Home » , » Nỗi khổ của người mẹ làm trái lương tâm

Nỗi khổ của người mẹ làm trái lương tâm

VRNs (06.07.2011) Đà Nẵng – Tại vùng Đông Nam Á, cứ 100 ca phá thai, thì có 32 ca là người Việt Nam. Đây là số liệu do Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam công bố hồi tháng 03.2011. Trong số 100 ca phá thai tại Việt Nam, thì có 20 ca ở độ tuổi vị thành niên.

Được đứng trong top đầu của cả thế giới về phá thai, nhưng không ai là người Việt Nam lại hãnh diện về điều đó. Có những phụ nữ đã không đủ sức vượt qua kinh nghiệm hãi hùng này.

Mẹ của đứa con không được sinh ra

Cô H (chúng tôi gọi như thế, chứ tên cô ấy hoàn toàn khác) kể, vào một ngày gần cuối năm đã phải bỏ đi đứa con của mình: “Vào cái ngày cuối năm đó, tôi đã phải tàn nhẫn bỏ đi đứa con của mình, cái ngày cuối năm sao mà nặng nề thế, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi căm thù bản thân mình, căm thù nguời đàn ông đó, người mà đáng ra là bố của con tôi”.

Cô H vừa kể về nguyên nhân dẫn đến việc phá thai, vừa khóc: “Tôi quen và yêu anh khi đang học năm cuối, anh là một quản lý mới ra trường. Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi được ở bên nhau. Thế nhưng chuyện của chúng tôi bị hai gia đình ngăn cấm. Tôi đã lo lắng suy nghĩ rất nhiều, anh vẫn động viên và nói phải thuyết phục dần dần. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến, tôi yêu anh và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho anh. Không biết suy nghĩ của tôi có đúng không nhưng hình như giới trẻ bây giờ đã yêu là sẽ quan hệ, chúng tôi cũng không ngoại lệ chuyện đó. Tôi cũng không phải là cô gái kém hiểu biết để biết được các biện pháp phòng tránh để tránh gây ra những chuyện đáng tiếc, nhưng thật ngoài ý nghĩ. Tôi có thai !”

Lời kể của chị mỗi lúc càng nghẹn ngào trong nước mắt, chúng tôi đã khuyên chị bĩnh tĩnh lại, được một lúc chị nói tiếp: “Tôi đã hoang mang lo lắng và cho anh biết chuyện, anh động viên an ủi tôi và cũng nói là không thể giữ lại đứa bé vì như vậy gia đình anh không bao giờ chấp nhận tôi, hơn thế nữa sự nghiệp của chúng tôi cũng chưa vững vàng. Anh đã thuyết phục tôi rằng nếu tôi yêu anh thì hãy tôn trọng sự lựa chọn của anh, và để cho tình yêu của chúng tôi có được kết thúc hạnh phúc là có được đám cưới khi hai gia đình chấp nhận. Trong lúc rối bời và sợ hãi, tôi đã nghe theo anh, bỏ đi đứa con máu mủ của mình khi nó được hai tháng. Từ sau chuyện đó, tôi đau khổ dằn vặt không dám nói với ai chuyện này mà chỉ biết gặm nhấm cảm giác tội lỗi của mình theo từng ngày. Trái tim tôi đang rỉ máu vì tội lỗi mình gây ra. Cái thời sinh viên sao mà ngu muội đến thế. Sau thời gian tốt nghiệp, tôi và anh xa nhau, anh đã bước đi trên con đường của anh, bỏ lại tôi với nỗi đau không bao giờ xóa được. Tất cả giờ đây chỉ còn lại trong tôi một niềm ân hận xót xa vô bờ. Một hành động trong lúc không làm chủ được bản thân đã dẫn đến một tội ác, đã làm tôi mất tất cả. Mất con, mất sự trong trắng. Và điều bất hạnh lớn nhất chính là tôi đã mất đi sự bình an trong tâm hồn. Nỗi cô đơn dày vò ân hận này sẽ còn theo tôi mãi trong cuộc đời? Ai có thể giúp tôi rửa sạch lỗi lầm ?”

Cô H không phải là trường hợp cá biệt duy nhất. “Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 5, tại khu vực “bỏ”, khoa Kế hoạch hóa gia đình bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân đông hơn hẳn khu vực “nuôi”. Trên bậc thang lên xuống, lác đác vài cặp nam nữ đứng thầm thì trong nước mắt. Các cô gái khác, phần lớn nằm trong độ tuổi từ 16 đến 25 ngồi trước phòng khám, tay cầm số chờ đến lượt mình. Mới hơn 2 giờ chiều, bảng hiển thị số thứ tự đã lên tới số 932 và còn hơn 30 người vẫn đang ngồi đợi ngoài hành lang rộng chừng 3 mét, dài hơn 50 mét” (vnexpress.net).

Chính sách xã hội thúc đẩy phá thai

Theo Pháp lệnh dân số Việt Nam, được ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 và điều 10 được sửa đổi năm 2008, thì các cặp vợ chồng chỉ được sinh hai con. Nếu cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba thì bị xem là vi phạm pháp luật. Nếu là công chức sẽ bị mất thưởng, đóng phạt, và nếu có giảm biên chế thì sẽ được ưu tiên đưa vào danh sách. Chỉ có 7 trường hợp do chính phủ cho phép thì mới được sinh con thứ ba.

Theo điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 12/5/2011), hướng dẫn thi hành Pháp lệnh dân số quy định như sau:

“1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh”.

Do phải “bảo vệ” nồi cơm của mình, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định phá thai.

Ngoài ra, lối sống xã hội đang xa dần các chuẩn mực đạo đức, nghi kỵ tôn giáo, làm nảy sinh cách nghĩ và sống vội vàng, không cần trách nhiệm, không cần tình yêu và phóng khoáng về tình dục như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, ngoại tình, ăn cơm trước kẻng đã làm cho khu vực “bỏ” tiếp tục nhiều hơn khu vực “nuôi”.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong – Chủ tịch Hội Kế hoạch hoá gia đình TP HCM, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ trẻ em TP HCM, nơi có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất Việt Nam – cho biết, có nhiều nguyên nhân: Trước hết phải kể đến hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm dạy bảo con cái đúng mức, đặc biệt là vấn đề giới tính, tâm sinh lý. Tình trạng một gia đình có nhiều thế hệ chung sống với nhau, nhiều lúc sinh hoạt chăn gối, tình cảm của cha mẹ, anh chị làm ảnh hưởng đến con trẻ. Môi trường xã hội khá phức tạp, có nhiều luồng thông tin thiếu chính xác, phi giáo dục, đặc biệt là sự du nhập của văn hoá ngoại lai, phim ảnh sách báo đồi truỵ khiến một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, ăn chơi buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, không biết cách sử dụng biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, hiện nay việc giáo dục giới tính trong nhà trường không được quan tâm đúng mức…”

Tiếng lương tâm thầm lén


Phá thai là một tội ác, chống lại quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống. “Khoa học của nền văn minh là phải làm dồi dào thêm thức ăn trên bàn tiệc cuộc đời, chứ không phải tìm cách loại bớt đi những thực khách” (Đức Thánh Cha Phaolô VI phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, năm 1965). Công đồng Vativcan II đã khẳng định phá thai là tội ác ghê tởm chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (GS 51).

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG. số 2271).

Bộ Giáo Luật hiện hành điều 1398 qui định: “Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententiae)”.

Những điều này trong các chương trình giáo lý phổ thông ở Việt Nam không được dạy. Chỉ đến khi học giáo lý hôn nhân thì mới được đề cập thoáng qua. Trong khi đó, nhiều trẻ vị thành niên đã phá thai trước khi có ý định kết hôn.

Những điều này không được các vị có trách nhiệm trong Hội thánh dung để yêu cầu Quốc hội Việt Nam điều chỉnh Pháp lệnh dân số cho phù hợp với đức tin và luân lý.

Hậu quả là nhiều giáo dân đã phá thai, vì đơn giản họ thấy rằng cả xã hội thế, và đó cũng chính là quy định của pháp luật. Một chị phụ nữ lý luận, chắc Giáo hội cũng đồng ý như vậy, nếu không tại sao không ai lên tiếng nói cho giáo dân biết Pháp lệnh đó là sai?

Tiếng lương tâm vẫn thôi thúc nhưng chỉ được nhắc nhở mạnh mẽ nơi kín đáo là tòa giải tội mà thôi.

Ước mơ một tương lai không ai phá thai


Mẹ Têrêsa Calcuta khi nói về sự ác phá thai: “Tôi nghĩ đến yếu tố có sức hủy diệt lớn lao nhất đến sự bình an của ngày hôm nay chính là việc phá thai, bởi vì đó là một cuộc chiến chống lại đứa trẻ, một hình thức trực tiếp để giết chết một đứa trẻ vô tội, chính người mẹ là kẻ sát thủ chính đứa con của mình. Và nếu chúng ta chấp nhận rằng một người mẹ có thể thậm chí giết chết đi đứa con của chính mình, thì làm sao chúng ta có thể nói cho những người khác là đừng giết hại lẫn nhau cho được?”

Cha Lê Quang Uy, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, người đứng ra thành lập nhóm Bảo Vệ Sự Sống năm 2009 mang tên Nhóm Fiat, do sự gợi ý của cha Phạm Trung Thành, hiện đang là Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cho biết nhiều người mẹ sau khi đã phá thai thì tâm lý bị khủng hoảng và họ tìm đến nhóm Bảo Vệ Sự Sống để tìm sự giúp đỡ về tâm lý: “Những trường hợp chúng tôi biết được thì rõ ràng là có một hậu quả để lại rất nặng nề và lâu dài về mặt thể lý, tức là trên thân xác của họ bị tổn thương kinh khủng. Về mặt tâm lý thì họ bị ám ảnh bởi một nỗi đau đớn xót xa mà dằn vặt kinh khủng. Và cuối cùng là ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm linh, họ mang mặc cảm như là đã mang tội sát nhân, mang tội chống lại thượng đế, chống lại Thiên Chúa. Chúng tôi giúp họ sám hối với Thiên Chúa, rồi giao hòa với chính đứa con của họ đã từ bỏ, và thứ ba là họ giao hòa với chính bản thân của họ. Chính họ cũng phải biết tha thứ cho bản thân để mà quên cái quá khứ đi”.

Do đó, Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đã đi vào bệnh viện để thuyết phục người ta đừng phá thai rồi đưa các thai phụ về chăm sóc họ cho đến ngày mẹ tròn con vuông. Ngoài ra, Nhóm bảo vệ sự sống còn đi xin xác các thai nhi đem về lo hậu sự. Nhóm bảo vệ sự sống cũng chia nhau ra khắp mọi nơi để nói chuyện, để giảng dạy cho người ta thấy phá thai là sai lầm, là tội ác và giúp các bạn trẻ hiểu về giới tính để rồi ngừa thai bằng phương pháp tự nhiên. Và hoạt động cuối cùng là giúp cho những người đã trót phá thai được phục hồi lại niềm bình an trong tâm hồn.

Theo cha Lê Quang Uy, các tôn giáo cần hiệp thông cầu nguyện cho vấn đề này.

“Sự sống là quà tặng vô giá của Thiên Chúa, phá thai là tước đoạt quyền của Thiên Chúa trên sự sống con người”. Hành động bảo vệ sự sống của các thai nhi là việc cần thiết và rất quan trọng của tôi, bạn và tất cả mọi người. Hãy cùng hành động và cầu nguyện cho những đứa trẻ không may mắn khi không được chào đời. Hãy bảo vệ sự sống bằng khả năng và trách nhiệm của mỗi chúng ta, những con người đã may mắn có mặt ở trên đời!

Anna Mỹ Hoà

Theo chuacuuthe.com

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét