ban cho con người được cụ thể hóa một cách sống động qua cung cách sống, cung cách ứng xử, cung cách trao tặng Tình yêu – Một tình yêu đích thực “hy sinh mạng sống cho người mình yêu” (x.Ga 15, 13).
----------------------
[1] Báo phụ nữ số ra ngy 21-09-2010, tr15
[2] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.
[3] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.
[4] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.
Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF
Theo ubmvgiadinh
0 bình luận:
Đăng nhận xét