Kính thưa các Đức Hồng y,
Chư huynh trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn thân mến,
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng đón tiếp anh chị em nhân dịp Đại hội Thường niên của Viện Hàn lâm Giáo hoàng Bảo vệ Sự Sống. Tôi đặc biệt chào đón Đức cha Ignacio Carrasco de Paula và cám ơn về những lời chào hỏi nhã nhặn của người. Cùng với mỗi người trong anh chị em, tôi thân ái gửi đến lời chào mừng nồng nhiệt! Qua các phiên làm việc trong những ngày vừa qua, anh chị em đã đề cập đến những đề tài thời sự quan trọng, những đề tài luôn đặt ra những câu hỏi sâu rộng cho xã hội đương thời, và đặt xã hội đối diện với thách đố phải tìm ra những câu trả lời ngày càng thích đáng hơn cho thiện ích của con người. Đề tài về hội chứng sau phá thai – nghĩa là tình trạng bất ổn nặng về mặt tâm lý, mà nhiều khi những người phụ nữ nào dùng đến biện pháp phá thai tự nguyện đã cảm nghiệm – cho thấy tiếng nói không thể kìm được của lương tâm luân lý, và vết thương rất nặng nề mà họ phải gánh chịu khi hành động của con người phản bội lại ơn gọi bẩm sinh đối với thiện ích của hữu thể nhân văn. Theo chiều hướng suy tư này, ta cũng cần để ý đến lương tâm, đôi khi còn mập mờ, của những người cha của những đứa trẻ, là những người thường để cho những người phụ nữ mang thai phải cô đơn một mình. Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy rằng lương tâm là “sự phán đoán của lý trí, mà qua đó, con người nhận ra tính chất luân lý của một hành động cụ thể mà con người sắp đưa ra, đang thi hành hay đã hoàn thành” (s. 1778). Thật thế, đó là nhiệm vụ của lương tâm luân lý trong việc biện phân điều tốt với điều xấu trong những tình huống khác nhau của cuộc sống, để dựa trên nền tảng phán đoán này, con người có thể tự do quy hướng về điều thiện hảo. Đối với những ai muốn chối bỏ sự hiện hữu của lương tâm luân lý con người, bằng cách giản lược tiếng nói lương tâm vào kết quả của những điều kiện quyết định bên ngoài, hay với một hiện tượng thuần cảm tính, thì điều quan trọng là ta phải nhắc lại rằng tính chất luân lý của hành động con người không phải là một giá trị ngoại lai hay lựa chọn, và thậm chí cũng không phải là một đặc quyền của các Kitô hữu hay của các tín hữu, nhưng là chung cho hết mọi người. Qua lương tâm luân lý, Thiên Chúa nói với mỗi người, và mời gọi họ bảo vệ sự sống của con người vào mỗi giai đoạn khác nhau. Chính trong mối dây liên kết mỗi người với Đấng Tạo Hoá mà ta có thể tìm thấy phẩm cách sâu xa của lương tâm luân lý, và lý do bất khả xâm phạm của lương tâm.
Qua lương tâm, cả con người – trí tuệ, cảm xúc, ý chí – thực hiện ơn gọi của mỗi người đối với điều thiện, đến độ sự chọn lựa thiện hay ác trong những tình huống cụ thể của cuộc sống cuối cùng rồi cũng ghi đậm nét trên con người qua mỗi cách biểu lộ của mình. Thật thế, cả con người đều bị thương tổn, khi con người hành động ngược lại với điều lương tâm dạy bảo. Tuy nhiên, ngay cả khi con người chối từ chân lý và điều thiện mà Tạo Hoá đề nghị cho con người, thì Thiên Chúa cũng không bỏ mặc con người, nhưng chính qua tiếng nói lương tâm con người, mà Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm và ngỏ lời với con người, để con người nhận ra điều sai trái, và mở lòng đón nhận Lòng Chúa Thương Xót có thể chữa lành bất cứ vết thương nào.
Đặc biệt, để chống lại sự đánh lừa, các y bác sĩ không thể trốn tránh bổn phận nặng nề là bảo vệ lương tâm của nhiều người phụ nữ, những người này nghĩ rằng mình có thể tìm thấy trong sự phá thai giải pháp cho các khó khăn gia đình, kinh tế, xã hội hay những vấn đề về sức khoẻ cho đứa con của mình. Đặc biệt trong trường hợp sau cùng này, người phụ nữ thường bị thuyết phục, đôi khi lại bởi chính các y bác sĩ, rằng sự phá thai không chỉ là một sự lựa chọn hợp pháp về mặt luân lý, nhưng thậm chí còn là một hành động “chữa bệnh”, để tránh những đau khổ cho đứa bé và gia đình của em, và để tránh một gánh nặng ‘bất công’ cho xã hội. Trong một bối cảnh văn hoá mà ý nghĩa của sự sống không được rõ nét, và nhận thức của mọi người về tính nghiêm trọng xét về mặt luân lý của việc phá thai, cũng như các hình thức xâm phạm khác đến sự sống con người, đã bị suy giảm đi một cách đáng kể, thì các y bác sĩ phải có một sức mạnh đặc biệt để tiếp tục khẳng định rằng phá thai không giải quyết được gì hết, nhưng lại giết chết đứa trẻ, huỷ hoại người phụ nữ, và làm mù quáng lương tâm của người cha đứa bé, và lắm khi phá huỷ cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, bổn phận này không chỉ liên quan đến nghề y và những nhân viên y tế. Toàn thể xã hội cần phải bắt đầu bảo vệ quyền sống của những ai được thụ thai, và điều thiện đích thực của người phụ nữ, là người sẽ không bao giờ có thể thể hiện được chính con người mình trong sự chọn lựa phá thai, dầu ở bất cứ ở hoàn cảnh nào. Như những đúc kết trong các khoá làm việc của anh chị em đã nêu rõ, ta cũng không được bỏ qua những giúp đỡ cần thiết phải dành cho các chị em phụ nữ, mà đáng buồn thay, một khi sử dụng biện pháp phá thai, thì giờ đây, họ đã phải trải qua cả một bi kịch luân lý và hiện sinh. Nhiều sáng kiến, ở bình diện giáo phận, hay từ những tổ chức thiện nguyện, mang lại một sự nâng đỡ tâm lý và tinh thần, để phục hồi nhân phẩm toàn diện. Sự liên đới của cộng đoàn Kitô giáo không thể từ chối loại hình đồng trách nhiệm này. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại lời Đức Gioan Phaolô II đáng kính mời gọi các chị em phụ nữ đã từng phá thai: “Giáo Hội biết là đã có biết bao nhiêu quy định có thể đè nặng trên quyết định của chị em, và Giáo Hội không nghi ngờ là trong nhiều trường hợp sự quyết định này rất đau đớn, và thậm chí thật bi thảm. Có thể là vết thương tâm hồn của chị em chưa khép lại. Trong thực tế, điều đã xảy ra đã là, và vẫn là hết sức bất công. Nhưng chị em đừng buông trôi cho thất vọng và đừng từ bỏ lòng cậy trông. Nhưng đúng hơn, hãy biết hiểu rõ điều gì đã xảy ra, và hãy giải thích điều đó trong sự thật. Nếu chị em chưa làm điều này, thì với lòng khiêm nhường và tin tưởng, chị em hãy thật lòng thống hối: Chúa Cha giàu lòng nhân hậu đang chờ đợi chị em, để ban cho chị em ơn tha thứ và bình an của Người qua Bí tích Hoà Giải. Chính qua người Cha này, và qua lòng nhân từ của Người, mà cùng với lòng trông cậy, chị em có thể phó dâng đứa con của chị em cho Chúa. Với những lời khuyên nhủ, và sự hiện diện của những người bạn gái có khả năng, chị em sẽ có thể gia nhập vào số những người bảo vệ có sức thuyết phục nhất quyền được sống của tất cả mọi người bằng chứng tá đau thương của chị em” (Thông điệp Evangelium Vitae Tin Mừng Sự Sống, s. 99).
Lương tâm luân lý của những nhà nghiên cứu khoa học, và của toàn thể xã hội dân sự cũng được bao hàm một cách mật thiết trong đề tài làm việc của anh chị em: sự sử dụng các ngân hàng dây rốn, trong một mục đích lâm sàng và nghiên cứu. Sự nghiên cứu y khoa là một giá trị, và như thế, là một bổn phận không những đối với những nhà nghiên cứu khoa học, nhưng còn đối với cả toàn thể cộng đồng dân sự. Từ đó phát sinh một bổn phận của các cơ quan, là khuyến khích những công cuộc nghiên cứu hợp thức trên bình diện đạo đức học, và giá trị liên đới của mọi người khi tham gia vào những công cuộc nghiên cứu nhằm tăng tiến công ích. Giá trị này, và sự cần thiết của sự liên đới này đã được minh hoạ rõ rệt trong trường hợp sử dụng các tế bào gốc đến từ dây rốn. Đây là những áp dụng lâm sàng quan trọng, và là những công cuộc nghiên cứu đầy hứa hẹn trên bình diện khoa học, nhưng khi thực hiện, thì nhiều áp dụng lâm sàng lại lệ thuộc vào sự quảng đại trên bình diện trao tặng máu dây rốn lúc sinh nở, và lệ thuộc vào sự thích ứng các cấu trúc, để làm cho ý muốn trao tặng của các phụ nữ trong lúc sinh đẻ có thể thực hiện được.
Chính vì thế, tôi khuyến khích tất cả anh chị em trở nên những người khởi xướng một sự liên đới nhân loại và Kitô giáo đích thực và có ý thức. Về điểm này, nhiều nhà nghiên cứu y học cảm thấy bối rối khi nhìn thấy nhan nhản những ngân hàng tư bảo quản máu dây rốn để hoàn toàn sử dụng cho một mục đích cá nhân. Một sự lựa chọn như thế - như đề tài nghiên cứu trong đại hội của anh chị em đã chứng tỏ - không những thiếu tính cao thượng thực sự của khoa học tương ứng với sự hiến tặng dây rốn, mà nó lại còn làm suy yếu đi tinh thần liên đới đích thực, một tinh thần phải thường xuyên khích lệ công cuộc tìm kiếm công ích, mà xét cho cùng là điểm nhắm của khoa học và sự nghiên cứu y học.
Anh chị em thân mến, tôi xin được lặp lại lòng biết ơn của tôi với vị chủ tịch và tất cả các thành viên trong Viện Hàn lâm Giáo hoàng Bảo vệ Sự Sống, về giá trị khoa học và đạo đức trong việc họ cam kết phục vụ điều thiện hảo của con người. Điều mong ước của tôi, đó là anh chị em luôn giữ cho tinh thần phục vụ đích thực của mình được sống động, một tinh thần làm cho tâm trí và tinh thần bén nhạy để có thể nhận ra nhu cầu của con người thời đại chúng ta. Tôi xin rộng lòng ban Phép Lành Toà Thánh cho mỗi người trong anh chị em, và cho những người thân yêu của anh chị em.
Vatican, 26-2-2011
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
G.B. Lưu Văn Lộc dịch
0 bình luận:
Đăng nhận xét